Ho mãi không khỏi, đi khám phát hiện điều bất ngờ
Theo VTC News, gia đình bé K. (Hà Nội) cho biết, bé thường ho nhiều vào buổi sáng, mỗi cơn ho kéo dài hơn một giờ đồng hồ. Cách đây khoảng 2 tháng, khi thấy bé ho nhiều kèm theo sốt, gia đình đưa bé đến phòng khám gần nhà kiểm tra, bé được chẩn đoán bị viêm phổi. Tuy nhiên, sau bốn đợt điều trị kháng sinh, mỗi đợt kéo dài từ 5-7 ngày, tình trạng ho của bé không thuyên giảm.
Lúc này, gia đình đưa bé đến bệnh viện kiểm tra, chụp X-quang phát hiện dấu hiệu giãn phế quản bất thường. Bác sĩ chỉ định chụp CT, kết quả có dị vật nằm trong lòng phế quản bên phải của bé.
Dị vật được lấy ra là một hạt na mắc kẹt trong đường thở. Khi đó, mẹ của bé nhớ lại cách đây 2 tháng có cho bé ăn na và bị sặc nhưng không ai ngờ rằng bé hóc hạt na vào hệ hô hấp. Sau khi dị vật được lấy ra, bé hết ho, ăn uống và sinh hoạt bình thường trở lại và được xuất viện sau 2 ngày.
Bác sĩ khuyến cáo các bậc phụ huynh cần lựa chọn đồ chơi phù hợp với lứa tuổi và cẩn thận khi cho trẻ uống thuốc. Đối với trẻ dưới 3 tuổi, nên sử dụng thuốc bột, siro hoặc nghiền nhỏ viên thuốc. Cần giám sát trẻ khi ăn uống, không để trẻ vừa ăn vừa đùa giỡn, chạy nhảy hay ép ăn khi đang khóc để tránh nguy cơ hóc dị vật.
Nếu trẻ bị hóc dị vật, phụ huynh không nên cố gắng dùng tay hoặc các dụng cụ để móc dị vật ra vì có thể làm dị vật chui sâu hơn hoặc gây tổn thương vùng hầu họng. Tránh áp dụng các biện pháp dân gian như nuốt cơm, trái cây...vì có thể làm tình trạng nghiêm trọng hơn. Đối với những trường hợp viêm phổi kéo dài và ho tái diễn, cần nghĩ đến khả năng có dị vật trong phế quản.
Bị ong vò vẽ đốt khi đang ngồi ở nhà, 2 mẹ con nhập viện cấp cứu
VietNamNet đưa tin chị N.T.M. và con trai 5 tuổi (trú tại Thanh Sơn, Phú Thọ) được người nhà đưa vào Trung tâm Y tế huyện Thanh Sơn cấp cứu trong tình trạng chóng mặt, đau đầu, toàn thân rét run, khó thở.
Một giờ trước khi vào viện, mẹ con chị M. đang ngồi ở nhà, bất ngờ bị bầy ong vò vẽ đốt. Vùng da đầu của 2 người bệnh xuất hiện nhiều nốt đốt, bầm tím, rướm máu, kích thước khoảng 3-4mm và nhiều triệu chứng khác.
Tại bệnh viện, 2 mẹ con được chẩn đoán phản vệ độ 2 do ong đốt. Các bác sĩ đã tiến hành cấp cứu và điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế. Hiện tại, cả hai ổn định sức khỏe, tình trạng khó thở giảm dần và tiếp tục theo dõi tại khoa, dự kiến có thể xuất viện sau vài ngày tới.
Bác sĩ CKI Mai Giang Nam - Trưởng khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực và Chống độc Trung tâm Y tế huyện Thanh Sơn, cho biết khi bị ong đốt, người bệnh sẽ đối diện với 3 nguy cơ nguy hiểm đến tính mạng:
- Sốc phản vệ do nọc độc của ong.
- Biến chứng suy đa tạng do nọc độc của ong hay gặp nhất là suy thận cấp, suy gan cấp, rối loạn đông máu.
- Nhiễm trùng do vi khuẩn xâm nhập qua vết đốt của ong, nguy hiểm nhất là vi khuẩn uốn ván.
Vì vậy, người dân nếu bị ong đốt cần đến ngay cơ sở y tế uy tín gần nhất để được cấp cứu và theo dõi sức khỏe kịp thời.
Người phụ nữ 45 tuổi mang khối u xơ tử cung “khủng”
Theo báo Đồng Nai, nữ bệnh nhân N.T.K.T. (45 tuổi, ngụ xã Tân An, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) có khối u xơ tử cung “khủng” vừa được các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai phẫu thuật, lấy ra khỏi cơ thể.
Người bệnh nhập viện khi thấy bụng to bất thường, 2 hông căng cứng, khó thở, ăn uống và đi tiểu khó khăn. Kết quả thăm khám và siêu âm cho thấy, bệnh nhân có khối u xơ tử cung rất lớn, chiếm hết ổ bụng và chèn ép các cơ quan xung quanh như ruột, niệu quản, mạch máu lớn. Do đó, tử cung của bệnh nhân không còn cấu trúc bình thường.
Ekip phẫu thuật sau đó đã hội chẩn và thực hiện ca phẫu thuật bóc tách khối u, cắt bỏ tử cung cho bệnh nhân. Sau 3 giờ đồng hồ, các bác sĩ đã lấy trọn khối u nặng 4kg ra khỏi cơ thể bệnh nhân. Đến nay, sức khỏe bệnh nhân đã ổn định.
Ths.Bs Nguyễn Mạnh Hoan - Trưởng khoa Sản Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai chia sẻ, hầu hết u xơ tử cung đều lành tính song vẫn có u ác tính. Thời gian gần đây, bệnh viện tiếp nhận nhiều trường hợp có u xơ tử cung, u nang buồng trứng kích thước lớn. Những khối u này có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như rong kinh làm cho người bệnh thiếu máu, suy nhược cơ thể, mất ngủ, ăn kém.
U xơ lớn sẽ chèn ép hệ niệu, làm cản trở sự lưu thông của nước tiểu từ thận xuống và đi ra ngoài. Nếu bị ứ nước ở thận lâu ngày sẽ gây suy thận hoặc có thể làm thận hư, phải ghép thận…
Do vậy, bác sĩ Hoan khuyến cáo, chị em phụ nữ nên đi khám phụ khoa định kỳ để phát hiện và điều trị bệnh sớm (nếu có), tránh những hậu quả đáng tiếc.