+Aa-
    Zalo

    Tiết lộ bất ngờ từ chủ nhân của chiếc quạt gỗ lớn nhất Việt Nam

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Nghệ nhân Dương Văn Đoàn ở làng quạt Chàng Sơn chính là người giữ kỷ lục làm ra chiếc quạt gỗ lớn nhất Việt Nam.

    Không chỉ nổi tiếng vì đang giữ kỷ lục người làm chiếc quạt gỗ lớn nhất Việt Nam, nghệ nhân Dương Văn Đoàn ở làng quạt Chàng Sơn (Thạch Thất, Hà Nội) còn góp phần mang thương hiệu quạt nghệ thuật Việt vươn ra thế giới.

    Quạt Chàng Sơn - từ huyền tích đến hiện thực

    Là một trong số những làng làm quạt nổi tiếng nhất nước, Chàng Sơn vừa làm việc lưu giữ những giá trị văn hóa cốt lõi, truyền thống của nghề này, vừa chuyển mình mạnh mẽ mà hiếm làng nghề nào làm được. Những dòng thư pháp được viết lên quạt nghệ thuật thường gắn với những huyền tích xa xưa ở Chàng Sơn, nổi bật là truyền thuyết về “hội đồng tiên quạt”, vì lương duyên nên kết quạt để giải tâm phiền. Dân làng cũng truyền miệng câu thơ: “Tiên đồng hội quạt, hội đồng tiên/Lương duyên kết quạt, giải tâm phiền/ Phiền tâm quạt, tay đưa gió/Gió đưa tay quạt, hội đồng tiên”. Từ thế kỷ XIX, quạt Chàng Sơn đã nổi tiếng bốn phương. Người Pháp đã từng mang quạt làng này vượt đại dương xa xôi sang Paris triển lãm.

    Tìm đến Chàng Sơn vào một ngày đầu tháng Chín, chúng tôi được ông Dương Văn Đoàn- nghệ nhân của làng quạt kể về những chiếc quạt kỷ lục đã gắn bó và là niềm tự hào của gia đình suốt bao nhiêu năm qua. Ông Đoàn không rõ nghề làm quạt giấy ở Chàng Sơn có từ bao giờ, chỉ biết gia đình ông đã có bốn thế hệ làm quạt và hiện ông Đoàn vẫn tiếp tục gìn giữ và phát triển nghề truyền thống. Cụ thân sinh của ông Đoàn là nghệ nhân Dương Văn Mơ, người đã có công khôi phục làng quạt truyền thống trước nguy cơ thất truyền, Dù nhà đông anh em, nhưng chỉ có ông Đoàn nối gót cha, tiếp tục thổi hồn nghệ thuật vào quạt giấy Chàng Sơn.

    Nghệ nhân Dương Văn Đoàn bên một trong những tác phẩm của mình. 

    Trải qua trăm năm hình thành và phát triển, nghề làm quạt giấy gần như đã trở thành một phần ký ức và cuộc sống của mỗi người dân. Nhờ tục lệ “cha truyền con nối” mà bí quyết làm quạt riêng biệt của làng không bị mất đi. Dẫu vậy, số người có thể biến chiếc quạt thành một tác phẩm nghệ thuật ở Chàng Sơn chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay.

    Để làm ra một chiếc quạt như thế, người nghệ nhân phải rất trau chuốt, kỳ công và tỉ mỉ với nhiều công đoạn mới có thể đạt đến độ ưng ý. “Mỗi một chiếc quạt được làm ra cần phải truyền tải được giá trị nghệ thuật riêng”, ông Đoàn kỳ vọng. Ông cho biết, xưa kia quạt chỉ dùng với mục đích duy nhất là tạo gió mát nên người ta chỉ làm quạt giấy nhỏ bình thường. Hiện nay quạt có nhiều công dụng hơn, chiếc quạt không chỉ dùng làm mát cho ngày hè mà còn dùng làm quà lưu niệm, mùa lễ hội, dùng là đồ trang trí, tế bái, dụng cụ biểu diễn... Bởi thế, quạt Chàng Sơn cũng đa dạng hơn cả về mẫu mã, chủng loại, mỗi nhà làm quạt phải thay đổi để thích nghi với nhu cầu của thị trường.

    Nghệ nhân mang quạt làng ra thế giới

    Gia đình ông Đoàn chuyên sản xuất các mẫu quạt độc đáo phục vụ cho tế lễ và trang trí, trưng bày. Mỗi mẫu thường chỉ có một đến hai chiếc, sản xuất theo đợt (thường được khách đặt trước hơn 1 tháng) với yêu cầu khác nhau về mức độ chi tiết, màu sắc, kiểu tranh, nét chữ nên vô cùng độc đáo.

    Từ lâu, quạt của gia đình ông Đoàn đã được các đơn vị tổ chức hội nghị quốc tế lựa chọn để làm quà tặng lưu niệm cho khách nước ngoài. Những năm trở lại đây, đầu ra của quạt Chàng Sơn được mở rộng, không chỉ ở trong nước mà được “xuất ngoại” đến nhiều nơi trên thế giới. Mỗi chiếc quạt được chính nghệ nhân Dương Văn Đoàn trang trí, vẽ tranh bằng sơn dầu trên vải toan có giá từ 1,5 triệu đồng/chiếc, thậm chí có chiếc giá hơn 100 triệu đồng. Theo ông Đoàn, những thị trường nhập sản phẩm này như Nhật Bản, Đức, Pháp, Thái Lan... đều rất khó tính. Đơn cử những mẫu quạt mà người Nhật ưa chuộng và đặt hàng không chỉ đòi hỏi về tính thẩm mỹ mà phải trải qua nhiều khâu kiểm định chặt chẽ, kỹ lưỡng. Tất cả quy trình làm quạt đều phải có người trực tiếp đến kiểm tra, giám sát hoặc phát trực tiếp sang Nhật Bản. Ban đầu, họ chỉ đặt vài chục chiếc rồi dần dần tăng số lượng. “Năm ngoái, nhà tôi làm cho họ 5.000 chiếc. Năm nay ước tính khoảng 7.000 chiếc”, ông Đoàn cho hay.

    Cũng giống như nhiều nhà làm quạt khác trong làng, những chiếc quạt nhà ông Đoàn cũng được tạo ra bằng những thanh tre được phơi và sơ chế tốt sau đó dán qua các khâu bình thường. Để đảm bảo tiến độ hàng buôn số lượng lớn như hiện nay, ông Đoàn đã chuyên môn hóa sản xuất, theo từng đợt hàng và từng công đoạn. Bí quyết để những chiếc quạt của ông luôn được yêu thích trên các kệ hàng, đặc biệt là với du khách nước ngoài đó là loại bỏ được mùi hôi khó chịu ở công đoạn ngâm tre. “Để tre không hôi, chỉ cần không ngâm tre trong hồ theo phương pháp thủ công, thay vào đó thực hiện ngâm tre bằng hóa chất tươi, an toàn. Tiếp đến là sấy khô bằng lò để khử sạch mùi”, ông Đoàn cho biết thêm.

    Ngoài ra, các mẫu quạt được ông Đoàn thiết kế đều tự lên ý tưởng, tự tay vẽ và đổ sơn dầu thủ công nên đạt được tính thẩm mỹ rất cao. Tiết lộ với PV về những kỷ lục quạt giấy mà gia đình đang nắm giữ, đôi mắt người nghệ nhân ánh lên niềm tự hào: “Gia đình tôi hiện đang nắm giữ kỷ lục về chiếc quạt gỗ lớn nhất Việt Nam do cha tôi thực hiện và chiếc quạt lập kỷ lục lớn nhất Việt Nam để kỷ niệm đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội là một trong những niềm tự hào lớn nhất của tôi. Chính ý tưởng muốn tạo một sản phẩm đặc biệt có giá trị văn hóa mừng đại lễ của đất nước đã giúp tôi hoàn thành tác phẩm kỳ công này. Tôi cũng mong muốn được tiếp tục lập một kỷ lục mới ở một sự kiện lớn hơn, dù phải tốn nhiều công sức đến thế nào”, ông Dương Văn Đoàn chia sẻ.

    Dưới áp lực của nền kinh tế thị trường, nghề làm quạt giấy không tránh khỏi những lúc lao đao, khi mà điều hòa, quạt điện ngày càng phổ biến và quạt được sản xuất đại trà. Để giữ nghề truyền thống và sống được bằng nghề cần phải có tình yêu, niềm tự hào như gia đình nghệ nhân Dương Văn Đoàn.

    Hoài Anh – Thùy Chuyên
    Bài đăng trên báo giấy Đời sống & Pháp luật số 110
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tiet-lo-bat-ngo-tu-chu-nhan-cua-chiec-quat-go-lon-nhat-viet-nam-a244901.html
    Sự kiện: Đời sống 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan