+Aa-
    Zalo

    Thủ tướng: Việc đến tay thì phải làm để thúc đẩy phát triển

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Thủ tướng chỉ rõ cơ hội đầu tư bị bỏ lỡ khi nhà đầu tư và doanh nghiệp phải chờ đợi, trong khi người có quyền quyết định không dám ký vì sự rủi ro.

    Cho rằng có tâm lý sợ rủi ro của người ra quyết định phê duyệt, Thủ tướng chỉ rõ cơ hội đầu tư bị bỏ lỡ khi nhà đầu tư và doanh nghiệp phải chờ đợi, trong khi người có quyền quyết định không dám ký. Tình trạng này đang làm giảm động lực tăng trưởng kinh tế. Những sai phạm trong quá khứ cần tiếp tục được xử lý quyết liệt nhưng việc đến tay thì phải làm để thúc đẩy phát triển.

    Thủ tướng chủ trì phiên họp Chính phủ tháng 7/2019. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

    Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh điều này khi kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2019 vào chiều 1/8.

    Đánh giá cao 33 ý kiến phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng tóm tắt lại một số điểm về tình hình kinh tế - xã hội trong tháng 7 và 7 tháng, trong đó có những điểm sáng, mặt được chủ yếu và các tồn tại, bất cập.

    Cụ thể, tiêu dùng tăng mạnh, thể hiện mức sống của người dân tăng. Đầu tư xã hội gia tăng (đạt 34% GDP), là nguồn lực quan trọng cho phát triển, trong đó có xu hướng tốt là các doanh nghiệp trong nước tham gia đầu tư mạnh hơn. Thu chi ngân sách Nhà nước diễn biến theo chiều hướng tích cực, tăng 12% so với cùng kỳ. Chi thường xuyên tăng thấp so với cùng kỳ, nhưng chi đầu tư phát triển giảm, chủ yếu do giải ngân đầu tư công chậm, là vấn đề cần chú ý.

    “Qua phân tích hôm nay chúng ta thấy được một số vấn đề lớn, ví dụ như anh Đào Ngọc Dung (Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH) có nói đến 16.500 hộ nghèo chính sách hay 300.000 hộ đồng bào dân tộc trong đề án mà anh Đỗ Văn Chiến (Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc) trình bày là không có đất sản xuất”, Thủ tướng phát biểu và đánh giá cao các Bộ đã nắm kỹ tình hình, “chỉ khi nắm kỹ tình hình, không quan liêu, sát dân, sát cơ sở để có biện pháp sát đúng rất quan trọng, còn anh nắm chung chung đại khái thì không bao giờ chính sách sát thực tiễn”.

    Thủ tướng cũng lưu ý các rủi ro, thách thức từ bên ngoài mà các tổ chức quốc tế cảnh báo như sự sụt giảm và tăng trưởng chậm lại của kinh tế thế giới và các nước lớn, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc diễn biến phức tạp, rủi ro địa chính trị, biến đổi khí hậu và dịch bệnh diễn biến khó lường. Những rủi ro này có tác động đối với thương mại (có thể là tiêu cực trong ngắn hạn đối với xuất khẩu), đầu tư và áp lực lạm phát của Việt Nam.

    Về thách thức từ nội tại, Thủ tướng nêu rõ áp lực lạm phát tăng vẫn hiện hữu trong năm 2019 nên không thể chủ quan. “Nếu không khéo kiểm soát tốt, không khéo phối hợp chính sách tốt, đặc biệt là truyền thông giải tỏa tâm lý lạm phát, khả năng CPI bình quân tăng đến 4% trong năm 2019 hoàn toàn có thể xảy ra”, Thủ tướng lưu ý. Sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng trưởng song không tích cực như cùng kỳ năm 2018. Sự sẵn sàng đón dòng đầu tư mới, công nghệ cao còn chậm trễ.

    Giải ngân vốn đầu tư công là điểm yếu hiện nay, 7 tháng mới đạt khoảng 35% kế hoạch, đặc biệt giải ngân vốn đầu tư nước ngoài chỉ đạt khoảng 14% nên “phải tìm đột phá cho khâu yếu này”, Thủ tướng nhắc nhở và cho biết sẽ công bố từng bộ, địa phương chậm trễ trong giải ngân tại phiên họp sau.

    Tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, gian lận xuất xứ cần xử lý nghiêm, trong đó có hành vi lợi dụng “Made in Việt Nam” mà không phải hàng Việt Nam.

    Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kết luận phiên họp. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

    Thủ tướng cũng lưu ý một số vấn đề xã hội gây búc xúc thời gian qua, nhất là tai nạn giao thông nghiêm trọng gia tăng, dịch bệnh sốt xuất huyết tăng nhanh, đầu tư tiền ảo đa cấp, tệ nạn ma túy đá, đánh bạc qua mạng...

    Định hướng một số vấn đề trong chỉ đạo điều hành từ nay đến hết năm 2019, Thủ tướng nêu rõ quyết tâm hoàn thành tất cả các chỉ tiêu năm 2019, tăng trưởng GDP phấn đấu đạt 6,8%; kiểm soát lạm phát dưới 4%. “Càng khó khăn thì ý chí vượt khó của chúng ta, quyết tâm của chúng ta càng cao, không thoái chí” để hoàn thành toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2019.

    Cần sự hỗ trợ quyết liệt của lãnh đạo địa phương triển khai các dự án mới, các dự án đang vướng mắc. Cho rằng có tâm lý sợ rủi ro của người ra quyết định phê duyệt, Thủ tướng chỉ rõ cơ hội đầu tư bị bỏ lỡ khi nhà đầu tư và doanh nghiệp phải chờ đợi, trong khi người có quyền quyết định không dám ký. Tình trạng này đang làm giảm động lực tăng trưởng kinh tế. Những sai phạm trong quá khứ cần tiếp tục được xử lý quyết liệt nhưng việc đến tay thì phải làm để thúc đẩy phát triển.

    Cần đề xuất với Chính phủ, với Thủ tướng các phương án để khắc phục tình trạng chồng chéo, thiếu thống nhất, thiếu nhất quán, không rõ ràng của các văn bản pháp luật và các cơ chế chính sách. Thủ tướng cho biết các chuyên gia, nhà khoa học đã có khuyến nghị và ông đã chuyển cho Văn phòng Chính phủ để sớm phối hợp với Bộ Tư pháp, các Bộ liên quan đề xuất với Thủ tướng.

    Cần rà soát lại các điều kiện kinh doanh, các giấy phép con còn núp bóng đâu đó gây cản trở. Cần thực hiện nghiêm Chỉ thị 20 của Thủ tướng về cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành và cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh. Các Bộ trưởng cần chủ động quyết liệt việc này.

    Xây dựng hành lang pháp lý, định hướng hỗ trợ doanh nghiệp tăng năng lực ứng dụng thành quả cách mạng công nghiệp 4.0; sớm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để phát triển kinh tế số, kinh tế chia sẻ, quản lý tài sản ảo, tiền ảo, công nghệ tài chính (Fintech), thanh toán điện tử, mô hình kinh doanh mới.

    Bám sát, cập nhật, đánh giá đầy đủ tác động của căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc, đưa ra giải pháp, kịch bản kịp thời và phù hợp. Đẩy nhanh tiến độ hiệu lực và tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết, nhất là CPTPP, EVFTA...; tập trung phát triển thị trường trong nước. Tập trung khuyến khích việc đẩy mạnh sự phát triển của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, nâng tầm quan trọng của kênh này để bổ sung cho kênh tín dụng ngân hàng.

    Theo dõi, đánh giá tình hình thị trường chứng khoán, tăng cường theo dõi, đánh giá dòng vốn đầu tư (nhất là đầu tư gián tiếp qua kênh thị trường chứng khoán) để kiểm soát rủi ro “chảy vốn” và rủi ro lan truyền.

    Ảnh: VGP/Quang Hiếu

    Đề nghị triển khai tốt các nhiệm vụ được giao tại Đề án tăng cường quản lý Nhà nước về chống gian lận thương mại và gian lận xuất xứ, Thủ tướng nhấn mạnh, kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm khi Hải quan đã phát hiện nhiều mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam nhưng trên sản phẩm bao bì có sẵn nhãn “Made in Việt Nam”.

    Về tái cơ cấu kinh tế, thời gian từ nay đến hết nhiệm kỳ không nhiều, chỉ còn hơn 1 năm, do đó, việc xử lý những bất cập yếu kém của nền kinh tế cần phải tăng tốc hơn ở các bộ, ngành, địa phương.

    Các Phó Thủ tướng phụ trách và các Bộ trưởng tập trung thời gian hơn để xử lý những dự án yếu kém; đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước.

    Đầu tư công tăng chậm đang làm mất đi một động lực cho tăng trưởng ngắn hạn, cũng như khai thông ách tắc cơ sở hạ tầng cho trung và dài hạn. Cần chỉ đạo quyết liệt để giải quyết các rào cản trong giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng nhấn mạnh.

    Theo Báo Chính Phủ

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/thu-tuong-viec-den-tay-thi-phai-lam-de-thuc-day-phat-trien-a286864.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan