+Aa-
    Zalo

    Thuốc an thần trong thịt lợn nguy hiểm sức khỏe: Châu Âu đã cấm, Việt Nam mới đề xuất bổ sung quy định

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Hoạt chất Chlorpromazine (hoạt chất tương tự Acepromazine) là chất cấm tại các nước châu Âu nhưng tại Việt Nam, các đơn vị mới đang đề xuất bổ sung quy định mức giới hạn.

    Hoạt chất Chlorpromazine (hoạt chất tương tự Acepromazine) là chất cấm tại các nước châu Âu nhưng tại Việt Nam, các đơn vị mới đang đề xuất bổ sung quy định mức giới hạn tối đa hoạt  chất Acepromazine trong thịt.

    Tại các nước thuộc cộng đồng chung châu Âu (EU) có các quy định đối với việc quản lý thuốc an thần trong thịt và sản phẩm thịt. Cụ thể, tại bảng 2 (các chất bị cấm) của Quyết định số 37/2010 ngày 22-12-2009 về các chất hoạt tính dược lý và sự phân loại của chúng về giới hạn dư lượng tối đa trong thực phẩm có nguồn gốc động vật, hoạt chất Chlorpromazine (hoạt chất tương tự Acepromazine) là chất cấm.

    Một trường hợp heo bị tiêm thuốc an thần trước khi giết mổ được phát hiện 

    Còn tại Việt Nam, sau hàng loạt vụ việc phát hiện có thuốc an thần trong thịt lợn, mới đây, UBND TP. Hồ Chí Minh vừa kiến nghị Bộ Y tế tham mưu Chính phủ bổ sung quy định mức giới hạn tối đa hoạt chất Acepromazine (thuốc an thần) trong thịt và sản phẩm thịt nhằm đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng.

    Ngoài ra, TP.HCM kiến nghị các bộ chức năng cần xem xét nâng mức chế tài xử phạt trong lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm, nhằm tăng cường tính răn đe đối với các đối tượng vi phạm.

    Trong Thông tư số 24/2013 của Bộ Y tế quy định: Tồn dư tối đa Azaperone (thuốc gây mê) trong thịt heo và mỡ heo là 60 µg/kg; gan heo và thận heo là 100 µg/kg. Thông tư này không quy định tồn dư tối đa cho phép đối với hoạt chất Acepromazine (thuốc an thần) trong thịt. Tuy nhiên, thời gian vừa qua chất này được phát hiện rất nhiều trong mẫu máu hoặc nước tiểu ở một số cơ sở giết mổ heo lớn tại TP.HCM và một số tỉnh phía Nam.

    Ngày 28/2, sau khi có kết quả xét nghiệm tồn dư thuốc an thần trong thịt heo có nguồn gốc từ tỉnh Tây Ninh đưa vào TP.HCM tiêu thụ, Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM đã có văn bản gửi Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Tây Ninh.Trong văn bản, Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM nói rõ 5/7 mẫu thịt heo (hơn 71%) có nguồn gốc từ tỉnh Tây Ninh nhiễm thuốc an thần. Chi cục đề nghị Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Tây Ninh tăng cường công tác kiểm tra, xử lý từ gốc để đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.

    Sau đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM nhận được công văn phản hồi từ phía Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Tây Ninh. Công văn có nội dung: “Tiếp tục tuyên truyền, giáo dục, phổ biến các quy định của Nhà nước về giết mổ với các chủ cơ sở, thương lái…”.

    Không chỉ tỉnh Tây Ninh, hầu hết các tỉnh khác cũng rơi vào tình trạng tương tự. Một khi xảy ra vụ việc ảnh hưởng đến sức khỏe nhiều người thì đa phần cơ quan chức năng đều ra rả câu sáo mòn “tiếp tục tuyên truyền, giáo dục…”. Tuy nhiên, sau khi tuyên bố “tiếp tục” thì mọi việc buông xuôi, tới đâu thì tới. Khi vụ việc tái diễn thì cơ quan chức năng không nhận trách nhiệm và lặp lại điệp khúc “tiếp tục tuyên truyền, giáo dục…”.

    Đã là chất cấm thì đương nhiên không được sử dụng và không thể có tồn dư trên thịt heo đã giết mổ. Tuy nhiên, các thương lái vẫn sử dụng chất này tiêm vào heo trước khi giết mổ mà không có chỉ định của bác sĩ thú y cũng như không tuân thủ hướng dẫn sử dụng trên nhãn mác của thuốc chứa hoạt chất Acepromazine vì muốn thịt heo tươi lâu và một số mục đích khác.

