Tin thế giới mới nhất ngày 21/8: Afghanistan tiêu diệt 115 phiến quân trong 24 giờ; Mỹ giải thích lý do giảm quân tập trận với Hàn Quốc; Triều Tiên cảnh báo có thể "tấn công tàn nhẫn" cả Hawaii;...
Afghanistan tiêu diệt 115 phiến quân trong 24 giờ
Báo VOV đưa tin, Bộ Quốc phòng Afghanistan ngày 20/8 cho biết, ít nhất 115 tay súng phiến quân đã bị tiêu diệt và 105 tay súng khác bị thương trong các chiến dịch truy quét khủng bố của nước này, được thực hiện trong vòng 24 giờ qua.
Các tay súng IS đã xông vào 3 cứ điểm của phiến quân Taliban ở khu vực núi Tora Bora (Ảnh: AMN). |
Theo báo cáo của Bộ Quốc phòng Afghanistan, các lực lượng an ninh và quân đội nước này đã tiến hành hơn 40 chiến dịch truy quét khủng bố tại 13 tỉnh thành, phá hủy 5 hầm trú ẩn cùng nhiều phương tiện đi lại và vũ khí của các tay súng khủng bố. Tuy nhiên, không có bất kỳ tổn thất nào từ phía lực lượng an ninh Afghanistan được báo cáo.
Thời gian qua, chính phủ Afghanistan đã đẩy mạnh hoạt động truy quét các phần tử nổi dậy trên phạm vi toàn quốc, bao gồm phiến quân Taliban và các tay súng khủng bố thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Tuy nhiên, các tay súng khủng bố đã đáp trả bằng nhiều vụ đánh bom khủng bố đẫm máu.
Mới đây nhất, vào 19/8, một nhóm các tay súng đã cho nổ tung một trạm phát điện thuộc tỉnh Kunduz, miền bắc nước này.
Điều đáng chú ý, trạm phát điện này nằm trong mạng lưới điện nhập khẩu điện từ Tajikistan, nhằm cung cấp điện cho thủ đô Kabul và các tỉnh miền đông của nước này.
Mỹ giải thích lý do giảm quân tập trận với Hàn Quốc
Báo VnExpress ngày 20/8 dẫn lời theo Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cho biết, việc cắt giảm lực lượng Mỹ tham gia cuộc tập trận chung Người bảo vệ Tự do Ulchi (UFG) với Hàn Quốc sắp diễn ra đơn giản chỉ phản ánh nhu cầu cần ít quân số hơn.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis. Ảnh: AP. |
Trả lời báo giới khi đang trên đường tới Jordan, ông Mattis cho hay cuộc tập trận đã được lên kế hoạch từ cách đây nhiều tháng và trọng tâm hướng đến trong năm nay là những chiến dịch tích hợp.
"Quân số được quy định để đạt các mục tiêu tập trận. Và bạn luôn phải chọn ra những thứ cần tập trung vào nó", ông Mattis nói. "Ngay lúc này, trọng tâm là những chiến dịch tại sở chỉ huy cũng như khả năng tích hợp các nỗ lực khác nhau".
Lầu Năm Góc trước đó cho biết khoảng 17.500 binh sĩ Mỹ sẽ tham gia cuộc tập trận UFG năm nay, giảm 7.500 người so với năm ngoái.
Ngày 20/8, Triều Tiên cảnh báo cuộc tập trận chung UFG giữa Mỹ và Hàn Quốc sẽ "giống như đổ thêm dầu vào lửa và làm tình hình trên bán đảo xấu thêm".
Triều Tiên cảnh báo có thể "tấn công tàn nhẫn" cả Hawaii
Báo Lao Động thông tin, Triều Tiên ngày 20/8 cảnh báo, cuộc tập trận quân sự Mỹ-Hàn là "hành động liều lĩnh, đẩy tình hình vào giai đoạn không thể kiểm soát được của một cuộc chiến tranh hạt nhân".
Triều Tiên tuyên bố thử thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa có khả năng tấn công đến Mỹ. Ảnh: AP |
Bình Nhưỡng tuyên bố, quân đội Triều Tiên có thể nhằm mục tiêu vào Mỹ bất kỳ thời điểm nào, vào Guam, Hawaii hoặc lục địa Mỹ bằng "đòn tấn công tàn nhẫn".
Thông điệp được đăng tải trên tờ Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của Đảng Lao động Triều Tiên ngày 20/8, một ngày trước cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn mang tên "Người bảo vệ tự do Ulchi".
Chỉ mới tuần trước, Triều Tiên tuyên bố hoàn tất kế hoạch bắn 4 tên lửa vào lãnh thổ Guam của Mỹ. Các phương tiện truyền thông nhà nước Triều Tiên cho biết, nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẽ xem xét hành động tiếp theo của Mỹ trước khi đưa ra quyết định có tấn công hay không.
