Thừa cân, béo phì từ trẻ em tuổi tiền học đường và học đường đến tuổi trưởng thành đang gia tăng đến mức báo động ở Việt Nam, nhất là ở các thành phố lớn.
Tại hội thảo, các chuyên gia dinh dưỡng cho biết: từ năm 1980 đến 2013, tỷ lệ thừa cân, béo phì tăng 27,5% ở người lớn và 47,1% ở trẻ em.
Con số thống kê ở Hà Nội cho thấy, thừa cân, béo phì của trẻ em ở trường mầm non thuộc quận Đống Đa là 21,1%, Ba Vì 7,6%. Năm 2003 tại Đống Đa, thừa cân béo phì ở trẻ 4 - 6 tuổi là 2,5%, học sinh tiểu học là 7,6%. Tại TP. HCM tỷ lệ thừa cân là 17,8%, béo phì 3,2%.
Theo TS Trương Hồng Sơn (Viện trưởng Viện Y học Ứng dụng, Tổng hội Y học Việt Nam): “Ở 8 thành phố lớn ở Việt Nam: Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Cần Thơ, Đà Nẵng… số lượng trẻ suy dinh dưỡng nhẹ cân ước tính khoảng 100 nghìn trẻ nhưng trẻ thừa cân béo phì cũng đã xấp xỉ con số đó. Như vậy trẻ thừa cân béo phì và trẻ suy dinh dưỡng ở các thành phố lớn đang gần như ngang nhau.
Có thể nói, trẻ thừa cân béo phì là xu hướng đáng lo ngại không chỉ riêng Việt Nam mà trên toàn cầu.
Bàn về vấn đề này, tại buổi hội thảo, TS Từ Ngữ, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Dinh Dưỡng Việt Nam chia sẻ: Béo phì gây ra nhiều hậu quả y khoa như không dung nạp glucose, rối loạn lipid máu, hội chứng buồng trứng đa nang, bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu - thoái hóa mỡ gan hoặc viêm gan nhiễm mỡ, tăng huyết áp, sỏi mật, đau đầu giả u não Cơ học, chứng ngưng thở khi ngủ…
TS Từ Ngữ, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Dinh Dưỡng Việt Nam |
Nói về nguyên nhân gây nên tình trạng béo phì, TS. Lưu Thị Mỹ Thục, BV Nhi Trung ương cho hay, xu hướng nuôi dưỡng hiện nay đã góp phần dẫn đến tình trạng thừa cân, béo phì ở trẻ. Dẫn chứng điều này, bà Thục thông tin, các gia đình ít con nên thường mong muốn cho các con những gì tốt nhất; sợ con ốm, bị chê cười nến có đến 30% mẹ có con béo phì vẫn muốn con tăng cân; cho con đồ bổ dưỡng nhất, ăn nhiều đồ ăn công nghiệp; thậm chí sử dụng thức ăn như một phần thưởng hay phạt đối với con trẻ…
Bên cạnh đó, trẻ ít vận động thì tình trạng mất cân bằng về năng lượng giữa lượng calo đưa vào cơ thể và lượng calo được sử dụng, khiến trẻ béo phì, thừa cân.
Trẻ em quá nhiều thức ăn nhanh, đồ chiên rán, bim bim, nước ngọt có ga…trong khi lại có xu hướng lười vận động, ngồi xem ti vi, ipad quá nhiều. Năng lượng dư thừa dần tích lũy thành mỡ, gây nên tình trạng béo phì trẻ em.
Để phòng thừa cân béo phì cho trẻ em, các chuyên gia dinh dưỡng cho rằng, các bậc phụ huynh cần phải xây dựng một chế độ ăn khoa học, chia khẩu phần ăn nhỏ giúp trẻ có thể ăn hết và ăn đủ. Nên khuyến khích trẻ nhỏ ăn rau, đây là cách giúp hỗ trợ tốt cho hệ tiêu hóa, tăng cường vi chất.
“Một trong những biện pháp tốt để kiểm soát cân nặng là thay đổi lối sống, hành vi. Đó là tăng hoạt động thể lực. Thời gian hoạt động ở mức trung bình ít nhất 60 phút/ngày. Giảm thời gian tĩnh tại. Trẻ dưới 2 tuổi không xem ti vi, trẻ lớn hơn thì chỉ được xem ti vi dưới 2giờ/ngày hoặc dưới 14giờ/tuần. Khuyến khích việc trẻ tự kiểm soát, tự đặt mục tiêu. Với trẻ cần đảm bảo đủ thời gian ngủ mỗi ngày”, bà Thục cho biết thêm.
Ngày 18/7/2017, tại Trung tâm hội nghị Quốc tế, số 11 Lê Hồng Phong, quận Ba Đình, Hà Nội diễn ra hội thảo do hội Dinh dưỡng quốc gia, Soha tổ chức với chủ đề "Phòng chống béo phì, thừa cân ở Việt Nam và cảnh báo của chuyên gia".
Hội thảo quy tụ 200 đại biểu, doanh nhân, người nổi tiếng và các chuyên gia hàng đầu về dinh dưỡng, y tế đến từ Bộ Y tế, Hội Dinh dưỡng Việt Nam, Viện Dinh dưỡng Việt Nam, Bệnh viện Nhi Trung ương, Hiệp hội KHKT an toàn thực phẩm Việt Nam.
Nguyễn Hà