    Giải pháp mà Cục Thú y TP.HCM đưa ra là: Đối với thuốc an thần chứa hoạt chất Acepromazine sản xuất trong nước phải ghi trên nhãn thuốc dòng chữ “Nghiêm cấm sử dụng đối với động vật đưa vào giết mổ”; đối với thuốc an thần chứa hoạt chất Acepromazine nhập khẩu, phải ghi nhãn phụ với dòng chữ “Nghiêm cấm sử dụng đối với động vật đưa vào giết mổ”.

    Như vậy, khi cơ quan quản lý phát hiện trong mẫu máu, mẫu nước tiểu hoặc mẫu thịt gia súc có tồn dư Acepromazine thì đề nghị xử phạt như đối với chất cấm và biện pháp xử phạt bổ sung là tiêu hủy động vật, sản phẩm động vật vi phạm.

    Hiện, Bộ NN&PTNT đang giao Vụ Pháp chế chủ trì, phối hợp với Cục Thú y sửa đổi Nghị định  90/2017 theo hướng tăng tối đa mức tiền phạt và biện pháp phạt bổ sung đối với hành vi vi phạm tiêm thuốc an thần vào động vật trước khi giết mổ là tiêu hủy động vật, sản phẩm động vật.

    Mới đây, hàng ngàn con heo bị tiêm thuốc an thần mới được phát hiện gần đây phải tiêu hủy. Loại thuốc tiêm cho heo là acepromazine (tên thương mại Combistress) là thuốc chống loạn thần dẫn xuất từ phenothiazin.

    Do thuốc acepromazine có tác dụng giãn mạch làm ứ máu lại trong cơ nên thịt heo có chứa thuốc an thần có dấu hiệu đỏ tươi như thịt bò, dẻo, mềm, ngon hơn, miếng thịt ướt và khi chế biến sẽ tiết ra nhiều nước...

    Acepromazine (tên thương mại Combistress, Atravet hoặc Acezine 2, prozil) được thử nghiệm trên người vào những năm 1950 như một thuốc chống loạn thần, nhưng ngày nay hầu như chỉ được dùng trên động vật như thuốc an thần và thuốc chống trầm cảm. Acepromazine được sử dụng chủ yếu đối với các động vật hiếu động hoặc bị hoảng loạn.

    Theo y văn từ những năm 1950 đưa ra những quan ngại về cơn động kinh do phenothiazin gây ra ở bệnh nhân. Vì lý do này nên thận trọng khi dùng acepromazine ở người bệnh động kinh vì có thể làm giảm ngưỡng động kinh. Ở một số võ sĩ quyền anh, acepromazine có thể gây ngất do phản ứng mạch máu - thần kinh (do kích thích hệ thần kinh giao cảm giảm) và hạ huyết áp do giãn mạch, dẫn đến suy sụp.

    Acepromazine maleate được sử dụng trong thú y ở chó, mèo. Nó còn được sử dụng rộng rãi ở ngựa. Thuốc có tiềm năng tác động lên tim mạch làm giảm huyết áp do giãn mạch ngoại vi, có thể rất nặng và do đó không được khuyến cáo sử dụng cho động vật già hoặc suy nhược.

    Trong phẫu thuật ngựa, tiền mê bằng acepromazine đã cho thấy để giảm tỉ lệ tử vong quanh phẫu thuật, có thể là do các hành động của nó như là một thuốc an thần và giải lo âu. Thuốc đôi khi được sử dụng để điều trị chứng hủy cơ do gắng sức ở ngựa.

    Về tác hại, việc tiêm thuốc an thần cho heo trước khi giết mổ có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân nếu dùng phải, bởi lượng thuốc chưa bài thải hết trong thịt cũng như các cơ quan nội tạng.

    Do thời gian bán hủy của thuốc kéo dài có thể lên đến 24 giờ nên để bài tiết hết dư lượng thuốc trong cơ thể cần từ 5-7 ngày.

    Nếu người tiêu dùng ăn thịt heo có chứa thuốc an thần nhiều ngày, lâu dần sẽ tích tụ trong cơ thể, gây nhiều nguy cơ bệnh tật như ung thư xương, tác hại đến hệ thần kinh, gây ra các triệu chứng ngoại tháp như run chân tay hay có thể đãng trí, trầm uất.

    Nam Anh (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/thuoc-an-than-trong-thit-lon-nguy-hiem-suc-khoe-chau-au-da-cam-viet-nam-moi-de-xuat-bo-sung-quy-dinh-a225269.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan