Thông tin trên báo Vietnamnet, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc làm việc của Thường trực Chính phủ với Ban Chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) Việt Nam về tình hình hoạt động của Hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp SME và các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Hiệp hội SME cho hay, thời gian qua, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và các tác động từ tình hình thế giới khác, đơn hàng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ sụt giảm, đầu ra khó khăn, chi phí nguyên, nhiên, vật liệu vẫn cao… ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp SME.
Vì thế theo ông, ngoài những biện pháp Chính phủ, bộ ngành đã triển khai vừa qua như giảm thuế, giãn hoãn nợ, phí, Ngân hàng Nhà nước cần điều hành chính sách tiền tệ nới lỏng hơn qua tăng cung tiền, tăng tín dụng, giảm lãi suất và nới điều kiện cho vay để vốn vào sản xuất kinh doanh.
Báo Vietnamnet dẫn lời Thủ tướng Phạm Minh Chính: "Doanh nghiệp, ngân hàng cần lắng nghe, chia sẻ nhiều hơn, có trách nhiệm và cùng nhau gỡ khó khăn. Ngân hàng phải đặt mình vào địa vị doanh nghiệp và ngược lại". Thủ tướng nói và yêu cầu các địa phương vào cuộc cùng ngân hàng, doanh nghiệp tháo gỡ từng lĩnh vực, dự án.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 6, dư nợ tín dụng tăng hơn 4,7%, mới đạt 1/3 kế hoạch năm nay 14-15%. Trong đó, dư nợ với doanh nghiệp vừa và nhỏ gần 2,3 triệu tỷ đồng, tăng xấp xỉ 4% so với cuối 2022 và bằng 18,5% dư nợ nền kinh tế.
Lãi suất huy động tại các ngân hàng thương mại giảm bình quân 0,7%, còn mặt bằng lãi suất vay đã hạ 1% so với cuối năm ngoái sau 4 đợt điều chỉnh lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước.
Trước kiến nghị của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho hay, các tổ chức tín dụng đang tích cực giảm lãi suất và hiện mặt bằng lãi suất bình quân giảm khoảng 1% so với cuối năm 2022. Do chính sách có độ trễ nên các ngân hàng sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới.
"Để hạ lãi suất là cố gắng của Ngân hàng Nhà nước vì phải chèo lái, phối hợp đồng bộ các công cụ chính sách để ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối và an toàn hoạt động ngân hàng", Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói.
Về tiếp cận tín dụng, bà cho hay, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng rà soát thủ tục vay vốn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn, nhưng vẫn phải đảm bảo theo quy định pháp luật. Vừa qua cơ quan quản lý ban hành Thông tư 02 cho phép các ngân hàng cơ cấu thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ với khách hàng, theo bà Hồng, là một cách tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay vốn.
Liên quan các gói tín dụng ưu đãi, Thủ tướng đề nghị ngành ngân hàng thúc đẩy gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho lĩnh vực nhà ở xã hội, 10.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp gỗ và lâm sản.
Chính phủ sẽ rà soát lại các quỹ, nghiên cứu các giải pháp hỗ trợ về đào tạo nhân lực, cơ chế ưu tiên cho doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển các lĩnh vực mới như đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ.
Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, triển khai các gói tín dụng để kích cầu tiêu dùng. Bộ Kế hoạch & Đầu tư rà soát các quy định để giao các dự án đầu tư hạ tầng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Về những khó khăn liên quan tới đơn hàng, Bộ Công Thương đẩy mạnh xúc tiến thương mại, phát huy hiệu quả các FTA và đàm phán các FTA mới, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng, nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa, VnExpress đưa tin.
Vân Anh(T/h)