Tin thế giới mới nhất ngày 25/8: Nga điều máy bay ném bom gần Nhật Bản, Hàn Quốc; Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ: Nga cố vẽ lại các biên giới bằng vũ lực; LHQ kêu gọi tạm ngừng tấn công IS tại Raqa để bảo vệ dân thường;...
Nga điều máy bay ném bom gần Nhật Bản, Hàn Quốc
Báo VnExpress đưa tin, ngày 24/8, Bộ Quốc phòng Nga thông báo các máy bay ném bom Tupolev-95MS, được chiến đấu cơ Sukhoi-35S và máy bay cảnh báo sớm A-50 hộ tống, nhưng không nói rõ thời điểm, số lượng máy bay hay lý do của nhiệm vụ.
Máy bay ném bom Tu-95MS của Nga. Ảnh: Sputnik. |
Các phi cơ đã bay qua Thái Bình Dương, biển Nhật Bản, Hoàng Hải, Hoa Đông. Chuyến bay trên các vùng biển gần Hàn Quốc và Nhật khiến hai nước này triển khai phi cơ quân sự bay cùng để theo dõi, Reuters dẫn lời một quan chức quốc phòng Nga nói.
Máy bay ném bom TU-95MS được tiếp dầu trên không trong khi thực hiện nhiệm vụ.
Yonhap dẫn lời một quan chức Hàn Quốc giấu tên hôm nay cho rằng máy bay ném bom Nga xâm phạm vùng nhận dạng phòng không nước này, buộc chiến đấu cơ phải cất cánh tới khu vực gần đó. "Khi máy bay Nga bay theo đội hình vào vùng nhận dạng phòng không Hàn Quốc sáng qua, một đội phi cơ không lực chúng tôi cất cánh khẩn".
Tuy nhiên, máy bay Nga không xâm phạm không phận Hàn Quốc, ông này nói thêm.
Nga, nước có chung biên giới với Triều Tiên, nhiều lần bày tỏ quan ngại về căng thẳng gia tăng trên bán đảo Triều Tiên do chương trình tên lửa hạt nhân của Bình Nhưỡng. Nga cũng thể hiện quan ngại về kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa trên mặt đất của Mỹ.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ: Nga cố vẽ lại các biên giới bằng vũ lực
Báo Tri thức trực tuyến thông tin, ngày 24/8, Reuters đã dẫn lời Bộ trưởng Mattis phát biểu trong chuyến thăm đến Ukraine."Dẫu cho sự phủ nhận của Nga, chúng tôi biết rằng họ đang cố vẽ lại các đường biên giới quốc tế bằng vũ lực, coi nhẹ chủ quyền và các quốc gia tự do của châu Âu".
Bộ trưởng Mattis duyệt đội danh dự trong lễ đón ở Ukraine ngày 24/8. Ảnh: Reuters. |
Tại đây, bộ trưởng Mỹ cũng cho biết Washington sẽ tiếp tục gây áp lực lên Nga đối với điều mà ông gọi là "hành động hiếu chiến". Ông cho rằng Nga đã không tuân thủ thỏa thuận ngừng bắn đạt được ở Minsk (Belarus) về cuộc xung đột ở phía đông Ukraine giữa chính phủ và các lực lượng nổi dậy do Nga hậu thuẫn.
Dù vậy, người đứng đầu Lầu Năm Góc không hứa sẽ cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine, chỉ nói chính phủ Mỹ "đang xem xét".
Theo AFP, ông Mattis cũng cho biết các lệnh trừng phạt áp đặt lên Nga liên quan đến cuộc khủng hoảng tại Ukraine sẽ không được dỡ bỏ cho đến khi Moscow ngưng các hành động nhằm "vẽ lại đường biên giới quốc tế".
Chuyến thăm của bộ trưởng Quốc phòng Mỹ trùng với thời điểm kỷ niệm Quốc khánh Ukraine. Đây là quan chức cấp cao thứ hai trong chính quyền Tổng thống Donald Trump đến thăm Ukraine, sau chuyến đi hồi tháng 7 của Ngoại trưởng Rex Tillerson.
Từ đầu năm 2014 đến nay, khi chính quyền thân phương Tây lên nắm quyền tại Ukraine, nước này đã ở thế đối đầu với Nga trong khi quay sang tranh thủ sự ủng hộ của Mỹ.
Trong cuộc vận động tranh cử năm 2016, một vài phát biểu của ông Trump, người đã trở thành tổng thống sau đó, đã gây ra lo lắng rằng Washington có thể dùng Ukraine làm "con bài" để làm ấm mối quan hệ với Nga. Trong chuyến thăm Ukraine, Bộ trưởng Mattis đã khẳng định cam kết "sẽ đứng cạnh Ukraine".
Yêu cầu cung cấp vũ khí sát thương là điều chính quyền cựu tổng thống Barack Obama đã chần chừ không đáp ứng cho Kiev.
LHQ kêu gọi tạm ngừng tấn công IS tại Raqa để bảo vệ dân thường
TTXVN dẫn nguồn tin từ Liên hợp quốc (LHQ) ngày 24/8 cho biết, đơn vị đã kêu gọi tạm ngừng chiến dịch tấn công vào các mục tiêu của tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng ở thành phố Raqa của Syria, nhằm bảo vệ dân thường đang trú ngụ trong thành phố này.
Khói bốc lên sau các cuộc không kích ở Raqa ngày 20/8. Ảnh: AFP/TTXVN |
Theo ước tính của Nhóm công tác nhân đạo của LHQ tại Syria, Lực lượng Dân chủ Syria (SDF), một đồng minh của các tay súng Arab và người Kurd, được sự yểm trợ của máy bay chiến đấu của liên quân do Mỹ dẫn đầu ở Syria, đã đánh chiếm và giành lại quyền kiểm soát 60% thành phố Raqa từ tay IS, song có tới 25.000 dân thường vẫn đang mắc kẹt tại khu vực còn lại trong thành phố do IS chiếm đóng.
Phát biểu tại Geneve, Thụy Sĩ, người đứng đầu Nhóm công tác nhân đạo của LHQ tại Syria, cho rằng đã đến lúc cân nhắc về các kế hoạch giúp dân thường rời khu vực chiến sự này và việc thiết lập "khoảng dừng nhân đạo" là việc làm cần thiết để bảo vệ dân thường trước nguy cơ bị IS lợi dụng trở thành "lá chắn sống".
Trước đây, LHQ từng áp dụng "khoảng dừng nhân đạo" để tiến hành hoạt động cứu trợ nhân đạo cho người dân tại một số khu vực chiến sự ở Syria, trong đó có chiến trường Aleppo, khi người dân trú ngụ tại thành phố này chịu ảnh thiếu thốn thực phẩm và nước uống nghiêm trọng.
Nổ tại trung tâm Thủ đô Kiev đúng ngày Ukraine kỷ niệm quốc khánh
Theo tin tức trên báo An ninh thủ đô, hai người đã bị thương khi một vật thể chưa xác định phát nổ tại trung tâm Thủ đô Kiev của Ukraine vào ngày 24/8 trong lúc nước này kỷ niệm ngày quốc khánh.
Lễ diễu binh diễn ra tại trung tâm Thủ đô Kiev |
“Vào lúc 14h06 (giờ địa phương), chúng tôi nhận được thông tin về một vật thể chưa xác định phát nổ. Một người đàn ông và một phụ nữ bị thương trong vụ nổ”, cảnh sát cho biết trong một tuyên bố.
Các nhân viên điều tra và chuyên gia rà phá bom đang làm việc tại hiện trường trên phố Grushevskogo, gần tòa nhà Chính phủ Ukraine.
Nhà chức trách đã phong tỏa khu vực và những người bị thương được đưa đi.
