Người đàn ông nhập viện vì món đồ cực quen thuộc
VietNamNet đưa tin, ông N.T.K (47 tuổi) vào cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng trong tình trạng đau bụng dữ dội.
Theo gia đình, khi ăn cơm xong, bệnh nhân sử dụng tăm và vô tình nuốt vào. Sau đó, ông xuất hiện dấu hiệu đau bụng. Người bệnh cố chịu đựng nhưng tình trạng đau tăng lên nên đến bệnh viện.
Qua chụp X-quang, bác sĩ phát hiện trong dạ dày của ông K. có dị vật tăm tre cắm sâu vào thành môn vị. Bệnh nhân được nhập viện theo dõi dị vật tiêu hóa.
Các bác sĩ đã hội chẩn và chỉ định nội soi gây mê, gắp thành công dị vật tăm tre dài 4cm, đầu nhọn cắm sâu vào dạ dày. Sau đó, bệnh nhân ổn định sức khỏe và được kê đơn điều trị ngoại trú.
Theo các bác sĩ khoa Thăm dò chức năng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng, nuốt tăm tre và bị tăm đâm thủng ruột là tai nạn thường gặp. Nhiều bệnh nhân có thói quen ngậm tăm lúc ngủ nên nuốt nhưng không biết.
Nếu không xử trí kịp thời, người bệnh có nguy cơ bị các biến chứng như chảy máu, loét hay nặng hơn là thủng đường tiêu hóa. Tăm tre có thể đâm xuyên vào các tạng khác trong ổ bụng gây áp xe, ổ viêm, khối u hoặc đâm thủng ruột và dịch chảy vào ổ bụng dẫn tới viêm phúc mạc, nhiễm trùng, nhiễm độc…
Tăm nhọn lại thuộc chất gỗ không bị phá hủy, ăn mòn nên trôi dạt đến đâu nguy hiểm tới đó. Vì vậy, sau khi ăn uống, nếu dùng tăm xỉa răng, người dân nên tập trung chú ý khi thực hiện các động tác, tránh lơ đãng, không nên ngậm trong miệng để nói chuyện hoặc làm việc khác. Tạo thói quen sử dụng chỉ nha khoa thay thế tăm trong sinh hoạt hằng ngày.
Đặc biệt với người già và trẻ nhỏ, phản xạ nhai nuốt kém hơn cần cẩn trọng. Khi rơi vào các trường hợp như đau bụng âm ỉ kéo dài không giảm, người dân cần đến bệnh viện cấp cứu để bác sĩ thăm khám, chẩn đoán và có hướng điều trị kịp thời.
Gầy sụt cân, bé 7 tuổi được phát hiện nhiễm sán dây chuột
Theo báo Tin Tức, gần đây, cháu N.Q (7 tuổi) xuất hiện triệu chứng ăn kém, rối loạn tiêu hóa không thường xuyên, gầy sụt cân, được gia đình đưa đến Bệnh viện Đặng Văn Ngữ (Viện Sốt rét - Côn trùng - Ký sinh trùng Trung ương) để khám sức khỏe.
Qua kết quả xét nghiệm của cháu Q., các bác sĩ đã phát hiện có trứng sán dây nhỏ Hemynolepis trong mẫu phân. Bệnh nhi được chẩn đoán mắc bệnh sán dây nhỏ Hymenolepiasis (hay còn gọi sán dây chuột).
Bác sĩ Văn Thị Thơ - Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh và Thăm dò chức năng Bệnh viện Đặng Văn Ngữ cho biết: “Bệnh nhân mắc bệnh có thể do đã nuốt phải trứng sán dây nhỏ có trong ngũ cốc đã nấu sẵn, các loại thực phẩm, nước uống hoặc bàn tay có nhiễm trứng sán hoặc ấu trùng chưa trưởng thành có trong các loại động vật gặm nhấm (chuột), động vật chân đốt như gián hoặc mọt cám có trong ngũ cốc…”.
Cũng theo bác sĩ Văn Thị Thơ, tại Việt Nam cũng đã phát hiện nhiều trường hợp trẻ em bị nhiễm sán; bệnh thường diễn biến âm thầm nên dễ bị bỏ qua.
Khi bị nhiễm nguồn lây sán, bệnh thường diễn tiến âm thầm. Tuy nhiên có những trường hợp nhiễm số lượng sán nhiều; bệnh nhân sẽ có các triệu chứng bệnh.
“Khi người nuốt phải trứng sán, hoặc ăn phải thực phẩm như mọt cám nhiễm sán dây nhỏ, mầm bệnh sẽ vào dạ dày, khu trú và gây bệnh ở nhung mao của ruột non, hồi tràng phá vỡ nhung mao ruột gây các triệu chứng về đường tiêu hóa như đau bụng thượng vị, quanh rốn… chán ăn, mệt mỏi, gầy sút cân, ngứa vùng thân dưới… Đôi khi có các dấu hiệu thần kinh như mất ngủ, chóng mặt, co giật”, bác sĩ Văn Thị Thơ cho biết.
Để phòng tránh bệnh sán dây nhỏ Hymenolepiasis, bác sĩ khuyến cáo, người dân cần rửa tay sạch sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và trước khi chuẩn bị thức ăn cho trẻ. Bên cạnh đó, cha mẹ cần dạy trẻ rửa tay đúng cách.
Ở những nơi có nguy cơ không đảm bảo vệ sinh, khi ăn trái cây, người dân cần gọt vỏ trái cây hoặc rửa bằng nước an toàn như nước khử trùng, nước đóng chai, nước đun sôi hoặc nước lọc; cần nấu chín rau và thực phẩm trước khi ăn.
Người đàn ông phát bệnh dại sau 2 tháng bị chó lạ cắn
Tạp chí Tri Thức dẫn thông tin từ Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh (CDC) Hải Dương cho hay, nạn nhân là ông V.V.T. (49 tuổi), bị chó lạ cắn nhưng không đi tiêm phòng.
Theo lời gia đình, khoảng hơn 2 tháng trước, ông T. bị một con chó lạ cắn vào lòng bàn tay trái. Dù được gia đình và nhân viên y tế nhắc nhở tiêm phòng dại, ông T. vẫn chủ quan không đi.
Đến chiều 16/6, nạn nhân bắt đầu có biểu hiện tê cánh tay trái. Một ngày sau, ông T. đi kiểm tra tại phòng khám địa phương do cánh tay trái tê nhiều hơn kèm thêm triệu chứng buồn nôn, người mệt mỏi, chán ăn.
Ngày 18/6, ông cùng vợ lên Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) khám và được theo dõi mắc bệnh dại. Một ngày sau, bệnh nhân được chuyển sang Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và nhận kết quả chẩn đoán mắc dại. Đến sáng 20/6, ông T. không qua khỏi.
Theo ThS.BS Hoàng Văn Huỳnh - Phó giám đốc CDC Hải Dương, từ 2016 đến nay, địa phương này ghi nhận 6 trường hợp không qua khỏi vì bệnh dại.
Dại là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus gây ra, chủ yếu lây truyền từ chó, mèo bị nhiễm bệnh cắn, cào người hoặc khi động vật liếm vào da, niêm mạc đang bị tổn thương.
Hiện, y học vẫn chưa có biện pháp điều trị đặc hiệu với người nhiễm virus dại đã phát bệnh. Khi người nhiễm virus dại xuất hiện triệu chứng, tỷ lệ không qua khỏi lên tới 100%.
Bệnh dại có quá trình ủ bệnh rất phức tạp, có thể chỉ trong vòng từ 7 - 10 ngày nhưng cũng có thể kéo dài trên 1 năm, phụ thuộc vào mức độ nặng, nhẹ và vị trí vết cắn của động vật. Vết thương càng sâu, càng gần khu vực thần kinh trung ương thì thời gian ủ bệnh càng ngắn. Do vậy, tâm lý chủ quan là điều rất nguy hiểm.
"Khi đã nhiễm virus dại, cách điều trị dự phòng duy nhất là thực hiện các biện pháp xử lý tại vết thương nhằm loại bỏ bớt virus dại và ngay lập tức tiêm vaccine hoặc huyết thanh kháng dại càng sớm càng tốt”, Phó giám đốc CDC Hải Dương cho hay.