Người phụ nữ mang khối u buồng trứng nặng hơn 7kg
Theo chuyên trang Gia Đình & Xã Hội, thông tin từ Bệnh viện Ung bướu Hà Nội cho biết, các bác sĩ đơn vị này vừa phẫu thuật thành công khối u buồng trứng ác tính “khổng lồ”, nặng hơn 7kg cho bệnh nhân.
Theo đó, cách đây hơn 1 năm, bà H. (53 tuổi, ở quận Hoàng Mai, Hà Nội) phát hiện bị ung thư buồng trứng, tràn dịch màng phổi với triệu chứng ban đầu là chướng bụng, khó thở. Bệnh nhân đã được điều trị hóa chất tiền phẫu. Tuy nhiên, trong quá trình điều trị, bệnh nhân đáp ứng với hóa chất kém khiến bệnh tiến triển. Do đó, người bệnh được chuyển phẫu thuật tại khoa Ngoại vú - Phụ khoa.
Tại đây, kết quả chụp cắt lớp vi tính cho thấy, bệnh nhân có khối lớn nằm trong ổ bụng, kích thước 30x40cm, đè đẩy các tạng trong ổ bụng và tiểu khung, nhiều dịch màng phổi phải. Sau hội chẩn, các bác sĩ quyết định chọc dịch màng phổi để gây mê và mổ cắt khối ung thư lớn của buồng trứng để cứu bệnh nhân.
TS.BS Vũ Kiên - Phó Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, Trưởng khoa Ngoại vú - Phụ khoa cho biết, ca phẫu thuật gặp nhiều khó khăn do khối u trong ổ bụng có kích thước lớn, chiếm toàn bộ ổ bụng, choán hết vùng tiểu khung lên đến thượng vị, sát mặt dưới gan và dạ dày, nhiều thùy múi gồm cả phần đặc, màu vàng và phần nang chứa dịch vàng trong. Mạc nối lớn vây quanh và dính chặt mặt trước u.
Quá trình gỡ dính toàn bộ khối u, phẫu thuật viên nhận thấy khối này xuất phát từ buồng trứng trái, mạch máu tăng sinh rất nhiều, dính chặt vào thành chậu hông hai bên, dính mặt trước trực tràng và mặt sau bàng quang, nhiều quai ruột non vây quanh và dính chặt vào khối u.
Vì vậy, việc gỡ dính cắt toàn bộ khối u buồng trứng trái “khổng lồ” gặp nhiều khó khăn. Ngoài khối u lớn, ổ bụng còn có nhiều nhân di căn phúc mạc. Ekip phẫu thuật đã tiến hành lấy tối đa nhân di căn phúc mạc ổ bụng...
Theo bác sĩ Kiên, trong quá trình phẫu thuật, bệnh nhân mất khá nhiều máu do xâm lấn, bóc tách và máu nằm trong khối u. Bệnh nhân được truyền bù máu trong mổ và hồi sức tích cực. May mắn, ca phẫu thuật thành công, bệnh nhân hồi phục tốt. Sau 8 ngày chăm sóc tích cực, sức khỏe của bệnh nhân đã dần ổn định.
Từ trường hợp này, các bác sĩ khuyến cáo, ung thư buồng trứng là "kẻ giết người thầm lặng". Do đó, người bệnh, đặc biệt là phụ nữ cần thường xuyên khám sức khỏe định kỳ tại các cơ sở chuyên khoa để sàng lọc, phát hiện và điều trị sớm các bệnh lý ung thư nói chung và ung thư buồng trứng nói riêng, tránh để khối u phát triển, gây những hệ lụy đáng tiếc cho sức khỏe.
3 người trong một gia đình nhập viện sau khi ăn thịt cóc
Báo Gia Lai đưa tin sáng 30/8, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai đang chữa trị cho các trường hợp trong một gia đình ngộ độc sau ăn thịt cóc ở huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai). Theo thông tin ban đầu, các bệnh nhân là anh K.T (28 tuổi, làng Ia Bâu, xã Chư Pơng, huyện Chư Sê) và vợ là chị R.M.H (24 tuổi) cùng con trai là R.M.Y.T (6 tuổi).
Trước đó, vào tối 29/8, gia đình anh T. có làm thịt cóc để ăn với cơm, trong đó có phần trứng cóc. Sau khi ăn, cả 3 có biểu hiện đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy nên được đưa đi cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện Chư Sê.
Sau đó, các bệnh nhân được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai trong tình trạng tỉnh táo song vẫn đau bụng và buồn nôn. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán cả 3 bị ngộ độc thực phẩm do ăn thịt và trứng cóc.
Hiện anh T. và chị H. đang được điều trị ở khoa Hồi sức tích cực - Chống độc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai, còn cháu T. đang được điều trị ở Bệnh viện Nhi tỉnh Gia Lai với sức khỏe đã tạm thời ổn định.
Bác sĩ Rơ Châm Wuch ở khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai cảnh báo, thịt cóc là thực phẩm có nhiều chất dinh dưỡng nhưng cũng rất nguy hiểm nếu ăn phải một số bộ phận có độc tính cao như trứng, nội tạng, da…
Chất độc của một con cóc đủ gây tử vong 4-5 người khỏe mạnh, vì vậy nhiều người ăn vào có thể tử vong ngay sau vài tiếng đồng hồ nếu không được cứu chữa kịp thời.
Bị rết cắn khi đang làm việc tại gia đình
VietNamNet dẫn thông tin từ Trung tâm Y tế huyện Thanh Sơn (tỉnh Phú Thọ) cho biết, các bác sĩ liên tiếp cấp cứu cho hai bệnh nhân bị rết cắn khi đang làm việc tại gia đình.
Cụ thể, bệnh nhân N.T.T. (65 tuổi, trú tại thị trấn Thanh Sơn, huyện Thanh Sơn) bị rết chui vào trong ủng cắn khi đang làm vườn. Người thân đã đưa bà T. vào bệnh viện cấp cứu trong tình trạng đau nhức, nôn ói, tức ngực.
Trường hợp khác là nữ bệnh nhân tên V.T.D. (78 tuổi, trú tại xã Sơn Hùng, huyện Thanh Sơn) vào viện trong tình trạng đau nhức sưng nề tay, toàn thân mệt, buồn nôn. Theo người bệnh, khi đang thu dọn đồ đạc ở góc nhà, bà bị một con rết cắn vào tay.
Bác sĩ CKI Mai Giang Nam - Trưởng khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực và Chống độc Trung tâm Y tế huyện Thanh Sơn chia sẻ, sau 1-2 ngày điều trị, sức khỏe người bệnh ổn định và có thể xuất viện.
Theo bác sĩ Nam, rết là loài vật khá hung dữ và dễ tấn công con người nếu vô tình chạm phải. Người bị rết cắn có thể gây dị ứng da, sưng, nóng, đỏ đau tại vết đốt. Bệnh nhân có tiền sử dị ứng với côn trùng đốt có thể gặp phải tình trạng chóng mặt, ù tai, sốt, thậm chí sốc phản vệ.
Do đó, khi bị côn trùng cắn, người dân cần rửa sạch vết thương, vết cắn dưới vòi nước chảy, có thể dùng thêm xà phòng và rửa lại bằng nước sạch, sau đó chườm lạnh tại chỗ giúp giảm sưng, đau.
Nếu vết cắn lớn và có biểu hiện chóng mặt, buồn nôn, ù tai, co giật, nạn nhân cần được đưa đến cơ sở y tế gần nhất để điều trị kịp thời. Lưu ý, không xoa bóp xung quanh vết thương để tránh làm chất độc phát tán nhanh, không tự ý đắp hoặc bôi thuốc.