Bussiness Insider đưa tin ngày 8/10, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin thông báo kế hoạch điều động nhóm tác chiến tàu sân bay USS Gerald R. Ford đến phía Đông Địa Trung Hải.
Đội tàu chiến này gồm tàu sân bay USS Gerald R. Ford, tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường USS Normandy và các tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Thomas Hudner, USS Ramage, USS Carney và USS Roosevelt.
Bên cạnh đó, Bộ Tư lệnh Trung ương Mỹ (CENTCOM) cho biết, quân đội đã “thực hiện các bước nhằm tăng cường các phi đội chiến đấu cơ F-15, F-16 và A-10 của Không quân Mỹ trong khu vực”.
Việc bố trí lại hỏa lực của Mỹ diễn ra 1 ngày sau khi lực lượng Hamas tiến hành cuộc tấn công bất ngờ quy mô lớn nhằm vào Israel, khiến ít nhất 800 người thiệt mạng (chủ yếu là dân thường) và hàng nghìn người bị thương.
Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) đáp trả bằng một chiến dịch ném bom quy mô lớn nhằm vào những gì mà họ cho là mục tiêu của Hamas tại Dải Gaza. Đồng thời, huy động hàng trăm nghìn binh sĩ và thiết giáp hạng nặng để chuẩn bị cho một tấn công lớn.
Dẫn đầu nhóm tàu chiến, USS Gerald R. Ford là tàu sân bay tiên tiến nhất của Hải quân Mỹ. Đây là những tàu chiến uy lực, từ lâu đã được sử dụng để phô trương sức mạnh quân sự, thường nhằm mục đích răn đe.
Bên cạnh một không đoàn mạnh mẽ, USS Gerald R. Ford còn được hỗ trợ bởi một loạt tàu chiến có khả năng phóng tên lửa dẫn đường và tấn công các mối đe dọa đang tiếp cận đội tàu chiến.
Hiện vẫn chưa rõ địa điểm chính xác mà đội tàu chiến hướng đến, tuy nhiên, một phát ngôn viên của IDF hôm 9/10 nói rằng, thông điệp của Mỹ đằng sau việc triển khai lực lượng đến bờ biển israel là bất cứ nhóm chiến binh nào khác đang có ý định lên kế hoạch tấn công Israel nên xem xét lại nỗ lực của họ.
Các cuộc giao tranh trong ngày 8/10 và 9/10 làm dấy lên mối lo ngại rằng Hezbollah - một nhóm chiến binh ở Lebanon có thể can dự nhiều hơn và mở ra mặt trận thứ hai trong bối cảnh xảy ra giao tranh giữa Israel và Hamas, khiến cuộc khủng hoảng leo thang thành một cuộc xung đột khốc liệt trong khu vực và có khả năng kéo các lực lượng của Mỹ vào cuộc.
Theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) - tổ chức tư vấn có trụ ở ở Washington - Hezbolla được coi là “tổ chức phi nhà nước được trang bị vũ khí mạnh nhất thế giới”.
Hezbolla sở hữu một kho vũ khí khổng lồ gồm tên lửa đạn đạo, tên lửa chống tăng và chống hạm cũng như kho dự trữ lớn rocket pháo binh không điều khiển. CSIS ước tính kho vũ khí tên lửa của Hezbollah có thể lên tới 130.000 quả đạn.
XEM THÊM: Xe tăng hiện đại nhất của Nga “cháy thành than” sau đòn tấn công bằng tên lửa của Ukraine
Việc Hezbollah sở hữu các loại vũ khí chống hạm đồng nghĩa với việc đội tàu chiến của Mỹ sẽ di chuyển qua một vùng biển nguy hiểm, được phòng thủ dày đặc và tiên tiến trong hành trình tiến đến phía Đông Địa Trung Hải.
Theo CSIS, một trong những vũ khí mà Hezbolla sở hữu là biến thể của tên lửa hành trình chống hạm tầm trung C-802 do chính nhóm này phát triển, với tầm bắn gần 120km và đầu đạn nặng gần 165kg. Một loại tên lửa khác là Yakhont do Nga phát triển, có tầm bắn hơn 460km và đầu đạn nặng gần 200kg.
Việc nhắm mục tiêu vào nhóm tác tàu sân bay Mỹ sẽ dẫn đến sự leo thang nghiêm trọng nhưng các lực lượng ở Trung Đông từng bắn vào các tàu chiến Mỹ. Đây là mối đe dọa mà các thủy thủ đoàn của Mỹ cần tính đến trong bất kỳ hoạt động nào ở khu vực này.
Đinh Kim (Theo Business Insider)