Sau khi mua nguyên liệu hạt nêm, bột ngọt trôi nổi trên thị trường, chủ cơ sở sang chiết hạt nêm, bột ngọt giả mạo thương hiệu hạt nêm Knorr, bột ngọt AOne rồi đóng gói, bỏ mối sỉ cho các tiểu thương ở chợ kiếm lời.
Cơ quan chức năng kiểm tra tang vật của vụ án. |
Mặc vợ can, chồng làm bột ngọt giả “1 vốn 4 lời”
Ngày 25/10, theo Công an quận Thanh Khê, TP.Đà Nẵng, đơn vị tạm giữ ông Hoàng Đình Nam (45 tuổi), ngụ tại địa phương để làm rõ hành vi sản xuất hạt nêm giả. Trước đó vào sáng 23/10, tại khu cổng chợ Thanh Khê, đội Cảnh sát Kinh tế Công an quận Thanh Khê kiểm tra lô hàng gồm 10 gói thành phẩm hạt Knorr “Thịt thăn xương ống và tủy” loại 170g/gói và 10 gói hạt nêm không nhãn mác do ông Nam làm chủ.
Ông Nam xác nhận 10 gói hạt nêm Knorr thành phẩm này là hàng giả do ông này tự sản xuất, còn 10 gói hạt nêm thì ông này mua trôi nổi trên thị trường bán lại kiếm lời. Ông Nam xác nhận, 10 gói hạt nêm Knorr thành phẩm này là hàng giả do ông tự sản xuất. Riêng 10 gói hạt nêm không nhãn mác được ông mua trôi nổi trên thị trường nhằm bán lại kiếm lời. Kiểm tra kho hàng của ông Nam tại đường Cù Chính Lan, phường Hòa Khê, cơ quan chức năng tạm giữ một số vật dụng liên quan như máy ép nhiệt, 7 bao hạt nêm loại 20kg mỗi bao, 29 gói hạt nêm không rõ nhãn mác, 74 vỏ bao hạt nêm Knorr...
Ngay sau đó, các trinh sát đội CSKT đã đến quầy gia vị của bà V.T.K.T (trú phường Hòa Khê, quận Thanh Khê) kiểm tra và thu giữ 13 gói thành phẩm hạt nêm Knorr “Thịt thăn xương ống và tủy” có khối lượng 170 gam, 400 gam và 900 gam. Tại quầy gia vị của bà N.T.P.M (SN 973, trú phường Hòa Khê, quận Thanh Khê), qua kiểm tra, các trinh sát thu giữ tiếp 19 gói thành phẩm hạt nêm Knorr có khối lượng từ 175 gam đến 900 gam. Các sản phẩm này đều có nghi vấn là hàng giả nên đội CSKT đã lập biên bản tạm giữ để phục vụ công tác xử lý sau này.
Theo lời khai ban đầu, ông Nam bắt đầu thực hiện hành vi bất chính từ tháng 6/2019. Ông Nam cấu kết với 1 người tên T., chưa rõ lai lịch, mua nguyên liệu hạt nêm, bột ngọt trôi nổi trên thị trường đưa về địa chỉ K123/157 đường Cù Chính Lan (phường Hòa Khê, quận Thanh Khê, TP.Đà Nẵng). Tại kho hàng này, ông Nam sang chiết hạt nêm, bột ngọt vào các bao bì của hạt nêm Knorr, AOne. Ông chính là người mang hạt nêm giả các thương hiệu trên đến bỏ mối cho các quầy bán gia vị tại chợ Thanh Khê và những cửa hàng lân cận.
Ông Nam cũng thừa nhận, mua hạt nêm, bột ngọt nhãn hiệu Bếp Hồng loại 20kg một bao với giá 360 nghìn đồng, bột ngọt nhãn hiệu Ba con tôm loại 25kg một bao với giá 400 nghìn đồng. Với các loại bột ngọt giá rẻ trên chỉ khoảng 16.000 đồng/kg, Nam đóng gói giả nhãn hiệu hạt nêm Knorr “thịt thăn xương ống và tủy” loại 900g/gói bỏ mối cho tiểu thương bán lẻ đến tay người tiêu dùng với giá 60.000 - 70.000 đồng/gói. Sau khi sang chiết, Nam trục lợi từ 3 đến 4 lần đối với giá trị thực ban đầu.
Tương tự đối với bột ngọt AOne, Nam bán ra lãi gấp 4 lần giá gốc. Nam bỏ giá sỉ rẻ hơn và nói với các tiểu thương đây là hàng công ty tuồn ra ngoài, tránh các loại thuế, phí khác nên có giá rẻ... Do tin Nam, nhiều tiểu thương đã lấy bán mà không biết hàng giả. Tại cơ quan chức năng, vợ ông Nam là bà Ngô Thị C. (42 tuổi), khẳng định không liên quan đến việc làm gian dối của chồng. Bà biết hành vi của chồng và từng nhiều lần khuyên không nên làm ăn bất chính. Tuy nhiên, ông Nam không đồng tình.
Mở rộng điều tra, Công an quận Thanh Khê thu giữ 32 gói hạt nêm Knorr loại 170g, 400g, 900g tại quầy gia vị của 2 tiểu thương tại chợ Thanh Khê 1 vừa mua của Nam. Liên quan vụ việc, đội Cảnh sát kinh tế, Công an quận Thanh Khê, cũng kiểm tra một số quầy hàng bán gia vị trên địa bàn. Cơ quan chức năng phát hiện tại quầy của bà Nguyễn Thị Phương M., đường Cù Chính Lan, có một số gói hạt nêm nhãn hiệu Knorr nghi vấn là hàng giả nên tạm giữ để tiếp tục điều tra, làm rõ.
Đáng nói, vợ Nam là bà Ngô Thị Cúc (42 tuổi) biết Nam sản xuất hạt nêm Knorr giả, bột ngọt AOne giả tại K123/157 Cù Chính Lan, nhưng bà Cúc không tham gia, bà cũng khuyên chồng đừng làm giả nhưng Nam không nghe.
Nóng tình trạng sản xuất bột ngọt giả
Vụ việc trên không phải là hi hữu, vấn nạn sản xuất bột ngọt giả diễn ra khá phố biến tại nhiều địa phương. Ngày 25/10, tin từ Công an TP.Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) cho biết, đơn vị đã khởi tố, bắt tạm giam 4 tháng đối với Huỳnh Phước Hải (39 tuổi, ngụ tỉnh Hậu Giang) để điều tra về hành vi buôn bán hàng giả là phụ gia thực phẩm. Hải được xác định là đối tượng đã cung cấp hàng tấn hạt nêm Knorr và bột ngọt không rõ nguồn gốc, xuất xứ cho bà Trần Võ Đan Vy (34 tuổi, TP.Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) để tiêu thụ ra thị trường.
Trước đó, vào chiều 11/10/2018, Công an tỉnh Đắk Lắk đã kiểm tra, tịch thu 11,72 tấn hạt nêm Knorr và bột ngọt tại cơ sở của bà Vy vì không có hóa đơn, chứng từ hợp pháp. Sau đó, Công an tỉnh Đắk Lắk đã gửi các mẫu sản phẩm tại cơ sở của bà Vy đến phân viện Khoa học hình sự bộ Công an khu vực phía Nam để giám định. Kết quả, các sản phẩm thu tại nhà bà Vy đều là hàng giả. Sau đó, Công an tỉnh Đắk Lắk đã chuyển hồ sơ vụ việc cho đội Cảnh sát kinh tế (Công an TP.Buôn Ma Thuột) tiếp tục điều tra.
Sau quá trình điều tra, đấu tranh với bà Vy và thu thập thêm các chứng cứ, lực lượng công an đã chứng minh được Huỳnh Phước Hải chính là đối tượng tuồn bột ngọt, hạt nêm Knorr ra thị trường. Bước đầu, Hải khai nhận đã mua số hàng giả trên từ một người phụ nữ tên Loan ở Chợ Lớn quận 6, TP.Hồ Chí Minh. Sau đó, Hải đem về đóng gói, bán lại cho bà Vy ở Đắk Lắk để kiếm lời.
Trước đó, cơ quan chức năng đã tiến hành khám xét “nhà xưởng” của một đối tượng tên N.M.T tại đường An Dương Vương, phường An Lạc, quận Bình Tân, TP.HCM và thu giữ 300 gói bột ngọt giả thành phẩm cùng các dụng cụ để sản xuất bột ngọt giả như máy ép nhựa, thau nhựa, cân, giá xúc.
Cơ quan điều tra cũng tiến hành khám xét nhà của đối tượng N.T.T.L tại bến Phú Định, phường 16, quận 8, TP.HCM và thu giữ 60 bao bột ngọt xá loại 25kg/bao. Qua khai nhận, số bột ngọt xá này là loại bột ngọt xá hiệu 2 con tôm do N.M.T mua từ một đối tượng tên V. không rõ lai lịch với giá 700.000 đồng/bao để làm nguyên liệu sản xuất bột ngọt giả. Tham gia sản xuất và buôn bán bột ngọt giả còn có vợ N.M.T là T.T.T.. Với hành vi phạm tội này, TAND TP.HCM đã quyết định tuyên phạt 3 bị cáo tội danh Sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm theo Điều 193 BLHS 2015 có hiệu lực từ 1/1/2018.
Theo đó, N.M.T. nhận án phạt 5 năm 6 tháng tù (kèm theo phạt hành chính 30 triệu đồng), T.T.T. nhận án 3 năm 6 tháng tù và N.T.T.L. 2 năm tù. Bên cạnh đó, tòa cũng tịch thu và sung công quỹ Nhà nước một xe gắn máy hiệu Honda Airblade biển số 59K2-02552, đồng thời yêu cầu các bị cáo có trách nhiệm liên đới bồi thường số tiền thu lợi bất chính 3.400.000 đồng theo Điều 41, Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) và Điều 106, Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015.
Nhóm PV
Bài đăng trên báo giấy Đời sống& Pháp luật Chủ nhật số 44