+Aa-
    Zalo

    Tiểu đường và cao huyết áp, hai "sát thủ" mới của trẻ em Việt Nam

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Số trẻ mắc bệnh tiểu đường, huyết áp... ngày càng gia tăng và là những “sát thủ giấu mặt” đe dọa sức khỏe trẻ nhỏ.

    Tiểu đường, huyết áp... là những căn bệnh mà nhiều người vẫn nghĩ chỉ xuất hiện ở người lớn. Tuy nhiên, số trẻ mắc bệnh tiểu đường, huyết áp... ngày càng gia tăng và là những “sát thủ giấu mặt” đe dọa sức khỏe trẻ nhỏ.

    Trẻ 4 tuổi đã bị tiểu đường

    Theo tìm hiểu của PV báo ĐS&PL, trong 4 năm gần đây, số trẻ mắc bệnh tiểu đường tại Việt Nam đang tăng lên rất nhanh. Ghi nhận của PV tại bệnh viện Nhi Trung ương, hiện có 450 bệnh nhi đang được theo dõi và điều trị do được chẩn đoán mắc bệnh đái tháo đường tuýp 1. Điều đáng ngại là trong suốt một thời gian dài, trẻ không có nhiều dấu hiệu bất thường nên không được phát hiện bệnh kịp thời, khi đưa đến viện nhiều trẻ đã trong tình trạng bị biến chứng.

    Số trẻ mắc bệnh tiểu đường ngày càng gia tăng.

    Khi biết con trai mới 4 tuổi bị bệnh tiểu đường, chị Nguyễn Tuyết Nhung (quận Cầu Giấy, Hà Nội) vô cùng bất ngờ bởi chị nghĩ tiểu đường là bệnh do di truyền, thường mắc ở người cao tuổi. "Gia đình quá sốc bởi cứ nghĩ con tiểu nhiều là do thận yếu hay có biểu hiện gì khác lạ, không nghĩ cháu bị tiểu đường", chị Nhung rầu rĩ nói.

    Theo lời kể của chị Nhung, con trai chị không bị béo phì và gia đình cũng không có ai bị tiểu đường tuýp 1. Tuy nhiên, theo các bác sĩ, quan niệm này chưa chính xác, lại thiếu kiến thức nên không ít bậc cha mẹ phát hiện bệnh ở con rất muộn.

    Mới đây bé Ngọc (Hải Dương) được đưa vào viện trong tình trạng mất nước, nhiễm toan ceton nặng. Bố của bé Ngọc cho hay, cháu ăn vặt suốt ngày nhưng cứ ăn vào là nôn, mệt và sốt. Gia đình cho đi khám ở phòng khám tư nhưng bác sĩ không phát hiện ra. Khi bé Ngọc được đưa đến bệnh viện Nhi Trung ương, các bác sĩ cho thử máu và kết quả bị tiểu đường cấp.

    Trao đổi với báo chí, BS.Vũ Chí Dũng, Trưởng khoa Nội tiết - Chuyển hóa - Di truyền (bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết: "Trẻ mắc tiểu đường tuýp 1 là do cơ chế di truyền đa gene chứ không phải do bố hay mẹ truyền và nguyên nhân đích thực thì chưa rõ.

    Khi bố mẹ thấy con có biểu hiện nghi ngờ như sụt cân, đái nhiều (đặc biệt trước không đái dầm mà nay hay đái dầm - PV), khát nước phải đến cơ sở y tế gần nhất khám càng sớm càng tốt. Bởi chỉ chậm sau mấy tiếng, các cháu có thể biến chứng, nhiễm toan ceton, mất nước, rối loạn chuyển hóa nặng dễ dẫn đến tử vong.

    Để hạn chế những rủi ro cho con không may mắc tiểu đường, các bác sĩ cũng đặc biệt khuyến cáo các bậc cha mẹ cần tuân thủ chính xác chỉ định khi điều trị tiểu đường tuýp 1 cho con, không tự ý bỏ thuốc, tự điều trị”.

    Không chỉ riêng bệnh tiểu đường, theo GS. Nguyễn Lân Việt, Chủ tịch hội Tim mạch học Việt Nam, nguyên Hiệu trưởng trường đại học Y Hà Nội cho biết: “Các bệnh lý tim mạch tại Việt Nam đang có xu hướng gia tăng và trẻ hóa, thậm chí là những trẻ nhỏ 4-5 tuổi cũng không ngoại lệ. Vì thế việc phòng ngừa bằng các hướng dự phòng tiên phát càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Nếu thực hiện tốt việc này có thể giúp giảm đến 75% nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch sớm theo thông báo của WHO 2017”.

