Phẫu thuật lấy thai cho sản phụ bị giảm tiểu cầu mức độ nặng
Theo thông tin trên VTV News, Bệnh viện Bãi Cháy (tỉnh Quảng Ninh) vừa phẫu thuật lấy thai thành công cho sản phụ bị giảm tiểu cầu mức độ nặng, kèm theo vết mổ đẻ cũ. Cụ thể, sản phụ L.T.N. (26 tuổi, trú tại TP.Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) mang thai lần 2, vào viện trong tình trạng chuyển dạ đẻ ở thai tuần thứ 39 vết mổ đẻ cũ. Trước đó, trong quá trình mang thai, sản phụ từng có dấu hiệu bầm tím chân tay, chảy máu chân răng trong thai kỳ. Tuy nhiên, sản phụ chủ quan nghĩ rằng bản thân vô tình bị va đập chấn thương hoặc nóng trong cơ thể.
Kết quả xét nghiệm tiểu cầu (PLT) khi vào viện của sản phụ giảm thấp chỉ còn 60,1 G/L máu (chỉ số PLT bình thường dao động trong mức 150-450 G/L máu). Qua thăm khám lâm sàng, cận lâm sàng, các bác sĩ đã hội chẩn xác định tình trạng sản phụ chuyển dạ đẻ lần 2, thai 39 tuần, ngôi đầu, giảm tiểu cầu chưa rõ nguyên nhân, vết mổ đẻ cũ.
Nhận diện những nguy cơ nguy hiểm đe dọa tính mạng sản phụ và thai nhi, bác sĩ Tô Thị Kim Quy - trưởng tua trực khoa Phụ sản đã ngay lập tức hội chẩn với bác sĩ khoa Huyết học truyền máu, huy động gấp 3 đơn vị tiểu cầu truyền cho sản phụ, ổn định số lượng tiểu cầu và nhanh chóng thực hiện phẫu thuật lấy thai.
Sau 30 phút, các bác sĩ đã phẫu thuật lấy thai thành công đón bé trai 3,1kg chào đời khỏe mạnh, sức khỏe của mẹ ổn định.
Qua trường hợp sản phụ này, các bác sĩ khuyến cáo, giảm tiểu cầu trong thai kỳ được chẩn đoán một cách đơn giản dựa vào số lượng tiểu cầu được định lượng trong công thức máu. Do vậy, phụ nữ mang thai cần theo dõi, kiểm tra sức khỏe định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ tại các cơ sở y tế chuyên khoa uy tín.
Nếu có biểu hiện bất thường trong quá trình mang thai như bầm tím, xuất huyết trên da, chảy máu bất thường…, cần lập tức đến khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa để được bác sĩ tư vấn, điều trị kịp thời.
Bộ Y tế đề nghị Hà Nội giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm ổ dịch sốt xuất huyết
Báo Sức Khỏe & Đời Sống đưa tin, Bộ Y tế vừa có văn bản gửi Chủ tịch UBND TP.Hà Nội về việc tăng cường công tác phòng, chống bệnh sốt xuất huyết. Theo Bộ Y tế, trong thời gian qua, Bộ Y tế và Hà Nội đã thường xuyên chỉ đạo và tổ chức nhiều đoàn kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố.
Tuy nhiên, theo báo cáo ghi nhận tại Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), tính đến ngày 1/12/2023, Hà Nội đã có 37.441 số ca mắc sốt xuất huyết và 4 ca tử vong, riêng trong tuần 48 số mắc vẫn còn rất cao 1.715 trường hợp mắc mới, với 33 ổ dịch mới tại 13 quận, huyện, thị xã và còn 88 ổ dịch đang hoạt động tại 19 quận, huyện, thị xã.
Để kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống dịch và kiểm soát hiệu quả bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố, Bộ Y tế đề nghị Chủ tịch UBND TP.Hà Nội quan tâm chỉ đạo các nội dung, cụ thể:
Nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền các cấp, giao trách nhiệm cụ thể cho chính quyền các cấp và huy động sự tham gia của chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể tại cơ sở phối hợp với ngành Y tế triển khai các chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt loăng quăng/bọ gậy.
Duy trì triển khai tổ phòng, chống sốt xuất huyết cộng đồng, tuyên truyền, hướng dẫn, giám sát việc loại bỏ bọ gậy, lăng quăng với thông điệp "mỗi tuần hãy dành 10 phút để diệt lăng quăng/ bọ gậy" tại hộ gia đình. Tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc chỉ đạo các địa phương, đơn vị triển khai hoạt động phòng, chống bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn.
UBND TP.Hà Nội chỉ đạo Sở Y tế; Giao Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) phối hợp chặt chẽ với các Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương để phân tích, đánh giá tình hình, nguyên nhân gia tăng bệnh sốt xuất huyết và tham mưu công tác chỉ đạo phòng, chống bệnh sốt xuất huyết tại Hà Nội theo Công văn số 928/DP-DT của Cục Y tế dự phòng.
Đồng thời, tiếp tục giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn, phát hiện sớm các ổ dịch sốt xuất huyết; phối hợp với các lực lượng liên quan tăng cường công tác vệ sinh môi trường, diệt loăng quăng bọ gậy triệt để, xử lý ca bệnh, tổ chức phun hóa chất ngay khi phát hiện ổ dịch, đảm bảo hiệu quả, triệt để, không để ổ dịch bùng phát rộng, diễn biến kéo dài.
Tổ chức tốt việc thu dung điều trị bệnh nhân, điều trị đúng phác đồ, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong. Thực hiện tốt việc phân loại bệnh nhân, phân tuyến điều trị, tránh hiện tượng bệnh nhân đến bệnh viện muộn không được cấp cứu, điều trị kịp thời hoặc gây quá tải bệnh viện.
Cùng với đó, tiếp tục đảm bảo hậu cần, kinh phí, thuốc, sinh phẩm, vật tư, hóa chất, trang thiết bị, nhân lực để sẵn sàng phục vụ công tác phòng, chống bệnh sốt xuất huyết và các dịch bệnh khác theo phương châm 4 tại chỗ.
XEM THÊM: Có nên rửa thịt gà trực tiếp dưới vòi nước chảy? Lời khuyên từ chuyên gia
Bộ Y tế đề nghị Chủ tịch UBND TP.Hà Nội chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan truyền thông, báo chí và hệ thống truyền thông cơ sở tiếp tục tăng cường hoạt động truyền thông về phòng, chống bệnh sốt xuất huyết, các khuyến cáo của Bộ Y tế trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Tuyên truyền, cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời để người dân biết, chủ động phòng chống, không hoang mang, lo lắng cũng như không ảnh hưởng đến hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Lọc máu hấp phụ cứu người đàn ông bị tăng mỡ máu, viêm tụy cấp
Theo VTV News, Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (tỉnh Phú Thọ) vừa tiếp nhận trường hợp bệnh nhân nam 45 tuổi vào viện vì đau bụng thượng vị dữ dội kèm buồn nôn, chướng bụng.
Bệnh nhân được chẩn đoán viêm tụy cấp tăng triglycerid và triglycerid vào 41 mmol/l. Nhận định bệnh nhân có nguy cơ diễn biến nặng khi có thể trạng béo phì (BMI > 30), triglyceride cao, cô đặc máu, tụy viêm phù nề, các bác sĩ đã tiến hành lọc máu hấp phụ cấp cứu để giảm nhanh triglycerid và loại bỏ các yếu tố tiền viêm.
Ngoài ra, bệnh nhân phải nhịn ăn tuyệt đối, dinh dưỡng tĩnh mạch... Sau 1 lần lọc, triglycerid đã giảm nhanh từ 41 xuống 10, tình trạng bệnh nhân cải thiện dần, đỡ đau bụng và được tập ăn sau 2 ngày điều trị. Hiện tại, bệnh nhân đang được theo dõi sát tại khoa Hồi sức cấp cứu của bệnh viện.
Viêm tụy cấp là bệnh lý nặng, có nhiều biến chứng như hoại tử tụy, tụ dịch nhiễm khuẩn, suy đa tạng, suy hô hấp tiến triển nặng nếu không được điều trị kịp thời. Tình trạng tăng triglycerid trong viêm tụy cấp làm tăng mức độ nặng lên gấp 2, 3 lần nên cần thực hiện các biện pháp để giảm nhanh triglycerid như thay huyết tương, lọc máu hấp phụ, truyền insulin liên tục…
Lọc máu hấp phụ ngoài giảm nhanh triglycerid còn giúp giảm các yếu tố tiền viêm, giảm tiến triển viêm tụy, cắt đứt vòng xoắn bệnh lý của viêm tụy cấp. Lọc máu hấp phụ không cần dùng đến huyết tương thay thế hoặc albumin nên chi phí thấp hơn.
Đinh Kim (T/h)