Tin thế giới mới nhất ngày 22/7: Thư ký báo chí của Tổng thống Trump bất ngờ từ chức; Hawaii lên phương án đối phó với tên lửa Triều Tiên; Cố vấn Nhà Trắng điều tra ngược công tố viên vụ liên hệ Trump-Nga;...
Thư ký báo chí của Tổng thống Trump bất ngờ từ chức
New York Times đưa tin thư ký báo chí Nhà Trắng Sean Spicer bất ngờ nộp đơn xin từ chức vào sáng 21/7 theo giờ Washington.
Theo New York Times, lý do Spicer từ chức là bởi ông không đồng ý với quyết định bổ nhiệm ông trùm tài chính Anthony Scaramucci làm giám đốc truyền thông Nhà Trắng.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Sean Spicer. Ảnh: Reuter. |
Nguồn tin từ Nhà Trắng cho biết Tổng thống Donald Trump đề nghị ông Scaramucci giữ chức vụ mới lúc 10h. Ngay sau đó, ông chủ Nhà Trắng yêu cầu ông Spicer tiếp tục đảm nhiệm vai trò thư ký báo chí.
Tuy nhiên, ông Spicer một mực từ chối và khẳng định việc bổ nhiệm ông trùm tài chính New York là một sai lầm nghiêm trọng.
Scaramucci là nhà tài trợ của đảng Cộng hòa và tích cực ủng hộ ông Trump trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016. CNN từng sa thải 3 phóng viên và rút lại bài báo có liên quan tới cáo buộc ông Scaramucci liên qian tới Quỹ đầu tư trực tiếp Nga (RDIF).
Trước đó, Chánh văn phòng Nhà Trắng Reince Priebus đã tiến cử Spicer vào vị trí thư ký báo chí. Trong suốt 6 tháng qua, ông Spicer gây không ít tranh cãi và được cho là từng khiến tổng thống thất vọng.
Spicer là thành viên kỳ cựu của đảng Cộng hòa. Trong thời gian đầu làm việc tại Nhà Trắng, với vai trò là người phát ngôn của tổng thống, ông được giao nhiệm vụ khó khăn là bảo vệ những tuyên bố gây tranh cãi của ông Trump trước báo giới.
Ông Spicer không được lòng giới truyền thông vì thường lên tiếng chỉ trích báo chí đưa thông tin sai lệch. CNN từng cho biết ông không phải ứng cử viên đầu tiên của ông Trump cho chức vụ thư ký báo chí Nhà Trắng. Tổng thống Mỹ muốn cộng sự Kellyanne Conway đảm nhận vai trò này, nhưng bà đã từ chối.
Hawaii lên phương án đối phó với tên lửa Triều Tiên
"Chúng tôi không muốn tạo nên căng thẳng quá mức cho công chúng nhưng cũng không thể chờ để bắt đầu chiến dịch đưa thông tin nhằm đảm bảo người dân biết ứng phó nếu khả năng này xảy ra", Hawaii News Now hôm 20/7 dẫn tuyên bố của ông Vern Miyagi, người phụ trách Cơ quan quản lý tình trạng khẩn cấp bang Hawaii, Mỹ.
Triều Tiên nhiều lần đe doạ tấn công Mỹ. Ảnh: AFP. |
Ông Miyagi cho biết kế hoạch ứng phó với nguy cơ bị Triều Tiên tấn công bằng tên lửa đạn đạo sẽ được công bố vào ngày mai.
Phương án đối phó gồm các biện pháp sơ tán và khẩu hiệu "vào trong nhà, ở trong nhà và sẵn sàng ứng phó", tờ Honolulu Star Advertiser dẫn lời các quan chức Hawaii cho hay.
Chiến dịch cũng bao gồm việc thử còi báo động trong ngày làm việc đầu tiên hàng tháng. Tiếng còi thứ nhất là báo động, tiếng thứ hai sẽ vang lên nếu có vụ tấn công.
Sau khi Triều Tiên thử thành công tên lửa đạn đạo Hwasong-14, các quan chức tình báo Mỹ tin rằng Bình Nhưỡng có khả năng phóng tên lửa xa đến 6.400 km. Nhiều chuyên gia quân sự lo ngại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) của Triều Tiên có thể tấn công Hawaii và Alaska.
Nếu bị tên lửa đạn đạo Triều Tiên tấn công, khoảng 1,4 triệu người ở Hawaii sẽ bị ảnh hưởng. Hawaii cũng là nơi có nhiều cơ sở quân sự quan trọng của Mỹ, gồm Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Lầu Năm Góc.
Cố vấn Nhà Trắng điều tra ngược công tố viên vụ liên hệ Trump-Nga
Các cố vấn của Tổng thống Mỹ có thể điều tra ngược lại công tố viên xem xét cáo buộc về Nga. Ảnh: Washington Post. |
Các luật sư và trợ lý của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang tìm hiểu xem công tố viên đặc biệt Robert Mueller và nhóm điều tra của ông có những hoạt động mang tính xung đột lợi ích hay không, nhằm làm mất uy tín cuộc điều tra cáo buộc Nga can thiệp bầu cử tổng thống năm 2016, New York Times ngày 20/7 dẫn tin từ một số người liên quan giấu tên cho biết.
Theo đó, các cố vấn tại Nhà Trắng nghi ngờ ông Mueller và cựu giám đốc FBI James Comey có quan hệ thân thiết, trong khi các điều tra viên trong nhóm của ông Mueller cũng bị cho là thân đảng Dân chủ vì trước đây đã tặng các khoản tiền cho thành viên đảng này.
Tổng thống Trump ngày 19/7 khẳng định ông biết một số thành viên trong nhóm của ông Mueller có xung đột lợi ích tiềm ẩn và sẽ công bố thông tin "vào lúc nào đó".
Các trợ lý của ông Trump cho hay nhóm của ông Mueller đã tặng hàng nghìn USD cho các thành viên đảng Dân chủ, gồm cả cựu tổng thống Barack Obama. Ông Jeannie Rhee, một luật sư trong nhóm của ông Mueller, là người đại diện cho Quỹ Clinton.
Tuy nhiên, các cố vấn của Trump vẫn chưa thống nhất về mức độ xem xét sự công tâm của ông Mueller. Một số người cảnh báo việc sa thải ông Mueller sẽ gây nên sự hỗn loạn về luật pháp và chính trị. Các trợ lý của ông Mueller và ông Comey cũng bác bỏ nghi vấn họ thân thiết với nhau.
Cựu giám đốc FBI Mueller cuối tháng 5 được Bộ Tư pháp Mỹ bổ nhiệm làm công tố viên đặc biệt để lãnh đạo cuộc điều tra cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ. Ông Trump cảnh báo ông Mueller sẽ vượt quyền nếu điều tra các vấn đề không liên quan đến Nga, chẳng hạn như vấn đề tài chính cá nhân của Tổng thống.
Mỹ sẽ cấm công dân du lịch Triều Tiên
Sáng 21/7, hai công ty Young Pioneer Tours và Koryo Tours khẳng định chính phủ Mỹ sẽ không cho phép công dân tới Triều Tiên. Lệnh cấm sẽ được công bố vào ngày 27/7.
"Theo dự kiến, lệnh cấm bắt đầu có hiệu lực sau 30 ngày công bố. Khi đó, bất cứ công dân Mỹ nào tới Triều Tiên sẽ bị vô hiệu hóa hộ chiếu", thông báo từ Young Pioneer Tours cho biết.
Theo BBC, công ty này nhận được tin trên thông qua Đại sứ quán Thụy Điển ở Bình Nhưỡng, cơ quan đóng vai trò trung gian trong mối quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên.
Thủ đô Bình Nhưỡng của Triều Tiên, điểm đến của không ít người Mỹ. Ảnh: Reuters. |
Nhà Trắng vẫn chưa lên tiếng xác nhận thông tin về lệnh cấm.
Young Pioneer Tours chính là công ty du lịch đưa sinh viên Otto Warmbier tới Triều Tiên vào năm 2015. Chuyến đi dự kiến kéo dài 5 ngày nhưng khi chuẩn bị rời khỏi Triều Tiên, anh bị giữ lại tại cửa an ninh ở sân bay.
Warmbier trải qua 17 tháng ở Triều Tiên trước khi được phóng thích về quê hương trên một chuyến bay có hỗ trợ y tế vào cuối tháng 6. Chàng sinh viên qua đời chỉ sau 6 ngày được trả tự do.
Hiện tại, Triều Tiên vẫn đang giam giữ 3 công dân Mỹ với lý do có hành động thù địch chống phá quốc gia này.
Hàn Quốc hủy bỏ kế hoạch khảo sát mức độ bức xạ của THAAD
Ngày 21/7, phát biểu tại cuộc họp báo, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Moon Sang-gyun thông báo Bộ Quốc phòng đã có kế hoạch khảo sát mức bức xạ tại nơi triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối và có tham khảo ý kiến người dân tại khu vực, song kế hoạch này đã bị hủy do sự phản đối của cư dân và các nhà hoạt động hòa bình.
Hệ thống THAAD. Ảnh: Business Insider. |
Tuy nhiên, ông Moon Sang-gyun cho biết, nếu người dân địa phương muốn tiến hành khảo sát đo mức độ bức xạ điện từ thì Bộ Quốc phòng Hàn Quốc sẽ ủng hộ.
Tháng 7/2016, Mỹ và Hàn Quốc đã đạt thỏa thuận lắp đặt một khẩu đội Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối tại Seongju, tỉnh Bắc Gyeongsang.
Hiện 2 trong số 6 bệ phóng trong Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối đã được lắp đặt, song chính phủ mới ở Hàn Quốc đã tạm ngừng việc triển khai hệ thống này để tiến hành các đánh giá về tác động môi trường.
Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối gồm 6 bệ phóng, 48 tên lửa đánh chặn, radar AN/TPY-2 và bộ phận điều khiển và báo cháy.
Được biết cụm radar AN/TPY-2 phát ra mức độ bức xạ điện từ rất mạnh vì nó xác định mục tiêu bằng cách phóng ra tia sóng điện từ. Sóng này được cho là gây ra bất lợi đối với sức khỏe và môi trường.
Triều Tiên bất ngờ tiết lộ mục tiêu đầu tiên nếu tấn công hạt nhân
Ngày 21/7, báo Rodong Sinmun của Triều Tiên, cơ quan ngôn luận của Đảng Lao động cầm quyền ở Triều Tiên tiết lộ rằng, nhà lãnh đạo Kim Jong-un có ý định tấn công một căn cứ quân sự của Mỹ ở Hàn Quốc.
Triều Tiên có ý định tấn công một căn cứ quân sự của Mỹ ở Hàn Quốc. |
Theo đó, căn cứ Mỹ ở Phyongthaek, Hàn Quốc sẽ trở thành mục tiêu của một cuộc tấn công hạt nhân đầu tiên từ Triều Tiên. "Những kẻ xâm lược và những kẻ khiêu khích không thể trốn thoát khỏi những cuộc tấn công hủy diệt tàn nhẫn trong ống ngắm của quân đội Triều Tiên mạnh mẽ bất kẻ chúng ở đâu. Những kẻ xâm lược đế quốc Mỹ hiện diện ở Hàn Quốc sẽ là mục tiêu chính của cuộc tấn công một khi Triều Tiên nổ súng", báo Rodong Sinmun viết.
Cảnh báo trên được đưa ra khi Triều Tiên được cho là đang lên kế hoạch bắn một tên lửa "trong vòng vài ngày tới" khi căng thẳng với Mỹ leo thang. Theo đó, nhà lãnh đạo Kim Jong-un có thể lên kế hoạch cho bước đi đầu tiên sau khi Mỹ chuyển quân tới căn cứ ở Phyongthaek. Rodong Sinmun cáo buộc, Mỹ tính toán rằng, việc chuyển quân tới Phyongthaek (một khu vực duyên hải) để lập căn cứ mới là hữu ích cho việc triển khai lực lượng quân sự quy mô lớn tại đây.
"Cách đây không lâu, Bộ Tư lệnh Lục quân 8 của Mỹ hiện diện tại Hàn Quốc được chuyển từ Ryongsan (Seoul) sang Phyongthaek (thuộc tỉnh Kyonggi). Căn cứ quân đội Mỹ là gốc rễ gây ra thảm họa cho người dân Hàn Quốc. Nó không nên bị chuyển từ nơi này sang nơi khác mà nên bị dẹp bỏ", theo Rodong Sinmun.
Hồi đầu tuần Hàn Quốc đề xuất tổ chức đối thoại quân sự với Triều Tiên vào ngày 21/7 tại làng đình chiến Panmunjom để xoa dịu căng thẳng. Tuy nhiên, cuộc đối thoại hôm nay không thể diễn ra theo kế hoạch do Triều Tiên chưa có phản hồi, Moon Sang-gyun, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết.
Đây được coi là thất bại trong nỗ lực thúc đẩy đối thoại của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. Ông Moon nhậm chức hồi tháng 5, tuyên bố sẽ dùng cả đối thoại và áp lực để Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa.
Hàn Quốc còn đề xuất đối thoại Chữ thập Đỏ vào ngày 1/8 nhằm nối lại hoạt động đoàn tụ các gia đình bị chia cắt sau chiến tranh Triều Tiên 1950 - 1953. Động thái trên diễn ra không lâu sau khi Triều Tiên tuyên bố phóng thử thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa đầu tiên ngày 4/7 và đã làm chủ công nghệ đầu đạn hạt nhân.
(Tổng hợp)