+Aa-
    Zalo

    Tin thế giới mới nhất ngày 26/8

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Tin thế giới mới nhất ngày 26/8: Bạo loạn khi đạo sĩ Ấn Độ bị kết tội hiếp dâm, 28 người chết; 6 máy bay ném bom Trung Quốc bất ngờ xuất hiện ở biên giới Nhật Bản;...

    Tin thế giới mới nhất ngày 26/8: Bạo loạn khi đạo sĩ Ấn Độ bị kết tội hiếp dâm, 28 người chết; Afghanistan: Cảnh sát tiêu diệt 42 phiến quân ở Kandahar, IS tấn công đền thờ tại Kabul; 6 máy bay ném bom Trung Quốc bất ngờ xuất hiện ở biên giới Nhật Bản;...

    Bạo loạn khi đạo sĩ Ấn Độ bị kết tội hiếp dâm, 28 người chết

    Báo VnExpress đưa tin, ngày 25/8, bạo loạn bùng phát ở hai bang miền bắc Ấn Độ khi giáo sĩ Ram Rahim Singh bị kết tội cưỡng hiếp hai thành viên nữ của môn phái.

    Người biểu tình đốt phá trên phố sau phán quyết của tòa. Ảnh: Reuters.

    Người lãnh đạo môn phái Dera Sacha Sauda này đã bị tạm giam và sẽ bị đưa tới nhà tù ở bang Haryana trước khi bị kết án vào đầu tuần sau.

    Singh, một trong những lãnh đạo giáo phái quyền lực nhất Ấn Độ với 60 triệu tín đồ trên khắp thế giới, bị Cơ quan Điều tra Trung ương Ấn Độ (CBI) cáo buộc tấn công tình dục hai nữ tín đồ.

    Cáo buộc đầu tiên với ông Singh xuất hiện từ một lá thư nặc danh được gửi đến thủ tướng Ấn Độ năm 2002. Sự việc được xem xét kỹ hơn khi một nhà báo điều tra bị bắn chết vào cùng năm. CBI cho rằng ông Singh dính líu đến vụ sát hại, sau khi nghi ngờ ông chịu trách nhiệm giúp chuyển thư nặc danh. Tuy nhiên ông này bác bỏ cáo buộc.

    Singh được cho là có tu viện rộng hơn 4.000 m2 ở Haryana, gồm có khách sạn, rạp chiếu phim, sân bóng chày và trường học.

    Phán quyết của tòa án khiến bạo loạn và tấn công phá hoại bùng lên ở hai bang Haryana và Punjab khiến ít nhất 28 người chết, buộc quân đội Ấn Độ phải triển khai binh sĩ để ổn định tình hình. Hình ảnh trên truyền hình cho thấy khói cuộn lên từ một trạm xe lửa và trạm bơm xăng ở Punjab, được cho là do những người ủng hộ ông Singh gây ra.

    Nhà chức trách địa phương trước đó đã cắt điện, Internet và truyền hình cáp ở một số khu vực của hai bang, sau khi có tin có 200.000 thành viên của giáo phái tập trung ở Panchkula nhằm thể hiện sự ủng hộ với Singh và thách thức phán quyết của tòa.

    Chính quyền bang Punjab phải ban hành lệnh giới nghiêm ở ba thành phố lớn nhất. Hàng trăm chuyến tàu bị huỷ, nhà chức trách tạm thời cấm sử dụng súng và cấm tụ tập. Cảnh sát đã xịt hơi cay và vòi rồng để trấn áp, quân tiếp viện cũng được tăng cường đến Panchkula, Sirsa và một số khu vực ở Punjab. Thủ đô New Delhi cũng bị đặt trong tình trạng báo động cao.

    Afghanistan: Cảnh sát tiêu diệt 42 phiến quân ở Kandahar, IS tấn công đền thờ tại Kabul

    TTXVN dẫn nguồn tin từ Hãng thông tấn Reuters của Anh ngày 25/8 cho biết, một số nhân chứng cho biết các đối tượng tấn công đã ném nhiều lựu đạn sau đó xông vào đền thờ Hồi giáo dòng Shi'ite. Cảnh sát đã phong tỏa hiện trường, sơ tán những người có mặt trong đền thờ. Trong khi đó, theo một quan chức Bộ Nội vụ Afghanistan, ngoài 14 dân thường và 2 cảnh sát thiệt mạng còn có 8 người bị thương.

    Binh sĩ Afghanistan làm nhiệm vụ trong chiến dịch chống phiến quân Taliban tại tỉnh Kandahar ngày 26/7. Ảnh: EPA/TTXVN

    Vụ tấn công xảy ra tại thời điểm các tín đồ đang tập trung trong thánh đường của đền thờ Hồi giáo nói trên để chuẩn bị cho lễ cầu nguyện trong ngày cử hành một lễ hội tôn giáo 25/8.

    Hiện chưa có nhóm nào nhận tiến hành vụ tấn công. Tuy nhiên, thời gian gần đây, các phần tử của tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng thường tấn công các mục tiêu liên quan đến các tín đồ Hồi giáo dòng Shi'ite tại Afghanistan.

    Cùng ngày, cảnh sát Afghanistan xác nhận đã tiêu diệt 42 phiến quân có vũ trang và khiến 25 phần tử bị thương sau khi các lực lượng an ninh của nước này, được sự yểm trợ của các cuộc không kích, đã triển khai nhiều chiến dịch truy quét trong đêm tại 2 khu vực Seyasang và Buri ở huyện Shah Walikot, thuộc tỉnh Kandahar, nơi từng là thành trì của các tay súng Taliban.

    Cảnh sát trưởng tỉnh Kandahar, Tướng Abdul Razeq xác nhận trong chiến dịch lần này, ngoài các đối tượng bị tiêu diệt nói trên, 4 nhân viên an ninh cũng đã thiệt mạng và một số người bị thương. Chiến dịch này được thực hiện sau khi nhóm tay súng Taliban tấn công các chốt kiểm tra an ninh tại nhiều huyện ở Afghanistan.

    Đây là vụ tấn công thứ 2 của các tay súng Taliban tại tỉnh Kandahar sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố chiến lược tại Afghanistan.

    6 máy bay ném bom Trung Quốc bất ngờ xuất hiện ở biên giới Nhật Bản

    Theo tin tức trên báo Tiền Phong, ngày 25/8, Hãng tin Kyodo đã dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera cho biết, 6 máy bay ném bom tầm trung H-6 của Trung Quốc đã bay giữa các hòn đảo Okinawa và Miyakojima và tiếp cận bán đảo Kii ở phía nam Honshu, Nhật Bản.

    Máy bay ném bom tầm trung Xian H-6 của Trung Quốc. Ảnh: Wikipedia

    Các máy bay tiêm kích thuộc Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản đã được huy động để chặn phi đội máy bay ném bom này, dù thực tế phía Trung Quốc không xâm nhập vào không phận của Nhật Bản.

    Theo ông Onodera, giới chức trách Tokyo đang “phân tích động cơ” của Bắc Kinh từ động thái trên, bởi đây là lần đầu máy bay Trung Quốc đi theo tuyến đường đó.

    Phản ứng của chính quyền Nhật Bản đã thể hiện rõ trên các kênh ngoại giao, tuy nhiên Trung Quốc chưa đưa ra phản ứng chính thức nào, Sputnik đưa tin.

    Mối quan hệ ngoại giao giữa Nhật Bản và Trung Quốc lạnh nhạt dần sau những tuyên bố chủ quyền đối với biên giới biển trên Biển Hoa Đông. Quần đảo Senkaku (theo cách gọi của Nhật Bản) hay Điếu Ngư (theo cách gọi của Trung Quốc) là trung tâm của các cuộc tranh cãi nảy lửa giữa hai nước.

    Tokyo lập luận, quần đảo Senkaku thuộc kiểm soát của Mỹ sau Chiến tranh Thế giới thứ II và được trao trả cho Nhật Bản vào năm 1972. Trong khi, Bắc Kinh tuyên bố, quần đảo này được đánh dấu là lãnh thổ Trung Quốc trên các bản đồ từ năm 1783.

    Liên quan đến tranh chấp trên, Nhật Bản tích cực thúc đẩy chi tiêu quốc phòng. Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã thông báo kế hoạch phát triển hệ thống radar, có khả năng phát hiện các máy bay chiến đấu tàng hình tiên tiến, hiện đang được Nga và Trung Quốc phát triển.

    Bên cạnh đó, bộ này cũng sẽ triển khai hệ thống phòng thủ Aegis Ashore do Mỹ sản xuất trên mặt đất, cũng như tăng số lượng tàu khu trục được trang bị hệ thống tên lửa Aegis tại khu vực biên giới.

    Triều Tiên cảnh báo "kết cục bi thảm" với Anh và Australia

    Báo Dân trí thông tin, Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA ngày 25/8 cảnh báo, Anh sẽ đối diện kết cục bi thảm nếu tham gia cuộc tập trận chung "Người bảo vệ tự do Ulchi" giữa Mỹ và Hàn Quốc kéo dài hết tháng 8. Cuộc tập trận này bắt đầu vào hôm 21/8 và cho tới thời điểm hiện tại Anh chưa tham gia.

    Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (Ảnh: Reuters)

    Trong khi Seoul và Bình Nhưỡng tuyên bố đây chỉ là cuộc tập trận nhằm giúp các đồng minh nâng cao khả năng phòng vệ thì Bình Nhưỡng chỉ trích cuộc diễn tập chỉ là vỏ bọc cho âm mưu chiến tranh chống lại Triều Tiên.

    Trong thông báo, KCNA lên án Mỹ và Hàn Quốc là “những kẻ gây hấn” và cho rằng những cuộc tập trận là bằng chứng về âm mưu xâm lược Triều Tiên.

    "Rõ ràng tham vọng của Mỹ nhằm xâm chiếm Triều Tiên vẫn không thay đổi bất kể mọi nỗ lực hay thương lượng và tham vọng của những “con rối” của Mỹ nhằm xâm chiếm Triều Tiên vẫn không hề thay đổi. Chúng tôi cảnh báo Mỹ và những “con rối” này và ngay cả những đồng minh khác của Mỹ như Anh hay Australia rằng họ sẽ phải đối mặt với kết cục bi thảm nếu như tham gia tập trận với Mỹ”, KCNA cho biết.

    Ngoài ra, bài xã luận trên tờ Rodong Sinmun cho rằng cuộc tập trận chung là biểu hiện rõ ràng nhất của sự thù địch đối với Triều Tiên và không ai có thể đảm bảo rằng các cuộc diễn tập sẽ không trở thành chiến tranh thực sự. Tờ báo cho rằng cuộc tập trận giống như “thêm dầu vào lửa” và “làm xấu đi tình hình trên bán đảo Triều Tiên”.

    Căng thẳng trên khu vực bán đảo Triều Tiên leo thang từ hồi tháng 7 sau hai vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa có khả năng tấn công tới lãnh thổ Mỹ của Bình Nhưỡng. Hai bên đã chỉ trích và đe dọa tấn công lẫn nhau.

    Mỹ sẽ hạn chế cấp visa 4 cho quốc gia

    Báo Thanh niên ngày 25/8 dẫn lời các quan chức giấu tên tiết lộ chính quyền Tổng thống Donald Trump sẽ hạn chế cấp thị thực (visa) đối với 4 quốc gia từ chối nhận lại công dân bị trục xuất khỏi Mỹ.

    Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson. Ảnh: Reuters

    Các quan chức giấu tên cho hay dây là biện pháp nhằm buộc Campuchia, Eritrea, Guinea và Sierra Leone phải tiếp nhận những cá nhân Mỹ trục xuất.

    Theo luật liên bang, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson có thể ngừng cấp tất cả các loại visa cho 4 nước bị Washington liệt vào diện “ngoan cố”.

    Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Mỹ dự kiến chỉ nhắm vào quan chức chính phủ các quốc gia nói trên cùng người thân, nguồn tin cho biết thêm, nhưng không tiết lộ khi nào ông Tillerson sẽ chính thức công bố động thái này.

    Trước đó, người phát ngôn Bộ An ninh Nội địa Mỹ Dave Lapan ngày 24.8 tuyên bố sẽ yêu cầu Bộ Ngoại giao áp đặt biện pháp chống lại 4 trong số hàng chục quốc gia “ngoan cố”, nhưng không nêu đích danh.

