Tin thế giới mới nhất ngày 16/8: Ông Kim Jong Un duyệt bản đồ đường đi tên lửa đến đảo Guam; Thủ tướng Thái sắp thăm Mỹ, “hâm nóng” quan hệ song phương; Indonesia phá âm mưu đánh bom phủ tổng thống;...
Ông Kim Jong Un duyệt bản đồ đường đi tên lửa đến đảo Guam
Theo báo Tri thức trực tuyến, những hình ảnh do hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên công bố hôm 15/8 hé lộ một phần kế hoạch tấn công tên lửa đảo Guam mà các tướng lĩnh quân đội trình lên nhà lãnh đạo Kim Jong Un.
Bức ảnh về cuộc họp bàn kế hoạch tấn công đảo Guam do KCNA công bố hôm 15/8. Ảnh: KCNA/Reuters. |
Trong ảnh, nhà lãnh đạo Triều Tiên cầm một cái que chỉ vào tấm bản đồ có tên "Kế hoạch tấn công bằng hỏa lực của lực lượng đặc nhiệm". Tấm bản đồ cho thấy các tên lửa dường như xuất phát từ bờ biển phía đông Triều Tiên, sau đó bay qua Nhật Bản và cuối cùng rơi xuống địa điểm gần đảo Guam, như Bình Nhưỡng thông báo cuối tuần trước.
Reuters dẫn lời ông Kim Dong Yub, chuyên gia quân sự tại Viện Nghiên cứu Viễn Đông ở Seoul, nói địa điểm phóng tên lửa được thể hiện trên bản đồ có thể là vùng phụ cận của Sinpo. Đây thành phố duyên hải phía đông nơi có căn cứ tàu ngầm của Triều Tiên.
Ông Kim Dong Yub cho biết địa điểm gần Sinpo phù hợp với những gì Triều Tiên thông báo cuối tuần trước, rằng 4 quả tên lửa tầm trung sẽ bay qua các tỉnh Shimane, Hiroshima và Koichi của Nhật Bản, hoàn thành quãng đường 3.356,7 km trong 1.065 giây và rơi xuống vùng nước cách đảo Guam khoảng 30-40 km.
"Mọi người dân Triều Tiên đều phải xem bức ảnh này trên TV và báo chí. Triều Tiên đang thể hiện sự tự tin của họ, nói cho Mỹ biết rằng: Nếu Mỹ muốn chặn (tên lửa Triều Tiên), Mỹ có thể thử", chuyên gia Kim nói. "Đây cũng là dấu hiệu cho thấy miền Bắc đã nghiên cứu việc này trong thời gian dài và đã sẵn sàng hành động nếu có lệnh".
Các bức ảnh cũng cho thấy ông Kim Jong Sik, một trong những "quân sư" đứng sau chương trình tên lửa của Triều Tiên, trình bày kế hoạch với nhà lãnh đạo Kim Jong Un.
Thủ tướng Thái sắp thăm Mỹ, “hâm nóng” quan hệ song phương
Báo Dân trí ngày 15/8 đưa tin, Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Don Pramudwinai ngày 15/8 cho biết Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha sẽ có chuyến công du Mỹ vào tháng 10. Các vấn đề về thương mại, đầu tư, tình hình khu vực và an ninh-quân sự sẽ là những vấn đề thảo luận chính trong chương trình nghị sự giữa 2 bên trong chuyến thăm này.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson bắt tay Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha tại Bangkok ngày 8/8 (Ảnh: Reuters) |
Tuần trước, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã tới thăm Thái Lan. Đây là chuyến thăm cấp cao nhất của một quan chức Mỹ kể từ khi quân đội Thái Lan lên nắm quyền vào năm 2014. Chuyến thăm của ông Tillerson và lời mời ông Prayuth tới công du Mỹ cho thấy dấu hiệu Mỹ và Thái Lan đang nỗ lực cải thiện quan hệ song phương.
Trước đó, chính phủ Thái Lan cho biết chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Chan-ocha có thể diễn ra vào tháng 7. Ông Prayuth Chan-ocha đã nhận lời mời thăm Mỹ từ Tổng thống Donald Trump thông qua cuộc điện đàm giữa 2 nguyên thủ quốc gia hồi tháng 4.
Hiện tại, ưu tiên hàng đầu của ông Tillerson là hối thúc các nước Đông Nam Á cắt giảm nguồn tài trợ cho Triều Tiên, trong bối cảnh căng thẳng đang leo thang trên bán đảo Triều Tiên. Trước đó, phía Mỹ tin rằng một số công ty ở Triều Tiên đang hoạt động trên lãnh thổ Thái Lan và Mỹ đang khuyến khích chính phủ Thái Lan đóng cửa những công ty này.
Tuy nhiên, ông Tillerson không hề đề cập công khai tới vấn đề trên trong chuyến thăm ngắn kéo dài 5 giờ đồng hồ tại Thái Lan hồi tuần trước.
Indonesia phá âm mưu đánh bom phủ tổng thống
Theo tin tức trên báo VnExpress, ngày 15/8, cảnh sát Indonesia bắt 5 nghi phạm phiến quân Hồi giáo cực đoan, thu giữ hoá chất dùng để chế bom tấn công phủ tổng thống.
Cảnh sát Indonesia. Ảnh: AP. |
Hai trong 5 người là một cặp vợ chồng, bị trục xuất từ Hong Kong vì tuyên truyền tư tưởng cực đoan và nhóm đã nghiên cứu kỹ thuật chế bom thông qua một trang web của một người Indonesia, được cho là đang chiến đấu cùng phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Syria, cảnh sát nói. Các nghi phạm âm mưu tấn công phủ tổng thống cuối tháng này, theo Reuters.
Indonesia, nước có dân số theo đạo Hồi lớn nhất thế giới, đã chứng kiến một chuỗi cuộc tấn công quy mô nhỏ lấy động lực từ IS, nhưng hầu hết được thực hiện một cách nghiệp dư, bằng vũ khí tự chế ít gây thương vong và thiệt hại.
Cảnh sát quan ngại những người nghi là phiến quân này đang trở nên tinh vi hơn sau vụ nổ bom nồi áp suất kép làm ba cảnh sát thiệt mạng tại bến xe buýt Jakarta hồi tháng 5.
"Đây có lẽ là lần đầu tiên biện pháp này được sử dụng tại Tây Java với những hoá chất rất nguy hiểm", Yusri Yunus, phát ngôn viên cảnh sát tỉnh, nói, cho biết một số cửa hàng trước đó từ chối bán hoá chất cho nghi phạm. Yunus không nói rõ về loại hoá chất hay kế hoạch tấn công phủ tổng thống. Tây Java nằm ngay phía đông Jakarta.
Cảnh sát chống khủng bố tìm thấy hoá chất trong cuộc đột kích một căn nhà ở thành phố Bangdung, cách Jakarta 120 km về phía đông nam. Họ cảm thấy da đỏ, rát khi vào nhà.
Thủ tướng Ấn Độ gửi lời cảnh báo cứng rắn đến Trung Quốc
Báo Dân Việt dẫn lời Thủ tướng Ấn Độ ngày 15/8 cho biết quân đội nước này đã sẵn sàng chiến đấu chống lại bất cứ mối đe dọa nào từ bên ngoài và khẳng định lập trường bảo vệ chủ quyền biên giới.
Tờ Bưu điện Hoa nam Buổi sáng (SCMP) nhận định, thông điệp của ông Modi trong ngày quốc khánh Ấn Độ năm nay là lời cảnh báo mạnh mẽ gửi đến Trung Quốc, dù Thủ tướng Ấn Độ không trực tiếp nhắc đến tên quốc gia láng giềng.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi phát biểu trong lễ kỷ niệm quốc khánh Ấn Độ. |
Phát biểu trước đám đông người dân Ấn Độ, nhân kỷ niệm 70 năm ngày nước này thoát khỏi sự cai trị của Anh, ông Modi nói: “An ninh là ưu tiên hàng đầu của Ấn Độ”.
“Dù là trên biển, ở vùng núi biên giới, trên bầu trời hay trong không gian mạng, Ấn Độ đủ sức và đủ mạnh để đáp trả mọi thế lực đang cố gắng gây tổn hại đến đất nước”, ông Modi nói.
Tuyên bố của ông Modi được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Trung Quốc và Ấn Độ ở khu vực cao nguyên Doklam sẽ chính thức tròn hai tháng vào ngày 16.8.
Hàng trăm binh sĩ Trung-Ấn trừng mắt nhìn nhau ở khoảng cách 150 mét và hàng ngàn binh lính khác được đặt trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu.
Hai quốc gia láng giềng có số dân lên tới 2,6 tỷ người trải qua nhiều mâu thuẫn trong quá khứ, đặc biệt là cuộc chiến tranh biên giới năm 1962.
Cuộc khủng hoảng Triều Tiên đến giai đoạn 'bước ngoặt'
TTXVN thông tin, ngày 15/8, phát biểu tại một cuộc họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bà Hoa Xuân Oánh khẳng định Trung Quốc hy vọng tất cả các bên liên quan bằng lời nói và hành động có thể góp phần “dập lửa thay vì đổ thêm dầu vào lửa”.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh. Ảnh: REUTERS/TTXVN |
Bắc Kinh cũng hối thúc các bên trở lại đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân của Bình Nhưỡng, vốn bị đình trệ từ năm 2009. Vòng đàm phán 6 bên lần đầu tiên, gồm sự tham dự của các nước Nga, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên và Hàn Quốc, diễn ra vào năm 2003.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh hoan nghênh bài viết gần đây của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis trên tờ Wall Street Journal, trong đó tuyên bố Washington không “quan tâm” đến việc thay đổi chế độ Bình Nhưỡng. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh: “Chúng tôi hy vọng Mỹ có thể biến tuyên bố tích cực này thành những chính sách cụ thể liên quan đến Triều Tiên”.
Tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc được đưa ra trong bối cảnh khẩu chiến giữa Mỹ và Triều Tiên đã bắt đầu hạ nhiệt ngày 15/8. Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tuyên bố sẽ hoãn kế hoạch bắn tên lửa tới gần vùng lãnh thổ Guam của Mỹ trên Thái Bình Dương, song cảnh báo Bình Nhưỡng sẽ có động thái nếu Washington tiếp tục có “những hành động liều lĩnh”. Trước đó, căng thẳng đã gia tăng sau khi Triều Tiên đe dọa bắn đồng thời 4 quả tên lửa đạn đạo tới gần vùng lãnh thổ Guam.
Nga bắt giữ sĩ quan tình báo Ukraine
Theo báo An ninh thủ đô, cơ quan An ninh liên bang Nga (FSB) ngày 15/8 thông báo, đã bắt giữ một sĩ quan tình báo Ukraine âm mưu tiến hành các hoạt động phá hoại trên bán đảo Crimea.
Gennady Limeshko bị cáo buộc tìm cách phá hoại tại Crimea. Ảnh: AP/Kyivpost |
Theo FSB, nhân viên tình báo Ukraine, Gennady Limeshko đã đến Crimea vào đầu tháng này và lên kế hoạch phá hoại đường dây cung cấp điện cho hàng chục nghìn người trên bờ biển phía nam bán đảo, cũng như phóng hỏa đốt rừng và phong tỏa đường giao thông.
FSB cho hay, Limeshko bị bắt quả tang hôm 12/8 khi tìm cách cắt đường dây điện. FSB cũng thu giữ từ Limeshko hai khối thuốc nổ TNT, một quả lựu đạn và một máy ảnh kỹ thuật số để ghi lại các hoạt động phá hoại.
FSB đã tiến hành thủ tục tố tụng hình sự đối với Limeshko và đang tìm kiếm những kẻ đồng phạm. Tuy nhiên, Cơ quan Tình báo Ukraine đã lên tiếng phủ nhận thông tin mà Nga đưa ra.
(Tổng hợp)