Tin thế giới mới nhất ngày 29/8: Tổng thống Hàn Quốc ra lệnh chuẩn bị chiến lược tấn công nếu Triều Tiên "vượt ranh giới đỏ"; Hàng nghìn dân hoảng sợ chạy trốn bạo loạn ở Myanmar; Ấn Độ kết án 10 năm tù với giáo sĩ bị buộc tội hiếp dâm; ...
Tổng thống Hàn Quốc ra lệnh chuẩn bị chiến lược tấn công nếu Triều Tiên "vượt ranh giới đỏ"
Báo Lao Động dẫn nguồn tin từ Yonhap cho biết, ngày 28/8, Tổng thống Moon Jae-in phát biểu tại cuộc gặp lãnh đạo quân đội Hàn Quốc tuyên bố: "Tôi muốn cải cách trong cấu trúc các lực lượng vũ trang, đáp ứng yêu cầu của cuộc chiến hiện đại, để nhanh chóng chuyển sang chiến lược tấn công trong trường hợp Triều Tiên thực hiện hành động khiêu khích, vượt qua ranh giới cuối cùng hoặc tấn công vào khu vực thủ đô".
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. Ảnh: Yonhap/Reuters |
"Nếu Triều Tiên tập trung phát triển khả năng tên lửa và hạt nhân - vốn là những khả năng bất đối xứng - thay vì vũ khí thông thường, thì chúng ta cũng phải có những biện pháp đối phó bất đối xứng, cụ thể là 3 hệ thống phòng thủ chủ chốt" - ông Moon nhấn mạnh.
Ba hệ thống phòng thủ chủ chốt hay còn gọi là ba trụ cột quốc phòng của Hàn Quốc là hệ thống tiêu diệt, phòng thủ tên lửa, khả năng trả đũa và trừng phạt ồ ạt. Chính phủ Hàn Quốc đang tìm cách thiết lập các hệ thống như vậy vào năm 2020, nhằm tăng cường đáng kể năng lực quốc phòng.
Ông Moon Jae-in cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải diệt trừ tham nhũng trong ngành công nghiệp quốc phòng, lưu ý rằng, Hàn Quốc đang đầu tư nhiều hơn Triều Tiên, nhưng nhiều người vẫn nghi ngờ khả năng của Seoul trước Bình Nhưỡng.
"GDP của Hàn Quốc gấp 45 lần Triều Tiên, và dựa trên những con số đó, khả năng phòng thủ của chúng ta phải vượt trội Triều Tiên, nhưng tự hỏi liệu quân đội chúng ta có tự tin làm được điều đó không" - ông Moon Jae-in nhấn mạnh.
Tổng thống Moon Jae-in cũng kêu gọi xem xét kỹ lưỡng và thảo luận sâu rộng để đảm bảo rằng, việc cải cách quốc phòng của Hàn Quốc đi đúng hướng.
Ấn Độ kết án 10 năm tù với giáo sĩ bị buộc tội hiếp dâm
Theo tin tức trên báo VnExpress, ngày 28/8, Reuters dẫn lời ông Ram Niwas, quan chức pháp luật hàng đầu của bang Haryana, miền bắc Ấn Độ: "Tòa án quyết định bị cáo phải chịu 10 năm tù". Bản án được tuyên cho giáo sĩ Gurmeet Ram Rahim Singh, thủ lĩnh giáo phái Dera Sacha Sauda với 50 triệu tín đồ, người bị cáo buộc đã cưỡng hiếp hai nữ môn đồ vào năm 2002.
Giáo sĩ Rahim Singh đứng đầu giáo phái với hơn 50 triệu tín đồ. Ảnh: Hindustan Times. |
Bất chấp phán quyết được đưa ra sau 15 năm điều tra, các tín đồ trung thành của giáo sĩ Singh tin rằng thủ lĩnh của họ hoàn toàn vô tội. "Cha của chúng tôi không bao giờ có thể phạm bất cứ tội lỗi nào. Đây là một âm mưu", một tín đồ khẳng định.
Lực lượng cảnh sát ở thành phố Rohtak, phía bắc Ấn Độ đã phải dựng hàng rào dây thép gai và yêu cầu người dân ở trong nhà để ngăn ngừa bạo loạn nổ ra ngay trước phiên tòa tuyên án giáo sĩ Rahim Singh.
Hôm 25/8, ngay sau khi Rahim Singh bị kết tội cưỡng hiếp hai nữ môn đệ, khoảng 200.000 tín đồ quá khích đã tiến hành nhiều vụ tấn công nhà ga, trạm xăng dầu, xe của đài truyền hình cùng nhiều cơ sở khác tại khắp các thị trấn ở hai bang Punjab và Haryana. Vụ bạo loạn đã khiến ít nhất 38 người thiệt mạng và hơn 200 người bị thương. Cảnh sát phải dùng tới hơi cay và vòi rồng để giải tán đám đông.
Chính quyền bang Punjab phải ban hành lệnh giới nghiêm ở ba thành phố lớn nhất. Hàng trăm chuyến tàu bị huỷ, nhà chức trách tạm thời cấm sử dụng súng và cấm tụ tập.
Hàng nghìn dân hoảng sợ chạy trốn bạo loạn ở Myanmar
Báo Tri thức trực tuyến thông tin, hàng nghìn người Rohingya, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, tìm cách băng qua sông Naf nằm giữa Myanmar và Bangladesh hoặc vượt qua biên giới đất liền để chạy trốn khỏi bạo lực.
Hàng trăm người tị nạn Rohingya vẫn mắc kẹt tại "đường biên số 0" giữa Bangladesh và Myanmar. Ảnh: AFP. |
Vụ bạo lực đánh dấu sự leo thang căng thẳng của cuộc xung đột nổ ra trong khu vực từ tháng 10 năm ngoái, khi cuộc tấn công của người Rohingya bị quân đội đàn áp tàn bạo.
Một số người tị nạn đã thoát khỏi các cuộc tàn sát trước đây ở Myanmar cho biết cảnh sát Bangladesh đã cảnh báo họ không giúp đỡ những người mới đến.
"Họ nói với chúng tôi rằng 'Nếu ai đó cho họ chỗ trú ẩn thì chúng tôi sẽ bắt giữ và đưa sang bên kia'. Vì sợ hãi nên chúng tôi không dám tiếp nhận những người mới đến", ông Mohammad Yunus, một người Hồi giáo Rohingya đang sống tại trại tị nạn tạm thời gần biên giới, cho biết.
Bất chấp những biện pháp này, khoảng 2.000 người có thể đã tràn sang Bangladesh từ ngày 25/8 theo ước tính của những người tị nạn sống trong các trại tập trung gần biên giới.
Việc giải quyết khoảng 1,1 triệu người Hồi giáo Rohingya ở khu vực nơi đa số người dân Myanmar theo Phật giáo được xem là thách thức lớn nhất đối với nhà lãnh đạo quốc gia Aung San Suu Kyi, người đã lên án vụ tấn công và khen ngợi các lực lượng an ninh.
Theo Reuters, trong nhiều năm, người Rohingya đã trải qua những điều kiện giống như apartheid ở tây bắc Myanmar, nơi họ bị từ chối quốc tịch và phải đối mặt với những hạn chế nghiêm ngặt về đi lại. Nhiều Phật tử Myanmar coi họ là những người nhập cư bất hợp pháp từ Bangladesh.
Tình báo Hàn Quốc dự báo Triều Tiên sẵn sàng thử hạt nhân
Theo TTXVN, ngày 28/8, Hãng tin Kyodo dẫn lời của một nghị sĩ tham dự cuộc họp kín báo cáo của Cơ quan Tình báo quốc gia Hàn Quốc trình Ủy ban Quốc hội, cho biết Triều Tiên đã hoàn tất công tác chuẩn bị cho vụ thử hạt nhân thứ 6 tại hai đường hầm trong lòng đất tại bãi thử hạt nhân Punggye-ri, ở miền Đông Bắc nước này.
Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN + 3 ở Manila, Philippines ngày 7/8. Ảnh: EPA/TTXVN |
Thông tin trên được tiết lộ trong bối cảnh căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên không ngừng leo thang liên quan đến chương trình tên lửa và hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Đề cập đến vấn đề phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên, cùng ngày, Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha kêu gọi Triều Tiên ngừng có thêm các hành động khiêu khích để tạo môi trường cho đàm phán, đồng thời tái khẳng định Seoul sẵn sàng nối lại thương lượng mặc dù Bình Nhưỡng vẫn liên tục thúc đẩy các chương trình hạt nhân và tên lửa.
Theo bà, vẫn còn khả năng có cơ hội cho đàm phán phi hạt nhân nếu “mọi việc được kiểm soát tốt” cho đến tháng 10 tới - thời điểm diễn ra nhiều sự kiện quan trọng trong quan hệ liên Triều, trong đó có ngày kỷ niệm 10 năm hai miền ra tuyên bố chung (4/10/2007-4/10/2017). Đây là kết quả hội nghị thượng đỉnh liên Triều năm 2007 giữa cố Tổng thống Hàn Quốc Roh Moo-hyun và cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Il.
Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Hàn Quốc khẳng định Seoul sẽ kiên trì nỗ lực xoa dịu căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên và giải quyết các vấn đề nhân đạo giữa hai miền, mặc dù cho đến này Bình Nhưỡng chưa có bất cứ hồi đáp nào. Bà Kang Kyung-wha khẳng định sẽ huy động nỗ lực đa phương để thúc đẩy đối thoại liên Triều thông qua các kênh ngoại giao sẵn có cũng như kênh trao đổi thường xuyên với Mỹ. Bà cho biết Hàn Quốc có thể thử liên lạc với các đại sứ quán Triều Tiên tại nước ngoài để diễn giải về kế hoạch thương lượng và khuyến khích Bình Nhưỡng có hồi đáp tích cực trước các đề xuất đối thoại.
Tình hình tại Bán đảo Triều Tiên tiếp tục gia tăng căng thẳng. Mới đây nhất, hôm 26/8, Triều Tiên đã phóng 3 tên lửa đạn đạo tầm ngắn nhằm phản đối cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn mang tên “Người Bảo vệ tự do Ulchi” (UFG) đang diễn ra tại Hàn Quốc. Bình Nhưỡng lên án hoạt động diễn tập chung trên là "cuộc diễn tập xâm lược" dù trước đó Seoul và Washington nhiều lần khẳng định hoạt động chỉ mang tính phòng thủ.
Mỹ- Nhật Bản hợp tác chặt chẽ giải quyết vấn đề Triều Tiên
Báo VOV cho hay, người đứng đầu Hội đồng An ninh Quốc gia Nhật Bản Shotaro Yachi vừa có cuộc gặp với Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ, H.R. McMaster trong chuyến thăm 3 ngày tới San Francisco.
Ông Shotaro Yachi (trái) và ông H.R. McMaster (Ảnh: AP) |
Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh Triều Tiên phóng 3 tên lửa tầm ngắn ngày 26/8. Đây được xem là sự khiêu khích mới nhất trong tháng qua, sau khi Bình Nhưỡng tiến hành 2 vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) gây lo ngại và dọa tấn công tên lửa vào Guam, vùng lãnh thổ Mỹ ở Thái Bình Dương.
Tại cuộc gặp, hai vị quan chức trên đã trao đổi quan điểm về kết quả phân tích thông tin liên quan tới chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên cũng như những động thái được cho là mang tính “khiêu khích” mới nhất của nước này.
Trong một diễn biến khác, liên quan đến vấn đề phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên, Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha, ngày 28/8 kêu gọi Triều Tiên ngừng có thêm các hành động khiêu khích để tạo môi trường cho đàm phán.
Ngoại trưởng Kang đồng thời tái khẳng định, Hàn Quốc sẵn sàng nối lại thương lượng mặc dù Triều Tiên vẫn liên tục thúc đẩy các chương trình hạt nhân và tên lửa.
Vị quan chức này cho biết, Hàn Quốc sẽ kiên trì nỗ lực xoa dịu căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên và giải quyết các vấn đề nhân đạo giữa hai miền, mặc dù cho đến nay Triều Tiên chưa có bất cứ hồi đáp nào trước các đề xuất đối thoại.
(Tổng hợp)