Được tạc từ những loại gỗ quý hiếm lâu năm, các “siêu phẩm” nguyên khối là những kiệt tác mỹ nghệ độc và lạ khiến nhiều người trầm trồ về giá trị.
Tượng di lặc tạc bằng gỗ thủy tùng
Tượng di lặc thường được biết đến với ý nghĩa mang lại tài lộc, hạnh phúc cho gia chủ. Nếu một lần được mục sở thị bức tượng di lặc cưỡi kỳ lân vân chuối được tạc bằng gỗ Thủy tùng của anh Thắng (Chủ gỗ quý Nhật Quang, 269 phố Xuân Thụ, Minh Khai, Đông Ngàn, Từ Sơn, Bắc Ninh), chắc hẳn ai cũng phải ngỡ ngàng về độ tinh xảo cũng như sự công phu của tác phẩm.
Bức tượng di lặc cưỡi kỳ lân vân chuối bằng gỗ Thủy Tùng. Ảnh: Dân trí |
Tượng di lặc được tạo nên từ gỗ Thủy Tùng nguyên khối – loại gỗ nằm lâu năm dưới lòng hồ, hấp thụ được tinh hoa của khí trời, đất, của gió và nước… nên có mùi thơm đặc trưng.
Các đường vân được xoáy vào khuôn mặt có tác dụng dung khí tốt, mang lại nhiều tài lộc. Ảnh: Dân trí |
Với bức tượng di lạc cưỡi kỳ lân vân chuối bằng gỗ thủy tùng thuộc hàng “siêu khủng” này cao 1m60, rộng 60cm, phải đặt trong một không gian siêu rộng, kết hợp với bài trí để tạo thành một tiểu cảnh hợp lý. Và đương nhiên, chỉ những người thuộc hàng đại gia, mê gỗ quý mới dám bỏ tiền “rước” những bộ siêu phẩm này về nhà.
Bộ bàn ghế Quốc Triện ngọc nghiến nguyên khối 18 món
Thiết kế tinh xảo, màu sắc vàng óng xoáy đều, hoa văn sặc sỡ, bề mặt nhẵn bóng là những gì mà người khác cảm nhận từ bộ bàn ghế Quốc Triện ngọc nghiến của anh Thắng.
Bộ “Siêu phẩm” 18 món làm từ ngọc nghiến nguyên khối. Ảnh: Dân trí |
Theo giới thiệu của anh Thắng, bộ bàn ghế này được làm từ chất liệu ngọc nghiến quý hiếm - loại gỗ được xem là biểu tượng của sự giàu sang phú quý, đem lại nhiều may mắn, tài lộc cho chủ sở hữu. "Tuy nhiên, những sản phẩm này khá kén khách, bởi việc sở hữu sản phẩm này phụ thuộc vào khá nhiều yếu tố, từ không gian đến kinh phí, thậm chí cả quan niệm làm ăn của từng gia chủ", anh Thắng cho biết. Hiện tại, anh vẫn đang tìm chủ nhân cho bộ bàn ghế Quốc Triện ngọc nghiến của mình.
Sập gỗ nu cẩm lai 3 tỷ đồng
Chiếc sập gỗ nu cẩm lai được rao giá 3 tỷ đồng. Ảnh: Vietnamnet |
Đầu năm 2018, chiếc sập gỗ nu cẩm lai có giá 3 tỷ đồng được trưng bày tại Hà Nội khiến nhiều người không khỏi bất ngờ. Chiếc sập gỗ nu cẩm lai này có chiều dài 6.6m, rộng 2m và dày 20cm, thuộc sở hữa của một cửa hàng đồ gỗ mỹ nghệ ở Thường Tín (Hà Nội).
Sập gỗ nu nghiến 1,5 tỷ đồng
Chiếc sập gỗ nu nghiến giá 1,5 tỷ đồng của đại gia Hà Nội cũng gây chú ý. Chiếc sập này có chiều dài 2,3 mét, rộng 1,7 mét, dày 28 centimet và nặng 1,3 tấn.
