Xe đầu kéo đứt xích, 3 cuộn thép nặng hàng chục tấn văng xuống đường
Báo Dân Trí đưa tin hơn 17h ngày 15/12, lực lượng chức năng Trạm CSGT Tân Túc (Phòng CSGT Công an TP.HCM) xử lý hiện trường vụ xe đầu kéo chở cuộn thép đứt xích rơi xuống đường, trúng phương tiện khác.
Trước đó, khoảng 15h cùng ngày, xe đầu kéo mang biển số 62H-028.72 chở theo các cuộn thép chạy trên quốc lộ 1, hướng TP.HCM đi Long An. Khi đến khu vực thuộc ấp 2 (xã Bình Chánh, huyện Bình Chánh, TP.HCM), dây xích trên xe đầu kéo bị đứt khiến 3 cuộn thép nặng hàng chục tấn văng xuống đường.
Lúc này, một xe đầu kéo khác chạy liền kề bị cuộn thép rơi trúng hư hỏng nặng phần đầu, bể thùng nhiên liệu, dầu nhớt tràn ra khắp đường.
Một cuộn thép khi văng khỏi xe đầu kéo đã lăn tự do trên đường hơn 50m. Cuộn thép dừng lại khi va trúng hàng rào sắt nhà dân bên đường.
Ảnh hưởng vụ tai nạn khiến giao thông trên quốc lộ 1 qua khu vực ùn ứ nhiều giờ. Trạm CSGT Tân Túc và lực lượng chức năng huyện Bình Chánh đã đến xử lý hiện trường, điều tra nguyên nhân tai nạn.
Dùng xe máy chở thiết bị BTS giả nhằm phát tán tin nhắn lừa đảo
Theo thông tin trên VietNamNet, Cục Tần số vô tuyến điện (Bộ TT&TT) cho biết, trong tuần đầu tháng 12/2023, Trung tâm Tần số khu vực vô tuyến điện II đã phối hợp với các đơn vị chức năng trên địa bàn TP.HCM phát hiện, bắt quả tang một đối tượng sử dụng xe máy chở thiết bị giả lập trạm thu phát sóng di động (BTS giả) phát tán tin nhắn lừa đảo.
Khác với các vụ việc gần đây, phương tiện được các đối tượng dùng chở thiết bị BTS giả đi phát tán tín nhắn lừa đảo thường là xe ô tô, lần này, nhằm thuận tiện len lỏi khi phát tán tin nhắn lừa đảo trên cả những địa bàn nhỏ hẹp, đối tượng đã dùng xe máy để thực hiện hành vi trái pháp luật của mình.
Cụ thể, theo lời kể của cán bộ Trung tâm Tần số khu vực vô tuyến điện II (Cục Tần số vô tuyến điện), sáng 6/12, nhà mạng đã thông tin tới trung tâm về việc có dấu hiệu thiết bị BTS đang được sử dụng để phát tán tin nhắn lừa đảo trên địa bàn TP.HCM.
Ngay sau đó, Trung tâm đã tổ chức đoàn công tác, tiến hành truy vết nguồn tín hiệu phát tán tin nhắn lừa đảo. Quá trình theo dõi, đối tượng đã sử dụng xe máy, giấu thiết bị phát sóng BTS giả trong ba lô và liên tục di chuyển nhanh trên nhiều địa bàn, tuyến đường đông đúc để phát tán tin nhắn lừa đảo.
Đến 11h20 ngày 6/12, đoàn công tác Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực II, các đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ Công an (A06) cùng Công an TP.HCM (Công an TP.Thủ Đức) đã phát hiện và bắt quả tang đối tượng đang sử dụng BTS giả phát tán tin nhắn lừa đảo. Đối tượng này sau đó được đưa về trụ sở công an để tiếp tục mở rộng điều tra vụ việc, củng cố hồ sơ để xử lý theo quy định của pháp luật.
Từ vụ việc nêu trên, Cục Tần số vô tuyến điện nhận định, sự phối hợp nhịp nhàng 3 bên giữa nhà mạng, Cục Tần số vô tuyến điện và lực lượng Công an là yếu tố quan trọng, giúp phát huy tối đa sức mạnh tổng hợp.
Trong đó, nhà mạng phát hiện, khoanh vùng ban đầu sự xuất hiện và hoạt động của thiết bị BTS giả; Cục Tần số vô tuyến điện truy vết, xác định chính xác đối tượng; và lực lượng Công an xuất hiện kịp thời tại hiện trường theo thông báo của Cục Tần số vô tuyến điện để thực hiện bắt giữ đối tượng.
Hồi cuối tháng 10/2023, Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực II thuộc Cục Tần số vô tuyến điện cũng đã cùng các đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ Công an ở khu vực phía Nam và Công an TP.HCM bắt giữ 3 đối tượng liên quan đến hoạt động sử dụng trạm BTS giả để xâm nhập mạng viễn thông công cộng, phát tán tin nhắn lừa đảo.
Thời gian qua, tình trạng một số đối tượng sử dụng các thiết bị BTS giả để mạo danh tin nhắn tổ chức tài chính, ngân hàng lừa đảo người dùng đã liên tục tái diễn.
XEM THÊM: Chủ tịch tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành nhận 53,19% phiếu tín nhiệm thấp
Nhiều biện pháp đã được đưa ra để giải quyết trình trạng này. Đặc biệt, theo Cục Tần số vô tuyến điện, trong năm nay, Cục đã chủ động tham gia, phối hợp một cách bài bản hơn với cơ quan công an và các nhà mạng trong việc phát hiện, xác định và xử lý các vụ sử dụng thiết bị giả mạo trạm gốc di động để nhắn tin rác và tin nhắn lừa đảo.
Tính từ đầu năm đến nay, số vụ việc các đối tượng sử dụng trạm BTS giả phát tán tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo đã được Cục Tần số vô tuyến điện và các lực lượng chức năng phát hiện, xử lý là 19 vụ (với 20 thiết bị), tăng hơn gần 4 lần so với năm ngoái.
Phát hiện 10 tấn nầm lợn không rõ nguồn gốc, xuất xứ
Theo TTXVN, UBND tỉnh Yên Bái vừa ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Vùi Ngọc Khánh (SN 1996, trú tại thôn Nậm Rúp, xã Thanh Bình, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai) với số tiền 90 triệu đồng do có hành vi kinh doanh 10 tấn nầm lợn đông lạnh không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Cùng với hình thức xử phạt chính, Vùi Ngọc Khánh còn phải chịu biện pháp khắc phục hậu quả là buộc tiêu hủy tang vật vi phạm gây hại cho sức khỏe con người đối với 10 tấn nầm lợn đông lạnh không rõ nguồn gốc, xuất xứ, trong thời gian 10 ngày kể từ ngày nhận quyết định xử phạt.
Trước đó, thực hiện Kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả dịp trước, trong và sau tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 của Cục Quản lý thị trường tỉnh Yên Bái, ngày 30/11, Đội Quản lý thị trường số 2 phối hợp với Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng kinh tế, buôn lậu, môi trường, Công an tỉnh Yên Bái kiểm tra, phát hiện xe ô tô tải nhãn hiệu HINO, biển kiểm soát 24H-014.98 do tài xế Nguyễn Anh Tuấn (SN 1994, trú tại thôn Lan Đình, xã Việt Thành, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái) điều khiển, có biểu hiện nghi vấn.
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trên xe chở 200 thùng xốp đựng hàng hóa không có nhãn mác theo quy định, không xác định được nguồn gốc xuất xứ và không có hóa đơn, chứng từ kèm theo. Bên trong mỗi thùng đều có chứa nầm lợn đông lạnh đã chuyển màu thâm đen, có tổng trọng lượng hơn 10 tấn, tổng giá trị tang vật vi phạm ước tính trên 1,3 tỷ đồng.
Toàn bộ số hàng trên được xác định là hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, do Vùi Ngọc Khánh gom mua trôi nổi trên địa bàn tỉnh Lào Cai từ tháng 8/2023 và đang trên đường vận chuyển về Hà Nội tiêu thụ thì bị lực lượng chức năng bắt giữ.
Đinh Kim (T/h)