Ukraine đã tổ chức lễ diễu binh tại trung tâm Thủ đô Kiev để kỷ niệm quốc khánh lần thứ 26. Sự kiện này lần đầu tiên có sự tham gia của các binh sĩ đến từ những nước thành viên NATO.
Tham dự sự kiện có Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko, Thủ tướng Volodymyr Groysman cùng nhiều quan chức cấp cao trong và ngoài nước, trong đó có Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis.
Sau Mỹ, đến lượt Hàn Quốc khen Triều Tiên có “dấu hiệu” tích cực
Báo Công an nhân dân cho biết, Hàn Quốc hôm 24/8 đã lên tiếng hy vọng rằng sự kiềm chế gần đây của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân (CHDCND) Triều Tiên không có thêm hành động khiêu khích có thể mở đường cho đối thoại với Bình Nhưỡng giữa lúc có những dấu hiệu căng thẳng leo thang trên bán đảo đang bị chia cắt.
Trả lời phỏng vấn báo chí bên ngoài Văn phòng,các quan chức Bộ Thống nhất Hàn Quốc hy vọng sự kiềm chế của CHDCND Triều Tiên sẽ là tín hiệu tích cực cho đối thoại. Ảnh: AP |
Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết CHDCND Triều Tiên đã kiềm chế không thực hiện thêm hành động mang tính khiêu khích kể từ khi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua lệnh trừng phạt mới đối với Bình Nhưỡng vào đầu tháng 8.
“Chúng tôi hy vọng tình huống này có thể đặt nền tảng cho đối thoại”, một quan chức Bộ Thống nhất Hàn Quốc phát biểu.
Tổng thống Donald Trump phát biểu tại một cuộc mít-tinh trước hàng ngàn người ủng hộ ở Phoenix hôm 23/8 rằng lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong Un đã “bắt đầu tôn trọng Mỹ”.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cũng hoan nghênh CHDCND Triều Tiên đã kiềm chế, lên tiếng hy vọng đối thoại với Bình Nhưỡng có thể tổ chức vào thời điểm nào đó trong tương lai gần.
“Nhận xét của Tổng thống Trump và Ngoại trưởng Tillerson là một phần nỗ lực giảm bớt căng thẳng. Chúng tôi đang theo dõi sát tình hình bằng tâm thế tích cực”, quan chức Bộ Thống Nhất Hàn Quốc cho biết.
Lở đất ở Thụy Sĩ, 14 người mất tích
Theo báo Tri thức trực tuyến, ngày 24/8, cảnh sát bang Graubunden cho biết vụ việc xảy ra tại khu vực Val Bondasca hôm 23/8 và 14 người mất tích hiện vẫn chưa được tìm thấy.
Dòng lũ bùn quét qua khu vực. Ảnh: Reuters. |
Vụ sạt lở trên núi Piz Cengalo khiến ngôi làng Bondo ngập trong bùn, bụi và đất đá. Hơn 100 người ở ngôi làng nằm cạnh biên giới Italy phải sơ tán khẩn cấp bằng trực thăng.
Cảnh sát địa phương ban đầu thông báo không có ai bị thương trong vụ lở đất. Tuy nhiên đến ngày 24/8 họ xác nhận đội ngũ cứu hộ đang lùng sục khu vực để tìm kiếm 14 người leo núi và đi bộ xuyên rừng mất tích.
"Những người mất tích là công dân của Đức, Áo và Thụy Sĩ", cảnh sát nói. "Thường có nhiều người đi bộ xuyên rừng tại khu vực này". Cảnh sát cũng cho hay khu vực chưa được phủ sóng điện thoại.
"Chúng tôi hy vọng đây là lý do chúng tôi không thể liên lạc với những người được cho là đã có mặt tại khu vực", ông Markus Walser, người phát ngôn cảnh sát Graubunden, cho biết..
Ngoài ra, 12 cơ sở nông trại, bao gồm kho thóc và chuồng ngựa, bị phá hủy bởi dòng lũ bùn. Đường cao tốc chính ở phía nam bang Graubunden cũng phải đóng cửa.
(Tổng hợp)