Luật Giáo dục quy định rõ khái niệm, giáo dục mầm non là cấp học đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc dân, đặt nền móng cho sự phát triển toàn diện con người Việt Nam, thực hiện việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em từ 03 tháng tuổi đến 06 tuổi.
Căn cứ Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư số 01/2021/TT-BGDĐT, 02/2021/TT-BGDĐT, 03/2021/TT-BGDĐT, 04/2021/TT-BGDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập. Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 30/5/2023.
Thông tư này quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập.
Quy định theo thông tư 08 áp dụng đối với viên chức giảng dạy chương trình giáo dục mầm non, bao gồm: giáo viên, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng (sau đây gọi chung là giáo viên mầm non) trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập, bao gồm: trường mầm non, trường mẫu giáo, nhà trẻ, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập công lập (sau đây gọi chung là trường mầm non công lập) và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
Các cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục có thể vận dụng quy định tại Thông tư này để tuyển dụng, sử dụng và quản lý giáo viên. Việc bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp đối với giáo viên mầm non quy định tại Thông tư này phải căn cứ vào vị trí việc làm đang đảm nhận và bảo đảm đạt tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp. Không căn cứ trình độ được đào tạo để bổ nhiệm vào hạng chức danh nghề nghiệp cao hơn hạng chức danh nghề nghiệp đã trúng tuyển đối với giáo viên mầm non mới được tuyển dụng.
Chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non bao gồm
1. Giáo viên mầm non hạng III - Mã số V.07.02.26;
2. Giáo viên mầm non hạng II - Mã số V.07.02.25;
3. Giáo viên mầm non hạng I - Mã số V.07.02.24.
Tiêu chuẩn giáo viên mầm non hạng I
1.1. Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng
Giáo viên mầm non hạng I phải đáp ứng tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng quy định tại khoản 3 Điều 5 Thông tư 01/2023/TT-BGDĐT, sửa đổi bởi Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT như sau:
-Có bằng cử nhân giáo dục mầm non trở lên; hoặc có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm giáo dục mầm non và có bằng cử nhân quản lý giáo dục trở lên;
- Có chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non.
1.2. Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ
Khoản 4 Điều 5 Thông tư 01/2023/TT-BGDĐT, sửa đổi bởi Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT quy định tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của giáo viên mầm non hạng I như sau:
- Tích cực, chủ động thực hiện và tuyên truyền vận động, hướng dẫn đồng nghiệp thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, quy định và yêu cầu của ngành, địa phương về giáo dục mầm non vào công việc nhiệm vụ được giao;
- Thực hiện sáng tạo, linh hoạt; chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn, hỗ trợ đồng nghiệp thực hiện được chương trình, kế hoạch giáo dục mầm non;
- Tích cực, chủ động chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn, hỗ trợ đồng nghiệp, cha mẹ và người giám hộ trẻ em và cộng đồng trong công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em; có khả năng thực hiện nhiệm vụ của giáo viên cốt cán;
- Có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động nghề nghiệp; có khả năng sử dụng ngoại ngữ hoặc sử dụng tiếng dân tộc thiểu số theo yêu cầu vị trí việc làm;
- Được công nhận là chiến sĩ thi đua cơ sở hoặc giáo viên dạy giỏi từ cấp huyện trở lên hoặc được nhận bằng khen hoặc giấy khen từ cấp tỉnh trở lên.
- Viên chức dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng I (mã số V.07.02.24) phải có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng II (mã số V.07.02.25) hoặc tương đương từ đủ 09 năm trở lên tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng.
1.3. Tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp
Giáo viên mầm non hạng I phải đáp ứng đủ các tiêu chí về đạo đức nghề nghiệp như sau:
- Chấp hành các chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các quy định của ngành và địa phương về giáo dục mầm non.
- Thường xuyên trau dồi đạo đức, nêu cao tinh thần trách nhiệm, giữ gìn phẩm chất, danh dự, uy tín của nhà giáo; gương mẫu trước trẻ em.
- Yêu nghề, thương yêu trẻ em; biết quản lý cảm xúc; đối xử công bằng và tôn trọng trẻ em; bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của trẻ em; đoàn kết, giúp đỡ đồng nghiệp.
- Thực hiện nghiêm các quy định về trách nhiệm và nghĩa vụ chung của viên chức và quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về đạo đức nhà giáo.
Cách xếp lương giáo viên mầm non hạng I
Theo quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 8 Thông tư 01/2021/TT-BGDĐT quy định, giáo viên mầm non hạng I được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2, nhóm A2.2, từ hệ số lương 4,0 đến hệ số lương 6,38.
Lương giáo viên hiện nay được tính theo công thức: Tiền lương = Mức lương cơ sở (1,8 triệu) x hệ số
Viên chức được bổ nhiệm vào các chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non quy định tại Thông tư 08 được áp dụng bảng lương tương ứng ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.
Theo đó, bảng lương cụ thể của giáo viên mầm non hạng I như sau:
Nhóm ngạch | Bậc 1 | Bậc 2 | Bậc 3 | Bậc 4 | Bậc 5 | Bậc 6 | Bậc 7 | Bậc 8 |
Hệ số | 4,0 | 4,34 | 4,68 | 5,02 | 5,36 | 5,7 | 6,04 | 6,38 |
Tiền lương (triệu đồng) | 7,200 | 7,812 | 8,424 | 9,036 | 9,648 | 10,260 | 10,872 | 11,484 |
Mới đây, Chính phủ vừa đã đề xuất 6 nội dung cải cách tiền lương từ 1/7/2024. Theo đó, nếu chính sách này được thông qua, mức lương của giáo viên ở một số bậc sẽ thay đổi đáng kể.
Hệ thống lương mới dự kiến gồm 5 bảng lương, trong đó 1 bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ theo ngạch công chức và chức danh nghề nghiệp viên chức áp dụng chung đối với công chức, viên chức không giữ chức danh lãnh đạo (trong đó có giáo viên).
Bảo An