Được biết đến với danh xưng Nữ hoàng quyền lực nhất các triều đại Trung Hoa, Võ Tắc Thiên nổi tiếng tài giỏi quyết đoán nhưng cũng vô cùng tàn bạo. Sử sách nhận định, bà có thể hy sinh và giải quyết tất cả chướng ngại trên con đường đến giấc mộng Hoàng đế của mình. Hại người không ghê tay, không sợ trời, không sợ đất nhưng Võ Tắc Thiên lại luôn mang trong mình nỗi sợ kỳ lạ khiến biết bao người cảm thấy ngạc nhiên và có phần khó hiểu.
Ảnh minh họa |
Sẵn sàng hạ thủ kẻ ngáng đường
Hậu cung lâu nay vốn là một nơi đầy rẫy sự ganh ghét, đố kỵ, mưu tính đấu đá lẫn nhau, không từ thủ đoạn giữa những người đàn bà chân yếu tay mềm, cốt để chiếm lấy trái tim độc nhất của Đế vương. Sau khi Đường Thái Tông Lý Thế Dân băng hà, Đường Cao Tông Lý Trị lên ngôi, Võ Mị Nương với thân phận là phi tần của tiên đế được lệnh phải chuyển đến chùa Cảm Nghiệp, xuống tóc đi tu. Tuy nhiên vì trước đó đã không ít lần “dây dưa” với con riêng của chồng nên chẳng bao lâu sau, nàng được Đường Cao Tông tìm đến tận chùa thăm nom, rồi đón về cung làm phi tử trong sự phản đối của nhiều người vì trái với luân thường đạo lý. Và từ đây người đàn bà nổi tiếng mưu mô, thâm độc lại có cơ hội tiếp tục sự nghiệp “cung đấu” của mình. Trong đó, nổi tiếng nhất có lẽ là cuộc tranh sủng với Vương Hoàng hậu và Tiêu Thục phi.
Tương truyền, Võ Mị Nương đối với Vương Hoàng hậu cùng Tiêu Thục phi luôn là mối quan hệ bằng mặt không bằng lòng. Thoạt tiên, sự trở lại của Mị Nương nhận được sự ủng hộ ra mặt của Vương Hoàng hậu – người muốn mượn sự kiện này để đấu đá với Tiêu Thục phi. Nhưng tình thế thay đổi quá nhanh, Mị Nương liên tiếp nhận được sự sủng ái, lại sinh hạ hai hoàng tử cho Hoàng đế nên nhanh chóng trở thành thế lực đáng gờm trong cung. Lúc này, lo sợ cho chỗ đứng của mình, Vương Hoàng hậu quay sang liên kết với Tiêu Thục Phi để đối phó Mị Nương. Nhưng người đàn bà bị đẩy vào “thế yếu” cũng chẳng cam tâm để người ta ức hiếp mình và bởi vậy cuộc chiến tranh sủng tàn khốc bắt đầu trỗi dậy tại hậu cung nhà Đường.
Về việc Võ Mị Nương bằng cách nào hạ bệ Vương Hoàng hậu, sách sử ghi chép khá tỉ mỉ rõ ràng. Tháng Giêng năm 654, Mị Nương hạ sinh người con thứ ba là An Định Công chúa, được Đường Cao Tông hết mực thương yêu. Tuy nhiên, để lật đổ Hoàng hậu, dọn đường tiến thân cho mình, nàng ta không ngần ngại “hy sinh”. Võ Mị Nương tìm cách mua chuộc người của Vương Hậu, vu khống Hoàng hậu dùng tà thuật với mình, đồng thời chính tay bóp chết con gái để lấy được sự đồng tình thương tiếc của Hoàng đế.
Quả nhiên, Vương Hoàng hậu oan ức bị phế truất, tống vào lãnh cung cả đời không được ra ngoài. Không lâu sau đó, Tiêu Thục Phi thuộc phe cánh Hoàng hậu tiếp tục bại dưới tay Võ Mị Nương, chịu chung kết cục bị đày vào lãnh cung năm 656. Cuối năm đó, Mị Nương được phong Hoàng hậu chấp chưởng hậu cung.
Hai vị phi tần bị phế truất trong oan ức kể trên suýt chút nữa đã được thoát khỏi cảnh sống cô đơn hết đời sau chuyến thăm bất ngờ của người chồng “quyền lực”. Đường Cao Tông vốn dĩ dễ mềm lòng, khi gặp Vương Hoàng hậu cùng Tiêu Thục phi trong lãnh cung, ông ta không khỏi nhớ lại tình xưa nghĩa cũ. Thương xót và cảm thấy áy náy, Đường Cao Tông hứa với Vương Hậu và Tiêu Thục phi sẽ tha tội, để họ ra ngoài.
Hay tin, Võ Hậu sợ rằng thế lực của “tình địch” có thể lớn mạnh trở lại và sẽ là mối đe dọa to lớn với ngôi vị hoàng hậu hiện giờ của nàng ta. Vì vậy Võ Hậu ngay lập tức đến ngăn cản Đường Cao Tông với lý do Hoàng đế không giữ thể diện cho mình, cũng chính là Hoàng hậu mới đăng cơ không lâu. Lời ngon tiếng ngọt một hồi, cuối cùng cũng thành công trong việc dập tắt ý định của Hoàng đế.
Nguồn gốc nỗi sợ kỳ quái và lý giải
Tuy nhiên, Võ Hậu vẫn chưa cảm thấy an tâm, nàng ta cảm thấy Vương Hoàng hậu, Tiêu Thục phi ở lãnh cung giống như quả bom hẹn giờ có thể làm hại đến mình bất cứ lúc nào. Bởi vậy, nàng ta đã tìm rất nhiều cớ để hành hạ Vương Hậu cùng Tiêu Thục phi. Có giai thoại kể rằng, Võ Hậu ra lệnh chặt tứ chi của cả hai người, đặt nó vào trong vò rượu ngâm, hủy đi hoàn toàn dung mạo hai vị phi tử của Đường Cao Tông.
Tiêu Thục phi với tính cách nóng nảy đã lớn tiếng thóa mạ Võ Hậu là hồ ly tinh, đồng thời còn ra lời nguyền rủa trước khi chết rằng kiếp sau mong được biến thành mèo, Võ Hậu chỉ là một con chuột bị bà ta giày vò cho đến chết. Nghe vậy, Võ Hậu nổi cơn thịnh nộ hạ lệnh đổi tên Vương Thị thành Mãng Thị (con trăn), Tiêu Thị thành Hiêu Thị (con cú), cho người hành hạ dã man, nếm trải đau đớn đến tận lúc chết.
Võ Hậu ban đầu vô cùng yêu thích mèo, trong cung cũng nuôi rất nhiều giống mèo khác nhau. Nàng ta cũng hết mực cưng chiều chăm sóc chúng, nhưng sau đó chỉ vì một lời nguyền rủa của Tiêu Thục Phi mà trở nên chán ghét, thậm chí là sợ hãi loài vật này.
Người đời thắc mắc, đối với lời nguyền rủa khi ấy của Tiêu Thục phi, một người đàn bà quyền lực như Võ Tắc Thiên vốn dĩ không cần phải quá tin tưởng như vậy, trừ phi việc hãm hại người luôn hằn in trong tâm thức và khiến nàng ta bất an, lo lắng.
Giải thích về nỗi sợ này, một số học giả Trung Quốc cho hay Võ Tắc Thiên trùng hợp sinh năm Tý (tuổi chuột). Nàng ta lo sợ oan hồn Vương Hoàng hậu cùng Tiêu Thục phi thật sự biến thành mèo đến cắt đứt cổ mình, liền ra lệnh cấm nuôi mèo trong cung. Lại có ghi chép kể rằng, Võ Tắc Thiên nhiều lần nằm mộng thấy lại cảnh tượng trước lúc chết của hai người đó, thậm chí mang hình dáng của loài mèo nên càng hoảng sợ; đến mức không dám sống trong hoàng cung (tại thành Trường An) mà bình thường đều ở lại thành Lạc Dương.
Thực chất, việc Võ Tắc Thiên chuyến đến Lạc Dương không chỉ đơn giản vì sợ hãi oan hồn của hai vị phi tần bị mình hãm hại. Theo một số chuyên gia, Nữ hoàng đế suy xét nhiều hơn đến các phương diện kinh tế, chính trị, quân sự và thấy ở mọi mặt, Lạc Dương đều có phần nổi trội hơn thành Trường An chưa kể vị trí địa lý chiến lược của nơi này.
Được biết đến là Nữ hoàng duy nhất trong lịch sử Trung Quốc, Võ Tắc Thiên đã để lại nhiều tranh luận về công tội giữa các nhà sử học. Bà đã trải qua các vị trí Tài nhân, Chiêu nghi, Hoàng hậu, Hoàng thái hậu, Hoàng đế, Thái thượng hoàng, nhưng cuối cùng trước khi qua đời đã quay lại với vị trí Hoàng hậu của nhà Đường. Việc Võ hậu nổi lên nắm quyền cai trị bị các nhà sử học Khổng giáo chỉ trích mạnh mẽ nhưng các nhà sử học từ sau thập kỷ 1950 đã có cái nhìn khác về bà. Dù vậy, câu chuyện trên vẫn được dân gian truyền tụng đến tận ngày hôm nay, phần nào tái hiện cuộc đời của vị nữ hoàng quyền lực đồng thời cũng tàn bạo nhất lịch sử Trung Quốc. Tưởng chừng không sợ trời không sợ đất nhưng Võ Tắc Thiên cũng phải sống trong nỗi sợ hãi, ám ảnh về những tội ác chồng chất mà mình gây nên trên con đường đến với ngôi vị Đế vương.