Nhập viện cấp cứu sau khi uống nhầm hơn 7 viên Paracetamol
Báo Giáo Dục và Thời Đại thông tin, khoa Cấp cứu Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An vừa tiếp nhận bệnh nhi N.P.A (10 tuổi, thường trú tại xã Kim Song Trường, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) có dấu hiệu ngộ độc Paracetamol do sử dụng quá liều.
Người nhà bệnh nhi cho biết, vào 12h ngày 24/5, trẻ uống nhầm hơn 7 viên thuốc Paracetamol 500mg (khoảng 159 mg/kg). Sau khi uống, bệnh nhi bị mệt lả, nôn nhiều ra dịch vàng lẫn thức ăn, ở nhà chưa xử trí gì.
Tại bệnh viện, bệnh nhi được theo dõi ngộ độc Paracetamol. Bác sĩ tiến hành cấp cứu ban đầu, sử dụng thuốc giải độc gan. Khi ổn định, bệnh nhi đươc chuyển lên khoa Hồi sức tích cực – Chống độc để tiếp tục điều trị.
Theo TS.BS nội trú Trần Văn Cương - Phó giám đốc bệnh viện, Trưởng khoa Cấp cứu - Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, ngộ độc thuốc thường hay gặp ở trẻ như thuốc hạ sốt, thuốc điều trị tiêu chảy (oresol), thuốc nhỏ mũi…, đặc biệt là ngộ độc Paracetamol do sử dụng quá liều (>150 mg/kg).
Vì tính nguy hiểm và hậu quả nghiêm trọng của việc bị ngộ độc thuốc hạ sốt Paracetamol ở trẻ, bác sĩ đặc biệt “cảnh báo” các cha mẹ phải “thận trọng” hơn khi sử dụng, bảo quản thuốc hạ sốt Paracetamol cho trẻ.
Nếu có dấu hiệu nghi ngờ ngộ độc thì cần nhập viện sớm để xử trí kịp thời, tránh dẫn đến biến chứng nguy hiểm. Bên cạnh đó, khi trẻ bị sốt, cần đưa bé đến cơ sở y tế chuyên khoa Nhi để được bác sĩ thăm khám và chẩn đoán chính xác nguyên nhân, từ đó có biện pháp điều trị kịp thời.
Chấn thương tinh hoàn khi đá bóng
Ngày 31/5, tờ Tri Thức Trực Tuyến thông tin về trường hợp của nam bệnh nhân N.V.T. (35 tuổi, sống ở Bắc Ninh). Theo đó, người bệnh bị sưng đau bìu phải sau khi bị đối thủ đá vào vùng kín. Về nhà, anh tự chườm lạnh vào khu vực bị đau nhưng không đỡ.
Một ngày sau đó, bệnh nhân tới Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) thăm khám trong tình trạng tinh hoàn phải sưng nề, bầm tím, tụ máu lớn vùng bìu phải, tinh hoàn phải vỡ hai vị trí ở nhu mô (kích thước 2x3 cm và 1x2cm, mất 50%).
Hình ảnh siêu âm cho thấy bệnh nhân mất nhu mô 1/3 dưới tinh hoàn phải. Các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật lấy máu tụ, khâu cầm máu, bảo tồn tinh hoàn phải cho người bệnh. 3 ngày sau, sức khỏe của bệnh nhân ổn định, được bác sĩ cho xuất viện về nhà.
Nhân trường hợp này, PGS.TS Nguyễn Quang - Giám đốc Trung tâm Nam học, khuyến cáo bên cạnh các môn võ thuật đối kháng trực tiếp, các môn thể thao thông thường như bóng đá, bóng chuyền, bóng bầu dục, cầu lông… nam giới cần trang bị đồ bảo hộ để bảo vệ vùng kín, tránh chấn thương không đáng có. Trong trường hợp thấy bộ phận sinh dục có dấu hiệu bất thường, cần đến cơ sở chuyên khoa uy tín để thăm khám, điều trị kịp thời.
Gắp thành công đỉa ký sinh trong mũi bé 8 tháng tuổi
Theo VOV, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn vừa gắp thành công con đỉa ký sinh trong mũi bệnh nhi H.V.T (8 tháng tuổi, ở xã Tràng Phái, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn). Bệnh nhi nhập viện ngày 29/5 trong tình trạng chảy máu mũi bên phải.
Tiến hành nội soi mũi, các bác sĩ khoa Tai – Mũi – Họng phát hiện một con đỉa dài khoảng 2cm ký sinh bên trong mũi bệnh nhi. Vì con đỉa trơn và thường xuyên di động nên quá trình gắp con vật ra khỏi khoang mũi gặp nhiều khó khăn.
Ngày 30/5, ekip phẫu thuật gắp thành công dị vật ra khỏi mũi bệnh nhi. Sức khỏe của bệnh nhi hiện ổn định, đã được bác sĩ cho ra viện.
Người nhà bệnh nhi cho biết nguyên nhân có thể là gia đình thường xuyên lấy nước ở khe suối gần nhà để tắm cho em bé, sau đó phát hiện bé chảy máu mũi liên tục và kéo dài nên đưa đến bệnh viện kiểm tra.
Đinh Kim (T/h)