Theo thông tin trên báo Dân trí, tại kỳ điều hành ngày 25/1, liên Bộ Tài chính, Bộ Công Thương quyết định tăng 740 đồng/lít đối với xăng E5 RON 92, lên 22.910 đồng/lít; tăng 760 đồng/lít đối với xăng RON 95, lên 24.160 đồng/lít.
Đáng chú ý, đây là lần tăng giá thứ 4 liên tiếp của mặt hàng xăng. Trước đó 4 tuần, giá xăng E5 RON 92 mới chỉ ở mức 21.000 đồng/lít, xăng RON 92 ở mức 21.910 đồng/lít.
Lý giải về nguyên nhân tăng giá xăng, cơ quan quản lý cho biết thị trường xăng dầu thế giới kỳ điều hành lần này (từ ngày 11/1 đến ngày 18/1) chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố.
Cụ thể, căng thẳng ở Trung Đông tiếp tục leo thang; nguồn cung xăng dầu tại Mỹ thắt chặt trong bối cảnh thời tiết lạnh giá gây gián đoạn cho hoạt động sản xuất, đã thúc đẩy lực mua trên thị trường; kỳ vọng vào sự tăng trưởng tích cực của nền kinh tế Trung Quốc thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ dầu…
"Các yếu tố nêu trên khiến giá xăng dầu thế giới trong những ngày vừa qua có biến động tăng, giảm đan xen nhưng xu hướng chung là tăng", liên Bộ Tài chính, Công Thương đánh giá.
Bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa kỳ điều hành là 92,9 USD/thùng xăng RON 92 dùng để pha chế xăng E5 RON 92 (tăng 4,1 USD/thùng, tương đương tăng 4,6% so với kỳ trước); 98,4 USD/thùng xăng RON 95 (tăng 4,6 USD/thùng, tương đương tăng 4,9% so với kỳ trước).
Tại kỳ điều hành này, liên bộ không trích lập, đồng thời không chi quỹ bình ổn đối với tất cả mặt hàng xăng.
Bộ Công Thương đề nghị các thương nhân xăng dầu thực hiện nghiêm túc các công điện của Thủ tướng và chỉ thị của Bộ Công Thương về giải pháp bảo đảm cung ứng đủ xăng dầu cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp.
"Các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, thương nhân phân phối xăng dầu tuyệt đối không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu trong hệ thống kinh doanh", Bộ Công Thương nhấn mạnh.
Các thương nhân đầu mối sản xuất xăng dầu chủ động nguồn cung, thực hiện việc dự trữ để bảo đảm cung cấp cho thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu theo sản lượng, thời gian đã ký kết giữa các bên.
Bộ Công Thương yêu cầu các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu thực hiện nghiêm túc, đầy đủ tổng nguồn xăng dầu tối thiểu năm 2024, chủ động nguồn cung, thực hiện việc dự trữ theo quy định, bảo đảm cung cấp đầy đủ xăng dầu cho thị trường trong nước trong mọi tình huống.
Các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, thương nhân phân phối xăng dầu tuyệt đối không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu trong hệ thống kinh doanh (từ đầu mối, thương nhân phân phối, doanh nghiệp bán lẻ).
"Trong mọi tình huống, phải cung cấp đủ xăng dầu cho cửa hàng bán lẻ thuộc hệ thống phân phối của doanh nghiệp để duy trì hoạt động bán hàng thường xuyên", Bộ Công Thương chỉ đạo.
Ngoài ra, Bộ Công Thương lưu ý phải chú trọng chia sẻ nguồn cung, chia sẻ lợi nhuận trong hệ thống phân phối một cách hợp lý để đảm bảo không bị gián đoạn việc cung ứng xăng dầu cho thị trường; Bố trí đủ nhân lực, tổ chức trực hoặc tăng ca để duy trì hoạt động bán hàng thường xuyên, liên tục cho thị trường, nhất là trước, trong và sau dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, theo tạp chí Tài chính.
Vân Anh(T/h)