(ĐSPL) - Sau nhiều năm dùng đủ "chiêu trò" để "móc túi" các khách hàng, đến nay, hàng loạt dự án của công ty cổ phần Bất động sản AZ (AZ Land) vẫn "ngủ say". Dần dà, những "căn nhà mơ ước", "uy tín viển vông" của công ty này, giờ chỉ còn tồn tại trên đơn kiện, những lời trách cứ, oán thán của "thượng đế"...
Cái giá của giá rẻ là... "bánh vẽ"
Trước khi đến mục sở thị các dự án thuộc dạng "có tiếng" của công ty cổ phần Bất động sản AZ (AZ Land) ở Hà Nội, chúng tôi đã được trực tiếp nghe những lời trăn trở của những "thượng đế" lỡ sa chân vào các dự án "bánh vẽ" của AZ Land mà họ đã mua bằng đồng tiền mồ hôi nước mắt.
Những dự án dang dở của AZ Land đang cần cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ. |
Anh Chu Quốc Thanh, một "nạn nhân" của AZ Land bức xúc trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật về quá trình mua nhà từ dự án của công ty này cho biết rằng: "Vào năm 2010, tôi được một chuyên viên là trưởng phòng kinh doanh của AZ Land quảng cáo về dự CT1 Vân Canh, Hoài Đức, dù lúc đấy dự án vẫn còn trên giấy tờ. Do giá rẻ nên người ta đua nhau đăng ký đặt cọc nhiều lắm, vì chủ đầu tư tổ chức động thổ khá long trọng và đưa ra những hình ảnh long lanh của dự án trong nay mai. Dự án CT1 đó huy động vốn từ rất nhiều khách hàng như tôi, từ cuối năm 2009 đến đầu 2010, nhưng mãi đến năm 2011 mới bắt đầu khởi công, đến lúc xong phần cọc lại bỏ hoang một năm dù trong hợp đồng nhà đầu tư cam kết đến quý IV năm 2012 giao nhà".
Theo tìm hiểu của PV, dự án CT1 Vân Canh đã bỏ hoang từ tháng 8/2011 đến tháng 9/2013. Sau đó, do gánh chịu nhiều áp lực từ khách hàng cũng như báo giới, AZ Land đành phải thông tin rằng: Dự án chưa đủ điều kiện để chuyển thành hợp đồng mua bán, chưa có giấy phép xây dựng, chưa báo cáo với sở Xây dựng danh sách khách hàng?! Theo động thái mới nhất, vào ngày 12/5/2014, AZ Land đã đổi tên dự án CT1 thành "Number One" và để lấy lòng tin từ khách hàng, công ty này đã đưa chính sách nộp tiền nhà qua Agribank. Thế nhưng, theo anh Thanh, "tiền thì đã đóng liền mấy đợt nhưng công trình vẫn nằm im, chỉ có vài công nhân đến công trình".
Tìm hiểu ra, dự án CT1 Vân Canh không chỉ là cái "bánh vẽ" duy nhất của AZ Land mà vẫn còn những "bánh vẽ" khác như: CT2 Vân Canh (Hoài Đức, Hà Nội); Khối công trình dang dở Lâm Viên (nằm trên đường Nguyễn Phong Sắc, Cầu Giấy, Hà Nội) mà theo lời những người dân xung quanh, dự án đã ngừng thi công gần hai năm nay; rồi Bright City (Hoài Đức, Hà Nội), dự án mà PV trực tiếp tham quan mới đây nhất, thì máy móc lưa thưa, ngổn ngang và hầu như chưa xây xong phần móng. Cuối cùng là AZ sky Định Công (Hoàng Mai, Hà Nội) đã từng bị khách hàng "tố", chủ đầu tư huy động vốn khi chưa có giấy phép xây dựng (huy động vào cuối năm 2009 nhưng đến giữa tháng 8/2010 thì mới có quyết định của UBND TP.Hà Nội về việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất cho AZ sky)...
Theo lời ông Mai Quốc Huy, một khách hàng mua dự án Vân Canh CT2 của AZ Land, đang sống tại Lê Văn Hưu, Hà Nội thì: "Gia đình chúng tôi bỏ hơn 4 tỉ đồng vào dự án này. Trước khi mua, họ quảng cáo nhiều lắm, bán với giá rẻ hơn thị trường đến 2 triệu đồng/m2 và còn hứa, ký hợp đồng đặt cọc sẽ được ký hợp đồng mua nhà, nhưng đợi mãi công trình vẫn chưa khởi công. Bây giờ chuyển cho chúng tôi sang dự án Bright city, dự án này cũng chưa khởi công. Từ cam kết mua nhà ở thương mại, bây giờ chuyển thành nhà ở xã hội, giá thì không đổi".
Vì các căn nhà giá rẻ mà những khách hàng như anh Thanh, ông Huy cũng như nhiều khách hàng khác đã bị AZ Land cho ăn... "bánh vẽ". Dù chỉ là những hợp đồng đặt cọc trên giấy tờ, nhưng bằng nhiều thủ thuật, chiêu trò, công ty bất động sản này vẫn luôn "dắt mũi" được khách hàng với những niềm tin "viển vông" vào dự án...
Sử dụng chiêu trò qua mắt "thượng đế"
Vậy AZ Land xuất hiện từ đâu và thực sự năng lực của công ty này đến đâu không phải là câu hỏi quá khó để trả lời. Qua quá trình tìm hiểu, PV nhận được thông tin, trái ngược với hình ảnh trên trang mạng thông tin là một công ty bất động sản được thành lập từ những cá nhân am hiểu bất động sản, có uy tín cao trong ngành, AZ Land thực chất chỉ là một công ty do ông Bùi Viết Sơn, Hiệu trưởng trường Công nghệ Bách khoa Aptech cùng bạn bè lập nên để tranh thủ đầu tư vào bất động sản trong thời điểm mà đầu tư vào đất ở Hà Nội đang "hái ra tiền".
Theo điều tra của PV, với mỗi dự án, AZ Land lập ra một công ty con đứng ra để ký kết hợp đồng góp vốn với nhà đầu tư đến mua nhà như: Công ty bánh kẹo Thăng Long đối với dự án Bright city; Công ty đầu tư và phát triển nhà ở Thái Sơn Hà Nội với dự án Vân Canh CT2... Việc lập ra các công ty con được nhiều người ví như một phần đánh lạc hướng các khách hàng, một phần muốn "dựa hơi" những tập đoàn bất động sản lớn có uy tín để "thổi phồng" dự án của mình và dễ dàng bán "bánh vẽ" cho người dân đang chạy theo xu hướng nhà đất mà chưa kịp tìm hiểu chủ đầu tư.
Có thể kể đến là vụ việc lùm xùm khi AZ Land ngang nhiên sử dụng hình ảnh về dự án và thực hiện việc bán bất động sản "trên giấy tờ" đối với dự án Vân Canh CT2 - lúc này vẫn thuộc sự quản lý của Tổng công ty đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) nay là tập đoàn Phát triển Nhà và đô thị Việt Nam mà chưa được sự cho phép.
Anh Nguyễn Thành Trung, một khách hàng khác của dự án Vân Canh CT2 (nay đã được chuyển về dự án Bright City) cho biết: "Lúc lên ký kết hợp đồng, chủ đầu tư chỉ cho một nhân viên kinh doanh ra làm hợp đồng. Đóng tiền rồi, hợp đồng vẫn niêm phong với lý do là sợ khách hàng chuyển nhượng lại cho người khác. Nhưng, thực chất khi ấy chỉ có hợp đồng đặt cọc chứ không có bất cứ giấy tờ gì về dự án cũng như giấy phép của dự án".
Hợp đồng góp vốn đó bây giờ không khác gì "giấy lộn" bởi theo lời anh Thanh, khách hàng mua dự án CT1 nêu ở trên cho biết: "Nhân viên kinh doanh không chịu giải quyết trả lại tiền, mà cho rằng, thời hạn hợp đồng đã hết lâu rồi, bên công ty không còn giá trị nữa nên công ty cũng không có trách nhiệm chi trả, kèm theo đó là những lời lẽ thách thức và khẳng định sẽ không trả lại tiền".
Việc thực hiện hợp đồng góp vốn với khách hàng là một nước đi đầy toan tính và khôn ngoan của AZ Land bởi vì đây là hình thức hợp đồng cùng góp vốn đầu tư giữa chủ đầu tư và khách hàng, "được thì hưởng mà chết thì chết chung". Tiền thì cũng đã bỏ vào rồi nhưng dự án vẫn "nằm yên", lãnh đạo công ty thì "bặt vô âm tín". Cơ sở công ty thì liên tục thay đổi từ 58 Trần Thái Tông (Hà Nội) sang phố Sơn Tây, khách hàng tìm đến thì chỉ gặp nhân viên bảo vệ và kế toán!?
Cùng với nghi vấn sử dụng nguồn vốn đầu tư sai mục đích cộng với việc liên tục trì hoãn thi công, dường như AZ Land đang muốn "đem con bỏ chợ". Vẫn biết, khách hàng đã lỡ tin và dám theo đầu tư thì phải chịu trách nhiệm nhưng với cái cách mà lãnh đạo doanh nghiệp này "moi tiền" từ khách hàng, không biết đã đem đi đâu, vẫn đang rất cần cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ.