Tin tức đời sống mới nhất ngày 11/12/2019. Cập nhật tin đời sống mới ngày 11/12/2019 trên trang Đời sống & Pháp luật.
Người cha chết cóng vì nhường hết chăn cho con gái
Người cha tội nghiệp đã chết cóng vào ngày hôm sau. |
Sáng 7/12, anh Prasarn Homthong, 38 tuổi, được phát hiện đã qua đời khi cô con gái 8 tuổi của anh, bé Panwira Noipha, không thể đánh thức bố mình dậy.
Chuyện đau lòng này xảy ra ở tỉnh Bueng Kan nằm ở phía đông bắc Thái Lan, nơi có nhiệt độ giảm mạnh xuống 9 độ C vào tối hôm đó.
Được biết, ngôi nhà của anh Homthong khá xập xệ, gần như thông với bên ngoài. Song gia đình anh Homthong chỉ có 3 chiếc chăn ấm cho cả anh và con gái.
Bé Noipha nói với các phóng viên vì nghĩ bản thân có thể chịu được thời tiết lạnh giá nên người cha đã đưa tất cả chăn trong nhà cho con gái.
Cuối cùng, người bố 38 tuổi ngủ trên một tấm thảm, toàn thân chỉ mặc một chiếc áo sơ mi dài tay và quần short.
Khi thức dậy vào giữa đêm, Noipha thấy bố cuộn tròn vì lạnh, cô bé đã đắp chăn cho bố mình. Song, Homthong vẫn chết vì lạnh cóng vào sáng hôm sau.
Một nhân viện giám định y tế nói cho biết, anh Homthong đã chết vì cơ thể không điều nhiệt kịp khi nhiệt độ rơi xuống thấp vào ban đêm. Người thân của Homthong cho biết, anh không gặp vấn đề sức khỏe gì trước khi chết.
Anh Homthong đã ly dị vợ, hiện đang sống cùng với cô con gái lớn tên là Natharin Homthong, 14 tuổi, và bé Noipha. Trong đêm đó, Natharin đang ở nhà một người họ hàng chứ không ngủ cùng bố và em.
Hai má sưng đỏ vì tiêm filler làm đẹp ở spa
Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) vừa tiếp nhận nữ bệnh nhân nhập viện trong tình trạng sưng đau, nóng đỏ hai má.
Theo chia sẻ của người bệnh, mạng xã hội gần đây có xu hướng làm đẹp tiêm chất làm đầy (filler) giúp khuôn mặt trở nên đầy đặn hơn, xóa bỏ nếp nhăn và các dấu hiệu lão hóa. Thấy có spa giới thiệu, bệnh nhân đến làm thử.
Sau 2-3 ngày, nữ bệnh nhân thấy 2 má có hiện tượng nóng đỏ, sưng đau nên đã đến bệnh viện để kiểm tra. Các bác sĩ cho hay chất làm đầy da mặt có thể là những chất tổng hợp hoặc tự nhiên. Chúng được tiêm vào các đường, nếp gấp và mô để làm giảm sự xuất hiện của nếp nhăn, phục hồi sự căng đầy trên khuôn mặt.
Song các bác sĩ cũng khuyến cáo phương pháp này chỉ nên thực hiện tại các cơ sở uy tín. Người tiêm filler phải là bác sĩ về tạo hình thẩm mỹ, có chứng chỉ hành nghề. Bên cạnh đó, bạn cần chọn sản phẩm filler có nguồn gốc, kiểm chứng độ an toàn, tinh khiết. Sau khi tiêm, khách hàng cần được theo dõi và xử trí kịp thời để tránh hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Cháu nhậu say cắn mũi bác rồi nuốt luôn vào bụng
Hình ảnh mũi nam bệnh nhân trước, sau khi được tạo hình mũi - Ảnh: Vietnamnet |
Ngày 9/12, PGS.TS.BS Đỗ Quang Hùng – Trưởng khoa Tạo hình thẩm mỹ, bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM cho biết, các bác sĩ của bệnh viện này đã tái tạo mũi thành công cho ông N.B.M. (53 tuổi, ở Cần Thơ) bị cháu ruột cắn đứt lìa do mâu thuẫn trong khi nhậu say.
Theo đó, vào giữa tháng 11/2019 nhà ông M. tổ chức tiệc nên có mời bà con dòng họ đến chung vui ăn uống. Trong bữa tiệc, ông M. cùng vài người đàn ông trong gia đình uống bia rượu rất nhiều, dẫn đến say xỉn.
Sau đó, ông và một người cháu có xảy ra mâu thuẫn, cãi vã. Mọi người có vào can ngăn nhưng do cả 2 say bí tỉ nên không làm chủ được bản thân. Ông M. bị người cháu lao vào xô xát và bất ngờ đè ông xuống, cắn vào vùng mũi. Hậu quả, phần mũi bên phải của ông đứt lìa và bị người cháu… nuốt luôn vào bụng.
Nhanh chóng, bệnh nhân được gia đình đưa tới bệnh viện địa phương thăm khám. Tại đây, bệnh nhân được rửa vết thương, cầm máu rồi chuyển ngay lên bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM điều trị vì tình trạng vết thương quá nặng.
Qua thăm khám, bác sĩ Đỗ Quang Hùng nhận thấy toàn bộ phần sụn, niêm mạc và cánh mũi của ông M. bị cắn đứt hoàn toàn, vết thương hở, nhiễm trùng nặng. Mặc dù không ảnh hưởng đến hô hấp nhưng gây mất thẩm mỹ cho bệnh nhân nên các bác sĩ quyết định tái tạo lại vùng mũi cho ông M..
Ê-kíp bác sĩ đã dùng vách ngăn mũi còn lại để làm phần niêm mạc bên trong, lấy một phần sụn sườn làm trụ mũi, sụn vành tai để tái tạo cánh mũi và vạt da trán để phủ tất cả vùng mũi bên phải của ông M.
Hiện, vùng mũi của ông M. đang dần hồi phục, hết nhiễm trùng, vết thương khô và đã ổn định. Về cơ bản mũi của ông có thể trở lại hình dáng gần như bình thường, tuy nhiên bệnh nhân phải chịu sẹo do vết thương quá lớn.
Bé sơ sinh bỏng nặng, nhiễm trùng máu do nằm than
Bé sơ sinh nằm than bị bỏng - Ảnh: Pháp luật TP. HCM |
Ngày 5/12, bé N.H.M.N. (sinh ngày 27/11/2019, ngụ Bình Phước) được chuyển bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM cấp cứu trong tình trạng sốt cao, lừ đừ, bụng chướng, lưng bị sưng nề, đỏ.
Qua thăm khám, bé được chẩn đoán bị bỏng độ 2, áp xe, nhiễm trùng máu.
Chị N.T.B. (mẹ của bé) cho biết, sau khi sinh bé trời rất lạnh nên người nhà đốt than dưới giường để sưởi ấm cho hai mẹ con. Ngày đầu tiên nằm than bé khóc, sốt nhẹ nhưng bế lên lại nín nên người nhà cứ nghĩ bé đòi mẹ ẵm bồng.
Tới ngày thứ hai, bé sốt cao hơn và liên tục không giảm. Bụng chướng, sờ vùng da lưng thấy cứng, bé khóc nhiều hơn. Sang ngày thứ ba, bé khóc dữ dội, bỏ bú, gia đình không cho bé nằm than nữa và đem bé vào bệnh viện địa phương thăm khám. Tại đây, các bác sĩ ở đây nhận định bé có khả năng bị viêm ruột, sưng mô và chuyển lên tuyến trên.
Sau vài ngày điều trị tại Khoa sơ sinh, bệnh viện Nhi đồng 2, hiện tại, tình trạng sốt của bé có giảm nhưng tổn thương ở lưng không đỡ mà còn diễn tiến nặng hơn.
Vùng lưng của bé nổi bóng nước, da phập phều lên, vùng trung tâm bị hoại tử. Bé được rạch dẫn lưu mủ, điều trị chỗ áp xe, đồng thời tiếp tục điều trị kháng sinh. Dự kiến mất 20-30 ngày, bé mới có thể lành vết thương và hồi phục.
Quỳnh Chi(T/h)