"Tuyên bố của ông Donald Trump về cuộc tập trận chiến tranh hạt nhân liều lĩnh nhằm vào Triều Tiên là hành động khinh suất, đẩy tình hình vào giai đoạn không thể kiểm soát được của một cuộc chiến tranh hạt nhân" - tờ Rodong Sinmun viết.
Tờ báo miêu tả Triều Tiên là "nước sở hữu mạnh nhất tên lửa đạn đạo liên lục địa, có khả năng tấn công lục địa Mỹ từ bất cứ nơi nào".
"Quân đội Triều Tiên đang cảnh giác cao độ, sẵn sàng kìm chân kẻ thù. Họ sẽ có những bước đi kiên quyết ngay cả khi chỉ cần một dấu hiệu nhỏ của cuộc chiến phòng ngừa được phát hiện" - tờ báo viết, nhưng không giải thích "cuộc chiến phòng ngừa" là gì.
Trong khi đó, theo CNN, Mỹ - Hàn vẫn sẽ tập nhận như đã định. Tuần trước, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân, tướng Joseph Dunford phát biểu với báo giới rằng, các cuộc tập trận với Hàn Quốc không phải là chủ đề mang ra thương lượng. Ông Dunford khẳng định không có kế hoạch giảm bớt quy mô các cuộc tập trận đã được lên kế hoạch từ trước, bất chấp căng thẳng với Triều Tiên.
Anh và Italy tăng cường các biện pháp an ninh sau vụ tấn công khủng bố tại Tây Ban Nha
Theo báo Nghệ An, ngày 20/8, một người phát ngôn của chính phủ Anh cho biết nước này đang thăm dò các biện pháp để ngăn chặn “việc sử dụng các xe được thuê vào những hành vi độc ác”, trong đó có việc xem xét các công ty cho thuê xe có thể làm được gì trước khi cho một cá nhân thuê. Động thái này được đưa ra sau vụ tấn công khủng bố đẫm máu tại Tây Ban Nha khiến ít nhất 14 người thiệt mạng.
Anh đang xem xét lại chiến lược chống khủng bố. Ảnh: AFP |
Vụ tấn công tại Barcelona và thị trấn ven biển Cambrils (Tây Ban Nha) đã gợi nhớ tới cách thức mà các phần tử khủng bố Hồi giáo sử dụng trong vụ tấn công khủng bố ở trung tâm London hồi đầu tháng 6 vừa qua.
Cảnh sát cho rằng thông qua việc sử dụng các xe được thuê, sẽ rất khó để ngăn chặn bất kỳ cuộc tấn công nào như vậy xảy ra.
Người phát ngôn chính phủ Anh cho biết: “Mối đe dọa từ chủ nghĩa khủng bố đang thay đổi và cách thức đáp trả của chúng ta cũng phải thay đổi. Đó là lí do vì sao chúng tôi đang xem xét lại chiến lược chống khủng bố, và chúng ta cần bổ sung thêm nguồn lực vào cuộc chiến chống khủng bố.
Bộ Giao thông cũng đang phối hợp với cảnh sát và các công ty cho thuê xe để tìm hiểu thêm các biện pháp để ngăn chặn việc sử dụng các xe được thuê vào những hành vi độc ác”.
Anh đã tăng cường số lượng các rào chắn trên các cây cầu và tại một số địa điểm nhất định trong trung tâm thành phố để ngăn chặn các vụ tấn công bằng xe. Ngoài ra, các công ty cho thuê xe cũng tiến hành các khâu kiểm tra khác nhau trước khi cho khách hàng thuê xe, như kiểm tra bằng lái của khách hàng, các biện pháp nhận dạng bổ sung và thẻ ngân hàng hợp lệ.
Một quốc gia khác tại châu Âu là Italy cũng tăng cường các biện pháp ngăn ngừa các vụ tấn công khủng bố xung quanh các địa điểm nghệ thuật và kiến trúc, và các khu vực đông người qua lại, nhất là sau vụ tấn công khủng bố tại Tây Ban Nha, Phần Lan và Nga.
Theo truyền thông Italy, nước này đã triển khai thêm 50 cảnh sát mang theo các camera cầm tay khi đi làm nhiệm vụ, nhằm tiến hành kiểm tra 10.000 người có mặt tại quảng trường St Peter ở Vatican trong buổi lễ Angelus ngày Chủ nhật hàng tuần của Giáo hoàng Francis. Ngoài ra, các hàng rào an ninh và các khối bê tông cũng được triển khai tại nhiều con phố du lịch nổi tiếng ở nhiều thành phố như Rome, Milan, Bologna, Turin..
Quốc hội Iran thông qua hầu hết danh sách nội các của Tổng thống Rouhani
Theo tin tức trên TTXVN, ngày 20/8, Quốc hội Iran đã thông qua việc bổ nhiệm hầu hết các vị trí nội các trong danh sách được Tổng thống Hassan Rouhani đề xuất.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani phát biểu tại cuộc họp báo ở Tehran ngày 22/5. Ảnh: AFP/TTXVN |
Theo đó, các nghị sĩ đã bỏ phiếu tín nhiệm cho 16 bộ trưởng trong số 18 thành viên nội các mới của ông Rouhani.
Duy chỉ có một trường hợp là Quốc hội Iran không chấp thuận ứng cử viên Habibollah Bitaraf cho chức Bộ trưởng Năng lượng. Ngoài ra, dự kiến Tổng thống Rouhani sẽ công bố ứng cử viên cho vị trí Bộ trưởng Khoa học, Nghiên cứu và Công nghệ trong vài ngày tới. Chủ tịch Quốc hội Iran Ali Larijani đã công bố kết quả bỏ phiếu sau 4 ngày tranh luận xung quanh năng lực của các nhân vật được đề cử làm bộ trưởng.
Trước đó, trong bài phát biểu tại Quốc hội trong ngày cuối cùng tranh luận về các lựa chọn nội các, Tổng thống Rouhani nhấn mạnh ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của chính quyền mới là bảo vệ thỏa thuận hạt nhân khỏi việc bị Mỹ xóa bỏ.
Ông Rouhani cho biết "công việc quan trọng nhất của Bộ Ngoại giao là kiên trì bảo vệ Kế hoạch chung toàn diện (JCPOA), và không cho phép Mỹ và các kẻ thù khác thành công".
Nhà lãnh đạo Iran khẳng định thỏa thuận hạt nhân vẫn được duy trì theo hướng có lợi, ít nhất giúp tái khôi phục nền kinh tế đang khó khăn và tạo công ăn việc làm. Ông Rouhani nhấn mạnh trách nhiệm thứ hai của Bộ Ngoại giao là tham gia các hoạt động kinh tế, từ đó giúp thu hút đầu tư và công nghệ nước ngoài.
Thời gian qua, Mỹ đã liên tiếp áp đặt các lệnh trừng phạt nhằm vào chương trình tên lửa đạn đạo của Iran. Hai bên cũng cáo buộc nhau vi phạm tinh thần của thỏa thuận JCPOA.
Tổng thống Rouhani ngày 15/8 cảnh báo Iran có thể ngay lập tức từ bỏ thỏa thuận hạt nhân đã ký với Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc cùng Đức) nếu Washington tiếp tục áp đặt các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Tehran. Ông Rouhani cho rằng quyết định ký ban hành luật trừng phạt của Tổng thống Mỹ cho thấy ông Donald Trump là đối tác "không đáng tin cậy".
Qatar không cho máy bay Saudi chở người hành hương
Báo Tri thức trực tuyến dẫn nguồn tin từ hãng thông tấn SPA ngày 20/8 cho hay: "Giám đốc Saudi Arabian Airlines Saleh al-Jasser đã cho biết đến nay hãng hàng không này không thể xếp lịch bay để vận chuyển người hành hương Qatar từ sân bay quốc tế Hamad ở Doha vì chính quyền Qatar không cho phép máy bay hạ cánh".
Tín đồ Hồi giáo hành hương tại Mecca. Ảnh: Al Jazeera. |
Vị quốc vương thậm chí còn ra lệnh cho những máy bay tư nhân thuộc các hãng hàng không của Saudi đến sân bay Doha để "đón những người hành hương Qatar với chi phí do ông trả".
Hồi tháng 7, Doha đã cáo buộc Riyad phá hoại cuộc hành hương đến thánh địa Mecca khi từ chối đảm bảo an toàn cho những người hành hương từ Qatar.
Cuộc khủng hoảng ngoại giao Vùng Vịnh nổ ra hôm 5/6 khi Saudi Arabia và các đồng minh thuộc khối Arab tuyên bố cắt đứt quan hệ với Qatar, cáo buộc Doha tài trợ khủng bố. Các nước đã đóng cửa không phận, cắt đứt giao thông trên bộ, trên biển, đồng thời áp đặt lệnh cấm vận kinh tế với Doha.
Doha đã phủ nhận các cáo buộc này và cáo buộc những "láng giềng" Vùng Vịnh muốn bóp nghẹt nền kinh tế Qatar. Quốc gia nhỏ với dân số chỉ 2,6 triệu người, đa phần là người ngoại quốc, là nước giàu nhất thế giới nếu xét về GDP bình quân đầu người.
Tuần trước, Quốc vương Salman của Saudi Arabia đã yêu cầu mở lại biên giới với Qatar để các tín đồ Hồi giáo có thể thực hiện cuộc hành hương hàng năm đến thánh địa Mecca tại Saudi Arabia. Quyết định này là bước tiến đầu tiên kể từ khi cuộc khủng hoảng ngoại giao nổ ra tại Vùng Vịnh cách đây hơn 2 tháng.
(Tổng hợp)