Tình tiết mới vụ giám đốc trung tâm đăng kiểm tàu cá Cà Mau chết trong phòng làm việc
Theo báo Công an Nhân dân, ngày 14/12, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Cà Mau cho biết, đã tiến hành giám định chữ viết trong bức thư được phát hiện tại phòng làm việc, nơi ông T.T.H. (SN 1977, Giám đốc Trung tâm đăng kiểm tàu cá thuộc Chi cục Thủy sản tỉnh Cà Mau ) tử vong. Kết quả xác định chữ viết là của ông H.
Nội dung bức thư thể hiện ông H gửi lời xin lỗi vợ, con và mọi người; đồng thời dặn vợ là xin không khám nghiệm tử thi do bản thân tự sát. Ông H yêu cầu vợ mang thi thể đi thiêu rồi đem tro cốt gửi vào chùa.
Qua khám nghiệm, trên người nạn nhân có 13 vết thương ở vùng bụng, ngực, trong đó hai vết thương đâm thủng tim. Cơ quan chức năng nhận định, nạn nhân tử vong do vết thương đâm thủng tim.
Trước đó, sáng 11/12, nhân viên vào phòng làm việc của ông T.T.H, Giám đốc Trung tâm đăng kiểm tàu cá thuộc Chi cục Thủy sản tỉnh Cà Mau để quét dọn, phát hiện ông H tử vong trong phòng.
Hình ảnh từ camera an ninh cơ quan ghi lại, lúc 18h30 ngày 10/12, ông H vào cơ quan cho đến khi phát hiện tử vong. Ngay sau đó, vụ việc được báo cho cơ quan chức năng đến hiện trường xác minh, làm rõ thông tin sự việc.
Thả 17 cá thể tê tê Java và một con khỉ đuôi dài về tự nhiên
Ngày 14/12, Trung tâm Bảo tồn Động vật hoang dã tại Việt Nam (Save Vietnam Wildlife - SVW) cho biết, vừa phối hợp với vườn quốc gia Cúc Phương và VQG Pù Mát tái thả thành công 17 cá thể tê tê Java (tên khoa học là Manis javanica) và 1 cá thể khỉ đuôi dài (tên khoa học là Macaca fascicularis) về lại tự nhiên.
Đặc biệt, chuyến tái thả này có sự tham gia của Công an tỉnh Gia Lai, đơn vị đã cứu hộ phần lớn các cá thể tê tê từ các vụ bắt giữ, vận chuyển trái phép và chuyển giao cho Trung tâm Bảo tồn Động vật hoang dã tại Việt Nam khoảng 1 tháng trước đó.
Sau khi đưa về Trung tâm, những cá thể tê tê và khỉ đuôi dài đều được theo dõi, chăm sóc và phục hồi cho đến khi hoàn toàn khỏe mạnh.
Cụ thể, tê tê nói riêng và các loài động vật hoang dã sau khi được cứu hộ đều phải trải qua quá trình kiểm dịch trong tối thiểu 30 ngày nhằm theo dõi sức khỏe, kiểm soát dịch bệnh, và huấn luyện bản năng hoang dã.
Trước mỗi đợt tái thả, đội nghiên cứu của Trung tâm Bảo tồn Động vật hoang dã tại Việt Nam sẽ phân tích, khảo sát các khu vực có sinh cảnh sống cho từng loài. Sau khi được tự do, các cá thể thường di chuyển rất xa để đi tìm chỗ trú ẩn an toàn.
Tê tê Java (Manis Javanica) được xếp vào danh sách cực kỳ nguy cấp thuộc nhóm IB, được quy định trong danh mục động vật rừng nguy cấp, quý hiếm nằm trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới.
Các hành vi buôn bán trái phép tê tê đều sẽ bị truy tố trách nhiệm hình sự. Trong khi đó, loài têtê Java thuộc Phụ lục I của Công ước quốc tế CITES, cấm buôn bán xuyên quốc gia tê tê khai thác từ tự nhiên. Tuy vậy, các hành vi săn bắt, buôn bán trái phép vẫn diễn ra vô cùng phức tạp.
Trăn đất quý hiếm nặng 8 kg được người dân TP.HCM bắt trong ao cá
Ngày 14/12, Chi cục Kiểm lâm TP.HCM cho biết, đơn vị này đã tiếp nhận cứu hộ con trăn đất dài khoảng 2 m, thuộc nhóm IIB trong danh mục động vật rừng nguy cấp quý hiếm do người dân tự nguyện bàn giao.
Theo báo Thanh Niên, ông Trần Tấn Hưng (ngụ huyện Nhà Bè, TP.HCM), người bàn giao con trăn đất cho biết, người thân của ông bắt được tại áo cá gần nhà.
Mong muốn con trăn đất được thả về môi trường tự nhiên, ông Hưng đã liên hệ với kiểm lâm để bàn giao.
Kiểm lâm xác định đây là trăn đất, nặng khoảng 8 kg, dài khoảng 2 m, thuộc nhóm IIB trong danh mục động vật rừng nguy cấp, quý hiếm.
Ngày 12/12, Chi cục Kiểm lâm TP.HCM cũng tiếp nhận một con kỳ đà hoa (giới tính cái), nặng khoảng 3,5 kg, thuộc nhóm IIB trong danh mục động vật rừng nguy cấp, quý hiếm do ông Đậu Việt Hà (ngụ quận Gò Vấp) bàn giao.
Con kỳ đà trên được ông Hà phát hiện bò kiếm ăn tại khu vực bờ kênh Tham Lương. Sợ con kỳ đà bị bắt làm thịt, ông cùng một người hàng xóm đã bắt nhốt vào lồng và trình báo lực lượng kiểm lâm.
Kiểm lâm đã tiếp nhận con trăn đất, con kỳ đà để cứu hộ, chăm sóc theo quy định.
Hoàng Yên(T/h)