(ĐSPL) - Gà thải loại, thuỷ hải sản nhập qua biên giới giá tầm 70.000 đồng, về Hà Nội giá đội lên thành 300.000 đồng, dư lượng kháng sinh rất cao nhưng nhiều người tham rẻ vẫn mua. Vì giá chênh lệch nhau nên có người dùng cả xe Toyota Camry dùng để chở gà thải về Hà Nội...
Gà thải loại "đi xe" Toyota Camry về Hà Nội
Phát biểu tại hội thảo “Hành động để người dân được sử dụng nông sản thực phẩm an toàn” diễn ra ngày 26/7 tại Hà Nội, đại tá Phan Mạnh Thông (C49, Bộ Công an) cho hay tại các vùng biên giới phía bắc nhiều loại thực phẩm không đạt an toàn vệ sinh thực phẩm như gà thải loại, thủy hải sản... Gà thải loại, thuỷ hải sản nhập qua biên giới giá tầm 70.000 đồng, về Hà Nội giá đội lên thành 300.000 đồng, dư lượng kháng sinh rất cao nhưng nhiều người tham rẻ vẫn mua. Vì giá chênh lệch nhau nên có người dùng cả xe Toyota Camry dùng để chở gà thải về Hà Nội.
Theo ông Thông: “Việt Nam là nước nông nghiệp, ngoài gạo và một số hoa quả xuất khẩu được còn lại cơ bản toàn nhập khẩu, nền sản xuất chăn nuôi nhưng gần như không thể đảm bảo được khâu nguyên liệu, như ngô và một loạt các sản phẩm khác đều nhập để sản xuất thức ăn, nước nông nghiệp mà không chủ động được nguyên liệu. Các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực phẩm đều nhập 100\% trong đó hơn 90\% từ Trung Quốc, hoàn toàn lệ thuộc từ giống cây con đến các sản phẩm phục vụ cho lĩnh vực nông nghiệp đều phụ thuộc bên ngoài. Hiện nay, có một số dạng nhập giống cây con về không qua kiểm dịch mà qua đường tiểu ngạch và lực lượng chức năng có kiểm tra nhưng không xuể vì đã có cung thì có cầu, trong nước thiếu, bên ngoài lại có giá rẻ thì tất yếu dẫn tới tình trạng trên".
Cơ quan chức năng nhiều lần phát hiện thực phẩm bốc mùi hôi thối thập lậu. (Ảnh minh họa). |
Còn theo ông Nguyễn Tiến Đạt – Trưởng phòng Kiểm soát chất lượng hàng hóa (Cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương), thời gian qua, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội phát hiện 6 tấn ngó sen, me chua đã quá hạn sử dụng, 4 tấn ruốc gà không rõ nguồn gốc, gần 5 tấn thực phẩm đông lạnh đang trong giai đoạn bốc mùi hôi thối, trên 10 tấn dược liệu các loại do nước ngoài sản xuất không có nhãn hàng hóa, 5 tấn mỡ bẩn, 550 kg phụ gia, gia vị không rõ nguồn gốc…
Cũng thời gian trên, Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM phát hiện 2 tấn thịt lợn bốc mùi hôi thối, 3 tấn thịt trâu tẩm ướp hóa chất để giả thịt bò; Chi cục Quản lý thị trường Thanh Hóa phát hiện 1,3 tấn mứt dừa hết hạn sử dụng; Chi cục Quản lý thị trường Hưng Yên phát hiện 4,2 tấn thịt lợn gồm lợn ốm, lợn chết không có giấy tờ kiểm dịch vệ sinh an toàn thực phẩm của các cơ quan chức năng; Chi cục Quản lý thị trường Quảng Ninh phát hiện 2,5 tấn nội tạng động vật đã bị bốc mùi hôi thối…
Theo kết quả giám sát trên diện rộng trong 6 tháng đầu năm 2016, tỷ lệ mẫu thịt lợn phát hiện chất cấm salbutamol là 0,42\%; mẫu rau chứa tồn dư thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng chiếm 3,98\%; mẫu thịt chứa hóa chất, kháng sinh vượt ngưỡng chiếm 1,3\%, mẫu thủy sản các loại chứa hóa chất, kháng sinh, chất cấm vượt ngưỡng chiếm 5,3\%.
Đứng trước thực trạng này, trên cương vị là một cơ quan tham gia quản lý thị trường, đại tá Phan Mạnh Thông đề xuất Bộ NN-PTNT và Bộ Công thương cần phải rà soát lại văn bản quy định đối với các vấn đề quản lý hóa chất, an toàn thực phẩm... và Bộ Công an tiếp tục phối hợp chặt chẽ để thời gian tới làm tốt công tác phòng ngừa đấu tranh các hành vi liên quan tới an toàn thực phẩm và sản xuất nông nghiệp.
Không kiểm soát sạch sẽ thua ngay trên sân nhà
Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Bá Lịch - Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi VN khẳng định, nếu chúng ra không kiểm soát VSATTP chúng ta sẽ thua ngay trên sân nhà. Nếu không quản lý tốt chẳng khác nào người dân chúng ta đang “tự sát” vì hàng ngày phải sử dụng những sản phẩm không an toàn.
Theo ông Vũ Vinh Phú - chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội, vấn đề thực phẩm bẩn đã “nóng” nhiều năm nay mà không giải quyết cơ bản và triệt để, chúng ta chỉ giải quyết từ ngọn chứ không giải quyết tận gốc. Trong quá trình nuôi lợn, không kiểm soát quá trình chăn nuôi mà đến lúc giết mổ, bán thịt thì mới kiểm tra, công tác kiểm tra thì chỉ là kiểm lấy lệ. Ở biên giới thì có nhiều cửa khẩu, lối mòn, tạo cơ hội cho thực phẩm nhập lậu tuồn vào trong nước. Hệ thống phân phối lỏng lẻo nhưng không có biện pháp xử lý.
Ngoài ra, ông Phú cho rằng: “Cơ chế chính sách cho các doanh nghiệp rất khó khăn, bán 1kg thịt trong siêu thị đã phải chịu 10.000 đồng thuế VAT, dẫn đến người dân “tẩy chay” hàng siêu thị vì “vênh” với chợ truyền thống quá nhiều. Để “trám” những lỗ hổng này, Tôi đề nghị Nhà nước hãy giảm phí, thuế, hãy có cơ chế chính sách ưu tiên, biểu dương DN làm ăn chân chính và bỏ tù những DN, cá nhân vi phạm VSATTP”.
Vấn đề thực phẩm bẩn đã “nóng” nhiều năm nay mà không giải quyết cơ bản và triệt để. (Ảnh minh họa). |
Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Nông lâm và Thủy sản (QLCL NL&TS), cho biết: Thời gian qua các cơ quan chức năng đã mạnh tay hành động với vấn nạn thực phẩm bẩn, mặc dù rất cố gắng nhưng kết quả còn hạn chế. Nhiều sản phẩm tới tay người tiêu dùng còn chưa đảm bảo. Những sự cố an toàn thực phẩm xảy ra gây hoang mang cho người tiêu dùng.
Liên quan tới việc triển khai xây dựng và phát triển mô hình chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, ông Tiệp cho hay hiện có 294 chuỗi, thí điểm xác nhận 85 cơ sở kinh doanh sản phẩm chuỗi. Tuy nhiên, sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản nhỏ lẻ, manh mún, thiếu liên kết, được đầu tư hạn chế rất khó để tuân thủ đầy đủ và duy trì điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm.
Chính sách khuyến khích, tạo động lực cho sản xuất kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn; cho nhân rộng phát triển liên kết chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn chưa toàn diện và đủ mạnh, đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Một số qui định, quy chuẩn kỹ thuật chưa được rà soát kịp thời, để sửa đổi, bổ sung phù hợp với thực tế sản xuất.
Ông Tiệp đề xuất tiếp tục rà soát và đề xuất điều chỉnh, bổ sung chính sách hỗ trợ phát triển chuỗi cung ứng nông sản an toàn; ban hành bổ sung các qui định, qui chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn xác nhận sản phẩm chuỗi cung ứng nông sản an toàn, tạo điều kiện cho người dân nhận biết, ủng hộ tiêu dùng sản phẩm an toàn và người sản xuất, kinh doanh có thị trường tiêu thụ sản phẩm an toàn; đa dạng hình thức tuyên truyền, phổ biến cho người sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng về an toàn thực phẩm (tờ rơi, tờ dán, panô, áp phích, phát thanh, truyền hình …); phối hợp với Báo, Đài trung ương và địa phương, hệ thống phát thanh xã phường tăng cường thông tin, truyền thông về an toàn thực phẩm.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ hướng dẫn, vận động, hỗ trợ hộ, cơ sở sản xuất áp dụng quy trình sản xuất an toàn, liên kết với các kênh phân phối thành các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.
Đồng thời, rà soát và đề xuất điều chỉnh, bổ sung chính sách hỗ trợ phát triển chuỗi cung ứng nông sản an toàn; ban hành bổ sung các quy định, quy chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn xác nhận sản phẩm chuỗi cung ứng nông sản an toàn, tạo điều kiện cho người dân nhận biết, ủng hộ tiêu dùng sản phẩn an toàn và người sản xuất, kinh doanh có thị trường tiêu thụ.
Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục phối hợp với Bộ Công an, Bộ Y tế trong kiểm soát ngăn chặn sử dụng chất cấm, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Ngoài ra, phối hợp với Bộ Công Thương trong kiểm soát, ngăn chặn lạm dụng hóa chất công nghiệp trong sản xuất kinh doanh nông sản an toàn.
Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết, tỷ trọng hàng hóa lưu thông qua chợ chiếm trên 40\% tổng mức lưu chuyển hàng hóa. Mặt hàng tươi sống lưu thông qua chợ chiếm gần 70\% và cũng có tới 60\% siêu thị có kinh doanh thực phẩm.
Hàng hóa trong siêu thị hầu hết đều có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được công bố hợp quy hoặc chứng nhận đảm bảo tan toàn thực phẩm của cơ quan quản lý nhà nước. Do vậy, việc phát triển mạng lưới chợ siêu thị trên trên toàn quốc là một phần quan trọng trong phát triển hạ tầng thương mại nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm.
Tuyết Mai (Tổng hợp)
Nguồn: Người đưa tin