Gắp thành công con vắt đang di chuyển trong mắt bé 4 tuổi
Theo bác sĩ CKI Chẩu Thanh Thúy, khoa Mắt - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang, đơn vị này vừa tiếp nhận bệnh nhi T.M.K. (4 tuổi, trú tại xã Tiến Bộ, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang) trong tình trạng nhức và chảy máu mắt.
Tờ Tri Thức Trực Tuyến dẫn lời kể của gia đình cho biết chiều ngày 26/5, bệnh nhi đi chơi và tắm ở suối gần nhà, sau đó xuất hiện tình trạng bị cộm, chảy máu mắt. Gia đình nghi có dị vật trong mắt bệnh nhi nên đã đưa bé đến bệnh viện thăm khám vào sáng hôm sau.
Qua kiểm tra, bác sĩ phát hiện một con vắt đang di chuyển trong kết mạc cùng đồ mi trên mắt trái của bệnh nhi và cẩn thận thực hiện gắp dị vật thành công. Bệnh nhi được kê đơn thuốc và ra về trong ngày.
Bác sĩ Thúy chia sẻ, rất may người nhà đưa bệnh nhi đến bệnh viện xử lý kịp thời. Nếu đưa đến chậm thì sẽ khó khăn trong việc gắp con vắt. Con vật có thể bám sâu vào giác mạc hút máu, gây mù lòa.
Nhân trường hợp này, bác sĩ khuyến cáo mọi người không nên bơi lội hoặc rửa mặt, uống nước tại các khe suối. Nếu phát hiện có dị vật trong mắt, tai mũi họng thì nên đến cơ sở y tế thăm khám càng sớm càng tốt để được bác sĩ điều trị kịp thời.
Cứu sống bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp
Báo Sức Khỏe & Đời Sống thông tin, bệnh nhân J.J.V (72 tuổi, người Mỹ) vừa đến Việt Nam khoảng 7 ngày. Trong lúc sinh hoạt, người bệnh đột ngột đau ngực trái dữ dội nên được gia đình đưa đến y tế địa phương khám, sau đó chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ.
Thời điểm nhập viện, bệnh nhân ở trong tình trạng huyết áp tăng, đau ngực trái dữ dội, vã mồ hôi, tay chân lạnh, bức rứt, vật vã. Được biết, bệnh nhân có bệnh lý tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu.
Theo kết quả điện tâm đồ, người bệnh bị nhồi máu cơ tim cấp trước rộng, tình trạng rất nguy kịch. Các bác sĩ đã tiến hành xử trí cấp cứu và thực hiện quy trình báo động đỏ nội viện, bỏ qua mọi thủ tục hành chính, bệnh nhân được chuyển thẳng lên phòng can thiệp mạch vành.
Ekip can thiệp thực hiện chụp mạch vành ghi nhận bệnh nhân bị hẹp nặng đoạn gần động mạch liên thất trước (95%), tắc đoạn giữa kèm huyết khối động mạch liên thất trước, động mạch vành phải thiểu sản, hẹp 80-90%.
Các bác sĩ can thiệp thành công sang thương bằng cách nong bóng và đặt 2 stent phủ thuốc, thời gian tái thông mạch vành 25 phút. Sau can thiệp, người bệnh tỉnh, dấu hiệu sinh tồn ổn định, giảm đau ngực, hiện đang được theo dõi, điều trị và chăm sóc tại khoa Tim mạch can thiệp.
Chiếc nhẫn mắc kẹt trong thực quản bé 2 tháng tuổi
Ngày 30/5, báo Tiền Phong thông tin về trường hợp của bé gái 2 tháng tuổi vừa được chuyển đến một bệnh viện tư nhân ở TP.HCM. Bệnh nhi nhập viện với biểu hiện tăng tiết đờm nhớt, khó thở.
Người nhà cho biết trước đó bệnh nhi được đeo một chiếc nhẫn trên tay. Khi đói, bé đưa tay vào miệng mút theo thói quen thì bất ngờ có biểu hiện ho sặc sụa, đỏ mặt, khó thở. Ngay lập tức, gia đình đưa bệnh nhi tới bệnh viện cấp cứu.
Các bác sĩ tiến hành chụp X-quang kiểm tra thì phát hiện hình ảnh cản quang của dị vật dạng kim loại giống chiếc nhẫn nằm trong thực quản đoạn thực quản ngực của bệnh nhi. Dị vật có hoa văn được trang trí tạo thành những góc cạnh nhọn và sắc nguy cơ gây tổn thương thực quản của trẻ.
Sau khi hội chẩn nhanh, các bác sĩ quyết định thực hiện phương pháp nội soi gắp dị vật. Bằng thiết bị nội soi chuyên dụng cho bệnh nhi, các bác sĩ đã lấy thành công chiếc nhẫn ra khỏi thực quản.
Bệnh nhi may mắn không bị tổn thương thực quản. Sau thủ thuật can thiệp lấy dị vât, sức khỏe của bệnh nhi hiện đã bình phục tốt.
Đinh Kim(T/h)