+Aa-
    Zalo

    Tin tức đời sống ngày 7/12: Kỳ tích cứu sống người phụ nữ đột qụy não đã qua giờ vàng

    (ĐS&PL) - Kỳ tích cứu sống người phụ nữ đột quỵ não đã qua giờ vàng; Bé trai bị sốc tim sau 2 ngày sốt nhẹ, mệt mỏi… là những tin tức đời sống đáng chú ý ngày 7/12.

    Kỳ tích cứu sống người phụ nữ đột quỵ não đã qua giờ vàng

    Theo VOV, vào tháng 6/2023, sức khỏe bà N.T.T.T (50 tuổi) yếu dần, cứ nghĩ là bệnh cảm thông thường nên chỉ uống thuốc tại nhà. Vài ngày sau, bệnh không giảm và tay chân bà T. cứ yếu dần rồi té ngã, ngất xỉu tại chỗ.

    Mãi vài giờ sau, người nhà về thì mới phát hiện rồi đưa bà T. đến bệnh viện gần nhà. Nằm viện được 2 ngày, tình hình sức khỏe bà T. có chiều hướng xấu đi, người nhà quyết định chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ để tìm cơ hội điều trị.

    Khi bà T. đến Bệnh viện Đa khoa quốc tế S.I.S Cần Thơ đã hết thời gian vàng cấp cứu (4-5 tiếng sau khi đột quỵ), các biểu hiện đã nặng hơn như: nói khó, nuốt khó, tứ chi liệt hoàn toàn.

    Tại thời điểm cấp cứu, bệnh nhân được bác sĩ kiểm tra, đánh giá thang điểm National Institutes of Health Stroke Scale (NIHSS) ở mức 26 điểm (Thang điểm được sử dụng để đánh giá mức độ suy giảm chức năng thần kinh do đột quỵ gây ra. Mức điểm càng cao chứng tỏ mức độ suy giảm thần kinh càng nặng).

    Kết quả chụp MRI ghi nhận bà T. bị tổn thương nhồi máu não hai bên vùng cầu não, thăng não. Động mạch nền nơi dẫn truyền vận động từ vỏ não chi phối xuống hai tay hai chân bị tắc nghẽn hoàn toàn.

    Đối với đột quỵ nhồi máu não, đây là trường hợp khá hiếm gặp. Đột quỵ nhồi máu não cấp thông thường bệnh nhân sẽ yếu liệt hoặc bên trái hoặc bên phải. Ở trường hợp này, bà T. đã bị liệt cả 2 tay 2 chân.

    Trường hợp của bà N.T.T.T (đứng giữa) có thể nói là một kỳ tích. Ảnh: VOV

    Trường hợp của bà N.T.T.T (đứng giữa) có thể nói là một kỳ tích. Ảnh: VOV

    Ekip bác sĩ nhanh chóng chỉ định cho bệnh nhân chụp DSA mạch máu não kiểm tra để xem có thể can thiệp hay không. Với kết quả chụp DSA, các bác sĩ khá bất ngờ với mạch máu của bệnh nhân. Động mạch nền đã tắc hoàn toàn và kích thước bị teo nhỏ hơn bình thường, nguy cơ biến chứng trong quá trình can thiệp rất cao.

    Với tiên lượng không mấy khả quan, không do dự, các bác sĩ quyết định can thiệp nội mạch và điều trị nội khoa tối ưu tích cực. Một ống thông được đặt vào động mạch vùng bẹn, luồn dọc theo động mạch chậu, động mạch chủ, đến động mạch cảnh/động mạch đốt sống phía bên động mạch não bị tắc và ống thông này sẽ được đưa tiếp cận gần nhất có thể đến vị trí tắc. Sau đó, một dây wire kim loại sẽ được luồn xuyên qua vị trí tắc đến chỗ xa của động mạch. Cuối cùng, động mạch sẽ được tái thông bằng bóng/dùng stent thu huyết khối.

    Một năm sau phẫu thuật cấp cứu, trở lại tái khám, bà T. đã tự bước đi trên đôi chân của mình, trả lời câu hỏi của bác sĩ rõ ràng. Bà T. cũng đã tự sinh hoạt cá nhân và làm được những công việc nhẹ nhàng.

    Trường hợp của bà T. có thể nói là một kỳ tích, tuy nhiên, không phải trường hợp đột quỵ nhồi máu não đến trễ giờ vàng (4-5 giờ) cũng có thể may mắn. Do vậy, các bác sĩ khuyến cáo cách tốt nhất phòng ngừa bằng cách duy trì lối sống lành mạnh, tăng cường vận động thể chất.

    Bên cạnh đó là kiểm tra sức khỏe, tầm soát định kỳ các yếu tố nguy cơ (huyết áp, mỡ máu, đái tháo đường,…), khi có những biểu hiện như yếu liệt tay chân, miệng méo, nói đớ… thì nhanh chóng đến cơ sở y tế có khả năng điều trị đột quỵ. Cứu chữa trong thời gian vàng thì khả năng phục hồi sau đột quỵ sẽ tốt hơn và nhanh chóng trở về trạng thái bình thường.

    Bé trai bị sốc tim sau 2 ngày sốt nhẹ, mệt mỏi

    VietNamNet đưa tin, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) vừa điều trị thành công cho một bé trai bị sốc tim, viêm cơ tim tối cấp. Cụ thể, trước lúc nhập viện 2 ngày, bé V.T.T. (6 tuổi, ngụ Kiên Giang) sốt nhẹ, đau đầu, mệt mỏi. Qua hôm sau, bé đau ngực, nôn ói, tay chân lạnh, được gia đình đưa đi cấp cứu trong tình trạng sốc, rối loạn nhịp tim. 

    Tại bệnh viện địa phương, bệnh nhi được đặt nội khí quản giúp thở, truyền vận mạch và chuyển lên bệnh viện tuyến trên. Theo bác sĩ CKII Nguyễn Minh Tiến - Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, bé T. nhập cấp cứu trong tình trạng nguy kịch với nhịp tim nhanh, men tim tăng cao, huyết áp tụt sâu. Từ kết quả siêu âm, các bác sĩ chẩn đoán trẻ bị viêm cơ tim tối cấp, rối loạn nhịp tim, ngay lập tức được thở máy và dùng thuốc vận mạch và chống loạn nhịp. 

    Bệnh nhi sau đó tiếp tục được điều trị oxy hóa máu qua màng ngoài cơ thể (ECMO). Diễn tiến bệnh vẫn phức tạp, huyết áp và nhịp tim không ổn định. Phải sau 7 ngày điều trị tích cực, bé T. mới bắt đầu có dấu hiệu hồi phục. Bệnh nhi được cai ECMO, tiếp tục điều trị hỗ trợ tại khoa Tim mạch.

    Sau 7 ngày điều trị tích cực, bệnh nhi mới bắt đầu có dấu hiệu hồi phục. Ảnh: VietNamNet

    Sau 7 ngày điều trị tích cực, bệnh nhi mới bắt đầu có dấu hiệu hồi phục. Ảnh: VietNamNet

    Từ trường hợp của bé T., bác sĩ Tiến khuyến cáo vào thời điểm giao mùa cận Tết, nhiệt độ ngày đêm chênh lệch nhiều có thể gây ra nhiễm siêu vi biến chứng viêm cơ tim.

    Viêm cơ tim có thể gây tổn thương tế bào cơ tim, giảm sức co bóp cơ tim, dẫn đến trụy mạch. Bệnh không có triệu chứng đặc trưng, dễ bị nhầm lẫn với các bệnh nhẹ. Do đó, khi phát hiện trẻ có dấu hiệu bất thường, phụ huynh nên nhanh chóng đưa con đến cơ sở y tế có chuyên khoa nhi để được thăm khám, và xử trí kịp thời. 

    Ngộ độc Methanol, người đàn ông 41 tuổi tử vong

    Báo Người Lao Động đưa tin, ngày 6/12, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An cho biết khoa chống độc vừa tiếp nhận 2 bệnh nhân bị ngộ độc Methanol (một loại cồn công nghiệp).

    Cụ thể, bệnh nhân Đ.T.T. (41 tuổi, trú tại TP.Vinh, tỉnh Nghệ An) vào Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình Nghệ An trong tình trạng hôn mê, ngừng tuần hoàn ngoại viện. Tại đây, các bác sĩ đã xử trí cấp cứu và giúp bệnh nhân có lại mạch rồi chuyển đến Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An để tiếp tục chữa trị. Bệnh nhân được nhanh chóng tiến hành cấp cứu thở máy, lọc máu. Tuy nhiên, do tình trạng nặng nên bệnh nhân đã tử vong.

    Một trường hợp khác là bệnh nhân L.X.Đ. (48 tuổi, trú tại TP.Vinh, cùng uống rượu với bệnh nhân Đ.T.T.) nhập viện với triệu chứng đau đầu, nhìn mờ, mệt mỏi. Qua xét nghiệm Methanol trong máu kết quả 63,85 mg/100 ml. Các bác sĩ khoa chống độc đã tiến hành lọc máu một lần, sau đó bệnh nhân xin ra viện.

    Các bác sĩ ở khoa chống độc Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An điều trị cho người bệnh. Ảnh: VTC News

    Các bác sĩ ở khoa chống độc Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An điều trị cho người bệnh. Ảnh: VTC News

    Bác sĩ Nguyễn Trọng Toàn ở khoa chống độc Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An, cho biết ngộ độc Methanol rất nguy hiểm, tỷ lệ tử vong cao. Với trường hợp ngộ độc rượu Methanol nặng như trên, ngoài thở máy, bệnh nhân phải lọc máu kèm với các biện pháp bổ sung khác; một số trường hợp may mắn được cứu sống có thể đối mặt với di chứng thần kinh, thị giác.

    Được biết, từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Hữu nghị Đa Khoa Nghệ An đã tiếp nhận hơn 100 trường hợp bị ngộ độc Methanol, trong đó có đến 30 - 40 ca nặng phải lọc máu.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/tin-tuc-oi-song-ngay-7-12-ky-tich-cuu-song-nguoi-phu-nu-ot-quy-nao-a-qua-gio-vang-a487658.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan