Người đàn ông “gặp họa” vì tự đắp lá chữa trật khớp gối
Theo thông tin từ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, tại đây vừa tiếp nhận và điều trị cho một bệnh nhân gặp họa do tự đắp lá chữa trật khớp gối. Cụ thể, bệnh nhân là nam (54 tuổi, ở Điện Biên). Khai thác bệnh sử được biết, bệnh nhân bị tai nạn giao thông dẫn đến trật khớp gối. Thấy vậy, bệnh nhân tự đắp lá theo kinh nghiệm dân gian.
2 ngày sau, cẳng chân bệnh nhân bị sưng nề, tê bì tăng dần, mất vận động. Lúc này, bệnh nhân đến khám tại bệnh viện tỉnh nhưng do hoại tử nhiễm trùng nặng, bệnh nhân được chuyển lên Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.
Bác sĩ Nguyễn Tiến Ngọc ở khoa Phẫu thuật Chi dưới Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, vì đến viện quá muộn (trật gối tổn thương mạch giờ thứ 72), cơ cẳng bàn chân đã bị hoại tử, giải phóng chất độc vào máu, ảnh hưởng chức năng gan, thận.
Các bác sĩ hội chẩn không còn khả năng bảo tồn chi và quyết định cắt cụt 1/3 dưới đùi cho bệnh nhân. Ngày thứ 3 sau mổ, tình trạng bệnh nhân ổn định, không có dầu hiệu nhiễm trùng tại chỗ hay toàn thân, xét nghiệm máu đánh giá chức năng gan thận về bình thường. Hiện bệnh nhân tiếp tục được theo dõi, tập phục hồi chức năng khớp háng và phần mỏm cụt đùi còn lại, theo chuyên trang Gia Đình & Xã Hội.
Theo các bác sĩ, trật khớp gối là hiện tượng diện khớp mâm chày và lồi cầu xương đùi bị lệch khỏi vị trí ban đầu và không còn tiếp xúc nhau. Trật gối có thể được gây ra bởi các chấn thương tiếp xúc mạnh vào vùng đầu gối như tai nạn giao thông, tai nạn lao động, chấn thương thể thao.
Khi có chấn thương gãy xương, trật khớp ở vùng khớp gối, khả năng tổn thương mạch máu lên tới 50%. Nếu tổn thương mạch máu không được xử lý trước thời gian 6 giờ thì nhiều khả năng dẫn đến cắt cụt chi do thiếu máu không hồi phục. Vì vậy, người bệnh cần được xử lý và điều trị càng sớm càng tốt.
Phát hiện mắc bệnh hiếm gặp từ dấu hiệu tê tay
Theo báo Người Lao Động, Bệnh viện Gia An 1155 (TP.HCM) cho biết vừa phẫu thuật thành công cho cô gái trẻ T.V.A (21 tuổi, quê Hà Nội) bị u mạch máu thể hang não hiếm gặp. Cách đây khoảng 1 năm, bệnh nhân đi khám do cảm thấy tê 2 tay và được phát hiện u mạch máu thể hang ở hành não (cavernoma hành não).
Được biết, đây là một loại dị dạng mạch máu não, là tổ chức bất thường của mạch máu não nhỏ, tạo thành bởi nhiều khoang, múi nhỏ giống như hình tổ ong hoặc hình quả dâu, biểu hiện bởi các đợt tự chảy máu và tự cầm hay tái phát.
Tuy nhiên, bệnh nhân chưa phẫu thuật mà chỉ theo dõi bệnh. Hơn 1 tuần trước khi nhập viện, bệnh nhân đi khám do bị tê chân trái, đi lại khó khăn. Tại Bệnh viện Gia An 115, các bác sĩ đánh giá tuy u mạch máu thể hang có đường kính 1,5cm nhưng người bệnh đã có triệu chứng rối loạn cảm giác sâu bàn chân trái, cần được can thiệp để tránh các nguy cơ như liệt tứ chi.
Ekip bác sĩ khoa Ngoại thần kinh bệnh viện với hỗ trợ chuyên môn của TS.BS Nguyễn Kim Chung (Bệnh viện Chợ Rẫy) đã tiến hành phẫu thuật và bóc tách lấy trọn khối u dị dạng mạch máu cho cô gái. Sau mổ, bệnh nhân được điều trị hậu phẫu, tập vật lý trị liệu – phục hồi chức năng và đã xuất viện trong tình trạng ổn định.
ThS.BS Phùng Đăng Khoa ở khoa Ngoại thần kinh Bệnh viện Gia An 115 cho hay, chóng mặt, đau đầu là một dấu hiệu cảnh báo dị dạng mạch máu não. Do đó, người bệnh, nhất là những người trẻ, không nên xem thường dù chỉ xuất hiện triệu chứng thoáng qua.
"Ngoài ra, người dân cũng cần cảnh giác với các biểu hiện như yếu cơ hoặc tê ở một bộ phận của cơ thể, mất thị lực, nói khó… vì đây có thể là triệu chứng cảnh báo bệnh này”, bác sĩ Phùng Đăng Khoa khuyến cáo thêm.
Đến bệnh viện sinh con, phát hiện bị ung thư cổ tử cung
Theo chuyên trang Pháp Luật & Xã Hội, sản phụ 28 tuổi mang thai lần thứ hai ở tuần thứ 38, đến bệnh viện khi có dấu hiệu chuyển dạ. Trong quá trình thăm khám, các bác sĩ phát hiện một khối u cứng chắc kích thước lớn tại cổ tử cung.
Sau khi hội chẩn, ekip phẫu thuật quyết định tiến hành mổ lấy thai kết hợp với cắt bỏ khối u. Ca phẫu thuật kéo dài hơn một giờ đã diễn ra thành công, bé gái chào đời khỏe mạnh, cân nặng 2.860 gram. Kết quả xét nghiệm mô bệnh học sau đó đã xác nhận đây là trường hợp ung thư cổ tử cung.
Đáng chú ý, sản phụ cho biết trong suốt thai kỳ chỉ thực hiện siêu âm thai nhi mà không tiến hành khám phụ khoa hay các xét nghiệm khác.
Theo các bác sĩ, u xơ tử cung khi mang thai thường không có triệu chứng điển hình như rối loạn kinh nguyệt. Các dấu hiệu có thể xuất hiện bao gồm chảy dịch màu nâu, ra máu nhiều, đau đầu, chóng mặt và mệt mỏi. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, khối u có thể phát triển và đe dọa tính mạng cả mẹ và thai nhi.
Từ trường hợp nói trên, các bác sĩ đặc biệt khuyến cáo phụ nữ cần thường xuyên kiểm tra sức khỏe tổng quát tại các cơ sở y tế chuyên khoa sản, đặc biệt là trước và trong thời kỳ mang thai. Việc này giúp phát hiện sớm các bất thường và có phương án điều trị kịp thời, đảm bảo an toàn cho cả mẹ và con.