Tin thời sự mới nóng nhất 24/6: Bình Dương "đau đầu" vì người dân lơ là tiêm vắc xin phòng COVID-19
(ĐS&PL) - Tin tức thời sự 24h mới nhất ngày 24/6/2022. Cập nhật tin tức thời sự 24h nóng nhất ngày 24/6/2022 trên trang Đời sống & Pháp luật.
Bình Dương "đau đầu" vì người dân lơ là tiêm vắc xin phòng COVID-19
Ngày 23/6, Sở Y tế tỉnh Bình Dương thông tin, trong 6 tháng đầu năm 2022, dịch bệnh COVID-19 giảm mạnh ở cả 3 tiêu chí (ca mắc, nhập viện, tử vong). Bình Dương hiện không còn bệnh nhân COVID-19 phải điều trị tại bệnh viện.
Theo ngành y tế Bình Dương, để có được kết quả trên, vắc xin phòng COVID-19 đã chứng minh hiệu quả. Dù vậy, COVID-19 đang xuất hiện biến chủng mới, trong khi vắc xin phòng ngừa chỉ có tác dụng tốt nhất trong khoảng thời gian từ 3 đến 6 tháng nên nguy cơ mắc bệnh đối với các trường hợp tiêm chưa đủ liều rất cao.
Trong khi đó, người dân ở Bình Dương không còn mặn mà đi tiêm vắc xin phòng COVID-19. Hiện nay, Bình Dương còn tồn 214.400 liều vắc xin các loại.
“Dịch bệnh còn phức tạp. Sự xuất hiện của biến chủng mới sẽ còn đe dọa tính mạng con người. Người đứng đầu chính quyền chịu trách nhiệm nếu dịch bệnh bùng phát, trong khi người dân không chịu đi tiêm nhưng không có chế tài nào. Do đó, những người thực hiện công tác phòng, chống dịch đang chịu nhiều áp lực”, Tiền phong dẫn lời Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương Nguyễn Hồng Chương chia sẻ.
Cũng theo ông Chương, ngành y tế tạo điều kiện tốt nhất cho người dân đến tiêm vắc xin như: chỉ cần cầm giấy đã tiêm mũi trước hoặc thông tin trên phần mềm; đến bất kỳ thời điểm nào tại các trạm y tế trước 22h đêm. “Vắc xin có hạn sử dụng rất lâu, chỉ khi rã đông phải tiêm trong vòng 1 tháng là hết hạn. Hiện nay, số lượng vắc xin còn ở Bình Dương có hạn sử dụng còn rất lâu”, ông Chương khẳng định.
Lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Bình Dương cho biết thêm, có nhiều nguyên nhân khiến tỉ lệ tiêm vắc xin phòng COVID-19 chậm. Hiện nay người dân chủ quan vì nghĩ rằng đã hết dịch bệnh, bởi có ít trường hợp phải nhập viện. Mặt khác, người dân mơ hồ trước thông tin lan truyền không chính thống, cho rằng tiêm vắc xin giảm ham muốn chuyện “chăn gối”, vô sinh… trong khi không có nghiên cứu nào chứng minh.
Đối với số vắc xin còn tồn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Nguyễn Lộc Hà yêu cầu các đơn vị, địa phương trong 3 ngày tới phải tập trung tiêm dứt điểm. Ông đề nghị Ban Quản lý các khu công nghiệp hỗ trợ ngành chức năng vào trong doanh nghiệp để tiêm cho công nhân, đồng thời khuyến khích tinh thần tiên phong của cán bộ, viên chức trong tiêm phòng COVID-19.
Bộ Y tế nhắc 4 tỉnh, thành đẩy mạnh tiêm vaccine phòng COVID-19
Bộ Y tế vừa có công văn số 3271/BYT-DP gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố Đồng Nai, Đà Nẵng, Đồng Tháp, Quảng Ngãi về việc tăng cường triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19.