    Một trong những căn bệnh tiên phát dẫn tới các bệnh lý tim mạch là tăng huyết áp. Tăng huyết áp gây ra thiếu máu cơ tim vì quả tim phải làm việc nhiều. Điều tra mới nhất của hội Tim mạch học Việt Nam, năm 2017, ước tính khoảng 12 triệu người Việt Nam bị mắc bệnh tăng huyết áp. Cứ 4 người trên 25 tuổi thì có ít nhất 1 người bị tăng huyết áp. Đáng lo ngại, 50% số người mắc bệnh tăng huyết áp mà chưa được phát hiện và khoảng 70% số người mắc bệnh có điều trị nhưng chưa đạt được huyết áp mục tiêu, khoảng 30% những người có tăng huyết áp nhưng chưa được điều trị đầy đủ.

    Trẻ mắc tiểu đường, huyết áp do chế độ dinh dưỡng?

    Trước thực trạng nhiều người Việt trẻ, đặc biệt những em nhỏ 4-5 tuổi đã mắc tiểu đường, bệnh lý tim mạch, huyết áp... nhiều ý kiến lo ngại đó là hậu quả của nạn béo phì, trẻ dậy thì sớm hay thực phẩm có chứa các chất nội tiết tố.

    Trao đổi với PV, TS.Từ Ngữ, Tổng Thư ký hội Dinh dưỡng Việt Nam cho biết: “Các bệnh mạn tính không lây như tiểu đường, huyết áp, ung thư... đang có xu hướng trẻ hóa. Tôi được biết, có trường hợp trẻ 6 tháng tuổi đã mắc bệnh tiểu đường và có cân nặng lên tới 42kg. Hay như trường hợp bé trai sinh ra có cân nặng 7,1kg thì nguy cơ đường huyết cao... Điều này có liên quan chặt chẽ tới vấn đề thừa cân béo phì, mà trẻ con hiện nay có xu hướng thừa cân béo phì sớm”.

    Số trẻ em thừa cân đang ngày càng gia tăng.

    Tuy nhiên, TS.Từ Ngữ nhận định, mặc dù các bệnh có xu hướng trẻ hóa nhưng các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc “trẻ hóa” đó có xu hướng tăng lên nhưng không phải quá cao.

    “Tiểu đường hay cao huyết áp sớm là tồn tại khách quan. Chúng ta phải giải quyết vấn đề đó, “phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Điều quan trọng, đừng để trẻ bị thừa cân béo phì. Chúng ta phải giữ được mức thăng bằng, không khuếch đại cũng không nói giảm, nói tránh, có như thế các bậc phụ huynh mới không quá lo lắng và chắt lọc những tài liệu hữu ích trên thị trường thông tin đang bị “loạn” hiện nay”, TS. Từ Ngữ tư vấn.

    Ở một góc độ khác, BS.Nguyễn Văn Thường, Trưởng khoa Nhi – Tổng hợp, bệnh viện Đa khoa Xanh- Pôn đánh giá so với trước đây tỉ lệ trẻ mắc các bệnh như tiểu đường, huyết áp không tăng nhưng tỉ lệ phát hiện trẻ bị mắc các bệnh đó tăng lên (nói cách khác, tỉ lệ tử vong ở trẻ em giảm chắc chắn tỉ lệ một số bệnh sẽ tăng lên-PV).

    Giải thích cho điều này, BS.Thường dẫn ra ví dụ, trước đây, trẻ em sinh ra bị đường huyết nhưng không ai biết, trẻ cứ lịm dần cho tới lúc tử vong. Thậm chí, trẻ tử vong cao nhưng rất nhiều trường hợp không biết nguyên nhân. Ngày nay y học phát triển hơn, người ta có thể sàng lọc và có cảnh báo ngay, những trường hợp trẻ bị mắc bệnh sẽ được giữ lại để điều trị, tìm ra nguyên nhân nên chúng ta sẽ thấy con số trẻ mắc bệnh tăng.

    Cũng theo BS. Thường, chúng ta không nên “đổ lỗi” cho thực phẩm chứa nội tiết tố là căn nguyên của các bệnh tiểu đường, huyết áp. Hiện, chưa có tài liệu khoa học nào chứng minh thực phẩm chứa chất bảo quản, tạo màu lại gây ra bệnh tiểu đường, huyết áp. Những “cáo buộc” cần dựa trên sở cứ khoa học.

    “Tiểu đường ở trẻ em là tiểu đường tuýp 1, khi sinh ra trẻ đã khiếm khuyết một vài gene nào đó dẫn tới không sản sinh insulin. Còn tiểu đường ở người lớn là tiểu đường tuýp 2, cơ thể hoàn toàn bình thường nhưng trong quá trình sinh hoạt, ăn uống bất hợp lý dẫn tới giảm chất insulin. Bệnh tăng huyết áp ở trẻ em có căn nguyên không phải tăng huyết áp vô căn như người lớn. Điều quan trọng để phát hiện và hạn chế được trẻ mắc các bệnh đó, chúng ta phải tiến hành sàng lọc trước sinh”, BS.Nguyễn Văn Thường nói.

    Nguyễn Huệ - Hương Lan

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tieu-duong-va-cao-huyet-ap-hai-sat-thu-moi-cua-tre-em-viet-nam-a208885.html
    Sự kiện: Y tế sức khỏe
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan