Tin thế giới mới nhất ngày 18/8: Trump chỉ đạo nghiên cứu phương án quân sự với Triều Tiên; Tướng Trung Quốc chỉ trích Mỹ 'sai lầm' ở Biển Đông; Nổ lớn tại nhà máy hóa dầu Trung Quốc;...
Trump chỉ đạo nghiên cứu phương án quân sự với Triều Tiên
Ngày 17/8, báo VnExpress dẫn lời Tướng Joseph Dunford, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, cho biết: "Tổng thống Mỹ Donald Trump đã trực tiếp yêu cầu chúng tôi xây dựng các phương án quân sự khả thi và đáng tin cậy, đó chính xác là điều chúng tôi đang làm. Nếu Tổng thống gặp chúng tôi với quyết định sử dụng vũ lực, chúng tôi sẽ cung cấp các lựa chọn cho ông".
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AFP. |
Theo ông Dunford một giải pháp quân sự cho mối đe dọa tên lửa của Triều Tiên sẽ rất "khủng khiếp", nhưng để mặc Bình Nhưỡng phát triển năng lực tấn công hạt nhân nhằm vào Mỹ là điều "không tưởng tượng được".
Ông Dunford được yêu cầu bình luận về phát biểu của ông Steve Bannon, chiến lược gia của Tổng thống Trump, tuyên bố Mỹ hiện không có giải pháp quân sự nào khả thi cho mối đe dọa và tham vọng hạt nhân của Triều Tiên.
"Cho tới khi ai đó giải quyết được một phần của vấn đề, rằng làm sao để 10 triệu người dân Seoul không thiệt mạng do những vũ khí thông thường trong 30 phút đầu tiên của cuộc chiến, thì tôi không biết bạn đang nói điều gì. Không có giải pháp quân sự nào ở đây cả.", ông Bannon nhấn mạnh.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tuần này hoãn kế hoạch phóng tên lửa về phía đảo Guam, cho biết sẽ chờ xem Mỹ phản ứng thế nào. Các mối đe dọa từ Triều Tiên trước đó đã khiến Tổng thống Donald Trump tuyên bố quân đội Mỹ "khóa và lên nòng" nếu Bình Nhưỡng hành động không khôn ngoan.
Tướng Trung Quốc chỉ trích Mỹ 'sai lầm' ở Biển Đông
Báo Thanh niên đưa tin, ngày 17/8, Reuters dẫn thông báo của Bộ Quốc phòng Trung Quốc, tại cuộc gặp ở thủ đô Bắc Kinh, thượng tướng Phạm Trường Long, Phó chủ tịch Quân ủy trung ương Trung Quốc nói với Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, đại tướng Joseph Dunford rằng cơ chế xây dựng lòng tin giữa quân đội hai nước tiếp tục cải thiện.
Thượng tướng Phạm Trường Long, Phó chủ tịch Quân ủy trung ương Trung Quốc (trái) và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, đại tướng Joseph Dunford (trung tâm). Ảnh: Reuters |
“Tuy nhiên, những hành động sai lầm trong vấn đề Đài Loan, Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD ở Hàn Quốc, tàu chiến và máy bay Mỹ hoạt động ở Biển Đông, Mỹ tiến hành trinh sát trên không và biển gần Trung Quốc gây ảnh hưởng lớn, tiêu cực đến mối quan hệ và sự tin tưởng giữa quân đội hai bên”, ông Phạm lưu ý.
Mỹ triển khai THAAD ở Hàn Quốc nhằm đối phói mối đe dọa tên lửa từ Triều Tiên. Tuy nhiên, Trung Quốc chỉ trích THAAD đe dọa nền an ninh quốc gia của họ và sẽ không giúp làm xoa dịu tình hình căng thẳng ở bán đảo Triều Tiên.
Ông Phạm cho hay Trung Quốc sẵn sàng phối hợp với Mỹ nhằm tăng cường hợp tác, giải quyết bất đồng và vấn đề nhạy cảm một cách phù hợp và đảm bảo hợp tác quân sự trở thành động lực tích cực thúc đẩy mối quan hệ song phương.
Trung Quốc và Mỹ, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, khẳng định nỗ lực duy trì mối quan hệ quân sự ổn định, nhưng vẫn còn tồn động nhiều bất đồng.
Bắc Kinh nhiều lần chỉ trích Mỹ điều tàu chiến tuần tra đảm bảo tự do hàng hải, áp sát những đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng phi pháp ở Biển Đông và Washington tiếp tục bán vũ khí, hậu thuẫn Đài Loan.
