Dùng dầu ăn đã qua sử dụng làm nhiên liệu cho ô tô; Ứng dụng AI trong nuôi cấy phôi cho các cặp đôi hiếm muộn... là những tin tức công nghệ mới nóng nhất trong ngày hôm nay 24/2/2020.
Ý tưởng độc đáo: Dùng dầu ăn đã qua sử dụng làm nhiên liệu cho ô tô
Dạng nhiên liệu tái tạo mới kể trên được tạo ra từ dầu thải, bao gồm dầu ăn đã qua sử dụng từ các nhà hàng, quầy đồ ăn nhanh và thậm chí là từ chính căn bếp của các hộ gia đình.
Hãng Ford nhận định, khi các phương tiện sử dụng loại dầu thực vật tái sử dụng (Hydrotreated Vegetable Oil - HVO) thay cho nhiên liệu hóa thạch thông thường hiện nay sẽ góp phần cải thiện chất lượng không khí. Các kết quả nghiên cứu cho thấy, khi ô tô sử dụng HVO, lượng khí nhà kính có thể giảm tới 90% so với việc sử dụng dầu hóa thạch hiện nay. Các phương tiện vận hành bằng dầu HVO thải ra ít khí NOx và bụi mịn hơn, bởi dạng nhiên liệu diesel này không chứa lưu huỳnh hay oxy.
Ngoài ra, HVO khi kết hợp với mỡ động vật và dầu cá, cũng sẽ giúp động cơ diesel khởi động dễ dàng hơn khi nhiệt độ ngoài trời thấp. Quá trình tổng hợp dầu HVO sử dụng hydro làm chất xúc tác giúp nhiên liệu này đạt hiệu quả đốt cháy tốt hơn, đốt sạch hơn và thời gian lưu trữ cũng dài hơn nhiên liệu sinh học thông thường.
Ford có kế hoạch biến dầu ăn đã qua sử dụng thành nhiên liệu cho xe Transit. |
Ford cho biết họ đã thử nghiệm kỹ lưỡng dầu HVO trên động cơ EcoBlue 2.0L của mình để đảm bảo không phải cải biến động cơ, cũng như không ảnh hưởng đến quy trình bảo dưỡng. Hãng này khẳng định, nhiên liệu HVO không cần phải xử lý gì thêm, mà có thể sử dụng được ngay trên các mẫu Ford Transit mới nhất.
Hiện nay, tại châu Âu, nhiên liệu HVO đã được bán tại một số trạm xăng dầu, cùng với các cột bơm xăng dầu truyền thống và chủ yếu tập trung ở vùng Scandianvia và Baltic. Các khách hàng lớn của Ford cũng đã bắt đầu trải nghiệm sử dụng loại nhiên liệu này. Ford cho hay, trong trường hợp các vị khách đã chạy xe bằng HVO nhưng không tìm được trạm bơm HVO, các tài xế vẫn có thể sử dụng dầu diesel thông thường bơm tiếp vào bình nhiên liệu mà không gặp phải bất kỳ vấn đề gì về vận hành an toàn xe.
Nói về quyết định của Ford về việc đưa nhiên liệu mới vào ứng dụng, ông Hans Schep, Giám đốc điều hành mảng Xe thương mại của Ford châu Âu cho biết, việc cho phép dòng xe thương mại vận hành bằng nhiên liệu làm từ chất thải, bao gồm cả dầu ăn đã qua sử dụng nghe có vẻ là một ý tưởng xa vời. Tuy nhiên, dầu thực vật tái sử dụng thực sự là một phương án rất thực tế dành cho các tài xế và đơn vị vận tải sử dụng khi đóng góp đáng kể vào công cuộc cải thiện chất lượng không khí chung cho mọi người.
Ứng dụng AI trong nuôi cấy phôi, hy vọng mới cho các cặp đôi hiếm muộn
Lần đầu tiên tại Việt Nam, máy theo dõi phôi Geri Plus tích hợp phần mềm Eeva – một trí tuệ nhân tạo (AI) hiện đại nhất thế giới – được sử dụng trong thụ tinh ống nghiệm tại một bệnh viện ở Hà Nội.
Thụ tinh ống nghiệm (IVF) là phương pháp hỗ trợ sinh sản hiện đại bậc nhất, giúp mang lại cơ hội làm cha mẹ cho hàng triệu cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn. Tuy nhiên, tỷ lệ thành công IVF trung bình trên thế giới hiện nay mới chỉ ở khoảng 45-50%.
Trong một chu trình thực hiện IVF, trứng và tinh trùng được thụ tinh trong ống nghiệm để tạo thành phôi. Bước đánh giá và lựa chọn phôi thai chất lượng tốt để chuyển phôi giữ vai trò quan trọng đến sự thành công của một chu kỳ thụ tinh ống nghiệm.
Với bản chất là một “vật thể lạ” đối với cơ thể người mẹ, ngay từ khi được chuyển vào tử cung, phôi thai sẽ phải bước vào một “trận chiến” khắc nghiệt để tồn tại trong môi trường tử cung, thích ứng với các điều kiện dinh dưỡng và các căng thẳng (stress), đồng thời phải vượt qua những rào cản kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt trong cơ thể người mẹ.
Vì thế, các nghiên cứu chỉ rõ, phôi thai được nuôi cấy trong điều kiện đạt chuẩn càng cao thì càng thuận lợi thúc đẩy sự tăng trưởng tốt, từ đó phôi phát triển tối ưu, tăng khả năng đậu thai trong thụ tinh ống nghiệm IVF.
Tủ nuôi cây time-lapse trong việc nuôi cấy phôi. |
Hiện tại ở Việt Nam, nhiều trung tâm hỗ trợ sinh sản đã chủ động sử dụng tủ nuôi cây time-lapse trong việc nuôi cấy phôi, và sử dụng phần mềm trí tuệ nhân tạo (AI) để hỗ trợ lựa chọn phôi chuyển, tuy nhiên vẫn chỉ dừng lại ở những tủ time-lapse công nghệ cũ, và phần mềm AI chưa thực sự hữu dụng và cho hiệu quả cao.
Việc nuôi phôi ở tủ nuôi cấy thường và đánh giá phôi theo phương pháp đánh giá hình thái phôi truyền thống hiện nay, nghĩa là phôi sẽ phải mang ra khỏi tủ nuôi cấy để đánh giá, sau đó lại đem lại tủ nuôi cấy. Điều này có thể ảnh hưởng đến môi trường nuôi cấy, gây “sốc” cho phôi. Do đó, sự phát triển của phôi có thể bị ảnh hưởng, tỷ lệ phôi bị hỏng khá cao, phôi cũng bị gián đoạn phát triển và gặp phải nhiều stress bất lợi.
Minh Khôi(T/h)