Không để thiếu thuốc điều trị bệnh tay chân miệng
Theo Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận khoảng 15.000 ca mắc tay chân miệng, đã có 6 trường hợp tử vong. Dịch đang lan rộng và diễn biến phức tạp, tăng cả số ca nặng và số ca tử vong.
Trước tình hình dịch tay chân miệng tại các địa phương, nhất là tại TP.HCM đã có lo ngại việc thiếu thuốc điều trị nếu các ca bệnh tăng nhanh.
Theo Báo Tin Tức, Đại diện Sở Y tế TP.HCM cho biết: Theo phác đồ điều trị tay chân miệng do Bộ Y tế ban hành, hầu hết các thuốc cần cho nhu cầu điều trị tay chân miệng hiện đang được đáp ứng đầy đủ. Tuy nhiên, có 2 loại thuốc có thể gặp khó khăn trong cung ứng giai đoạn tiếp theo nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục gia tăng, kéo dài; đó là thuốc Immunoglobulin và Phenobarbital dùng cho các trường hợp bệnh nhân mắc tay chân miệng ở mức độ nặng.
Theo đó, thuốc Immunoglobulin hiện có trên thị trường; nhưng nguồn cung hạn chế do tình hình khó khăn chung; trong khi đó, thuốc này hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu vì Việt Nam chưa sản xuất được. Hiện các đơn vị trúng thầu thuốc trên địa bàn Thành phố đang tiếp tục thúc đẩy các thủ tục liên quan, phối hợp nhà cung ứng để thực hiện cung ứng thuốc, đảm bảo điều trị cho người bệnh.
GS. Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng thông tin: Hiện nay các thuốc điều trị bệnh tay chân miệng thông thường cơ bản đáp ứng đủ công tác điều trị. Riêng với thuốc Immunoglobulin dùng để điều trị các ca nặng (có khoảng 10% số ca bệnh cần điều trị bằng thuốc Immunoglobulin), vừa qua Việt Nam đã nhập khẩu được 6.000 chai thuốc Immunoglobulin về Việt Nam để cung ứng cho các bệnh viện. Số lượng thuốc trên đã đáp ứng được nhu cầu cấp bách của các bệnh viện.
Cũng theo GS. Phan Trọng Lân, số lượng thuốc Immunoglobulin như vậy và với tình hình dịch như hiện nay, có thể phục vụ công tác điều trị khoảng trên 2 tháng cho những trường hợp cần sử dung thuốc này.
Trước tình hình bệnh tay chân miệng vẫn đang có dấu hiệu tăng cao, Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo các cơ sở nhập khẩu đảm bảo cung ứng thuốc theo nhu cầu của các bệnh viện trong thời gian sắp tới...
Xử phạt trên 6.000 lái xe ở Đắk Lắk vi phạm nồng độ cồn
Theo VOV, hơn 6 tháng qua, lực lượng Cảnh sát giao thông tỉnh Đắk Lắk đã phát hiện và lập biên bản 25.050 trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ, tạm giữ 8.454 lượt phương tiện, xử phạt 18.444 trường hợp, thu nộp Kho bạc Nhà nước 36,6 tỷ đồng, tước Giấy phép lái xe có thời hạn 3.590 trường hợp. So với cùng kỳ năm 2022, phát hiện vi phạm tăng 6.843 trường hợp, tiền xử phạt tăng 17,6 tỷ đồng.
Trong đó, xử lý 6.132 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn, 6.920 trường hợp vi phạm tốc độ, 570 trường hợp vi phạm tải trọng, kích thước thành, thùng xe, 81 trường hợp vi phạm về ma túy, lập biên bản 17 trường hợp vi phạm lạng lách, đánh võng, rú ga, nẹt pô, không để xảy ra đua xe trái phép.
XEM THÊM: 6 tháng đầu năm 2023, cả nước xảy ra nhiều vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng
Cà Mau: Sạt lở đất lúc rạng sáng, hơn nửa tỷ đồng bị nhấn chìm
Ngày 9/7, báo Giao thông dẫn thông tin từ UBND huyện Đầm Dơi (tỉnh Cà Mau), trên địa bàn vừa xảy ra vụ sạt lở nghiêm trọng tại một cơ sở tôm giống tại xã Nguyễn Huân.
Vụ sạt lở xảy ra vào rạng sáng 7/7, đã làm thiệt hại hoàn toàn cơ sở tôm giống của hộ ông Lê Thức ở ấp Vàm Đầm, xã Nguyễn Huân, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau.
Qua thống kê bước đầu, ước thiệt hại hơn 500 triệu đồng.
Ngay khi nhận được thông tin, lãnh đạo UBND huyện Đầm Dơi cùng lãnh đạo các phòng chức năng của huyện và xã Nguyễn Huân đến kiểm tra thực tế hiện trường sạt lở.
Đồng thời, đoàn đã đến thăm hỏi, hỗ trợ, động viên cơ sở tôm giống của ông Lê Thức, mong muốn gia đình vượt qua khó khăn, sớm ổn định cuộc sống.
Việt Hương (T/h)