Trong khi đó, Mỹ bày tỏ quan ngại trước những vụ chiến đấu cơ Trung Quốc chặn máy bay quân sự Mỹ, chỉ trích Bắc Kinh thiếu minh bạch trong chi tiêu quốc phòng.
Nổ lớn tại nhà máy hóa dầu Trung Quốc
Theo báo Tri thức trực tuyến, vụ nổ xảy ra vào khoảng 18h40 ngày 17/8 tại nhà máy của Công ty Hóa dầu Đại Liên thuộc PetroChina. Ngọn lửa hiện đã được kiểm soát và chưa phát hiện trường hợp thương vong. Nguyên nhân gây nổ đang được điều tra.
Hiện trường vụ nổ. Ảnh: Weibo. |
Một đoạn video được CGTV đăng tải cho thấy một khu vực của nhà máy bất ngờ phát ra tiếng nổ lớn, làm bùng lên đám cháy dữ dội. Lửa và khói có thể được nhìn thấy từ nhiều vị trí xung quanh nhà máy. Lực lượng phòng cháy chữa cháy thành phố Đại Liên đã được điều động đến hiện trường. Không vụ nổ nào khác phát sinh sau đó.
Nhà máy hóa dầu Đại Liên có công suất 140 triệu tấn/năm, theo CCTV. Nhà máy này có 3 đơn vị chưng cất dầu thô với năng lực 410.000 thùng/ngày. Đây là một trong những nhà máy lọc dầu lớn nhất Trung Quốc.
Một nguồn tin trong ngành lọc dầu Trung Quốc nói với Reuters rằng hoạt động xử lý dầu thô của nhà máy không bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, sản lượng sẽ có thể giảm nhẹ. Năm 2013, một vụ nổ từng xảy ra tại nhà máy này khiến 2 người bị thương và 2 người mất tích.
Đại Liên cũng là nơi xảy ra một trong những vụ tràn dầu lớn nhất lịch sử Trung Quốc, khi một đường ống dẫn lớn phát nổ khiến hàng trăm nghìn gallon dầu tràn ra biển hồi năm 2010.
Trung Quốc là nơi thường xuyên xảy ra các vụ cháy nổ tại các nhà máy hóa chất. Vụ nổ lớn tại nhà máy hóa chất ở thành phố Thiên Tân hồi năm 2015 khiến hơn 170 người chết.
Nhật - Nga xúc tiến hoạt động kinh tế chung tại đảo tranh chấp
Báo VOV thông tin, ngày 17/8, Hội nghị cấp thứ trưởng Ngoại giao Nga-Nhật đã được tiến hành tại thủ đô Moscow của Nga, thảo luận về những bước đi cụ thể hướng tới thực hiện những hoạt động khai thác kinh tế chung tại quần đảo đang tranh chấp giữa hai nước, Nhật Bản gọi là quần đảo phương bắc, Nga gọi là quần đảo Kuril bao gồm Shikotan, Habomai, Etorofu và Kunashiri.
Thỏa thuận hoạt động kinh tế chung được thống nhất vào tháng 12/2016 nhân chuyến thăm Nhật Bản của Tổng thống Nga Putin, và tháng 6 năm nay lần đầu tiên Nhật Bản đã phái một phái đoàn điều tra tới khu vực này.
Trong cuộc gặp lần này hai bên thống nhất hoạt động thăm quan du lịch bằng thuyền, nuôi trồng các thủy hải sản các loại, gia công chế biến thủy hải sản chung. Ngoài ra từ ngày 30/8, Nhật Bản cũng sẽ điều chỉnh hướng đi tới khu vực có hoạt động kinh tế chung, viếng thăm của cựu cư dân đảo dựa trên lập trường mang tính phát luật của hai nước trong vấn đề lãnh thổ,
Liên quan tới hoạt động kinh tế chung tại khu vực quần đảo đang tranh chấp, Thủ tướng Abe nhấn mạnh rằng đây là một bước tiến quan trọng để hai nước sớm có thể ký Hiệp ước hòa bình.
Vấn đề tranh chấp quần đảo này được coi là "hòn đá tảng" đang cản trở con đường tiến tới việc ký kết Hiệp ước hòa bình giữa hai nước bị gián đoạn kể từ khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc.
Tuy nhiên, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đã có những tuyên bố thể hiện Nga sẵn sàng có những bước đi dứt khoát để giải quyết tranh chấp chủ quyền kéo dài 70 năm qua với Nhật Bản.
Máy bay Mỹ va nhau trên đường băng, hàng trăm hành khách hoảng loạn
Báo Công an nhân dân ngày 17/8 đưa tin vụ va chạm xảy ra vào nửa đêm 15-8 (giờ địa phương), nhưng thông tin chỉ vừa được xác nhận không lâu.
Một chiếc Boeing 737 của hãng Delta Airlines. Ảnh: ITN |
Cụ thể, cánh của chiếc Boeing 737 của hãng Delta Airlines đã va vào đuôi chiếc Boeing 757 của American Airlines đang chờ cất cánh đi Dublin. Cơ trưởng của chiếc Boeing 757 mô tả đó là “cú va chạm kinh hoàng”.
Theo thông tin ghi nhận được trong buồng lái, chiếc máy bay của Delta đã nhận được lệnh di chuyển trước nhưng không rõ vì sao đã va vào chiếc máy bay của American Airlines.
Vụ va chạm đã khiến hành khách trên cả 2 chiếc máy bay một phen hú vía. Cả hai chiếc Boeing sau đó đã phải quay lại cổng chờ sân bay để hành khách có thể rời khỏi máy bay an toàn.
Theo CBSNews, sự cố lần này xảy ra vài tuần sau một vụ việc suýt trở thành thảm hoạ hàng không tại sân bay San Francisco, khi máy bay của Air Canada hạ cánh trên đường băng, nơi có 4 máy bay khác đang chờ cất cánh.
Uỷ ban An toàn giao thông Canada cho biết, máy bay Airbus của hãng hàng không Canada chỉ cách một máy bay trên đường băng chưa đầy 8m và bay trên hai chiếc còn lại 30m.
Anh cam kết miễn thị thực nhập cảnh cho công dân EU sau Brexit
Theo phóng viên TTXVN tại London, ngày 17/8, Văn phòng Thủ tướng Anh cho biết nước này sẽ miễn thị thực nhập cảnh cho các công dân Liên minh châu Âu (EU) thời hậu Brexit.
Công dân EU sẽ được miễn thị thực nhập cảnh vào Anh thời hậu Brexit. Ảnh: AP |
Tuy nhiên, nguồn tin từ Văn phòng Thủ tướng Anh cũng cho biết điều này không có nghĩa là các công dân EU sẽ tự động có quyền cư trú tại Anh vĩnh viễn. Muốn định cư dài hạn tại Anh, các công dân EU phải tuân theo những quy định nhập cư mới.
Các bộ trưởng Anh liên quan đến vấn đề nhập cư cho biết Brexit sẽ giúp chính phủ có quyền kiểm soát vấn đề nhập cư, điều này không có nghĩa là chính phủ muốn dừng việc nhập cư vào Anh, trái lại chính phủ khẳng định vẫn tiếp tục cho phép các công ty tuyển dụng những lao động có tay nghề cao từ EU sang Anh làm việc.
Chính phủ Anh từng nhận được những kêu gọi hạn chế số lượng lao động nhập cư từ EU vào Anh, tuy nhiên một số nguồn tin đã bác lại thông tin trên báo chí Anh cho rằng hệ thống nhập cư thời hậu Brexit của Anh sẽ gồm có cơ chế cấp thị thực làm việc cho các công nhân EU sang Anh làm việc trong một số lĩnh vực tại Anh.
Những chủ trương chính sách nhập cư của Anh thời hậu Brexit dự kiến sẽ được công bố vào cuối năm nay. Một số quy định khác liên quan đến vấn đề nhập cư được áp dụng trong thời kỳ chuyển đổi sẽ được triển khai sau khi đàm phán Brexit kết thúc.
Hiện Anh và EU đã tiến hành 2 vòng đàm phán về Brexit, song còn tồn tại rất nhiều mâu thuẫn, nhất là lĩnh vực tài chính và quyền lợi của công dân EU tại Anh. Theo kế hoạch, vòng đàm phán thứ 3 sẽ bắt đầu từ ngày 28/8 tới. Các nhà đàm phán đang hết sức nỗ lực để đạt một thỏa thuận từ nay đến cuối năm 2018. Nếu mọi việc diễn ra suôn sẻ, nước Anh sẽ chính thức rời EU vào tháng 3/2019.
(Tổng hợp)