+Aa-
    Zalo

    Tin thế giới mới nhất ngày 24/8

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Tin thế giới mới nhất ngày 24/8: Mỹ cách chức tư lệnh Hạm đội 7 sau vụ va chạm tàu khu trục; Nga tính đáp trả đợt gây hấn thứ 4 của Mỹ; ...

    Tin thế giới mới nhất ngày 24/8: Mỹ cách chức tư lệnh Hạm đội 7 sau vụ va chạm tàu khu trục; Nga tính đáp trả đợt gây hấn thứ 4 của Mỹ; Đức tuyên bố không tự động đứng về phía Mỹ nếu xảy ra chiến tranh với Triều Tiên;...

    Mỹ cách chức tư lệnh Hạm đội 7 sau vụ va chạm tàu khu trục

    Theo báo VnExpress, hải quân Mỹ ngày 23/8 thông báo: "Đô đốc Scott Swift, tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, hôm nay cách chức tư lệnh Hạm đội 7, Phó đô đốc Joseph Aucoin, do mất lòng tin vào khả năng chỉ huy của ông".

    Ông Swift đã yêu cầu phó tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương, Chuẩn đô đốc Phil Sawyer, ngay lập tức thay thế vị trí của Aucoin.

    Phó đô đốc Joseph Aucoin bị cách chức tư lệnh Hạm đội 7. Ảnh: AP.

    Quyết định cách chức này bắt nguồn từ hai vụ tai nạn với tàu hàng, khiến khu trục hạm USS Fitzgerald và USS John S. McCain của Hạm đội 7 bị hư hỏng nặng. Trong 4 vụ va chạm trên biển của hải quân Mỹ trong năm nay, tai nạn của USS Fitzgerald và John S. McCain là nghiêm trọng nhất, gây thiệt hại cả về người và khí tài, xảy ra chỉ cách nhau hơn hai tháng.

    Hải quân Mỹ đang điều tra hai vụ va chạm, trong đó huấn luyện kém được cho là một trong những nguyên nhân hàng đầu. Tuy nhiên, quyết định sa thải Phó đô đốc Aucoin không đồng nghĩa với việc ông có lỗi trực tiếp. Các sĩ quan chỉ huy hải quân Mỹ thường bị cách chức khi cấp trên không còn niềm tin vào khả năng lãnh đạo của họ.

    Hạm đội 7, thuộc Hạm đội Thái Bình Dương, hải quân Mỹ, có căn cứ chính tại quân cảng Yokosuka, Nhật Bản. Đây là hạm đội tiền phương lớn nhất của Mỹ, biên chế 60-70 tàu chiến, 300 máy bay, 40.000 binh sĩ hải quân và thủy quân lục chiến.

    Nga tính đáp trả đợt gây hấn thứ 4 của Mỹ

    Báo Công an nhân dân ngày 23/8 dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho biết: “Washington lại bắt đầu gây căng thẳng. Lần này liên quan tới vấn đề Triều Tiên. Xu hướng hủy hoại quan hệ song phương vốn khởi động từ chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama, vẫn tiếp tục kéo dài đến hiện tại. Đây là động thái gây căng thẳng thứ 4 kể từ khi chính quyền mới vào Nhà Trắng”.

    Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov. Ảnh: RT

    Bình luận của Thứ trưởng Ryabkov được đưa ra sau khi Mỹ công bố danh sách trừng phạt mới nhằm vào 16 tổ chức và cá nhân người Nga và Trung Quốc bị phát hiện hỗ trợ chương trình hạt nhân và tên lửa gây tranh cãi của Triều Tiên, trong đó có 1 tổ chức và 4 công dân Nga.

    “Trong bối cảnh các hành vi gây hấn liên tiếp được đưa ra của giới chức Mỹ về cái gọi là mong muốn bình thường hóa quan hệ song phương là không thuyết phục”, ông Ryabkov nhận định.

