6 người bị ngộ độc khí CO từ máy phát điện
VTC News đưa tin sáng 9/9, Bệnh viện Bãi Cháy cấp cứu 6 bệnh nhân bị ngộ độc khí CO từ máy phát điện, trong đó 2 người rơi vào tình trạng hôn mê, suy hô hấp nguy kịch.
Theo lời kể từ người thân, ba trong số các bệnh nhân thuộc một gia đình ở phường Giếng Đáy (TP.Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh), với độ tuổi 12 - 27. Tất cả đều ngủ trong phòng kín suốt đêm, sử dụng máy phát điện.
Trong đó, một bệnh nhân nữ 24 tuổi và một bệnh nhi nam 12 tuổi nhập viện trong tình trạng hôn mê, suy hô hấp nặng, kèm theo toan chuyển hóa nghiêm trọng, tiên lượng nguy kịch. Các bác sĩ tại Bệnh viện Bãi Cháy sử dụng các biện pháp hồi sức tích cực như đặt ống nội khí quản, thở máy...
May mắn, người bệnh thứ 3 (nam, 27 tuổi) chỉ bị ngộ độc nhẹ vẫn tỉnh táo, không có dấu hiệu suy hô hấp. Sau sơ cứu ban đầu, cả ba được chuyển đến Bệnh viện Y học biển Việt Nam (Hải Phòng) để tiếp tục điều trị.
Cùng thời điểm, Bệnh viện Bãi Cháy tiếp nhận 3 trẻ nhỏ trong một gia đình khác, trú tại phường Hà Khẩu (TP.Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh). Các em nhập viện với các triệu chứng choáng váng, đau đầu, khó thở, chóng mặt, do ngộ độc khí CO từ máy phát điện. Hiện, sức khỏe của các bệnh nhi đã ổn định và được theo dõi tại khoa Nhi của bệnh viện.
Theo bác sĩ CKI Lê Thị Mai - khoa Thần kinh – Vật lý trị liệu – Phục hồi chức năng tại Bệnh viện Bãi Cháy, CO là loại khí không màu, không mùi và không gây kích ứng đường hô hấp, khiến việc phát hiện sự hiện diện của nó trong không khí trở nên khó khăn. Khi hít phải, khí CO sẽ nhanh chóng thấm vào máu, làm giảm lượng oxy trong cơ thể, gây ra các triệu chứng như đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, và đau ngực.
Ngộ độc khí CO có thể gây tổn thương nghiêm trọng đến não, dẫn đến phù não, hôn mê sâu, thậm chí tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời. Những trường hợp sống sót sau ngạt khí CO cũng có thể phải đối mặt với các di chứng lâu dài như suy giảm trí nhớ, liệt cơ, và vận động khó khăn.
Trước thực trạng nhiều trường hợp ngộ độc khí CO sau bão, các bác sĩ khuyến cáo người dân khi sử dụng máy phát điện phải để thiết bị ở nơi thông thoáng, có lưu thông không khí, không đặt trong phòng kín.
Trong trường hợp phát hiện người bị ngạt khí CO, cần nhanh chóng mở cửa để thông khí, đưa nạn nhân ra khỏi khu vực có khí độc và đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.
Vỡ đại tràng vì tự thụt nước qua hậu môn
Báo Giáo Dục và Thời Đại đưa tin, vừa qua khoa Ngoại Tiêu hóa Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn cấp cứu cho 2 bệnh nhân nữ bị vỡ đại tràng do tự thụt nước qua hậu môn.
Theo đó, bệnh nhân Đ.T.P (57 tuổi) và chị L. T. T (50 tuổi) vào viện do đau bụng vùng chậu dưới rốn dữ dội kèm đi ngoài ra máu, sau khi sử dụng biện pháp thụt tháo đại tràng tại nhà.
Trước đó, hai bệnh nhân đã sử dụng phương pháp thụt nước qua đường hậu môn tại nhà nhiều lần với mục đích làm sạch đại tràng để giảm cân và trẻ hóa. Trong quá trình tự thụt tháo lần này, bệnh nhân thấy đau dữ dội vùng bụng dưới kèm chảy máu qua hậu môn nên đến viện khám và điều trị.
