+Aa-
    Zalo

    Tiệm vàng “cháy” vàng nhẫn trơn: Chỉ là khan hiếm cục bộ, ngắn hạn?

    (ĐS&PL) - Việc mua vàng nhẫn tròn trơn hiện đang hề không dễ dàng, khi hàng loạt tiệm vàng báo hết hàng và không biết khi nào mới có lại sản phẩm này.

    Khan hiếm vàng nhẫn tròn trơn

    Những ngày gần đây, tại TP.HCM, khách hàng tìm mua vàng nhẫn tròn trơn khá nhiều. Theo báo Tiền Phong, bà Minh Hoàng (ngụ quận Phú Nhuận) lý giải: “Vàng trang sức đang tăng giá nhưng vẫn rẻ hơn so với vàng miếng nên tôi mua để dành. Vàng nhẫn tròn trơn có chi phí gia công rẻ nhất; khi có nhu cầu bán lại ít lỗ nên tôi chọn mua sản phẩm này”.

    Tuy nhiên, việc mua vàng nhẫn trơn khá khó khăn, không phải cứ có tiền là mua được. Nhân viên tiệm vàng Mi Hồng (quận Bình Thạnh) cho biết sản phẩm vàng tròn trơn loại 1 chỉ đã hết từ nhiều ngày qua và không biết khi nào có hàng. Không mua được vàng nhẫn tròn trơn, nhiều khách hàng chuyển sang mua các trang sức khác như lắc tay, dây chuyền, nhẫn kiểu…

    tiem vang chay vang nhan tron chi la khan hiem cuc bo ngan han 3

    Nhiều người mua vàng trang sức tại một tiệm vàng ở quận Bình Thạnh, TPHCM. Ảnh: Tiền Phong

    Nhiều cửa hàng vàng khác cũng trong tình trạng tương tự khi không còn chiếc nhẫn tròn trơn nào, hoặc nếu còn thì số lượng rất ít.

    Chị Thu Huyền, tiệm vàng Minh Phước (quận 5), cho biết, khách đến mua vàng nhẫn tròn trơn tăng gần 20%. Theo chị, thông thường sau ngày vía Thần Tài, khách đến sắm vàng sẽ thưa thớt hơn. Thế nhưng năm nay thì ngược lại, trong ngày Thần Tài khá vắng khách, nhưng sau đó khách đến tăng từng ngày.

    “Vàng nhẫn, vàng trang sức tính ra giá cao nhất chỉ 65 triệu đồng/lượng, rẻ hơn gần 15 triệu đồng so với vàng miếng; và đặc biệt vàng nhẫn đang tăng giá nhanh nên nhiều người tranh thủ mua gom. Có ngày, tiệm chúng tôi không đủ vàng nhẫn để bán cho khách”, chị Huyền nói.

    Chủ một tiệm vàng nổi tiếng khác ở TP.HCM cũng thừa nhận, đã hết vàng nhẫn nhiều ngày qua, tiệm cũng không có đủ nguyên liệu vàng để chế tác vàng nhẫn. Ngày vía Thần Tài vừa qua, tiệm bán cho khách mỗi người tối đa 1 nhẫn loại 1 chỉ đã ép vỉ.

    Đáng chú ý, từ trước đến nay, tiệm vàng chưa bao giờ có tình trạng này. “Không mua được nguyên liệu nên không thể làm vàng nhẫn để bán ra, điều này nằm ngoài kiểm soát nên giờ đành chịu”, người này nói.

    Chỉ là khan hiếm cục bộ, ngắn hạn?

    Theo báo Kinh tế đô thị, giới chuyên gia nhận định, trong bối cảnh lãi suất gửi tiết kiệm của hầu hết các ngân hàng duy trì ở mức dưới 5%/năm, nhiều người dân đã chọn vàng là kênh đầu tư, tích trữ tài sản khiến giá kim loại quý trong nước những ngày qua liên tiếp duy trì ở mức cao. Giá vàng miếng SJC hiện cao hơn giá thế giới từ 18-19 triệu đồng/lượng. Giá vàng nhẫn cũng tăng liên tiếp, vượt 65 và 66 triệu đồng/lượng.

