Phong tỏa toàn bộ khu vực núi sạt lở vùi lấp 2 mẹ con ở Phú Yên
Ông Nguyễn Đại Dương, Phó Chủ tịch xã An Dân (huyện Tuy An, Phú Yên) cho biết trên Sài Gòn giải phóng, đang huy động lực lượng phong tỏa toàn bộ hiện trường khu vực sạt lở núi cuốn sạt bức tường nhà, vùi lấp 2 mẹ con nhập viện cấp cứu ở xóm Đồng Đèo (thôn Cần Lương, xã An Dân).
Khu vực này được đánh giá đang có nguy cơ tiếp tục sạt lở rất cao nên các đơn vị chức năng chưa thể tiếp cận.
Về tình hình 2 nạn nhân trong vụ sạt lở, Phó Chủ tịch xã An Dân cho biết: “Người mẹ hiện đang rất nặng, bị gãy xương sườn, xương vai, dịch tràn phổi, tay trái bị liệt… đang được các bác sĩ ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định đưa vào phòng mổ vào chiều 13/11. Còn người con trai thì bị đứt dây chằng chân đã được phẫu thuật, sức khỏe dần bình phục”.
Khoảng 18h ngày 12/11, mưa lớn khiến đất đá trên núi bất ngờ đổ xuống vùi lấp, cuốn sập bức tường căn nhà bà Đào Thị T. Tại vị trí này, bà T. đang cùng con trai là L.Đ.L.N. đang ở bên trong nhà và bị đất đá đè lên.
Lúc này, chồng bà T. là ông Lê Văn Tấn đang ở khu vực khác phát hiện sự việc liền hô hoán nhờ dân làng, chính quyền đến giúp đỡ. Nhiều người đã nhanh chóng đào bới, cứu 2 nạn nhân ra khỏi đất đá sạt lở, đưa nạn nhân đến bệnh viện cấp cứu.
Tại hiện trường, đất đá vùi lấp gần như toàn bộ ngôi nhà ông Tấn. Tất cả các đồ đạc, tài sản đều bị vùi lấp trong bùn đất, đá.
Cả nước có thêm 242 ca mắc mới COVID-19
Ngày 13/11, cả nước có thêm 242 ca mắc mới COVID-19, trong ngày không ghi nhận ca tử vong do COVID-19.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.508.689 ca nhiễm, đứng thứ 13/230 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 117/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 116.304 ca nhiễm).
Số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày là 70 ca. Tổng số ca được điều trị khỏi là 10.605.937 ca. Số bệnh nhân đang thở oxy là 38 ca.
Ngày 12/11, cả nước không ghi nhận ca tử vong do COVID-19. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.166 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.
Tổng số ca tử vong xếp thứ 26/230 quốc gia, vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 139/230 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 7/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 21/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 3 ASEAN).
Trong ngày 12/11, có 30.081 liều vắc xin phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 262.634.272 liều, trong đó:
Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 222.215.774 liều: Mũi 1 là 71.075.654 liều; mũi 2 là 68.674.204 liều; mũi bổ sung là 14.502.353 liều; mũi nhắc lại lần 1 là 51.356.525 liều; mũi nhắc lại lần 2 là 16.607.038 liều.
Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 23.576.447 liều: Mũi 1 là 9.120.018 liều; mũi 2 là 8.917.102 liều; mũi nhắc lại lần 1 là 5.539.327 liều.
Số liều tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi là 16.842.051 liều: Mũi 1 là 9.899.411 liều; mũi 2 là 6.942.640 liều.
TP.Hà Nội: Buýt nhanh BRT làm giảm ùn tắc giao thông
Theo UBND TP.Hà Nội, xe buýt BRT đã góp phần làm giảm ùn tắc giao thông, giảm phương tiện cá nhân vào nội đô, giảm chi phí đi lại cho hành khách. Bên cạnh đó, tuyến xe này còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực nó đi qua.
TP.Hà Nội chỉ ra những tồn tại hiện nay của tuyến xe buýt nhanh là còn tình trạng lấn làn, một số đoạn chạy chung với các phương tiện nên ảnh hưởng đến tốc độ di chuyển, một số nhà chờ chưa được tiếp cận bằng cầu đi bộ, chưa có hệ thống vé điện tử.
UBND TP.Hà Nội cho biết, bình quân năm 2017, buýt nhanh BRT đạt hơn 40 khách/lượt; năm 2018 là 42 khách/lượt; năm 2019 gần 43 khách/lượt. Vào giờ cao điểm, xe chở 70 khách/lượt, có chuyến lên đến 100 khách.
Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, giai đoạn 2020-2022, có những thời điểm xe buýt phải dừng hoạt động, giảm công suất nên sản lượng và doanh thu tuyến BRT sụt giảm. Bình quân năm 2020 hơn 45 khách/lượt, đến 2021 chỉ còn 23 khách/lượt. Đến nửa đầu năm 2022, lượng khách trung bình mỗi lượt bằng năm 2021 (hơn 45 khách/lượt).
Theo UBND TP.Hà Nội, doanh thu của tuyến buýt nhanh được đánh giá tốt so với các tuyến xe buýt thường, nhưng tỷ lệ trợ giá có xu hướng ngày càng tăng.
Cụ thể, năm 2017 doanh thu tuyến BRT đạt 25 tỷ đồng, năm 2018 tăng lên 27,5 tỷ đồng, năm 2019 gần 25 tỷ đồng. Do ảnh hưởng Covid-19, doanh thu năm 2020 chỉ đạt 15,2 tỷ đồng, đến năm 2021 đạt 7,9 tỷ đồng.
Tuyến xe buýt nhanh BRT Kim Mã - Yên Nghĩa (dài 14,7km) được phê duyệt từ năm 2007, với tổng mức đầu tư là 55 triệu USD (khoảng 1.100 tỷ đồng).
Đầu năm 2017, buýt nhanh bắt đầu hoạt động, với lộ trình Yên Nghĩa - Ba La - Lê Trọng Tấn - Tố Hữu - Lê Văn Lương - Láng Hạ - Giảng Võ - bến xe Kim Mã.
Việt Hương (T/h)