Kết quả thăm khám và làm các xét nghiệm trên bệnh nhân cho thấy hình ảnh có khí trong ổ bụng, nghi ngờ vỡ trực tràng. Các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật cấp cứu để xử trí tổn thương.
Cả 2 bệnh nhân trong phẫu thuật ghi nhận tổn thương vỡ trực tràng 1/3 dưới làm phân và dịch tiêu hóa tràn ra ổ bụng gây viêm phúc mạc. Kíp phẫu thuật đã tiến hành khâu chỗ vỡ trực tràng, đồng thời rửa sạch ổ bụng và đặt dẫn lưu. Sau 14 ngày, bệnh nhân xuất viện và đã ăn uống, sinh hoạt bình thường.
Bác sĩ CKII Nguyễn Trọng Đức – khoa Ngoại Tiêu hoá chia sẻ, thụt tháo đại tràng là phương pháp điều trị cần được chỉ định bởi các bác sĩ chuyên khoa và được thực hiện tại các cơ sở y tế có cấp phép.
Hiện nay, các bằng chứng khoa học chưa khẳng định tác dụng của phương pháp thải độc này. Do vậy, người dân cần lưu ý khi lựa chọn các phương pháp thải độc hoặc làm sạch với mục đích loại bỏ độc tố khỏi cơ thể, cải thiện sức khỏe.
Thay vì áp dụng các phương pháp không khoa học, mỗi người nên tự bảo vệ hệ tiêu hóa bằng cách uống nhiều nước, ăn nhiều trái cây, rau củ… Đồng thời, hạn chế bia rượu, thịt đỏ, đồ ăn nhiều dầu mỡ. Thường xuyên vận động cũng giúp hệ tiêu hóa khỏe mạnh hơn mỗi ngày.
Kịp thời cứu người đàn ông bị phình động mạch chủ bụng “khổng lồ” suýt vỡ
Báo Người Lao Động dẫn thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ (S.I.S Cần Thơ) cho hay vừa thực hiện 2 cuộc phẫu thuật cứu kịp người đàn ông bị phình động mạch chủ bụng khổng lồ suýt vỡ và mạch vành tim mạch.
Bệnh nhân là ông T.V.N (61 tuổi, quê Cà Mau), có các biểu hiện về tim mạch như nặng ngực và khó thở và đã thăm khám tại các cơ sở y tế khác. Tuy nhiên, do căn bệnh phức tạp với phình mạch máu động mạch chủ bụng nên ông tìm đến nơi điều trị có khả năng thực hiện phẫu thuật và can thiệp nội mạch.
Tại Bệnh viện S.I.S Cần Thơ, qua chụp CT mạch máu, các bác sĩ phát hiện ông bị tắc động mạch vành trái, phình động mạch chủ bụng dưới thận 6,5 cm kèm theo phình động mạch chậu phải 4,5 cm. Sau khi hội chẩn đa chuyên khoa, để an toàn người bệnh, các bác sĩ quyết định can thiệp mạch vành trước rồi tiến hành phẫu thuật thay đoạn phình.
Theo bác sĩ CK1 Dương Hải Minh - khoa Ngoại tổng hợp Bệnh viện S.I.S Cần Thơ, bệnh nhân bị phình động mạch chủ bụng dưới thận và phình động mạch chậu đối diện với rất nhiều nguy cơ. Nếu không điều trị sớm, nguy cơ vỡ phình và tử vong rất cao dù là phẫu thuật cấp cứu hay mổ chương trình.
Thông thường, các túi phình nhỏ hơn 5 cm thường không có triệu chứng và chỉ được phát hiện tình cờ khi khám sức khỏe định kỳ. Chỉ khi túi phình lớn hơn, bệnh nhân mới có thể xuất hiện các triệu chứng không điển hình như đau bụng và rối loạn tiêu hóa.
Do vậy, những bệnh nhân mắc nhiều bệnh nền nên thăm khám và điều trị tại các cơ sở y tế chuyên khoa tim mạch và phẫu thuật mạch máu để kiểm soát các yếu tố nguy cơ.