Tăng 35.000 học sinh, TPHCM cần tuyển hơn 4.700 giáo viên cho năm học mới
Dân trí cho hay, năm học 2023-2024, học sinh các cấp từ mầm non tới phổ thông tại TP.HCM dự kiến đạt mốc hơn 1,7 triệu người.
Theo UBND TP.HCM, với hơn 1,66 triệu học sinh trong năm học trước, thành phố có 71.171 giáo viên. Trong đó, hơn 56.000 giáo viên công lập và gần 21.000 ngoài công lập.
Chính vì thế, khi số lượng học sinh năm học tới tăng hơn 35.000 em, thành phố cần tới 79.350 giáo viên.
Để chuẩn bị đội ngũ nhân sự cho ngành giáo dục, Sở GD&ĐT TP.HCM xác định nhu cầu tuyển dụng viên chức ở các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc trong đợt 1 là 308 viên chức, trong đó có 255 giáo viên và 53 nhân viên.
Nhu cầu tuyển dụng nhân sự cho các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Phòng GD&ĐT TP.Thủ Đức, các quận huyện là 4.466 giáo viên. Trong đó, giáo viên mầm non nhu cầu là 986 người, giáo viên tiểu học là 1.667 người, giáo viên THCS là 1.748 người, giáo viên chuyên biệt là 65 giáo viên.
Như vậy, tổng số giáo viên cần tuyển trong thời gian tới là hơn 4.700 người.
Để chuẩn bị cho năm học mới, thành phố dự kiến sẽ đưa vào sử dụng trong năm 2023 là 48 dự án với 672 phòng học mới (trong đó số phòng học tăng thêm là 371 phòng) với tổng mức đầu tư hơn 1.503 tỷ đồng.
Việc gia tăng số học sinh nêu trên dẫn đến tăng số cán bộ, giáo viên, nhân viên và tăng biên chế sẽ làm tăng nguồn chi của ngân sách thành phố.
Hiện nay địa bàn một số quận, huyện có nhiều trường tiểu học có quy mô sĩ số trên 45 học sinh/lớp đã hạn chế phần nào công tác quản lý và chất lượng giảng dạy, chưa đáp ứng yêu cầu chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Tiếp tục xảy ra 7 trận động đất tại Kon Tum
Theo Trung tâm Báo tin Động đất và Cảnh báo Sóng thần, Viện Vật lý Địa cầu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), từ đêm 11 đến sáng 12/7, 7 trận động đất đã xảy ra tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum.
Trận động đất gần nhất xảy ra vào 6h50 ngày 12/7 có độ lớn cao nhất là 3.8. Trận động đất này xảy ra tại tọa độ 14.913 độ Vĩ Bắc - 108.254 độ Kinh Đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 8,1 km.
Trước đó, khu vực này xảy ra 6 trận động đất trong khoảng thời gian từ 23h02 phút ngày 11/7 đến 4h16 phút ngày 12/7, độ lớn từ 2.7 đến 3.4. Các trận động đất trên không gây rủi ro thiên tai.
Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu Nguyễn Xuân Anh cho biết trên Công lý, từ tháng 6/2021, Viện Vật lý Địa cầu đã cử cán bộ đến khu vực này để thiết lập thêm các trạm quan trắc nhằm tìm hiểu rõ hơn và cảnh báo kịp thời các hiện tượng địa chất nguy hiểm xảy ra. Mức độ động đất trong những ngày vừa qua dù xảy ra nhiều nhưng chưa đến mức cảnh báo rủi ro.
Số liệu động đất ghi nhận được tại khu vực huyện Kon Plông cho thấy, động đất xảy ra thường xuyên hơn trong thời gian gần đây và có xu hướng tăng lên về độ lớn. Khu vực tỉnh Kon Tum nói chung và huyện Kon Plông nói riêng thuộc đới đứt gãy nhỏ.
XEM THÊM: Hà Nội ghi nhận số ca mắc sốt xuất huyết tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ
Phát hiện 1 cá thể Voọc Đen Má Trắng ở Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ
Một cá thể Voọc Đen Má Trắng quý hiếm mới được phát hiện tại Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kim Hỷ (huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn).
Theo đó, ngày 26/6, Trạm Kiểm lâm Nà Dường tổ chức tuần tra; trong quá trình kiểm tra tuần rừng tại Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kim Hỷ đã phát hiện một cá thể nghi là Voọc Đen Má Trắng đang xuống bìa rừng để kiếm ăn.
Cá thể này có đặc điểm đuôi dài, thân lông màu đen, hai bên má trắng. Khi phát hiện người, cá thể Voọc đã bỏ lên núi đá.
Do địa hình cách xa, rừng rậm rạp nên Tổ công tác đã không quay, chụp được hình ảnh. Sau khi cá thể Voọc này chạy lên núi đá, hướng về phía con vật đi lên có nhiều tiếng kêu vọng lại, nghi là các cá thể trong đàn báo hiệu cho nhau.
Ông Lê Xuân Diệu, Hạt trưởng, Phụ trách Ban Quản lý Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kim Hỷ, cho biết trên TTXVN nhận được tin báo từ Trạm Kiểm lâm Nà Dường, lãnh đạo Ban Quản lý Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kim Hỷ đã chỉ đạo xác minh sự việc.
Qua xác minh, một số hộ dân trong thôn Nà Lẹng, xã Văn Lang (huyện Na Rì) cho biết quá trình đi làm nương thỉnh thoảng có thấy đàn Vọoc khoảng 5 đến 6 con, xuất hiện vào khoảng tháng 4. Thậm chí có người còn được chứng kiến một cá thể Voọc chạy đuổi theo xe máy của người đi đường.
Lãnh đạo Ban Quản lý Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kim Hỷ thông tin qua thời gian theo dõi, thăm nắm tình hình, trưa 10/7, Ban Quản lý Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kim Hỷ đã phát hiện, chụp ảnh, quay video cận cảnh đối với một cá thể Voọc và xác định chính xác là loài Voọc Đen Má Trắng.
Đây cũng là lần đầu tiên Voọc Đen Má Trắng được phát hiện tại Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kim Hỷ.
Ngay khi phát hiện loài động vật hiếm, Ban Quản lý Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kim Hỷ đã phối hợp với lãnh đạo Ủy ban Nhân dân xã Văn Lang (huyện Na Rì) tổ chức tuyên truyền tới mọi người dân trên địa bàn xã và chỉ đạo Trạm Kiểm lâm Nà Dường tăng cường tuần tra, nhất là khu vực có Vọoc xuất hiện; tổ chức cắm biển cấm săn bắt động vật hoang dã, tuyên truyền để người dân không xua đuổi cũng như có hành vi gây tổn hại đến các cá thể Vọoc.
Ban Quản lý Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kim Hỷ đã tập trung xây dựng kế hoạch để bảo vệ đối với loài linh trưởng hiện đang có nguy cơ bị tuyệt chủng cao này.
Việt Hương (T/h)