Bộ Y tế cho biết đã nhận được văn bản của các tỉnh, thành phố: Đồng Nai, Đà Nẵng, Đồng Tháp, Quảng Ngãi về hỗ trợ điều chuyển vaccine phòng COVID-19 chưa sử dụng cho các địa phương khác có nhu cầu.
Để tăng cường công tác tiêm chủng nhằm đạt các mục tiêu tiêm chủng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tránh để xảy ra lãng phí vaccine, Bộ Y tế đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố: Đồng Nai, Đà Nẵng, Đồng Tháp, Quảng Ngãi quan tâm chỉ đạo Sở Y tế và các đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các công điện, hướng dẫn của Bộ Y tế về tiêm chủng vaccine phòng COVID-19.
Các địa phương trên tiếp tục rà soát đối tượng thuộc diện phải tiêm chủng theo phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” tại từng huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, từng xã, phường, thị trấn; tăng cường thông tin, truyền thông nhằm đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng.
Đồng thời, các địa phương khẩn trương tiếp nhận và triển khai tiêm chủng các vaccine phòng COVID19 đã được phân bổ kịp thời, hiệu quả, tránh lãng phí.
Văn bản của Bộ Y tế nêu rõ: “Nếu không nhận vaccine hoặc để vaccine tồn không sử dụng trong khi vẫn còn người dân chưa được tiêm chủng theo hướng dẫn của Bộ Y tế, để xảy ra dịch tại địa phương, phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ”.
Bộ Y tế cũng đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố: Đồng Nai, Đà Nẵng, Đồng Tháp, Quảng Ngãi tập trung lãnh đạo, chỉ đạo để đẩy mạnh triển khai tiêm nhắc vaccine phòng COVID-19 mũi 3 cho đối tượng từ 12 tuổi trở lên và hoàn thành tiêm đủ liều cơ bản cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi trong tháng 8/2022 theo chỉ đạo của Chính phủ; đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 4 cho các đối tượng theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Hỗ trợ cứu nạn thuyền viên trên tàu bị chìm tại vùng biển Hải Phòng
Vào 12h10 ngày 22/6, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Việt Nam (thuộc Cục Hàng hải Việt Nam, Bộ giao thông vận tải) tiếp nhận thông tin về tàu Nam Thịnh 126 với 8 thuyền viên và 2 hành khách (thuộc Công ty TNHH thương mại vận tải biển Tấn Tài tại xóm 4, xã Thụy Sơn, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình), khi đang hành trình chở 1.800 tấn đá xẻ, đá kiện từ Quy Nhơn về cảng Cấm (Hải Phòng), đến vị trí 20 độ 36 phút vĩ độ Bắc; 107 độ 01 kinh độ Đông, (khu neo Hòn Dấu, Hải Phòng) tàu thả neo và bị sóng dồn làm tàu quay ngang, nghiêng có nguy cơ chìm.
Toàn bộ 8 thuyền viên và 2 hành khách rời tàu xuống phao bè. Thuyền trưởng yêu cầu cứu nạn khẩn cấp.
Sau khi tiếp nhận thông tin, Trung tâm đã phối hợp với Cảng vụ hàng hải Hải Phòng cùng các lực lượng liên quan trong khu vực huy động các phương tiện tại khu vực gồm: tàu Thành Nguyên 36, tàu Hợp Nhất 856, tàu HP 3555 tham gia tìm kiếm.
Đến 12 giờ 40 phút, tàu HP 3555 đã cứu vớt được toàn bộ 10 người trên tàu Nam Thịnh 126 đang trôi dạt cùng phao bè.
Trung tâm đã điều động tàu SAR 411 rời cầu cảng Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải khu vực I (Trung tâm khu vực I) tại Hải Phòng hành trình tiếp nhận và kịp thời chăm sóc, sơ cấp cứu các thuyền viên tàu Nam Thịnh 126 bị nạn.