+Aa-
    Zalo

    Tin tức đời sống 2/10/2024: Người đàn ông khổ sở vì viên sỏi thận nặng 700g

    (ĐS&PL) - Tin tức đời sống mới nhất ngày 2/10/2024. Cập nhật tin tức đời sống mới nhất ngày 2/10/2024 trên trang Đời sống & Pháp luật.

    Người đàn ông khổ sở vì viên sỏi thận nặng 700g

    Theo VOV, nam bệnh nhân 45 tuổi ở huyện Krông Ana (tỉnh Đắk Lắk) nhập viện vào ngày 21/9 trong tình trạng đau quặn vùng bụng dưới, cơ thể suy nhược, mệt mỏi, tái nhợt, tiểu ra máu. Qua sàng lọc, các bác sĩ phát hiện có một khối u trong lòng bàng quang kèm khối sỏi rất to, cần phải phẫu thuật.

    Bác sĩ Nguyễn Ngọc Hoàng - Trưởng khoa Thận tiết niệu Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cho biết, bệnh nhân tiểu ra máu, bị suy thận nên phải truyền nhiều đơn vị máu mới có thể phẫu thuật.

    Ca phẫu thuật gặp nhiều khó khăn vì viên sỏi quá to và dính trong bướu bàng quang và chèn ép 2 miệng niệu quản nên e kíp phải mổ lấy viên sỏi một phần và cắt khối u bàng quang, giải phóng niệu quản để thông nước tiểu.

    Sau ca phẫu thuật kéo dài gần 2 giờ, ekip mổ tại khoa Thận tiết niệu Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên đã lấy từ trong bàng quang của nam bệnh nhân một viên sỏi nặng 700g.

    Ekip phẫu thuật lấy từ trong bàng quang của nam bệnh nhân một viên sỏi nặng 700g. Ảnh: VOV

    Ekip phẫu thuật lấy từ trong bàng quang của nam bệnh nhân một viên sỏi nặng 700g. Ảnh: VOV

    Cũng theo bác sĩ Hoàng, bệnh nhân phát hiện có khối u ở bụng dưới nhưng đã không đi điều trị cho đến khi sức khỏe suy kiệt, quá đau mới nhập viện. Do đó, bác sĩ Hoàng khuyến cáo các bệnh nhân khi phát hiện cơ thể có dấu hiệu bất thường phải đến các cơ sở y tế để thăm khám điều trị kịp thời.

    “Sỏi là dị vật, để lâu ngày trong bàng quang đầu tiên nó gây viêm nhiễm, lâu ngày gây ra chèn ép và biến loạn tế bào rồi gây biến chứng như u bàng quang. Lâu ngày nữa, sẽ chèn ép hai lỗ miệng niệu quản, tắc 2 ống đó nước tiểu sẽ ứ lại trên thận gây suy thận. Từ đó, bệnh nhân sẽ mất máu", bác sĩ Hoàng phân tích và cho biết hiện tại bệnh nhân đã ổn định.

    Cứu người đàn ông bị rắn hổ mang cắn

    Tạp chí Tri Thức đưa tin, Trung Y tế huyện Thanh Thủy (Phú Thọ) vừa tiếp nhận một trường hợp người bệnh vào viện khi bị rắn hổ mang cắn giờ thứ 1.

    Theo chia sẻ của gia đình bệnh nhân, trước khi vào viện 30 phút, người đàn ông bị rắn cắn. Gia đình đã chụp lại được hình ảnh con rắn này. Thấy ngón tay đau nhiều, gia đình nhanh chóng đưa người bệnh đến cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện Thanh Thủy.

    Sau khi thăm khám kết hợp với tham khảo hình ảnh do gia đình chia sẻ, các bác sĩ xác định bệnh nhân bị rắn hổ mang cắn giờ thứ 1. Người bệnh cũng lập tức được thực hiện các sơ cứu ban đầu, sau đó chuyển tiếp đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ để tiếp tục theo dõi và điều trị.

    Việc sơ cứu khi bị rắn độc cắn rất quan trọng. Ảnh minh họa: NY Times

    Việc sơ cứu khi bị rắn độc cắn rất quan trọng. Ảnh minh họa: NY Times

    Bác sĩ CKI Phùng Thị Thúy Nga - phụ trách khoa Cấp cứu, Hồi sức tích cực và Chống độc, Trung tâm Y tế huyện Thanh Thủy, cho biết số người nhập viện do bị rắn độc cắn thường có xu hướng gia tăng vào mùa mưa.

    Bác sĩ Nga nhấn mạnh việc sơ cứu khi bị rắn độc cắn rất quan trọng. Nếu sơ cứu không đúng cách, nạn nhân có nguy cơ bị hoại tử chi, nhiễm trùng máu, thậm chí không cứu được.

