Cứu sống bệnh nhân nhiễm khuẩn huyết
Sau gần 2 tuần điều trị tại đơn vị Hồi sức tích cực, Bệnh viện đa khoa Thiện Hạnh, tỉnh Đắk Lắk, cụ bà người Campuchia bị nhiễm khuẩn huyết, tổn thương đa cơ quan đã qua cơn nguy kịch, phục hồi tốt và được xuất viện, VOV đưa tin.
Cụ bà sinh năm 1949, quốc tịch Campuchia, sinh sống tại huyện Bu Nrieng, tỉnh Mondulkiri giáp biên giới Việt Nam.
Ngày 4/8, bệnh nhân được đưa đến Bệnh viện đa khoa Thiện Hạnh trong tình trạng nguy kịch, lơ mơ, khó thở, sốt cao liên tục. Sau thăm khám và thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết, phát hiện bệnh nhân bị viêm phổi, tổn thương gan, tiểu cầu giảm nặng, các bác sĩ nhận định khả năng cao là nhiễm khuẩn huyết và tổn thương đa cơ quan.
Các bác sỹ đã tiến hành hồi sức hô hấp tích cực; tiêm kháng sinh phổ rộng để ức chế và tiêu diệt một số vi sinh vật gây bệnh; hỗ trợ chức năng các cơ quan và cấy máu làm kháng sinh đồ. Sau 2 ngày điều trị tại đơn vị Hồi sức tích cực, bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, ăn uống được, hết sốt, các rối loạn chức năng cơ quan dần hồi phục.
Ghi nhận ca mắc bệnh sởi đầu tiên trong năm 2024 tại Quảng Ngãi
Ngày 22/8, Sở Y tế tỉnh Quảng Ngãi xác nhận, trên địa bàn vừa ghi nhận ca bệnh sởi đầu tiên trong năm 2024. Đây là bệnh nhi từng ở vùng dịch TP HCM về Quảng Ngãi và được ghi nhận mắc vi rút bệnh sởi.
Trước đó, sáng 16/8, bệnh nhi ở thôn An Ba, xã Hành Thịnh, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi, được đưa vào viện cấp cứu trong tình trạng sốt, da phát ban, ho có đờm nhiều, mắt đỏ, chảy nhiều ghèn. Qua khai thác tiền sử, thăm khám bệnh và tiến hành xét nghiệm, các bác sĩ Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh chẩn đoán bệnh nhi bị sởi biến chứng viêm phổi nặng, viêm kết mạc.
Do đó, các bác sĩ đã bố trí phòng điều trị cách ly, cho bệnh nhân thở ôxy, truyền dịch nuôi dưỡng, dùng thuốc kháng sinh và điều trị theo triệu chứng bệnh. Sau 5 ngày điều trị, đến nay, sức khỏe bệnh nhân đã ổn định, hết sốt và được tiếp tục theo dõi tại Khoa bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh.
Bé trai nhập viện cấp cứu sau 1 tháng bị chó cắn
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) vừa tiếp nhận bệnh nhi 8 tuổi được Bệnh viện Đa khoa Sơn La chuyển đến với chẩn đoán theo dõi bệnh dại. Một tháng trước, cháu bé bị chó lạ cắn vào má phải. Bố mẹ đã cho con đi tiêm phòng uốn ván, không tiêm phòng dại.
Gần đây, bé sốt 38,5 độ C kèm đau đầu, buồn nôn, mất ăn ngủ, sợ nước, sợ gió. Bác sĩ chẩn đoán trẻ theo dõi bệnh dại và chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
Bác sĩ Đặng Hoàng Điệp, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, bệnh nhi được đưa vào khoa trong tình trạng kích thích, sợ nước, sợ gió, sợ ánh sáng, không ăn uống được. Sau khi được bác sĩ trao đổi tình trạng bệnh, chỉ sau hơn 2 giờ nhập viện, gia đình đã xin đưa bệnh nhi về nhà.
Dại là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Người bị mắc bệnh do bị lây truyền virus dại qua vết cắn, vết cào, liếm của động vật dại (thường là chó, mèo), tỷ lệ tử vong gần như 100%.