Từ vết ngứa nhỏ, người phụ nữ phải tháo bỏ một ngón tay
Theo chuyên trang Pháp Luật và Xã Hội, các bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương vừa điều trị cho nữ bệnh nhân T.T.Y (44 tuổi, đến từ Hà Nội) nhiễm vi khuẩn tụ cầu vàng nguy hiểm.
Trước đó, bệnh nhân nhập khoa Chấn thương chỉnh hình và Thần kinh cột sống Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương trong tình trạng tổn thương bàn tay, hoại tử một phần da và ngón V (ngón út) bị hoại tử đen, buộc phải tháo bỏ. Vết thương nghiêm trọng của bệnh nhân ban đầu chỉ từ một vết ngứa nhỏ trên bàn tay trái, sau đó nhanh chóng lan rộng, sưng đỏ và đau nhức dữ dội.
Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị viêm mô bào bàn tay do nhiễm tụ cầu vàng. Đây là loại vi khuẩn nguy hiểm thường gặp trong các ca nhiễm trùng da.
Với tiền sử mắc bệnh tiểu đường type 2 và thiểu năng trí tuệ, cùng việc không kiểm soát đường huyết tốt, tình trạng nhiễm trùng lan rộng nhanh chóng. Điều trị viêm mô bào trong trường hợp này rất phức tạp và đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các chuyên khoa.
Quá trình điều trị kéo dài hơn một tháng, bao gồm hai lần phẫu thuật cắt lọc hoại tử và áp dụng kỹ thuật hút áp lực âm (VAC) để thúc đẩy quá trình tái tạo mô. Sau khi vết thương đã sạch, các bác sĩ tiến hành chuyển vạt che phủ khuyết hổng và vá da dày. Việc điều trị không chỉ dừng lại ở phẫu thuật mà còn bao gồm chăm sóc hậu phẫu và vật lý trị liệu để phục hồi chức năng vận động.
ThS.BS Hoàng Mạnh Hà - Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình và Thần kinh cột sống chia sẻ, dù được điều trị thành công, bệnh nhân vẫn phải đối mặt với nhiều biến chứng như giảm khả năng vận động bàn tay, khó khăn trong việc nắm và duỗi ngón tay, cùng với sự suy giảm cảm giác ở vùng da ghép. Những ảnh hưởng này không chỉ gây khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày mà còn tạo áp lực tâm lý đáng kể.
Từ trường hợp này, bác sĩ Hoàng Mạnh Hà đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phòng ngừa bệnh viêm mô bào, đặc biệt đối với những người có bệnh nền như tiểu đường.
Người bệnh cần duy trì việc kiểm soát tốt các bệnh lý nền, thực hiện khám sức khỏe định kỳ và đặc biệt chú ý đến các tổn thương trên da. Khi phát hiện các dấu hiệu bất thường như sưng đỏ, đau nhức hoặc viêm tấy lan rộng, cần đến cơ sở y tế ngay để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Chữa viêm gan B bằng nước kiềm, men gan tăng gấp 100 lần
Theo tạp chí Gia Đình Việt Nam, nữ bệnh nhân D.T.N. (56 tuổi, Hà Nội) mắc viêm gan B mạn tính suốt nhiều năm nay. Tuy nhiên, nhờ việc tuân thủ phác đồ điều trị và thăm khám định kỳ, tình trạng bệnh được ức chế và kiểm soát hiệu quả.
Mang tâm lý “chung sống hòa bình” với bệnh, bệnh nhân N. bất ngờ lãnh hiểm họa sau khi nghe lời thầy lang áp dụng theo phương pháp “tiết thực”, sử dụng loại nước kiềm không rõ loại để chữa bệnh.
Bệnh nhân cho biết, tự ý bỏ thuốc kháng virus 2 tháng nay, không thực hiện kiểm tra sức khỏe định kỳ để theo dõi các chỉ số xét nghiệm cần thiết. Do thấy cơ thể xuất hiện tình trạng mệt mỏi, chán ăn, vàng mắt, vàng da tăng dần và nước tiểu sẫm màu, bệnh nhân đến Bệnh viện Đa khoa Medlatec thăm khám.
Tại đây, bệnh nhân được chỉ định thực hiện các kỹ thuật cần thiết hỗ trợ chẩn đoán. Đúng như tiên lượng của bác sĩ, kết quả xét nghiệm cho thấy chỉ số xét nghiệm men gan (AST, ALT) vượt ngưỡng bình thường gấp 100 lần. Trên hình ảnh siêu âm đàn hồi gan cho thấy nhu mô gan thô, độ cứng gan tương đương F4.
Bệnh nhân có chẩn đoán xác định là suy gan cấp trên nền đợt bùng phát viêm gan B. Bệnh nhân được chỉ định nhập viện điều trị nội trú. Đến nay, sau 3 lần lọc huyết tương, bệnh nhân ý thức chậm, nếu không được ghép gan kịp thời có nguy cơ tiên lượng tử vong cao.
BSNT. Trần Tiến Tùng - Chuyên khoa Nội Bệnh viện Đa khoa Medlatec cho biết, trường hợp đáng tiếc xảy ra với bệnh nhân này không phải hiếm gặp. Vì nhiều lý do khác nhau như tự ý bỏ thuốc, chữa bệnh theo trend, bỏ qua thăm khám định kỳ... là những yếu tố khiến viêm gan virus B có thể bùng phát mạnh mẽ làm suy giảm nghiêm trọng chức năng gan.
Người bệnh không được điều trị kịp thời, kiểm soát bệnh đúng cách có thể gặp nhiều biến chứng nguy hiểm như xơ gan, suy gan thậm chí ung thư gan và nguy cơ tử vong rất cao.
Áp dụng phương pháp hạ thân nhiệt chỉ huy cứu bé trai 16 tuổi
Báo Giáo Dục và Thời Đại đưa tin, ngày 9/12, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ thông tin bé trai P.X.H (16 tuổi, trú tại huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ) thoát "cửa tử" nhờ phương pháp hạ thân nhiệt chỉ huy.
Trước đó, bệnh nhân bị tai nạn giao thông trong tình trạng nguy kịch, được người dân đưa vào Trung tâm y tế huyện cấp cứu, sau đó chuyển tuyến lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ.
Người bệnh được nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu, thở máy, các tổn thương ở vùng trán rất phức tạp. Sau khi hội chẩn giữa các chuyên khoa trong bệnh viện, bệnh nhân đã được phẫu thuật cấp cứu lấy máu tụ dưới màng cứng, lấy mảnh xương vỡ và được chuyển lên khoa Hồi sức cấp cứu yêu cầu.
Tại khoa Hồi sức cấp cứu yêu cầu, người bệnh vẫn hôn mê sâu, huyết áp phụ thuộc vận mạch, sốt cao liên tục, không đáp ứng các thuốc hạ sốt thông thường.
Sau khi hội chẩn giữa các bác sĩ trong khoa dưới sự chủ trì của TS.BS Nguyễn Thị Thanh Mai – Trưởng khoa, người bệnh được áp dụng kĩ thuật hạ thân nhiệt chỉ huy theo đích. Thân nhiệt của người bệnh được đưa về 36,4 độ theo sự điều chỉnh liên tục của máy.
Sau 3 ngày điều trị tích cực, người bệnh đã tỉnh, được rút ống nội khí quản, hết sốt. Hiện tại, ngày thứ 9 sau phẫu thuật, bệnh nhân tỉnh táo, giao tiếp tốt, hoạt động nhẹ nhàng và được xuất viện.