Hiểu sai về hiệu quả của vắc-xin
Qua thống kê sơ bộ của các bệnh viện cho thấy, người đã tiêm vắc-xin Covid-19 nhưng mắc các bệnh nền như cao huyết áp, tiểu đường, tim mạch... vẫn có nguy cơ tử vong.
Từ ngày 10/11, Sở Y tế Tp.HCM đã bắt đầu có thống kê số ca mắc Covid-19 tử vong có tiêm vắc- xin và chưa tiêm vắc-xin Covid-19. Theo đó, ngày 10/11, trên địa bàn Tp.HCM có 43 ca tử vong, trong đó có 5 ca do các tỉnh khác chuyển đến (Long An 2 ca, Bình Dương 2 ca và Bến Tre 1 ca).
Qua phân tích số liệu cho thấy, có đến 39 ca tử vong do nhiễm Covid-19 (những bệnh nhân này có bệnh nền); 2 ca tử vong do bệnh nền (những bệnh nhân này kèm mắc Covid-19). Khai thác tiền sử tiêm vắc-xin cho thấy có đến 15 ca chưa tiêm vắc-xin, 6 ca tiêm mũi 1 và 7 ca đã tiêm đủ 2 mũi.
Theo cảnh báo của các chuyên gia dịch tễ, vắc-xin Covid-19 không đem lại sự bảo vệ tức thì. Ít nhất 14 ngày sau tiêm mũi 1 mới bước đầu có tác dụng và mức bảo vệ lúc này chỉ đạt rất thấp. Sau tiêm mũi 2 từ một tháng trở lên thì vắc- xin mới đạt hiệu quả bảo vệ tối ưu và hiệu quả này cũng chỉ đạt ở mức khoảng 60%-90% tùy loại vắc- xin.
Trao đổi với Người Đưa Tin, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho biết: “Vắc-xin không bảo vệ tuyệt đối, nhất là khả năng phòng ngừa việc mang mầm bệnh. Hiện nay, cũng chưa biết rõ thời gian hình thành kháng thể phòng bệnh sau tiêm là bao lâu mới có khả năng phòng bệnh”.
“Nhóm nguy cơ cao hiện nay của Tp.HCM là những người cao tuổi, người mắc bệnh nền, đặc biệt trường hợp có bệnh nền lâu năm, dù đã tiêm 2 mũi vắc-xin Covid-19 nhưng vẫn có thể tử vong”, TS.Trần Đặc Phu giải thích.
Lý giải thêm về tiêm đủ 2 mũi vẫn nguy hiểm tính mạng, TS. Trần Đắc Phu cho hay, vắc-xin Covid-19 hay bất kỳ loại vắc-xin nào khác chỉ làm giảm khả năng mắc bệnh và chuyển nặng. Người đã tiêm đủ vắc-xin Covid-19 thì tỉ lệ chuyển nặng, tử vong sẽ thấp hơn. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa việc đã tiêm vắc-xin là không sao hết.
“Hơn nữa, đây là chủng virus mới nên cũng cần có thời gian để nghiên cứu, đánh giá vắc-xin này có hiệu lực bảo vệ tốt với chủng Delta hay không”, TS. Phu nhấn mạnh.
Không phải tất cả mọi người đều có kháng thể
Theo TS.Trần Đắc Phu, có những loại vắc-xin hiệu lực bảo vệ với 90% nhưng có vắc-xin chỉ hiệu lực bảo vệ khoảng 50%-60%. Tiêm đủ 2 mũi vắc-xin với đủ thời gian khuyến cáo thì cơ thể đã có kháng thể bảo vệ nhưng không phải tất cả mọi người đều có.
Trao đổi với PV, bác sĩ Trương Hữu Khanh, chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại Tp.HCM cho biết, cứ 1000 người tiêm đủ 2 mũi vắc-xin Covid-19 thì sẽ không bao giờ có được 1.000 người không nhiễm bệnh. Tùy loại vắc-xin mà có thể có trên dưới 20 người có thể mắc bệnh (nhưng không nặng). Nếu những người này mắc bệnh và chữa hết thì họ sẽ có miễn dịch.
1.000 người tiêm đủ 2 mũi vắc- xin Covid-19 thì có trên dưới 800 người đủ miễn dịch để không mắc bệnh hoặc bệnh quá nhẹ mà không biết, những người mắc bệnh nhẹ sẽ càng tăng thêm miễn dịch, nhưng thời gian xa dần sau mũi 2 họ có thể dễ mắc bệnh hơn giai đoạn đầu.
Về tâm lí chủ quan khi đã tiêm đủ vắc- xin, bác sĩ Khanh cho biết: “Người nhiễm virus mà đang có bệnh nền rất nặng thì dù có tiêm vắc- xin vẫn sẽ xảy ra tình huống xấu”.
Ông Khanh thông tin thêm, tỉ lệ chuyển nặng, tử vong với người đã tiêm vắc-xin thấp bằng 1/10 người chưa tiêm. Nhưng điều đó cho thấy tất cả mọi người, không loại trừ nhóm nào, nhất là những người có bệnh lí nền, người cao tuổi, phụ nữ có thai… dù đã được tiêm vắc-xin phòng Covid-19, vẫn phải tuân thủ 5K, đặc biệt quan trọng là đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng, nơi có nhiều người.
Ông Khanh cũng cho rằng, nhiều người chủ quan vì đã có 1-2 lần xét nghiệm âm tính, thậm chí nghĩ mình đã tiêm một mũi vắc-xin thì không thể nhiễm bệnh. Đó là cách nghĩ sai lầm. Trong khi đó, chúng ta chưa đạt tỉ lệ tiêm bao phủ 70% dân số, chưa có miễn dịch cộng đồng, vì thế người đã tiêm đủ liều vẫn có thể bị nhiễm, vẫn là nguồn lây cho người khác.
Ngân Giang
Link nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/tiem-2-mui-vac-xin-covid-van-tu-vong-khong-phai-ai-cung-dap-mien-dich-a533820.html