    Kể từ sau các quyết sách điều chỉnh, thị trường vàng miếng, vàng nhẫn/trang sức đang có xu hướng leo cao so với SJC "truyền thống". Người dân có xu hướng mua vàng nhẫn trong gần 2 tháng đầu năm 2024 là do giữ vàng nhẫn, vàng trang sức có thể lãi hơn vàng miếng. Nhiều người lo ngại nếu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thay đổi chính sách quản lý thị trường vàng, xem xét lại việc độc quyền, giá vàng SJC có thể giảm mạnh, về gần hơn so với giá thế giới quy đổi. Bên cạnh đó tháng 1 và tháng 2/2024 cũng là thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán, nhiều người tổ chức đám cưới, nhu cầu loại vàng này tăng cao.

    Một chuyên gia tài chính nói, thị trường vàng miếng, vàng nhẫn chỉ được tiêu thụ nhiều vào dịp đầu, cuối năm và ngày Thần Tài. Do đó thị trường có phần khan hiếm các sản phẩm dưới 1 chỉ cũng không phải việc quá khó hiểu. Song vị này cũng đề cập đến giả định đây cũng có thể là chiêu trò làm thị trường khan hiếm, đẩy giá trục lợi, tác động đến cơ quan quản lý, thúc đẩy việc sửa Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý thị trường vàng.

    Trong khi đó, ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam cho rằng khan hiếm nhẫn vàng trơn chỉ là sự khan hiếm cục bộ, ngắn hạn và thị trường sẽ sớm trở lại bình thường.

    Ông Phương phân tích thêm, khách mua vàng tăng không chỉ đến từ nhu cầu cao tăng cao khi ngay sau Tết là đến mùa cưới, vía Thần Tài, mà còn đến từ nhiều nguyên nhân khác.

    Đó là nhu cầu phát sinh đột ngột do lo lắng về những bất ổn chính trị trên thế giới. Trước tình hình đó, vàng là nơi “trú ẩn” tốt nhất, an toàn nhất. Những người có tiền thường chọn mua vàng để dự phòng để đầu cơ đón đầu…

    Một lý do nữa là thiếu vàng nguyên liệu, có thể do người ta ưu tiên làm vàng miếng nhiều hơn; chính sách nhập khẩu vàng đang không được thông thoáng, cởi mở vì nhập khẩu vàng về nhiều sẽ ảnh hưởng đến cán cân ngoại tệ; cũng không loại trừ đầu nậu lớn tạo cung cầu ảo để tạo sự khan hiếm vàng, đẩy giá tăng…

    Theo ông Huỳnh Trung Khánh, Cố vấn cao cấp Hội đồng Vàng thế giới tại Việt Nam, kiêm Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cho rằng, cần cấp thiết sửa đổi quy định quản lý thị trường vàng theo hướng sửa đổi không còn độc quyền thương hiệu vàng miếng SJC.

    Nếu không cho mở cửa nhập khẩu và cởi bỏ độc quyền thì nguồn vàng không chính ngạch vẫn vào thị trường khi cung vàng trong nước khan hiếm và giá cao hơn quốc tế. Vả lại, hiện tất cả các nước trong khu vực đều có thị trường vàng trong nước liên thông với thị trường quốc tế. Trong khi đó, giá vàng ở Việt Nam luôn cao hơn quốc tế 15-17 triệu đồng/lượng và có thời điểm lên đến 19-20 triệu đồng/lượng khiến người mua vàng trong nước chịu thiệt.

    Vân Anh(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tiem-vang-chay-vang-nhan-tron-chi-la-khan-hiem-cuc-bo-ngan-han-a612477.html
    Sự kiện: Giá vàng hôm nay
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan