Quảng Bình: Xử phạt hơn 800 trường hợp vi phạm giao thông, phạt 3,2 tỷ đồng
Thực hiện Kế hoạch của Bộ Công an, Công an tỉnh Quảng Bình về cao điểm kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Quảng Bình đã tập trung xử lý vi phạm trên lĩnh vực giao thông đường bộ, đường thủy, đặc biệt tập trung chuyên đề nồng độ cồn, ma túy; quá khổ, quá tải, tự ý cải tạo, cơi nới thành thùng xe; vi phạm tốc độ.
Trong tuần đầu ra quân, lực lượng CSGT Quảng Bình đã phát hiện và lập biên bản hơn 400 trường hợp vi phạm TTATGT đường bộ, trong đó: 27 trường hợp chở hàng quá tải, quá khổ; 14 trường hợp thay đổi kích thước thùng xe; 02 trường hợp không có phù hiệu vận tải và hơn 300 trường hợp vi phạm khác.
Dự kiến phạt tiền trên 1,2 tỷ đồng.
Để thực hiện có hiệu quả kế hoạch trên, Phòng Cảnh sát giao thông đã thành lập 5 Tổ chuyên đề đặc biệt do Ban chỉ huy phòng CSGT trực tiếp làm tổ trưởng để chỉ đạo, tiến hành kiểm tra, đôn đốc, phát hiện xử lý vi phạm về quá tải, quá khổ, cơi nới thùng xe.
Đồng thời đã tiến hành nắm tình hình về các doanh nghiệp còn có xe chưa thực hiện việc tự giác cắt thành thùng để mục đích lén lút hoạt động; phối hợp với Công an các huyện, thị xã, thành phố thành lập các tổ công tác đến tận nơi để làm việc với chủ phương tiện, bắt buộc tự giác tháo dỡ.
Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2022, riêng Phòng CSGT, Công an tỉnh Quảng Bình đã phát hiện và lập biên bản 816 trường hợp.
Trong đó, 185 trường hợp chở hàng quá tải, quá khổ; 142 trường hợp thay đổi kích thước thùng xe; 182 trường hợp lốp không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật; 188 trường hợp không có bạt che phủ hoặc có nhưng vẫn để rơi vãi; 71 trường hợp không thắt dây an toàn; 31 trường hợp chở quá người trên buồng lái, 17 trường hợp không có đèn tín hiệu, đèn báo hãm và các lỗi vi phạm khác.
Dự kiến phạt tiền trên 3,2 tỷ đồng.
Yên Bái: Mưa lũ làm sập trôi 1 nhà, hỏng 3 công trình thủy lợi ở huyện Văn Chấn
Theo báo cáo nhanh từ Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Yên Bái, mưa lũ xảy ra đêm ngày 25/6 rạng sáng 26/6 đã gây thiệt hại về tài sản và sản xuất nông nghiệp cho nhân dân trên địa bàn huyện Văn Chấn.
Thống kê ban đầu cho thấy, mưa lũ đã làm sập đổ, trôi hoàn toàn 1 ngôi nhà và vùi lấp, làm gãy đổ gần 13 ha hoa màu, trôi 765 kg thóc tại xã Nậm Lành cùng một số gia súc, gia cầm trên địa bàn 2 xã Nậm Lành và Nậm Búng. Mưa lũ đã cuốn trôi 1 cầu tạm tại thôn Nậm Kịp, xã Nậm Lành; làm 3 công trình thủy lợi bị hư hỏng (thủy lợi Nậm Cưởm, xã Nậm Búng, thủy lợi Bản Dõng, xã Sơn Lương và thủy lợi Giàng Cài, xã Nậm Lành). Ước thiệt hại khoảng 1 tỷ đồng.
Ngay sau khi nhận được tin báo của địa phương bị thiệt hại, Chủ tịch UBND huyện Văn Chấn, Trưởng ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện đã trực tiếp đến hiện trường chỉ đạo Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các xã, thị trấn khẩn trương kiểm tra, thống kê thiệt hại, thăm hỏi, động viên và huy động các lực lượng tại chỗ khẩn trương khắc phục thiệt hại để sớm ổn định đời sống nhân dân; đến thăm hỏi, động viên và hỗ trợ gia đình bị sập trôi nhà tại xã Nậm Lành. Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn xã Nậm Lành đã huy động nhân dân hỗ trợ gia đình bị thiệt hại chuyển đến ở nhà người thân một cách an toàn.
Chủ tịch UBND huyện Văn Chấn còn chỉ đạo Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các xã, theo dõi diễn biến thời tiết, giữ liên lạc 24/24 giờ, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân chủ động cảnh giác đề phòng, chống bão, lũ theo phương châm 4 tại chỗ; kịp thời thống kê, báo cáo UBND huyện khi có thiệt hại xảy ra; yêu cầu chính quyền xã Nậm Lành khẩn chương tìm đất tái định cư cho gia đình có nhà bị lũ cuốn trôi, kịp thời báo cáo để huyện đưa ra phương án giải quyết kịp thời.
Số ca mắc sốt xuất huyết tăng mạnh, 30 trường hợp tử vong
Bộ Y tế cho biết, hiện đang là cao điểm mùa dịch sốt xuất huyết. Số ca mắc liên tục tăng cao tại nhiều tỉnh, thành phố trong những tuần gần đây, chủ yếu ở khu vực miền Nam và một số tỉnh miền Trung.
Năm nay số ca sốt xuất huyết nặng tăng nhanh, cao hơn nhiều so với cùng kỳ hai năm trước. Số trẻ em tử vong do sốt xuất huyết nhiều hơn người lớn, trong khi những năm trước số người lớn tử vong nhiều hơn.
Nguyên nhân được Bộ Y tế chỉ ra, do dịch sốt xuất huyết có tính chất chu kỳ, thời điểm mùa hè thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều tạo điều kiện thuận lợi cho lăng quăng, bọ gậy phát triển. Bên cạnh đó sự giao lưu đi lại của người dân cao, trong khi ý thức và hành vi vệ sinh phòng bệnh của người dân chưa tốt, còn chủ quan, lơ là, không chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh.
Bộ Y tế dự báo số ca mắc sốt xuất huyết thời gian tới tiếp tục gia tăng và có thể bùng phát trên diện rộng nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Theo Bộ Y tế, khi mắc sốt xuất huyết và tự điều trị tại nhà, người bệnh lưu ý không được uống acid acetylsalicylic (aspirin), mefenemic acid (ponstan), ibuprofen hay các chất chống viêm không-steroid khác (NSAID) hay các thuốc steroid. Nếu đã uống các thuốc này, người bệnh cần tới bác sĩ để thăm khám. Người bệnh không cần thiết uống kháng sinh.
Việt Hương (T/h)