+Aa-
    Zalo

    Thương hiệu gạo ngon nhất thế giới ST25 bị làm nhái tràn lan: Cần chiến lược bảo vệ và nâng tầm giá trị hạt gạo Việt

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Trao đổi với PV báo ĐS&PL, kỹ sư Hồ Quang Cua bày tỏ thất vọng, khi giống gạo ngon nhất thế giới của nhóm nghiên cứu đang bị làm giả, làm nhái tràn lan trên thị trường.

    Sau khi đoạt giải Gạo ngon nhất thế giới năm 2019, loại gạo ST25 được nhiều người dân săn lùng tìm mua. Điều này khiến cho gạo ST25 trở nên sốt hàng, thậm chí trên thị trường còn xuất hiện hàng nhái nhưng công tác quản lý, bảo hộ cho thương hiệu vẫn loay hoay.

    Đau đầu vì thương hiệu bị làm giả

    Trao đổi với PV báo ĐS&PL, kỹ sư Hồ Quang Cua bày tỏ thất vọng, khi giống gạo ngon nhất thế giới của nhóm nghiên cứu đang bị làm giả, làm nhái tràn lan trên thị trường. Anh hùng lao động Hồ Quang Cua kể: “Quá trình tạo ra giống gạo này là một sự tình cờ nhưng xuất phát điểm, lại là trăn trở từ ước muốn có thể tạo ra được hạt gạo ngon cho bà con cũng như nâng tầm hạt gạo Việt trên trường quốc tế. Nhất là khi mà thực trạng về giống, thuốc bảo vệ thực vật, phân... đã kéo giá trị hạt gạo của Việt Nam xuống thấp và tệ hơn là không thể xây dựng được thương hiệu, dù chúng ta luôn đứng top đầu xuất khẩu gạo trên thế giới”.

    Giống gạo ST25 ra đời mang nhiều ưu điểm của giống gạo thuần Việt. Hạt dài, trắng, trong, khi nấu cho cơm dẻo, ráo và đặc biệt có mùi của dứa. So với các giống gạo quốc tế, ưu điểm của ST25 là giống cao sản có thể trồng từ 2-3 vụ trong khi gạo thơm Thái chỉ trồng được 1 vụ vì là lúa mùa dài ngày. Tuy nhiên, điều khiến ông Hồ Quang Cua đang trăn trở là uy tín hạt gạo này đang bị không ít các đầu mối kinh doanh lợi dụng.

    Kỹ sư Hồ Quang Cua lo lắng vì thương hiệu gạo ngon nhất thế giới bị làm nhái.

    Do sức hút khá mạnh của gạo ST25 nên người tiêu dùng tại TP.HCM đang rất khó phân biệt. Bởi chỉ cần ra chợ truyền thống hoặc tìm mua gạo ST25 trên các trên mạng Internet đều thấy họ rao bán gạo ST25 với nhiều loại bao bì và giá gạo khác nhau. Có một số trang web còn đẩy giá gạo ST25 lên mức 35.000 - 45.000 đồng/kg, cao hơn gạo hơn ST25 chính thống từ 8.000 - 18.000 đồng/kg.

    Trong khi đó, gạo ST25 do công ty Hồ Trí Quang của ông Hồ Quang Cua đang bán ra thị trường TP.HCM chỉ ở mức 27.000 đồng/kg và gạo ST24 là 26.000 đồng/kg. “Hậu quả là hiện nay đã có một số người tiêu dùng gọi điện thoại cho đại lý gạo bán gạo của công ty Hồ Quang Trí than phiền bị lừa mua nhầm gạo ST25 giả. Thậm chí có người còn nói mua hàng qua mạng gạo ST25 ở Thái Nguyên, Hà Nội, TP.HCM,... và phàn nàn vì sao nấu cơm không ngon như quảng cáo. Chúng tôi đã giải thích và hướng dẫn khách hàng tìm đến các điểm mua hàng chính hãng”, kỹ sư Hồ Quang Cua băn khoăn.

    Theo ông Cua, sở dĩ có tình trạng nhái sản phẩm gạo ST25 là do việc làm “giấy khai sinh” cho một giống lúa khá chặt chẽ, kéo dài nên việc chứng nhận bản quyền cho một giống gạo mới khai sinh cũng chậm. Vì thế, nhiều doanh nghiệp lợi dụng sơ hở chưa có chứng nhận “chủ quyền” với loại gạo mới nên “tranh thủ” tung ra thị trường các loại gạo tương tự giống loại gạo đang “hút hàng” như ST25.

    Để bảo vệ thương hiệu gạo ST25, ông Cua cho biết đang đề xuất bộ NN& PTNT về một số nội dung để xây dựng thương hiệu chung như công nhận đặc cách, đưa gạo ST25 vào danh mục gạo thơm quốc gia. Đặc biệt là xin kinh phí để bảo hộ gạo ST25 trên thế giới. Đồng thời phát triển sản xuất giống lúa ST25 dựa vào nhu cầu của thị trường. Doanh nghiệp của ông đang in ấn lại bao bì có logo được quốc tế công nhận để chống hàng giả.

    “Nếu muốn phát triển mạnh thì phải học tập mô hình của Thái Lan là có một quỹ dự trữ nguồn giống quốc gia để khi thị trường có nhu cầu tăng đột biến sẽ có nguồn để cung ứng”, ông Cua nói.

    Cần chiến lược để giữ uy tín cho gạo Việt Nam

    Nhìn nhận về hiện tượng gạo giả thương hiệu ST25, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, dường như câu chuyện hàng giả hàng nhái chưa thể có hồi kết khi mà lòng tham của con người vẫn lớn hơn danh dự. Vị tiến sĩ nhận xét: “Chế tài quá “nhẹ tay” là nguyên nhân khiến vấn nạn hàng giả, hàng nhái chưa thể được triệt tiêu. Nếu không siết mạnh, sản phẩm gạo ST25 cũng đang bị đe dọa bởi vấn nạn gạo giả xuất hiện tràn lan. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến bản thân doanh nghiệp, đến chủ thương hiệu gạo đó mà còn làm giảm uy tín ngành gạo Việt”.

    Giới chuyên gia ngành nông nghiệp cũng cho rằng, xây dựng thương hiệu cho gạo Việt là cả một quá trình dài, cần làm thương hiệu cho gạo, bao gồm cả thương hiệu quốc gia, thương hiệu vùng miền, thương hiệu doanh nghiệp. Khi đã xây dựng được thương hiệu thì phải làm sao giữ gìn và bảo vệ được thương hiệu đó. Gạo ngon của Việt Nam muốn có chỗ đứng trên thị trường thế giới, có khách hàng lâu dài thì bên cạnh thương hiệu phải chiếm được sự tin cậy của khách hàng.

    Tiến sĩ kinh tế Trần Hữu Hiệp nêu quan điểm: “Doanh nghiệp và tác giả thương hiệu gạo ngon không thể một mình chống chọi trước các kiểu gian thương đang bủa vây mà rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước. Công nghệ ngày nay hoàn toàn có thể cung cấp công cụ kiểm tra, truy xuất nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm. Việt Nam đã có luật Sở hữu trí tuệ, luật Bảo vệ người tiêu dùng, luật Thương mại và hệ thống pháp luật bảo vệ quyền tác giả... nhưng tại sao hàng giả vẫn có đất sống? Phải chăng hiệu lực, hiệu quả quản lý đang yếu kém, thực tế vẫn đang vướng ở biện pháp xử lý và tính đồng bộ của các quy định pháp luật cũng như sự phối hợp giữa các cơ quan”.

    Tương tự, GS.TS Võ Tòng Xuân, Hiệu Trưởng trường đại học Nam Cần Thơ chỉ ra: “Hiện nay, ngay cả hạt giống của một số loại lúa có danh tiếng cũng đã bị nhiều công ty làm giả để bán lại cho nông dân với giá cao hơn lúa thường nhằm trục lợi bất chính. Do đó, nhà sản xuất cần công bố thông tin rộng rãi, chi tiết để người tiêu dùng dễ nhận dạng ra đâu là hàng thật và đâu là hàng giả mạo”.

    Ngoài chuyện các doanh nghiệp bị giả mạo hàng hóa thì việc xây dựng thương hiệu cho gạo Việt vốn gặp rất nhiều khó khăn. Ngay cả viện Lúa vẫn chưa làm ra được giống lúa nào để xây dựng thương hiệu gạo quốc gia. Ở Thái Lan, người ta lấy những giống lúa truyền thống, chọn ra giống nào ngon nhất để công nhận, tuyên bố với các doanh nghiệp, các đối tác nước ngoài. Ở Việt Nam, nhiều giống lúa như Tám Thơm, nếp cái Hoa Vàng cũng có thể làm thương hiệu gạo Việt nhưng hạt giống phải do Nhà nước quản lý như Thái Lan vậy, nông dân nào trồng không đúng giống đó sẽ không bán được cho bất cứ công ty nào”, GS.Võ Tòng Xuân đề xuất.

    Cuối cùng, ông Xuân còn chỉ ra, thương hiệu gạo quốc gia cũng có thể do nhiều doanh nghiệp liên kết với nông dân hoặc tự xây dựng vùng nguyên liệu cho riêng mình để bảo đảm chất lượng đồng nhất. Chẳng hạn như Nhà nước chọn giống lúa ST24 hoặc ST25 làm giống quốc gia, các doanh nghiệp muốn tham gia sản xuất để có nguồn nguyên liệu chế biến xuất khẩu thì bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải làm đầu mối cung cấp. Khi đó, trên bao bì vẫn ghi là gạo ST nhưng có gắn logo riêng có doanh nghiệp phía trên.

    Sau khi được công nhận giống, bên cạnh việc nhân rộng diện tích, xây dựng những vùng trồng chuyên canh, thì các địa phương và người nông dân cũng nên bảo đảm đúng quy trình kỹ thuật để giữ chất lượng của loại gạo này. Trong khi đó, doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gạo nên tính đến việc đầu tư cho sự phát triển của các vùng trồng lúa ST25 để xây dựng vùng nguyên liệu bền vững, tạo điều kiện xuất khẩu gạo ngon với giá cao.

    Hà Nhân

    Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật số 196

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/thuong-hieu-gao-ngon-nhat-the-gioi-st25-bi-lam-nhai-tran-lan-can-chien-luoc-bao-ve-va-nang-tam-gia-tri-hat-gao-viet-a304532.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan