Cấp cứu bé gái 6 tuổi bị rắn lục đuôi đỏ cắn
VTV News đưa tin, bé gái 6 tuổi bị rắn lục đuôi đỏ cắn vừa được khoa Cấp cứu phối hợp cùng khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á Tây Ninh kịp thời cấp cứu thành công. Khoa Cấp cứu tiếp nhận bé gái trong tình trạng đau nhức, sưng và bầm tím nhiều ở vùng vết cắn mu bàn chân phải.
Được biết, trong lúc thức dậy đi vệ sinh, bé bị rắn lục đuôi đỏ cắn, sau đó ngay chỗ vết cắn sưng bầm tím, đau nhiều nên gia đình nhanh chóng đưa bé và con rắn đến Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á Tây Ninh.
Tại khoa Cấp cứu, sau khi nhận được báo động đỏ nội viện, bác sĩ chuyên khoa Nhi lập tức có mặt phối hợp cấp cứu bệnh nhi. Kết quả cho thấy, ngoài sưng đau phù nề cẳng bàn chân phải, bệnh nhi có rối loạn đông cầm máu nội, ngoại sinh mức độ nặng, nguy cơ xuất huyết cao. Sau hội chẩn và tư vấn khẩn với gia đình, bệnh nhi được xử trí kịp thời với huyết thanh kháng nọc rắn và hồi sức khẩn trương.
Sau tiêm huyết thanh, bệnh nhi được chuyển khoa Nhi tiếp tục được theo dõi tình trạng rối loạn đông máu, rối loạn điện giải, tổn thương thận cấp. Hiện tại, sức khỏe bệnh nhi đã ổn định và đã được xuất viện.
Bác sĩ CKI Trần Hồng Lĩnh - khoa Nhi cho biết, rắn lục đuôi đỏ cắn là trường hợp cấp cứu thường xuyên tại Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á Tây Ninh, chỉ riêng trong tháng 11/2023, đã có 7 trường hợp ở cả người lớn và trẻ em bị rắn lục đuôi đỏ cắn đến cấp cứu. Bệnh viện luôn có sẵn huyết thanh kháng nọc rắn nên may mắn các bệnh nhân được xử trí kịp thời, thoát nguy kịch.
XEM THÊM: Bất ngờ bị tủ hồ sơ đè, 4 người phải nhập viện cấp cứu vì đa chấn thương
Qua trường hợp này, bác sĩ khuyến cáo đến phụ huynh nếu trẻ bị rắn cắn, cần bình tĩnh trấn an trẻ, cho trẻ nằm bất động, thực hiện sơ cứu và nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế để tiêm huyết thanh kháng nọc phù hợp. Tuyệt đối không rạch, nặn hút vết thương để lấy nọc, không đắp lá cây lên vết thương vì có thể gây hoại tử nhiễm trùng, nguy hiểm đến tính mạng.
Để phòng ngừa rắn cắn, người dân nên thường xuyên phát quang bụi rậm, giữ vệ sinh nhà cửa thông thoáng, nên ngủ mùng để vừa tránh muỗi đốt vừa tránh rắn và các côn trùng khác tấn công. Đặc biệt, không nên cho trẻ chơi ở những khu vực rậm rạp như bụi cây, đống lá rụng, đống gạch vụn… vì đây thường là những nơi cư trú của rắn.
Bé trai bị đa chấn thương do pin đèn đội đầu phát nổ
Báo Người Lao Động dẫn thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định cho biết đơn vị này vừa cấp cứu thành công cho bệnh nhi H.T.P. (11 tuổi, ngụ huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định) bị đa chấn thương do nổ pin.
Trước đó, lúc 8h15 ngày 30/11, bệnh nhi được đưa vào nhập viện tại khoa Gây mê hồi sức Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định trong tình trạng sốc đa chấn thương do mất máu, có vết thương thấu bụng ở vùng hạ sườn phải, vết thương ở bàn tay phải và rất nhiều vết thương nhỏ ở thành ngực, bụng.
Người nhà của bệnh nhi kể, sáng cùng ngày, bé tò mò tháo lắp pin của đèn đội đầu đã bị hỏng và đổ keo dán 502 vào pin nên phát nổ, gây tai nạn. Các bác sĩ, nhân viên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định phối hợp phẫu thuật cấp cứu cho bệnh nhi ngay sau đó, đồng thời xử lý vết thương bàn tay cho bệnh nhi.
Theo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định, đây là tai nạn hiếm gặp và rất nguy hiểm, có thể gây tử vong nếu bệnh nhi không được phẫu thuật cấp cứu kịp thời. Do đó, cha mẹ cần giáo dục cho trẻ về nguy cơ tai nạn và để ngoài tầm tay của trẻ các vật dụng có khả năng gây tai nạn như vật sắc nhọn, pin hỏng, điện thoại đang sạc pin…, nhằm hạn chế những tai nạn đáng tiếc cho trẻ.
Phẫu thuật đặt điện cực kích thích não sâu cho bệnh nhân Parkinson
Theo báo Công An Nhân Dân, nữ bệnh nhân N.T.M (66 tuổi) kể, bà được chẩn đoán mắc Parkinson 10 năm về trước. Căn bệnh khiến bà bị khó nuốt, mệt nhiều, táo bón và hơn hết là vấn đề tâm lý không tự tin, trầm cảm, tách biệt với mọi người, mọi việc xung quanh. Dù đã uống thuốc liều cao nhưng hiệu quả vận động vẫn kém.
Thông qua hội chẩn toàn Trung tâm Phẫu thuật thần kinh, các chuyên gia Bệnh viện Việt Đức đã thống nhất sử dụng phương pháp phẫu thuật đặt điện cực kích thích não sâu cho người bệnh.
Theo chia sẻ của TS.BS Trần Đình Văn - Khoa Phẫu thuật Thần kinh I, suốt quá trình phẫu thuật, bệnh nhân không có chỉ định gây mê, luôn trong trạng thái tỉnh táo hoàn toàn để có thể kiểm tra các triệu chứng vận động và hiệu quả của điều trị trong mổ, bệnh nhân càng tỉnh táo thì sự hợp tác trong phẫu thuật càng cao.
Sau 1 tuần được các chuyên gia Bệnh viện Việt Đức phẫu thuật đặt điện cực kích thích não sâu, tình trạng của bệnh nhân đã cải thiện rõ rệt. TS.BS Trần Đình Văn đã hướng dẫn bệnh nhân thực hiện các động tác đơn giản sau phẫu thuật, bệnh nhân làm theo thuần thục, nhanh nhẹn và chính xác hơn rất nhiều so với tình trạng trước khi phẫu thuật.
Parkinson là bệnh lý thoái hóa thần kinh thường gặp nhất sau bệnh Alzheimer, chiếm 2% dân số thế giới, thường gặp ở người trên 65 tuổi, bệnh đang có xu hướng trẻ hoá. Bản chất của bệnh Parkinson là thoái hóa não, gây khó khăn trong vận động, sinh hoạt.
Kích thích não sâu không phải là phương pháp có thể chữa trị khỏi bệnh Parkinson và sẽ không ngăn bệnh trở nên nặng hơn, nhưng đây có thể là lựa chọn tốt cho các bệnh nhân đã mắc bệnh này ít nhất 5 năm và thời gian tác dụng của thuốc rút ngắn lại.
Thành công của phương pháp này mở ra cơ hội nâng cao chất lượng sống cho những bệnh nhân Parkinson nặng, giúp bệnh nhân có thể giảm liều thuốc.
Đinh Kim(T/h)