Chiếc sập gỗ nu cẩm lai được rao giá 1,5 tỷ đồng. Ảnh: Vietnamnet |
Mới đây, bức tượng hình Long Quy (rùa hóa rồng) được làm từ gỗ nu đinh quý hiếm và dát gần 2 cây vàng 9999 của một nghệ nhân Thái Bình thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận nhờ hình dáng độc đáo, đẹp mắt.
Nhà gỗ khoảng 200 tỷ đồng của đại gia Điện Biên
Cách đây không lâu, nhiều người không khỏi choáng ngợp khi xem những hình ảnh về căn nhà gỗ lim có giá hơn 200 tỷ đồng ở Điện Biên.
Được biết ngôi nhà sàn gỗ lim này thuộc sở hữu của đại gia Bùi Đức Giang. Ảnh: Tiền phong |
Ngôi nhà trị giá hàng trăm tỷ đồng này được xây dựng từ hơn 500 m3 gỗ lim nguyên khối với tổng diện tích gần 500 m2. Ngôi nhà sàn này gồm có 7 gian gỗ lim có chiều cao 11 mét, gồm có 16 cột cái bằng gỗ lim nguyên khối có đuờng kính 45 cm.
Những nét chạm trổ tinh xảo trên nền gỗ lim nguyên khối. Ảnh: Tiền phong |
Nguyên vật liệu để xây dựng căn nhà sàn này là hơn 200 tỷ đồng, chưa kể trả tiền cho hơn 10.000 thợ lành nghề. Căn nhà được xác nhận kỷ lục Guiness Việt Nam về nhà sàn bằng gỗ lim lớn nhất Việt Nam.
Bộ "Tứ bất tử" độc đáo, có một không hai
Sau gần 2 năm miệt mài ngày đêm, dưới bàn tay khéo, các nghệ nhân đã thổi hồn vào những gốc cây gỗ nguyên khối tự nhiên và bộ tác phẩm “Tứ bất tử” đã được ra đời.
Đầu tiên là tác phẩm điêu khắc mang tên “Đệ Nhất Tứ Bất Tử Tản Viên Sơn Thánh” được làm từ chất liệu gốc cây gỗ Sao với chiều cao 3,4m và rộng 3,3m. Ảnh: Thương hiệu & Công luận |
Tác phẩm thứ hai mang tên “Đệ Nhị Bất Tử Phù Đổng Thiên Vương”. Chất liệu làm nên tác phẩm này là gốc cây gỗ Cà te với chiều cao 2,5m và rộng 3,5m. Ảnh: Thương hiệu & Công luận |
Tác phẩm thứ 3 có tên “Đệ Tam Bất Tử Chử Đồng Tử”, tác phẩm này có chất liệu từ gốc cây gỗ Sao Xanh với chiều cao 3,5m và rộng 3,3m. Ảnh: Thương hiệu & Công luận |
Tác phẩm thứ tư mang tên “Đệ Tứ Bất Tử Mẫu Liễu Hạnh”. Chất liệu tác phẩm được làm từ gốc cây gỗ Gu Hương với chiều cao 3,3m và rộng 4,2m. Ảnh: Thương hiệu & Công luận |
Bộ tác phẩm này không chỉ mang tới cho người thưởng thức sự mê mẩn, say đắm thông qua từng đường nét chạm khắc tinh xảo, mà sâu sắc hơn ẩn chứa trong mỗi tác phẩm là một câu chuyện lịch sử về các vị thánh được người Việt tôn vinh, ở đó tồn tại giá trị đạo đức làm người, phong tục tập quán và văn hóa, tín ngưỡng của Việt Nam qua nhiều giai đoạn lịch sử.
Bộ tác phẩm hiện thuộc sở hữu của một ông chủ xứ Thanh.
Vũ Đậu (T/h)