Tổ chức Y tế Thế giới WHO ngày 12/11 (giờ địa phương) cho biết họ đã "khởi động lại" một quy trình có thể cấp phép khẩn cấp cho vaccine ngừa COVID-19 Sputnik V do Nga sản xuất, sau vài tháng trong tình trạng "lấp lửng".
Trợ lý Tổng giám đốc WHO Mariangela Simao nói với các phóng viên tại Geneva rằng "có rất nhiều sự trao đổi thông tin cần diễn ra” nhưng “quá trình này đã bắt đầu lại”.
Sự cho phép sử dụng khẩn cấp của WHO sẽ là một dấu ấn chất lượng cho vaccine Sputnik V, cũng như làm cho khả năng nhận biết rộng rãi hơn và có thể giải phóng việc đi lại cho những người đã tiêm loại vaccine này. Nó cũng có thể mở đường cho Sputnik V được sử dụng bởi cơ chế Covax nhằm đưa vaccine đến các quốc gia nghèo trên thế giới.
Đến thời điểm hiện tại, cả cơ quan giám sát dược phẩm của Mỹ và EU đều không cấp phép cho Sputnik V, loại vaccine ngừa COVID-19 đã được sử dụng ở Nga và một số quốc gia khác kể từ cuối năm 2020.
Bà Simao nói rằng WHO cũng "vẫn phải nhận đầy đủ hồ sơ về Sputnik" và đang "thảo luận với người nộp đơn, các bộ phận khác nhau của chính phủ Nga". "Có những vấn đề đang chờ xử lý liên quan đến việc kiểm tra tại các nhà sản xuất", bà nói thêm.
Tổng thống Vladimir Putin đã ca ngợi Nga tại hội nghị thượng đỉnh G20 gần đây ở Rome rằng đây là "quốc gia đầu tiên trên thế giới phê duyệt vaccine ngừa COVID-19", đồng thời ca ngợi "tính an toàn và hiệu quả" của Sputnik V.
Một cuộc kiểm đếm của AFP dựa trên số liệu thống kê chính thức cho thấy vaccine Sputnik V được sử dụng ở 48 quốc gia.
Cho đến nay, WHO đã cấp phép khẩn cấp cho các loại vaccine ngừa COVID-19 của Bharat Biotech, Pfizer-BioNTech, Moderna, AstraZeneca, Johnson & Johnson và Sinopharm của Ấn Độ.
Bích Thảo(Theo NDTV)