+Aa-
    Zalo

    Thực hiện hóa giấc mơ làm bố, làm mẹ của cặp vợ chồng người dân tộc thiểu số

    (ĐS&PL) - Vượt qua các khó khăn, nhiều cặp vợ chồng người đồng bào hạnh phúc khi có thêm cơ hội “tìm con”.

    Mòn mỏi chờ con

    5 năm vừa qua, trong hành trình tìm con của gia đình vợ chồng chị Nguyễn Thị Phương (sinh năm 1997) và anh Nguyễn Văn Châm (sinh năm 1993), quê ở huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang gặp không ít trở ngại về kinh tế. Đôi vợ chồng trẻ chưa có đủ điều kiện hiện thực hóa giấc mơ đón con yêu đầu lòng, trong nhiều năm khắc khoải mong chờ.

    Năm 2019, cô gái người dân tộc Nùng và chàng trai người Tày nên duyên vợ chồng, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn để vun đắp một hạnh phúc trọn vẹn.

    Gia đình anh Châm thuộc diện có hoàn cảnh khó khăn trong xã, cả gia đình 4 thế hệ sống trong căn nhà sàn mái lá đơn sơ. Bà nội tuổi đã cao, bố anh Châm mất sớm, mẹ mắc bệnh hiểm nghèo từ năm 2018, vợ chồng anh Châm cùng gia đình anh trai nuôi thêm 2 người em họ con nhà chú ruột khi hai em không còn nơi nương tựa.

    Cặp vợ chồng trẻ 5 năm mong mỏi có mụn con

    Cặp vợ chồng trẻ 5 năm mong mỏi có mụn con

    Gánh nặng kinh tế đè nặng, vợ chồng anh Châm rời quê hương xuống Bắc Ninh làm công nhân để có thu nhập gửi về nhà hỗ trợ gia đình. Mặc dù đã hiếm muộn 5 năm nhưng chưa 1 lần hai vợ chồng đi thăm khám sức khỏe sinh sản, họ gác lại giấc mơ tìm con để dành dụm kinh tế cho vợ chồng anh trai đi khám và can thiệp hỗ trợ sinh sản trước.

    Anh trai anh Châm cũng hiếm muộn bởi hai vợ chồng mang gen bệnh lý Tan máu bẩm sinh – Thalassemia. Năm 2023 vợ chồng anh trai xuống Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội thăm khám và thực hiện hỗ trợ sinh sản IVF kết hợp sàng lọc phôi, cuối cùng niềm hạnh phúc đã đến với gia đình khi giờ đây vợ chồng anh trai đã đón được con một cô công chúa nhỏ 7 tháng tuổi.

    “Nhìn thấy gia đình anh trai mình hạnh phúc khi được làm cha mẹ, 2 vợ chồng càng thêm phần khát khao được lắng nghe tiếng khóc, tiếng cười con yêu của riêng mình”, cặp vợ chồng trẻ chia sẻ.

    Với đồng lương công nhân ít ỏi, không có tiền tích lũy, 2 vợ chồng may mắn biết đến chương trình “tìm con” miễn phí. Tháng 5/2024, chị Phương anh Châm xuống viện bắt đầu thăm khám và làm hồ sơ xét duyệt chương trình miễn phí 100% chi phí thực hiện IVF.

    Sau khi nhận hồ sơ, thẩm định và đến trực tiếp địa phương để tìm hiểu hoàn cảnh gia đình, Bệnh viện đã quyết định trao gói hỗ trợ miễn phí 100% chi phí thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) cho vợ chồng anh chị.

    "Tin tưởng vào chất lượng chuyên môn, cùng tấm lòng nhân ái của các bác sĩ Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội nên vợ chồng em quyết tâm xuống viện thăm khám, nộp hồ sơ xét duyệt đúng dịp Tuần Lễ Vàng.

    Thật may mắn là gia đình em được nhận gói hỗ trợ miễn phí 100% chi phí thực hiện IVF, vợ chồng em mừng lắm, không dám tin vào sự thật này. Cảm ơn Bệnh viện rất nhiều!", chị Phương chia sẻ.

    Hao mòn 12 năm tìm con

    Trong hoàn cảnh tương tự gia đình chị B Nướch Thị Tron (sinh năm 1988) và anh Phan Đình Thắng (sinh năm 1990), quê Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, cũng mòn mỏi trên con đường tìm con yêu tận 12 năm.

    Chị Tron là người dân tộc Cơ-Tu, anh Thắng là người dân tộc Kinh. Năm 2012, sau một thời gian tìm hiểu, chị Tron và anh Thắng tiến tới hôn nhân và về chung một nhà.

    Năm 2013, một năm sau kết hôn, chị Tron có thai tự nhiên. Niềm vui này tưởng chừng đã mang hạnh phúc trọn vẹn đến với gia đình anh chị thì không may đến tuần thứ 8 của thai kỳ, chị Tron bị sảy thai để lại nỗi buồn tủi và đau đớn cho hai vợ chồng.

    Gia đình khó khăn, hai vợ chồng sinh sống bằng nguồn thu nhập từ công việc đồng áng và làm thuê. Ai thuê gì làm nấy, những ngày nắng ráo anh Thắng xin đi thu hoạch cây keo thuê cho chủ vườn với số tiền công 150.000 đồng/ngày.

    Hành trình 12 năm tìm con vất vả

    Hành trình 12 năm tìm con vất vả

    Còn ngày mưa, hai vợ chồng gần như không có thu nhập mà chỉ trông vào 3 sào ruộng của gia đình, chi tiêu tiết kiệm cũng chỉ đủ sống qua ngày.

    Năm 2014, sau khi dành dụm được số tiền ít ỏi, hai vợ chồng quyết định ra Hà Nội thăm khám sức khỏe sinh sản và được bác sĩ cho thuốc về điều trị, chờ có thai tự nhiên.

    Nhưng thời gian đó, chị Tron và anh Thắng vẫn không thấy có tiến triển. Lo lắng, sốt ruột là vậy nhưng điều kiện kinh tế không cho phép nên anh chị cũng chưa thể thăm khám thêm lần nào.

    Sinh sống tại xã miền núi, anh Thắng chưa có điều kiện được tiếp cận các phương pháp hỗ trợ sinh sản cũng như điều kiện kinh tế cũng là một trở ngại khiến giấc mơ con yêu ngày càng xa dần với hai vợ chồng.

    Cuối năm 2023, nghe được người quen cùng xã đã đón con yêu thành công tại Hà Nội, vợ chồng anh chị có thêm niềm tin và quyết tâm ra Hà Nội thăm khám thêm lần nữa.

    Trong lần xuống thăm khám lần này, những giọt nước mắt nghẹn ngào đã rơi, những niềm hi vọng mới lại được thắp sáng, trên khuôn mặt đôi vợ chồng người đồng bào và mong đón được con yêu về nhà sau hơn 1 thập kỷ hiếm muộn mong con.

    Trong buổi lễ công bố và trao quyết định 15 ca thụ tinh trong ống nghiệm miễn phí 100% và các chương trình xét duyệt miễn phí khác, Ths.BS Lê Thị Thu Hiền, Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội chia sẻ, tính đến thời điểm hiện tại đã có hơn 50 gia đình được nhận hỗ trợ IVF miễn phí với 60 em bé chào đời khỏe mạnh. Đó là niềm vui, niềm hạnh phúc và cũng là động lực để bệnh viện duy trì chương trình và tiếp tục đưa ra những hỗ trợ khác trong những năm tới.

    “Càng điều trị và hỗ trợ sinh sản cho các cặp vợ chồng hiếm muộn, chúng tôi càng đồng cảm và chia sẻ với những khó khăn mà họ phải đối mặt. Dù trong hoàn cảnh nào, khát khao tìm con của họ cũng chưa bao giờ tắt.

    Chứng kiến điều đó, chúng tôi càng nỗ lực hơn nữa trong công tác chuyên môn thăm khám điều trị mà còn làm tốt vai trò hỗ trợ cộng đồng, vì sứ mệnh ươm thêm những mầm sống mới cho các gia đình hiếm muộn mong con", BS Lê Thị Thu Hiền chia sẻ.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/thuc-hien-hoa-giac-mo-lam-bo-lam-me-cua-cap-vo-chong-nguoi-dan-toc-thieu-so-a437407.html
    Sự kiện: Hiếm muộn
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan