+Aa-
    Zalo

    Tin thế giới mới nhất ngày 13/8

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Tin thế giới mới nhất ngày 13/8: EU sẽ nhóm họp phiên đặc biệt về Triều Tiên; Quân đội Syria chiếm được thị trấn quan trọng của tỉnh Homs;...

    Tin thế giới mới nhất ngày 13/8: EU sẽ nhóm họp phiên đặc biệt về Triều Tiên; Quân đội Syria chiếm được thị trấn quan trọng của tỉnh Homs; Lào tuyên bố rút quân khỏi biên giới Campuchia;...

    EU sẽ nhóm họp phiên đặc biệt về Triều Tiên

    Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, Liên minh châu Âu (EU) sẽ triệu tập phiên họp bất thường vào ngày 14/8 để thảo luận về tình hình căng thẳng leo thang trên bán đảo Triều Tiên.

    Đại diện cấp cao của EU về chính sách an ninh và đối ngoại Federica Mogherini. Ảnh: EPA/TTXVN

    Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của EU Federica Mogherini sẽ chủ trì cuộc họp của Ủy ban chính sách và an ninh để thảo luận về nhiều vấn đề liên quan đến Triều Tiên.

    Đầu tuần qua, Hội đồng châu Âu đã mở rộng lệnh trừng phạt Triều Tiên liên quan tới việc nước này phóng tên lửa đạn đạo, nhằm đáp trả những hành động của Triều Tiên gây ra "mối đe dọa nghiêm trọng tới hòa bình quốc tế và an ninh trong cũng như ngoài khu vực". Các biện pháp trừng phạt mới chủ yếu nhằm vào các ngành chế tác kim loại, hàng không vũ trụ, sản xuất vũ khí cũng như các dịch vụ về máy tính, khai khoáng và hóa chất.

    Bên cạnh đó, EU còn bổ sung tên của 4 cá nhân vào danh sách những đối tượng bị cấm đi lại và bị đóng băng tài sản do có quan hệ với ban lãnh đạo Triều Tiên và liên quan tới chương trình vũ khí của nước này.

    Cho đến nay, các nước EU phản ứng rất thận trọng về những căng thẳng trên Bản đảo Triều Tiên. Đến ngày 12/8, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron mới bày tỏ quan ngại về "mối đe dọa tên lửa đạn đạo và hạt nhân đến từ Triều Tiên", đồng thời cho rằng cộng đồng quốc tế cần phối hợp nhằm đưa Bình Nhưỡng "tiếp tục con đường đối thoại mà không kèm bất cứ điều kiện nào".

    Ngoại trưởng Anh Boris Johnson cũng vừa khẳng định London mong muốn một giải pháp ngoại giao đối với cuộc khủng hoảng trên Bán đảo Triều Tiên. Trong một tuyên bố đăng tải trên mạng xã hội Twitter, ông Johnson cho rằng Chính quyền Triều Tiên cần phải khắc phục tình trạng hiện nay. Cộng đồng quốc tế đang hợp tác trong vấn đề này và London đang phối hợp với Mỹ và các đối tác trong khu vực nhằm đưa ra giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng.

    Quân đội Syria chiếm được thị trấn quan trọng của tỉnh Homs

    Theo báo VOV, ngày 12/8, truyền thông nhà nước Syria đưa tin lực lượng Chính phủ nước này đã giành lại hoàn toàn quyền kiểm soát đối với thị trấn quan trọng cuối cùng của tỉnh Homs do tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) chiếm đóng, trong bối cảnh quân đội Syria và đồng minh tiến quân nhiều hướng nhằm về các khu vực phía Đông do IS chiếm giữ.

    Khói bốc lên sau các cuộc giao tranh tại Raqqa, tỉnh Homs, Syria. (Nguồn: AFP/TTXVN)

    Truyền thông nhà nước dẫn một nguồn tin quân sự cho biết, các tay súng IS đã bị tiêu diệt và vũ khí của chúng bị phá hủy ở thị trấn Al-Sukhna, cách thành phố cổ Palmyra 50km về phía Đông Bắc.

    Thị trấn này cũng nằm cách tỉnh Deir al-Zor khoảng 50 km. Deir al-Zor là thành trì cuối cùng của IS tại Syria và hiện lực lượng Chính phủ Syria cũng đang tiến về khu vực này từ các khu vực phía Nam của tỉnh Raqqa.

    IS đã để mất vùng lãnh thổ rộng lớn của Ryria trong các chiến dịch riêng rẽ được tiến hành bởi lực lượng Chính phủ Syria được Nga và Iran hậu thuẫn và Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do Mỹ hậu thuẫn.

    Lào tuyên bố rút quân khỏi biên giới Campuchia

    Báo Dân trí thông tin, ngày 12/8, Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith cho biết đã chỉ đạo cho binh sĩ nước này rút quân khỏi khu vực biên giới với Campuchia sau cuộc gặp giữa lãnh đạo hai nước.

    Thủ tướng Hun Sen (phải) bắt tay người đồng cấp Lào Thongloun Sisoulith trong cuộc gặp tại Phnom Penh hồi tháng 5 (Ảnh: Phnompenh Post)

    Thủ tướng Campuchia Hun Sen hôm qua 11/8 đã kêu gọi Lào rút quân khỏi tỉnh Stung Treng, Campuchia - khu vực giáp biên giới với Lào, đồng thời đưa ra hạn chót cho việc rút quân vào ngày 17/8. Ông Hun Sen cũng lệnh cho quân đội triển khai binh sĩ cùng các hệ thống phóng rocket đa nòng tới khu vực biên giới với Lào.

    Theo Reuters, nhà lãnh đạo Campuchia sau đó đã đáp chuyến bay tới thủ đô Vientiane, Lào và có cuộc hội đàm với Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith hôm nay 12/8.

    Trong cuộc họp báo sau cuộc hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo, Thủ tướng Thongloun cho biết ông đã ra lệnh cho binh sĩ nước này rút quân khỏi khu vực biên giới với Campuchia.

    “Tôi đã yêu cầu các đơn vị chức năng có liên quan rút quân khỏi khu vực đó vào sáng mai (13/8), Thủ tướng Thongloun phát biểu trong cuộc họp báo, đồng thời cho biết ông xin lỗi vì đã không phúc đáp thư do Thủ tướng Hun Sen gửi ngày 2/8 với nội dung yêu cầu phía Lào rút quân.

    “Cuộc trao đổi hôm nay diễn ra rất thẳng thắn và thân thiện, do vậy sẽ không xảy ra việc lực lượng quân sự hai nước đối đầu nhau”, Thủ tướng Thongloun nói thêm.

    Phát biểu tại cuộc họp báo, Thủ tướng Hun Sen cho biết: “Thành công lớn nhất của chúng tôi đó là giải quyết được tất cả các bất đồng. Vài phút trước, tôi đã chỉ thị cho tất cả các binh sĩ được huy động (tới khu vực biên giới) ngày hôm qua quay về nơi đồn trú”.

    Giữa Lào và Campuchia đã xảy ra một số bất đồng ở khu vực biên giới thuộc tỉnh Stung Treng, Campuchia từ tháng 2. Hai nước có chung 540 km đường biên giới nhưng phần lớn vẫn chưa được phân giới chính thức, do vậy thường xảy ra bất đồng.

    Đầu năm nay, khoảng 400 binh sĩ Lào đã vượt qua khu vực biên giới giữa hai nước và tiến vào đất của Campuchia, yêu cầu một nhóm kỹ sư quân đội Campuchia ngừng thi công một con đường mà Lào cho rằng thuộc lãnh thổ Lào.

    Sau đề nghị của phía Lào, Campuchia đã tạm dừng thi công con đường, tuy nhiên Campuchia khi đó nói rằng lực lượng vũ trang Lào vẫn chưa rút quân khỏi khu vực này.

    60 trẻ tử vong trong bệnh viện Ấn Độ do thiếu oxy

    Báo Tri thức trực tuyến dẫn nguồn tin theo Reuters, trường Cao đẳng Y Baba Raghav Das cho biết 34 trẻ đã tử vong ở khoa chăm sóc và hồi sức sơ sinh của bệnh viện trường, 12 em khác tử vong do viêm não. Các ca còn lại không rõ nguyên nhân.

    Kailash Satyarthi, người từng đoạt giải Nobel hòa bình và là nhà vận động cho quyền trẻ em gọi đây là "vụ thảm sát" trên Twitter. Ảnh: AFP.

    Truyền thông địa phương cho biết một số ca tử vong là do thiếu oxy, khi một nhà thầu tư nhân chuyên cung cấp oxy cho bệnh viện cắt nguồn cung bởi bệnh viện chưa trả đủ khoản nợ cho công ty này.

    Bác sĩ R.S Shukla, giám đốc y khoa bệnh viện, thì phủ nhận nguyên nhân tử vong do thiếu oxy.

    Bệnh viện thông báo có sự "sụt giảm trong cung cấp oxy lỏng" hôm thứ năm, nhưng cho biết sẽ có thêm nguồn cung từ các nhà thầu khác. Không rõ việc này có dẫn đến ca tử vong nào hay không.

    Các quan chức cho biết chính phủ đang tiến hành điều tra vụ việc. Văn phòng chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi thông báo trên Twitter rằng ông vẫn liên tục theo dõi tình hình những ngày qua.
    Sự việc đặt Ấn Độ vào căng thẳng chính trị khi các chính trị gia phe đối lập tìm cách đổ trách nhiệm cho đảng cầm quyền của thủ tướng. Trong những lần xuất hiện trên truyền hình, các quan chức chính phủ lên án lãnh đạo phe đối lập đã cố gắng làm chính trị hóa vấn đề.

    "Chính phủ hiện tại phải chịu trách nhiệm về cái chết của những trẻ em ở Gorakhpur. Cần phải có hành động cứng rắn để giải quyết vấn đề này", cựu Thủ hiến Akhilesh Yadav quận Gorakhpur, bang Uttar Pradesh, nói trên Twitter.

    Bùng phát dịch viêm não xảy ra hàng năm ở Ấn Độ, lấy đi hàng trăm sinh mạng, đặc biệt vào mùa mưa. Nguyên nhân của bệnh thường do thức ăn bẩn hoặc nước ô nhiễm, muỗi đốt, hoặc qua đường hô hấp với người nhiễm bệnh.

    Ấn Độ chi khoảng 1% tổng sản phẩm quốc nội cho y tế công cộng. Đây là tỷ lệ thấp nhất thế giới. Các đời tổng thống nước này đã liên tiếp phải đối mặt với chỉ trích vì không cải cách hệ thống y tế công cộng, không những quá tải mà còn thiếu hụt lực lượng bác sĩ và cơ sở hạ tầng.

    Những năm gần đây, chính phủ của Tổng thống Modi đã tăng chi tiêu cho y tế và cam kết để người dân được tiếp cận dễ đàng hơn với những dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

    Pháp, Anh lên tiếng về căng thẳng giữa Triều Tiên và Mỹ

    TTXVN đưa tin, ngày 12/8, trong một tuyên bố, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã lên tiếng bày tỏ "quan ngại về mối đe dọa tên lửa đạn đạo và hạt nhân đến từ Triều Tiên", đồng thời cho rằng cộng đồng quốc tế cần phối hợp, nhằm đưa Bình Nhưỡng "tiếp tục con đường đối thoại mà không kèm bất cứ điều kiện nào".

    Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại một lễ kỷ niệm ở Orleans, miền trung Pháp ngày 27/7. Ảnh: AFP/TTXVN

    Tổng thống Pháp cũng tái khẳng định nước này cùng các nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc mong muốn Bình Nhưỡng "nhanh chóng tuân thủ các nghĩa vụ quốc tế và tiến hành giải trừ các chương trình hạt nhân và tên lửa một cách hoàn toàn, không thể đảo ngược và có thể kiểm chứng". Nhà lãnh đạo Pháp cũng khẳng định sự đoàn kết của Paris đối với "các đồng minh và đối tác của Pháp tại khu vực trong giai đoạn hiện nay".

    Cùng ngày, Ngoại trưởng Anh Boris Johnson khẳng định London mong muốn một giải pháp ngoại giao đối với cuộc khủng hoảng trên Bán đảo Triều Tiên. Trong một tuyên bố đăng tải trên mạng xã hội Twitter, ông Johnson cho rằng Chính quyền Triều Tiên cần phải khắc phục tình trạng hiện nay. Cộng đồng quốc tế đang hợp tác trong vấn đề này và London đang phối hợp với Mỹ và các đối tác trong khu vực, nhằm đưa ra giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng.

    Tình hình tại Bán đảo Triều Tiên đang trở thành tâm điểm chú ý trong những ngày gần đây khi Mỹ và Triều Tiên không ngừng thách thức lẫn nhau liên quan đến chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng. Hôm 9/8 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cảnh báo rằng Triều Tiên sẽ phải đối mặt với “hỏa lực và cơn thịnh nộ” sau 2 vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa của Bình Nhưỡng.

    Một ngày sau đó, Triều Tiên thông báo chi tiết rằng quân đội nước này đang lên kế hoạch bắn 4 tên lửa đạn đạo tầm trung nhằm vào đảo Guam vào giữa tháng 8 này. Mới đây nhất, ngày 12/8, Tổng thống Trump tiếp tục có những phát ngôn cứng rắn khi cảnh báo nhà lãnh đạo Kim Jong-Un sẽ "sớm phải hối tiếc" nếu có bất kỳ động thái nào nhằm vào đảo Guam hay bất cứ nơi đâu thuộc lãnh thổ Mỹ hoặc các đồng minh của Mỹ.

    Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Trump ngày 11/8, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã kêu gọi các bên liên quan cần kiềm chế, tránh những phát ngôn và hành động làm gia tăng căng thẳng, đồng thời nhấn mạnh tới giải pháp ngoại giao.

    Chủ tịch Trung Quốc khuyên Tổng thống Mỹ bình tĩnh trước Triều Tiên

    Thông tin được đăng tải trên báo An ninh thủ đô. “Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình đã đồng ý Triều Tiên cần phải ngừng ngay các hành động khiêu khích và gây leo thang căng thẳng”, Nhà Trắng ra thông cáo cho hay.

    Trong khi đó, truyền thông nhà nước Trung Quốc cũng cho biết, ông Tập Cận Bình đã thúc giục các bên liên quan phải cho thấy sự kiềm chế và tránh các từ ngữ và hành động có thể gia tăng căng thẳng.

    Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khuyên Tổng thống Mỹ Donal Trump tránh leo thang căng thẳng với Triều Tiên. Ảnh: RT

    Cuộc điện đàm này diễn ra sau những lời đe dọa lẫn nhau giữa Mỹ và Triều Tiên. Bình Nhưỡng đã dọa phóng tên lửa về đảo Guam trong lần thử nghiệm tiếp theo, trong khi ông Trump cũng cảnh báo rằng, Mỹ đã chuẩn bị rất nhiều biện pháp quân sự.

    Mặc dù không công khai bày tỏ quan điểm về vấn đề Mỹ dùng vũ lực với Triều Tiên nhưng truyền thông nhà nước Trung Quốc đã khẳng định rằng, Bắc Kinh sẽ can thiệp nếu Washington muốn tấn công phủ đầu Bình Nhưỡng.

    Vào hôm 11/8, Tổng thống Trump đã khẳng định rằng, Triều Tiên không thể gây nguy hiểm cho đảo Guam tuy nhiên, Văn phòng Phòng vệ dân sự đảo Guam hiện đã ra thông báo hướng dẫn người dân phản ứng trong trường hợp bị tấn công bằng tên lửa.

    Triều Tiên hiện đã đề nghị Mỹ và Hàn Quốc hủy bỏ các cuộc tập trận quy mô lớn, tuy nhiên, Seoul cho biết, cuộc tập trận tiếp theo diễn ra vào tháng 8 vẫn sẽ diễn ra.

    (Tổng hợp)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tin-the-gioi-moi-nhat-ngay-138-a198929.html
    Sự kiện: Thế giới 24h
    Tin thế giới mới nhất ngày 12/8

    Tin thế giới mới nhất ngày 12/8

    Tin thế giới mới nhất ngày 12/8: Nhật tính mở rộng lá chắn tên lửa đối phó Triều Tiên; Nigeria khám xét cơ sở của LHQ; 2 tàu hỏa đâm nhau ở Ai Cập, 28 người chết;...

    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Tin thế giới mới nhất ngày 12/8

    Tin thế giới mới nhất ngày 12/8

    Tin thế giới mới nhất ngày 12/8: Nhật tính mở rộng lá chắn tên lửa đối phó Triều Tiên; Nigeria khám xét cơ sở của LHQ; 2 tàu hỏa đâm nhau ở Ai Cập, 28 người chết;...

    Tin thế giới mới nhất ngày 11/8

    Tin thế giới mới nhất ngày 11/8

    Tin thế giới mới nhất ngày 11/8: Căng thẳng Trung-Ấn: Một làng gần biên giới sơ tán khẩn cấp; Tàu khu trục Mỹ tuần tra sát đá Vành Khăn ở Trường Sa; ....

    Tin thế giới mới nhất ngày 10/8

    Tin thế giới mới nhất ngày 10/8

    Tin thế giới mới nhất ngày 10/8: Trump: 'Kho vũ khí hạt nhân Mỹ đang ở thời mạnh nhất'; Ngoại trưởng Mỹ trấn an người dân ngủ ngon sau đe dọa của Triều Tiên;...

    Tin thế giới mới nhất ngày 9/8

    Tin thế giới mới nhất ngày 9/8

    Tin thế giới mới nhất ngày 9/8: Tỷ lệ ủng hộ Trump chạm đáy mới; Động đất mạnh 5,3 độ Richter ở Thổ Nhĩ Kỳ; Lở đất làm 23 người thiệt mạng tại Tứ Xuyên của Trung Quốc;...