    Theo ông Ryabkov, Washington nên nhận ra rằng trong những năm qua, Nga luôn không chấp nhận các lệnh trừng phạt vì các hành động đó chỉ cản trở việc tìm ra giải pháp cho các vấn đề thực sự. Tuy nhiên, Mỹ dường như vẫn không hiểu ra sự thật hiển nhiên đó trong suốt thời gian qua.

    Theo đó, nhà ngoại giao Nga khẳng định Washington sẽ hứng chịu những biện pháp đáp trả cứng rắn.

    Quan hệ Nga - Mỹ thời gian qua thường xuyên ở trong trạng thái căng thẳng khi hai nước liên tục tung ra những đòn trừng phạt nhằm trả đũa lẫn nhau. Mới đây, Đại sứ quán Mỹ tại Nga thông báo sẽ ngừng toàn bộ hoạt động cấp thị thực không định cư cho công dân Nga kể từ ngày 23/8.

    Quyết định ngừng cấp thị thực của Mỹ được cho là nhằm đáp trả việc Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi tháng trước chấp thuận đề nghị của Bộ Ngoại giao Nga, theo đó buộc Mỹ cắt giảm 755 nhân viên ngoại giao tại Moscow.

    Đức tuyên bố không tự động đứng về phía Mỹ nếu xảy ra chiến tranh với Triều Tiên

    TTXVN đưa tin, ngày 23/8, Hãng tin Sputnik (Nga) dẫn lời Thủ tướng Đức nhấn mạnh rằng bà không cho rằng có thể giải quyết vấn đề Triều Tiên bằng hành động quân sự và coi đây là sai lầm. Nhà lãnh đạo Đức cũng cho biết cộng đồng quốc tế cũng không nên tìm đến giải pháp quân sự.

    Thủ tướng Đức Angela Merkel (trái) trong một sự kiện với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AP

    Hãng thông tấn Reuters (Anh) đưa tin Thủ tướng Đức Angela Merkel khẳng định Berlin có thể giúp đỡ tìm ra giải pháp ngoại giao trong cuộc đối đầu giữa Bình Nhưỡng và Washington.

    Đề cập đến Đức và Liên minh châu Âu (EU), bà Merkel nói: “Chúng ta có thể làm thêm nhiều điều. Chúng ta không thể đơn giản khăng khăng về giải pháp ngoại giao trong khi chỉ ngồi một chỗ và không làm gì cả”.

    Bà Merkel đồng thời nhận định rằng các quốc gia châu Âu như Đức và Pháp có thể đóng vai trò tích cực trong việc đảm bảo một giải pháp hòa bình cho mối bất hòa, giống như những gì họ đã thực hiện được trong các cuộc đàm phán với Iran về chương trình hạt nhân của nước này.

    Sau tuyên bố ngày 8/8 của Tổng thống Mỹ Donald Trump về “lửa cháy và thịnh nộ” với Triều Tiên, Bình Nhưỡng lập tức tuyên bố cân nhắc bắn tên lửa vào đảo Guam.

    Đến ngày 15/8, truyền thông nhà nước Triều Tiên đưa tin nhà lãnh đạo Kim Jong-un quyết định hoãn kế hoạch bắn tên lửa tới gần đảo Guam, song cảnh báo sẽ có động thái nếu Mỹ tiếp tục “hành động liều lĩnh”.

    Sáng 21/8, Hàn Quốc và Mỹ bắt đầu tiến hành cuộc tập trận chung thường niên kéo dài 10 ngày mang tên gọi "Người bảo vệ Tự do Ulchi" (Ulchi Freedom Guardian). Đây là sự kiện mà phía Triều Tiên luôn kịch liệt phản đối và coi là khiêu khích.

    Phản đối bán cảng cho Trung Quốc, bộ trưởng Sri Lanka mất chức

    Theo báo Dân trí, ngày 23/8, Tổng thống Sri Lanka Maithripala Sirisena đã sa thải Bộ trưởng Tư pháp vì quan chức này chỉ trích thương vụ của chính phủ nhượng đa số cổ phần quản lý một cảng biển cho một công ty Trung Quốc.

    Cảng nước sâu Hambantota của Sri Lanka (Ảnh: Reuters)

    Reuters cho biết, Bộ trưởng Tư pháp Sri Lanka Wijeyadasa Rajapakshe đã lên tiếng chỉ trích quyết định của chính phủ bán lại cổ phần quản lý cảng biển Hambantota cho một công ty của Trung Quốc. Ông Rajapakshe cho rằng, việc này chẳng khác nào bán của cải quốc gia.

    Tuy nhiên, chính những chỉ trích này khiến ông Rajapakshe mất chức. Tổng thống Maithripala Sirisena đã nhất trí với đề xuất của đảng Thống nhất Quốc gia về việc bãi nhiệm Bộ trưởng Rajapakshe.

    Phát ngôn viên chính phủ Sri Lanka hôm nay cho biết với phóng viên rằng: “Tổng thống quyết định sa thải ông Wijeyadasa Rajapakshe với lý do ông ấy đã vi phạm trách nhiệm của nội các khi chỉ trích thương vụ cảng Hambantota”.

    Về phần mình, ông Rajapakshe nói với truyền thông rằng, ông bị sa thải vì phanh phui hành động vi hiến của nội các khi thông qua thương vụ nhượng cổ phần quản lý cảng biển.

    Chính phủ Sri Lanka hồi tháng trước đã ký thỏa thuận trị giá 1,15 tỷ USD bán 70% cổ phần quản lý cảng biển Hambantota cho công ty China Merchants Port Holdings của Trung Quốc. Theo đó, công ty này có quyền điều hành hoạt động giao thương ở cảng nước sâu này của Sri Lanka trong 99 năm.

    Thương vụ này được thông qua sau một thời gian dài trì hoãn do vấp phải sự phản đối của công chúng.

    IS chặt đầu 11 người ở Libya

    Báo Tri thức trực tuyến thông tin, AP dẫn lời đại diện quân đội Libya cho biết ít nhất 11 người bị chặt đầu vào ngày 23/8 trong một cuộc tấn công nhằm vào trạm kiểm soát của lực lượng quân đội do tướng Khalifa Haftar chỉ huy.

    Một vụ hành quyết con tin của IS tại Libya. Ảnh: Reuters.

    "Ít nhất 9 binh sĩ và 2 dân thường đã bị chặt đầu ở một trạm kiểm soát cách Tripoli 500 km về phía nam", đại tá Ahmad al-Mesmari cho biết.

    Nguồn tin ban đầu khẳng định tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) chính là thủ phạm gây ra vụ việc.

    Trước đó, tình trạng vô chính phủ ở Libya sau khi nhà lãnh đạo Muammar Gadhafi bị lật đổ khiến quốc gia Bắc Phi chìm trong nội chiến, tạo cơ hội để IS lộng hành. Mỹ ước tính khoảng 4.000 đến 6.000 phiến quân IS từng hoạt động ở Libya.

    Sau 7 tháng chiến đấu, chính phủ Libya tuyên bố đã quét sạch các tay súng IS khỏi những tuyến đường cuối cùng ở Sirte hồi tháng 12/2016. Đây là thành phố lớn duy nhất ngoài lãnh thổ Iraq và Syria bị IS chiếm đóng.

    Hôm 24/7, đoạn video trên mạng cho thấy cảnh tượng 18 tù binh IS bị bắn từ phía sau trong một cuộc hành quyết tập thể ở Libya.

    Đoạn video được tung ra trong bối cảnh căng thẳng giữa các phần tử thánh chiến và quân đội Libya ở Benghazi gia tăng, sau khi tướng Khalifa Haftar và quân đội tuyên bố chiến thắng IS ở thành phố miền đông Libya.

    Ngày 20/5, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã kêu gọi các bên tại Libya kiềm chế, đồng thời bày tỏ quan ngại trước tình hình leo thang quân sự tại nước này.

    Ukraine quyết theo đuổi mục tiêu gia nhập NATO và EU

    Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm Ngày Quốc kỳ Ukraine, Tổng thống Poroshenko nhấn mạnh Kiev sẽ kiên trì cho tới ngày trở thành thành viên EU và NATO. Theo Tổng thống Poroshenko, Ukraine đã tiến hành các cuộc cải cách cần thiết và hơn 2 tháng trước đã đạt được quy chế miễn thị thực với EU, ngoài ra Hiệp định liên kết Ukraine - EU sẽ có hiệu lực đầy đủ vào ngày 1/9 tới.

    Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko. Ảnh: EPA/TTXVN

    Trước đó, Tổng thống Poroshenko cũng đã đề nghị NATO tiến hành thảo luận về việc dành cho Ukraine Kế hoạch hành động thành viên của NATO, tuy nhiên Ukraine hiện vẫn chưa có kế hoạch nộp đơn xin gia nhập NATO hay có ý định tập trung nỗ lực đạt được các tiêu chí của liên minh quân sự này.

    Trong một diễn biến liên quan, cuộc thăm dò dư luận công bố ngày 22/8 cho thấy số lượng người Ukraine ủng hộ gia nhập NATO trong năm 2017 đã tăng lên 40%, cao hơn nhiều so với mức 14% trong năm 2013. Trong khi đó, số người ủng hộ Ukraine hội nhập với châu Âu trong năm 2017 cũng tăng lên 54%, so với mức 42% năm 2013. Phần lớn người dân Ukraine tại các khu vực miền Tây và miền Trung ủng hộ Ukraine trở thành thành viên NATO và EU.

    Từ tháng 12/2014, Quốc hội Ukraine đã sửa đổi 2 luật cho phép nước này từ bỏ quy chế không liên kết và có kế hoạch trở thành thành viên của NATO. Đến tháng 6/2017, Cơ quan lập pháp Ukraine tiếp tục thông qua một số dự thảo sửa đổi của Tổng thống Poroshenko quy định về việc xin gia nhập NATO là ưu tiên đối ngoại của đất nước này. Tuy nhiên, cựu Tổng Thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen từng tuyên bố để gia nhập NATO, Ukraine buộc phải đạt được một loạt tiêu chí và việc thực hiện những tiêu chí này mất nhiều thời gian. Do đó, giới phân tích cho rằng Kiev khó có thể trở thành thành viên NATO trong vòng 20 năm tới.

    (Tổng hợp)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tin-the-gioi-moi-nhat-ngay-248-a199858.html
    Sự kiện: Thế giới 24h
    Tổng hợp tin thế giới

    Tổng hợp tin thế giới "hot"

    Tin thế giới mới nhất ngày 20/8: Tai nạn đường sắt thảm khốc tại Ấn Độ: Ít nhất 10 người tử vong, 150 người bị thương; IS nhận trách nhiệm vụ đâm dao ở Nga;...

    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Tổng hợp tin thế giới

    Tổng hợp tin thế giới "hot"

    Tin thế giới mới nhất ngày 20/8: Tai nạn đường sắt thảm khốc tại Ấn Độ: Ít nhất 10 người tử vong, 150 người bị thương; IS nhận trách nhiệm vụ đâm dao ở Nga;...

    Tin thế giới mới nhất ngày 21/8

    Tin thế giới mới nhất ngày 21/8

    Tin thế giới mới nhất ngày 21/8: Afghanistan tiêu diệt 115 phiến quân trong 24 giờ; Mỹ giải thích lý do giảm quân tập trận với Hàn Quốc; ...

    Tin thế giới mới nhất ngày 23/8

    Tin thế giới mới nhất ngày 23/8

    Tin thế giới mới nhất ngày 23/8: Triều Tiên tuyên bố không bao giờ từ bỏ vũ khí hạt nhân; Tây Ban Nha bắt đầu xét xử các nghi phạm khủng bố tại tòa Madrid; ...