    “Mục tiêu của chúng tôi là buộc những quốc gia này phải chấp nhận công dân của họ bị trục xuất khỏi Mỹ”, ông Lapan lưu ý.

    Tướng Mỹ - Hàn kiểm tra sẵn sàng chiến đấu gần biên giới Triều Tiên

    Tin tức trên báo VnExpress, ngày 25/8, Trung tướng Jun Jin-go, tư lệnh thủy quân lục chiến Hàn Quốc và trung tướng Lawrence D. Nicholson, tư lệnh Lực lượng Thủy quân lục chiến Viễn chinh III của Mỹ tại Nhật Bản, đã tiến hành kiểm tra mức độ sẵn sàng chiến đấu của các đơn vị đóng trên hai đảo Maldo và Udo nằm sát đường giới hạn phía bắc (NLL) với Triều Tiên.

    Tướng Nicholson và tướng Jun Jin-go kiểm tra lực lượng Mỹ - Hàn ở biên giới. Ảnh: Yonhap.

    Đây là hai hòn đảo nhỏ nhưng có tầm quan trọng chiến lược ở vùng biển phía tây của Hàn Quốc. NLL được coi là biên giới trên biển giữa Hàn Quốc và Triều Tiên.

    Theo thủy quân lục chiến Hàn Quốc, động thái của hai tướng Mỹ - Hàn nhằm góp phần tăng cường hiểu biết về điều kiện tác chiến của các đơn vị và nâng cao khả năng phối hợp chiến thuật giữa hai lực lượng đóng trên đảo.

    "Chúng tôi sẽ không để các bạn chiến đấu một mình. Chúng tôi sẽ chiến đấu cùng các bạn trên cơ sở khả năng tác chiến mạnh mẽ của các lực lượng thủy quân lục chiến Hàn Quốc - Mỹ", tướng Jun tuyên bố.

    Tướng Nicholson tái khẳng định rằng mối liên minh giữa hai nước sẽ không bao giờ bị ảnh hưởng bởi bất kỳ mối đe dọa nào.

    Mỹ và Hàn Quốc về kỹ thuật vẫn đang trong tình trạng chiến tranh với Triều Tiên bởi cuộc chiến tranh giai đoạn 1950 - 1953 kết thúc bằng thỏa thuận ngừng bắn, không phải hiệp ước hòa bình.

    Vùng biển gần đường phân định NLL, đặc biệt là biển Hoàng Hải, được đánh giá là điểm nóng về xung đột với nhiều vụ đụng độ giữa hải quân Hàn Quốc và Triều Tiên thời gian qua.

    (Tổng hợp)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tin-the-gioi-moi-nhat-ngay-268-a200090.html
    Sự kiện: Thế giới 24h
    Tin thế giới mới nhất ngày 25/8

    Tin thế giới mới nhất ngày 25/8

    Tin thế giới mới nhất ngày 25/8: Nga điều máy bay ném bom gần Nhật Bản, Hàn Quốc; Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ: Nga cố vẽ lại các biên giới bằng vũ lực;...

    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Tin thế giới mới nhất ngày 25/8

    Tin thế giới mới nhất ngày 25/8

    Tin thế giới mới nhất ngày 25/8: Nga điều máy bay ném bom gần Nhật Bản, Hàn Quốc; Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ: Nga cố vẽ lại các biên giới bằng vũ lực;...

    Tin thế giới mới nhất ngày 24/8

    Tin thế giới mới nhất ngày 24/8

    Tin thế giới mới nhất ngày 24/8: Mỹ cách chức tư lệnh Hạm đội 7 sau vụ va chạm tàu khu trục; Nga tính đáp trả đợt gây hấn thứ 4 của Mỹ; ...

    Tin thế giới mới nhất ngày 23/8

    Tin thế giới mới nhất ngày 23/8

    Tin thế giới mới nhất ngày 23/8: Triều Tiên tuyên bố không bao giờ từ bỏ vũ khí hạt nhân; Tây Ban Nha bắt đầu xét xử các nghi phạm khủng bố tại tòa Madrid; ...