    Sau khi bị rắn độc cắn, người bệnh sẽ đau rát nghiêm trọng tại vết thương trong vòng 15-30 phút. Vết cắn sau đó có thể sưng nề và bầm tím, đôi khi lan rộng lên khắp cánh tay hoặc chân và gây hoại tử da.

    Nạn nhân còn xuất hiện một số dấu hiệu khác như buồn nôn, khó thở, cảm giác cơ thể yếu dần đi, thấy có mùi vị kỳ lạ trong miệng, nói khó, mờ mắt, khó thở, liệt toàn thân, loạn nhịp tim… thậm chí ngưng thở do liệt các cơ hô hấp.

    Khi thấy người bị rắn cắn, người dân có thể sơ cứu theo những bước sau:

    - Động viên người bệnh

    - Không để người bệnh tự đi lại vì có thể làm cho nọc độc phát tán nhanh hơn vào cơ thể

    - Bất động chân/tay bị cắn (có thể bằng nẹp), để bộ phận có vết cắn ở vị trí thấp hơn vị trí của tim

    - Cởi các đồ trang sức (nhẫn, vòng) ở vùng bị cắn

    Nếu bị các loại rắn hổ (hổ mang chúa, cạp nong, cạp nia, rắn biển, rắn hổ mang thường) cắn có thể gây liệt. Lúc này, người sơ cứu cần áp dụng kỹ thuật băng ép bất động. Có thể băng vết cắn bằng các băng chun giãn, băng vải hoặc tự tạo từ khăn, quần áo.

    Lưu ý, không băng ép vết thương trong trường hợp bị rắn lục cắn vì có thể làm tình trạng nặng thêm. Sau khi băng ép, cần đưa người bị rắn cắn đến ngay cơ sở y tế gần nhất.

    Sụt gần 4kg trong 2 tháng, đi khám phát hiện có khối u ác tính

    Theo VTC News, bị chán ăn, buồn nôn, sụt gần 4kg trong 2 tháng, cô gái 23 tuổi đến bệnh viện thăm khám, kết quả chụp cắt lớp ổ bụng phát hiện khối u thận kích thước 16cm. 

    Đây là khối u ác tính, được phát hiện ở giai đoạn muộn, nếu không được phẫu thuật kịp thời, khối u di căn sang các cơ quan chức năng khác, bệnh nhân sẽ suy kiệt và nguy cơ tử vong cao.

    Theo đánh giá của TS.BS Nguyễn Minh Tuấn - Trưởng khoa Phẫu thuật Tiết niệu Bệnh viện Bệnh Mai, bệnh nhân cần phẫu thuật cắt thận triệt căn. Tuy nhiên, để đủ sức khỏe đối diện với cuộc đại phẫu, trước mắt, cần nâng cao thể trạng cho người bệnh.

    Để phẫu thuật diễn ra thuận lợi, các bác sĩ thiết lập phác đồ điều trị gồm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 tập trung vào việc chăm sóc dinh dưỡng, nâng cao thể trạng, cải thiện chức năng của gan, thận, tim, phổi. Sau 2 tuần tập trung chăm sóc dinh dưỡng, bệnh nhân lên được 2kg.

    Tiếp theo, các bác sĩ cũng nút động mạch thận phải ngay trước ngày phẫu thuật nhằm giảm bớt kích thước khối u để cuộc can thiệp được dễ dàng hơn, giảm thiểu tối đa những nguy cơ trong mổ đặc biệt là tình trạng chảy máu có thể ảnh hưởng đến huyết động và hồi sức sau mổ.

    Giai đoạn 2, phẫu thuật cắt triệt căn thận phải để loại bỏ hoàn toàn khối u. Ca đại phẫu kéo dài gần 4 tiếng, các bác sĩ bóc tách khối u lớn, nặng 1kg và loại bỏ hoàn toàn phần chồi u xâm lấn tĩnh mạch chủ.

    Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân. Ảnh: VTC News

    Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân. Ảnh: VTC News

    TS.BS Nguyễn Minh Tuấn cho hay, tình trạng hậu phẫu của bệnh nhân tiến triển rất tốt, sức khỏe ổn định, ăn uống trở lại sau 24 giờ và hoàn toàn tỉnh táo, có thể đi lại bình thường sau mổ.

    Thành công của ca mổ giúp người bệnh thoát khỏi cửa tử ngoạn mục. Sau 3 tháng phẫu thuật, ngày 5/9, bệnh nhân đến tái khám. Kết quả, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân hoàn toàn ổn định. Bệnh nhân không còn bị đau tức hoặc không còn cảm giác buồn nôn và trở lại cuộc sống, đi làm việc như bình thường.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/tin-tuc-oi-song-2-10-2024-nguoi-an-ong-kho-so-vi-vien-soi-than-nang-700g-a469342.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan